Khi Vương quốc Anh bàn giao Hồng Kông lại cho Trung Quốc vào ngày 1 tháng 7 năm 1997, đây là một trong những thành phố tự do và cởi mở nhất Châu Á. Ngày nay, Hồng Kông là một nơi bị kiểm soát gắt gao và người dân luôn sống trong tình trạng lo sợ thấp thỏm. Điều gì đã xảy ra?

Hồng Kông – từ tự do tới toàn trị – nguồng SCMP.com 

Trong mấy năm đầu sau khi được bàn giao, chính quyền Bắc Kinh đã hành xử – ít ra là ở ngoài mặt – một cách chừng mực hợp lý. Nhiều người tỏ ra lạc quan tin rằng nguyên tắc “nhất quốc, lưỡng chế” (một quốc gia, hai chế độ) trong thoả thuận bàn giao sẽ được tồn tại. Nhưng rồi chỉ hơn một thập niên qua, người ta bắt đầu nhận thấy ngày càng rõ hơn bàn tay sắt của Bắc Kinh bắt đầu siết lại. Sau cuộc biểu tình của Phong trào Dù vàng năm 2014 đòi quyền phổ thông đầu phiếu, các quyền tự do bắt đầu bị xói mòn. Các cuộc biểu tình vào năm 2019 gặp phải sự đàn áp tàn bạo của cảnh sát. Và giọt nước cuối cùng tràn ly là việc áp đặt Luật An ninh Quốc gia thật hà khắc cách đây hai năm, xóa bỏ mọi quyền tự do còn sót lại và đưa nhiều nhà cựu lập pháp, nhà báo, thành viên công đoàn và các nhà hoạt động xã hội dân sự vào tù.

Hầu như tất cả các quyền tự do đều bị phá bỏ. Tự do báo chí bị hủy diệt, tự do giáo dục bị chà đạp và tự do tôn giáo bị đe dọa. Hầu hết các nhà hoạt động dân chủ hoặc là trong tù, hoặc lưu vong, hoặc phải cúi đầu im lặng. Một số, như doanh gia truyền thông Jimmy Lai và nhà hoạt động trẻ Joshua Wong, có thể phải nằm tù mãn đời. Thậm chí chế độ cộng sản Bắc Kinh còn bắt luôn cả vị Hồng y đầy đức độ của đạo Công giáo là Joseph Zen năm nay đã 90 tuổi. Nói cách khác, họ bắt bất cứ ai lên tiếng chống đối, đặc biệt là những tiếng nói có ảnh hưởng trong xã hội.

Lý do vì sao chính quyền Bắc Kinh lại thành công một cách dễ dàng và người dân Hồng Kông nay phải im hơi lặng tiếng sau khi đã từng tỏ ra bất khuất trong các phong trào biểu tình trước đó?

Xem thêm:   Dinh Độc Lập biểu tượng tinh thần quốc gia

Theo một bài phân tích của tờ Economist, đây là cả một kế hoạch quy mô đã được chuẩn bị trong nhiều thập niên.

Cảnh sát Hồng Kông đàn áp dã man người biểu tình năm 2019 – nguồn Getty Images

Bắc Kinh chấp nhận đề nghị về “nhất quốc, lưỡng chế” trong thoả thuận bàn giao là vì đảng cộng sản Trung Quốc lúc đó cảm thấy rằng một Hồng Kông hưng thịnh sau khi được chuyển giao sẽ là một nguồn vốn tài chính, thương mại và kinh doanh rất quý giá cho họ. Tuy nhiên, để tận dụng tối đa tình trạng chính trị đặc biệt đó đòi hỏi một Hồng Kông, mặc dù được điều hành bởi một hệ thống pháp lý khác, nhưng trên thực tế phải phù hợp với lợi ích của đảng. Từ rất sớm trước thời hạn bàn giao, Bắc Kinh đã bắt đầu một chiến dịch toàn diện và đầy tham vọng để nắm quyền kiểm soát bí mật các bộ phận quan trọng của chính quyền Hồng Kông và tìm sự hợp tác với giới thượng tầng của thành phố.

Trong thời kỳ cai trị của Anh Quốc, đảng cộng sản được xem là một tổ chức bất hợp pháp tại Hồng Kông. Thậm chí cho đến ngày nay vẫn chưa có sự hiện diện chính thức của đảng trên lãnh thổ này. Nhưng điều đó cũng không ngăn được nỗ lực của đảng âm thầm tuyển dụng và gầy dựng thành viên, theo một vài con số ước tính, hiện có khoảng 400,000 đảng viên bí mật hoạt động tại Hồng Kông, tương đương 5% tổng dân số. Khoảng một nửa trong số đó được sinh ra và lớn lên ở Hồng Kông. Một nửa kia được sinh ra ở đại lục và sau đó di cư tới Hồng Kông.

Cũng theo bài phân tích của tờ Economist, trích dẫn tài liệu từ cuốn sách “Underground Front” (Mặt trận bí mật) của tác giả Christine Loh, một cựu giới chức chính phủ Hồng Kông vào thập niên 2010, ước tính có khoảng 83,000 giới chức đại lục đã đi vào Hồng Kông dưới tên tuổi và danh tính giả trong khoảng thời gian từ năm 1983, khi các cuộc đàm phán về việc bàn giao bắt đầu, cho đến năm 1997 khi bàn giao xảy ra. Sau bảy năm sống ở Hồng Kông, những kẻ xâm nhập này đạt đủ điều kiện để được trở thành thường trú nhân và cho họ quyền được tìm việc làm trong các cơ quan công quyền của Hồng Kông. Ðảng đặt ưu tiên hàng đầu cho cán bộ xâm nhập vào các bộ phận quan trọng của chính quyền như cảnh sát, hải quan và nhập cư để bảo đảm rằng họ có thể nắm được quyền kiểm soát thành phố. Hiểu được điều này người ta sẽ không còn ngạc nhiên khi nhìn thấy cảnh sát Hồng Kông đàn áp dã man người biểu tình năm 2019 vì họ đã có sẵn lực lượng trung thành với đảng rồi.

Cảnh sát bắt giữ doanh gia truyền thông Jimmy Lai và hàng chục nhà hoạt động dân chủ tại Hồng Kông sau khi Bắc Kinh ban hành luật an ninh quốc gia tháng 6 năm 2020 – nguồn AP

Từ nhiều thập niên trước, đảng cộng sản Trung Quốc đã cho thành lập một cơ quan hoạt động bí mật có tên gọi là Ban Công tác Mặt trận Thống nhất Trung ương Ðảng Cộng sản Trung Quốc (United Front Work Department) để cùng làm việc với các cảm tình viên của đảng nhưng không phải là đảng viên. Cho đến nay, ban công tác này vẫn tiếp tục lôi kéo và nuôi dưỡng các cá nhân và tổ chức trên thế giới theo đường hướng của đảng. Mao Trạch Ðông từng gọi ban công tác này là một trong những “vũ khí thần diệu” của đảng cộng sản Trung Quốc.

Xem thêm:   Ăn giựt & ăn gian...

Tiến sĩ Chung Kim-wah, giáo sư môn xã hội học tại Ðại học Bách khoa Hồng Kông và cộng tác với một số tờ báo của Hồng Kông, từng là mục tiêu của ban công tác. Năm 1997, ông mua một căn nhà tại Quảng Châu nơi ông tới nghỉ vào cuối tuần để đọc sách và suy ngẫm. Một giới chức đại lục mà tiến sĩ Chung nghi ngờ là của ban công tác, thường lui tới mời ông đi uống trà hoặc uống bia. Sau khi giới chức này biết tiến sĩ Chung thích bóng đá, ông này đã đưa ông Chung tới một quán bar để vừa ăn nhậu vừa theo dõi các trận đấu Premier League của Anh Quốc để chiêu dụ. Nhiều người dân Hồng Kông cũng có những câu chuyện tương tự về hoạt động lôi kéo, tạo dựng và duy trì quan hệ cũng như trao đổi thông tin như trên.

Những tổ chức xã hội dân sự nào biết tuân thủ vẫn có thể tìm đến ban công tác để xin tiền tài trợ trước và sau khi Hồng Kông được bàn giao. Tính ra, cứ mỗi một tổ chức công đoàn hoặc tờ báo nào ủng hộ cho dân chủ thì đảng bảo đảm rằng họ phải hỗ trợ cho một tổ chức tương đương ủng hộ đường lối của Bắc Kinh, và nếu cần thiết thì cho thành lập một tổ chức hoàn toàn mới. Ðó là lý do tại sao con số các tổ chức xã hội dân sự đầy ấn tượng mà các giới chức thành phố vẫn thường nêu ra với niềm tự hào, nhưng cũng đừng nên lầm tưởng coi đó là dấu hiệu của một xã hội dân sự lành mạnh và phát triển. Rất nhiều trong số đó chỉ đơn giản là những mặt trận hợp pháp hoạt động bí mật của đảng, núp dưới danh nghĩa là những hiệp hội cựu sinh viên học sinh, phòng thương mại và tổ chức du lịch.

Xem thêm:   Chó...

Một số nhà lập pháp trước đây từng ngây thơ bị đưa vào tròng sau khi được mời đến Bắc Kinh họp hành và dự yến tiệc linh đình. Sau đó lại còn được các giới chức của Bắc Kinh đề nghị cho họ tiền, địa vị quyền lực hoặc thậm chí gái gú để đổi lại là sự hợp tác của họ.

Nhìn thấy được mặt trái những âm mưu thâm độc của đảng cộng sản Trung Quốc, năm 1995, tức hai năm trước khi bàn giao Hồng Kông, nhà báo Ching Cheong từng viết một bài đăng trên tờ China Times tại Ðài Loan cảnh báo rằng Bắc Kinh sẽ không giữ lời hứa như trong thoả thuận với Vương quốc Anh. Lúc đó chẳng ai thèm nghe lời cảnh báo này.

Nay Hồng Kông có thể nói là đã bị mất hoàn toàn. Tuy nhiên, vẫn chưa hẳn quá trễ để thế giới mở tai mở mắt ra để đừng bao giờ tin về những lời hứa hẹn của Trung Quốc cho dù đó là những lời hứa hẹn được ký kết hẳn hoi trong những văn bản giấy trắng mực đen như họ đã từng làm trong thoả thuận bàn giao Hồng Kông cách đây đúng 25 năm trước.

VH