Các tin tức liên quan tới kinh tế Trung Quốc trong mùa hè này có thể nói là rất tồi tệ. Và người dân Trung Quốc ngày càng tỏ ra lo ngại hơn cho cuộc sống và sự bảo đảm tài chính tương lai trong thời kỳ hậu Covid.
Các số liệu chính của tháng 7, được công bố vào hôm thứ Ba 8/15, đưa ra bức tranh về một nền kinh tế gần như bị đình trệ. Mức tăng trưởng doanh số bán lẻ đã giảm xuống 2.5% so với một năm trước đó – với chỉ số lạm phát tiêu thụ ở mức âm. Ngành công nghiệp hầu như không tăng trưởng: chỉ ở mức 0.1% so với tháng trước sau khi điều chỉnh. Và các khoản vay mượn mới từ các ngân hàng ở mức thấp nhất kể từ năm 2009. Ðiều này có nghĩa là người dân không tiêu xài và các doanh nghiệp không mượn tiền để đầu tư. Và chính quyền Bắc Kinh đã phản ứng bằng cách cắt giảm hai lãi suất quan trọng – và tuyên bố sẽ ngưng không công bố số liệu thất nghiệp của người trẻ ở Trung Quốc, hiện đang ở mức hơn 20%.
Câu hỏi là sau quý đầu của năm 2023 với đầy hứa hẹn, tại sao mọi thứ lại trở nên tồi tệ nhanh đến như vậy?
Câu trả lời là có rất nhiều tin xấu liên quan tới kinh tế có thể nhìn thấy: xuất cảng giảm, đầu tư nước ngoài cạn kiệt và thị trường việc làm nói chung đang suy yếu trở lại.
Người dân mất niềm tin
Nhưng có lẽ lời giải thích thuyết phục nhất là: Người dân Trung Quốc mất niềm tin về triển vọng thu nhập trong tương lai (do việc làm bấp bênh) cũng như sự an toàn và giá trị của món tài sản quan trọng nhất của họ – căn nhà họ ở (do khủng hoảng thị trường nhà ở). Và trong cả hai trường hợp là do từ những lỗi lầm trong các chính sách gần đây của Bắc Kinh, điều này có thể là lý do khiến các số liệu kinh tế đột nhiên trở thành vấn đề nhạy cảm.
Ðối với nhiều gia đình Trung Quốc, căn nhà vừa là món đầu tư lâu dài, vừa là khế ước bảo hiểm và cũng là tiền tiết kiệm cho hưu trí. Giá nhà đất tăng không ngừng trong nhiều năm qua đã khiến những người trẻ không đủ khả năng để mua và là nguyên nhân dẫn đến nợ nần cao.
Rồi việc chính quyền Bắc Kinh thẳng tay siết chặt nguồn tài chính của các công ty xây dựng và phát triển, sự kiện một trong những công ty xây dựng lớn nhất của Trung Quốc là Hằng Ðại (Evergrande) bị vỡ nợ, và cuộc suy thoái của thị trường nhà ở theo sau đó – nhiều gia đình bị lâm vào cảnh tiền đã bỏ ra ứng trước để xây nhà mà căn nhà có thể không bao giờ được xây – khiến nhiều gia đình bị mất trắng tất cả những gì họ dành dụm trong nhiều năm và do đó mất luôn niềm tin vào nền kinh tế cũng như các chính sách của chính phủ. Trong đó, chính sách “zero-Covid” hà khắc của Bắc Kinh đã đẩy lĩnh vực dịch vụ, nguồn cung cấp chính nhiều công việc làm tốt, vào trong tình trạng bị sa sút nặng nề, và các cuộc đàn áp khá nặng tay đối với lĩnh vực giáo dục và kỹ thuật.
Phản ứng của người dân
Người dân Trung Quốc đã phản ứng lại bằng cách tẩy chay thị trường nhà ở, và cố gắng trả bớt nợ nần, ở quy mô dường như chưa từng có trong lịch sử Trung Quốc gần đây. Theo các số liệu từ trung tâm cung cấp thông tin kinh tế CEIC, các công ty xây dựng Trung Quốc chỉ bán được 60.3 triệu bộ vuông nhà ở trong tháng 7 – là con số thấp nhất trong bất kỳ tháng nào kể từ năm 2012.
Trong khi đó, sau thời gian phục hồi rất ngắn sau Covid, các gia đình lại tập trung vào việc tiết kiệm để phòng ngừa. Khoảng 58% số người được hỏi trong cuộc khảo sát những người gửi tiền sống ở đô thị của ngân hàng trung ương cho biết họ muốn tăng tiền gửi tiết kiệm trong quý hai, giảm nhẹ so với mức 62% của tháng 12 năm 2022 nhưng tăng gần 15% kể từ giữa năm 2019. Chỉ có 24.5% có xu hướng tăng tiêu xài.
Thắt chặt kiểm soát
Tuy nhiên, những rủi ro chưa được biết tới mới đáng lo ngại hơn là những rủi ro đã biết. Trong những tháng gần đây, chính quyền Bắc Kinh đã thắt chặt việc kiểm soát thông tin kinh tế được chia sẻ với công chúng. Luật phản gián mới được sửa đổi để chính quyền có thể khép tội hình sự bất cứ ai chia sẻ những thông tin kinh tế nhạy cảm. Ðối với cái gọi là “nhạy cảm”, ở đây có thể hiểu là tiêu cực. Ðiều không có gì ngạc nhiên khi người ta thấy các nhà phân tích kinh tế Trung Quốc bỗng dưng trở nên kín miệng.
Những điều trên cũng cho người ta hiểu thêm về quyết định của Bắc Kinh khi họ ngừng công bố tỷ lệ thất nghiệp của những người trẻ trong khi họ đưa ra lời biện giải rằng họ cần nghiên cứu thêm về những con số thống kê. Tỷ lệ thanh niên thất nghiệp chính thức của Trung Quốc đã tăng gấp đôi kể từ năm 2019 lên đến 21.3% trong bối cảnh khi lãnh tụ Tập Cận Bình cho áp dụng chính sách “zero-Covid” và ra lệnh đàn áp các công ty thuộc kỹ thuật và một số lĩnh vực khác của Trung quốc mà ông ta cho rằng đang đe dọa đến quyền kiểm soát chính trị của đảng cộng sản.
Hậu quả kinh tế
Các công ty kỹ thuật lớn của Trung Quốc đã mất hơn $1 nghìn tỷ giá trị thị trường và sa thải hàng trăm nghìn nhân viên trong hai năm qua. Trong nhiều năm, chính phủ đã thúc đẩy các ngành công nghiệp được ưa chuộng như bất động sản và xe hơi điện (EV), nhưng những ngành này hiện đang giảm phát. Nhiều trăm công ty khởi nghiệp EV đã bị phá sản trong mấy năm qua.
Nhiều người trẻ Trung Quốc có bằng cấp không thể tìm được việc làm trong các lĩnh vực mà họ chọn theo học và đã rời bỏ lực lượng lao động. Một nhà kinh tế của Ðại học Bắc Kinh phỏng đoán tỷ lệ thất nghiệp của những người trẻ thực sự ở mức 46.5% vào mùa xuân vừa qua nếu tính luôn nhiều triệu người trẻ khác đã ngưng không đi tìm việc làm nữa.
Chính phủ khuyên các sinh viên tốt nghiệp đại học hãy chấp nhận những công việc lao động tay chân lương thấp. Tờ Nhân dân Nhật báo của đảng cộng sản Trung Quốc trong một số báo mới đây đã viết: “Các bạn càng nhiều tham vọng thì các bạn càng cần phải sống với thực tế hơn.” Việc kiểm duyệt số liệu thất nghiệp là nhằm duy trì sự ổn định xã hội trong bối cảnh con số những người trẻ có học thức nhưng bị vỡ mộng trước thực tế ngày càng nhiều, là lớp người có thể trở thành nguồn gốc của tình trạng bất ổn chính trị.
Hậu quả chính trị
Cái giá của sự thiếu minh bạch nói trên là sự mất niềm tin vào thị trường tài chính Trung Quốc. Ðặc biệt là trong thời kỳ kinh tế suy yếu, sự thiếu minh bạch có thể gây ra hoảng loạn về tài chính. Chính quyền Bắc Kinh đang cố tìm cách thu hút thêm đầu tư nước ngoài, nhưng những việc họ đang làm chỉ khiến cho các nhà đầu tư có thêm lý do để bỏ chạy.
Có thể nói tình trạng kinh tế và xã hội Trung Quốc hiện nay là trái bong bóng chỉ chực bể bất cứ lúc nào.
Nếu chính quyền Bắc Kinh không chứng minh được với dân chúng rằng họ vẫn có khả năng thực hiện được những chính sách đúng đắn và thiết thực vì lợi ích của người dân, Trung Quốc có thể bị rơi vào một giai đoạn trì trệ kinh tế kéo dài – và kết quả có thể đưa tới bất ổn chính trị.
VH