Thể thao đại học đang trong một giai đoạn chuyển đổi quan trọng chưa từng xảy ra trước đây mà cuối cùng có thể dẫn đến điều mà một số người coi như là một cuộc thay da đổi thịt không ai nghĩ là có thể xảy ra: trả lương cho các cầu thủ và lực sĩ đại học.

Các khán giả sinh viên cuồng nhiệt, nguồn thu vô tận. nguồn vucommodores.com  

Trong hai năm qua, các cầu thủ/lực sĩ đã giành được nhiều chiến thắng như quyền được tự do đổi trường mà không bị một ràng buộc nào, quyền được ký các hợp đồng quảng cáo và nhận tiền học bổng lên đến $2,990 cho mỗi học kỳ. Bước tiếp theo có thể là các đại học sẽ phân loại và xếp các cầu thủ/lực sĩ vào chung nhóm với nhân viên làm việc cho trường và như vậy trường phải trả lương hoặc chia lời từ những món doanh thu mà họ giúp mang về cho trường.

Những thay đổi trên khiến người ta không khỏi không xem xét đến một mô hình hoạt động tương lai nào đó thực sự sẽ như thế nào trong các môn thể thao đại học. Các đội bóng có thể thành lập các tổ chức công đoàn để điều đình về các điều kiện làm việc và lương bổng với huấn luyện viên của họ hay thậm chí tách rời hẳn thể thao ra khỏi các đại học – là những thay đổi có khả năng gây tác động lớn đối với các môn thi đấu và các trận đấu mà giới hâm mộ sẽ được coi trong một tương lai không xa lắm.

Lời nói bóng bay, những lời hứa cuội của lãnh đạo NCAA – Biếm họa của báo Waco Tribune Herald

Ngành kinh doanh bạc tỷ

Xem thêm:   Facebook có gì ngộ (03/28/2024)

Hiệp hội Thể thao Ðại học Toàn quốc (NCAA) trong nhiều thập niên qua đã tranh đấu không ngừng để bảo vệ một nguyên tắc được đặt ra từ những ngày đầu thành lập về tính cách không chuyên nghiệp của thể thao đại học, được định nghĩa trong nội quy của NCAA như là cuộc tranh tài dành cho các cầu thủ/lực sĩ mà “phần thu lợi không cao hơn chi phí thực tế và cần thiết của anh ấy/cô ấy hoặc đạt được lợi thế mang tính cạnh tranh trong môn thể thao của anh ấy/cô ấy.” Vào thập niên 1950, chủ tịch NCAA lúc ấy là Walter Byers đã đặt ra danh từ “cầu thủ/lực sĩ sinh viên” để phân biệt giữa các cầu thủ/lực sĩ đại học với chuyên nghiệp.

Ðây là cuộc tranh đấu đã ngày càng trở nên khó khăn hơn đối với hiệp hội NCAA để biện minh cho quan điểm của họ trong khi thể thao đại học nay đã trở thành một ngành kinh doanh bạc tỷ trong thế kỷ 21. Với những món tiền khổng lồ được đổ vào các phân khoa thể thao từ các hợp đồng truyền hình béo bở, các trường đại học đã vung tay chi tiêu không một chút đắn đo để xây dựng thêm các cơ sở, nâng cấp sân vận động và trả lương ngày càng cao hơn cho các huấn luyện viên.

Ngành kinh doanh bạc tỷ – nguồn lastwordonsports.com

Nhưng cầu thủ/lực sĩ sinh viên thì không

Trên thực tế, tiền chảy vào túi tất cả mọi người, ngoại trừ các cầu thủ/lực sĩ đang thi đấu trên sân. Nó tạo ra tình cảnh rất không thuận lợi là vì con số những sinh viên tham gia chơi các môn thể thao có tổng thu nhập cao nhất – như bóng bầu dục và bóng rổ nam – phần đông là người da đen, và vì thế có người đã đi đến mức gọi cấu trúc hoạt động của thể thao đại học hiện nay mang một thứ “tâm lý đồn điền nô lệ kiểu mới” nơi mà “huấn luyện viên thì làm chủ đôi chân của họ, trường đại học thì làm chủ cơ thể của họ.”

Xem thêm:   Dubai

Những người ủng hộ cho vấn đề trả lương cho cầu thủ/lực sĩ đại học lập luận rằng những sinh viên này cũng phải được đối xử không khác hơn bất cứ sinh viên nào làm việc cho trường như trong thư viện hay nhà ăn chẳng hạn.

Ngôi sao bóng rổ Paige Bueckers của Đại học Connecticut – Getty Images

Gió đổi chiều

Kể từ mùa hè năm 2021, tình hình trở nên thuận lợi hơn cho các cầu thủ/lực sĩ đại học. Tối cao Pháp viện đã đưa ra phán quyết rằng hiệp hội NCAA đã tìm cách hạn chế các quyền lợi giáo dục dành cho các cầu thủ/lực sĩ đại học một cách bất hợp pháp.

Tháng 7 năm 2021, hiệp hội NCAA, trước áp lực từ quốc hội liên bang và các cơ quan lập pháp tiểu bang, đã bắt đầu cho phép các cầu thủ/lực sĩ đại học được quyền ký các hợp đồng quảng cáo và sử dụng tên tuổi và sự nổi tiếng của họ để thu lợi nhuận. Quyết định này đã giúp bình thường hoá khái niệm về việc các cầu thủ/lực sĩ đại học nay có được thu nhập.

Ngay sau quyết định của hiệp hội NCAA thì gần như tức thì có một số cầu thủ/lực sĩ sinh viên trở thành triệu phú. Như trường hợp của cô Paige Bueckers, ngôi sao bóng rổ của Ðại học Connecticut. Vào tháng 8 năm ngoái, đài ESPN đã đưa Bueckers lên đứng đầu danh sách các cầu thủ bóng rổ đại học có sức thu hút thị trường nhất. Với hơn 1.3 triệu người hâm mộ cô trên hai trang mạng xã hội Instagram và TikTok cộng lại, Bueckers có thể có thu nhập con số ước tính khoảng $1 triệu mỗi năm. Vào tháng 11, cô trở thành cầu thủ/lực sĩ sinh viên đầu tiên của NCAA ký một hợp đồng quảng cáo với thương hiệu nước giải khát Gatorade. Cô cũng đã ký một hợp đồng với StockX, một trang mạng trực tuyến chuyên về mua bán, trao đổi giày và quần áo thể thao.

Tổng doanh thu của thể thao đại học của năm 2019 – nguồn statista.com

Điều thực tế khác

Xem thêm:   Hoàng hậu cà phê hủ tiếu

Nói vậy nhưng không hẳn là cầu thủ nào cũng sẽ trở nên giàu có. Theo số liệu của Opendorse, cho đến cuối tháng 2 vừa qua, thu nhập trung bình của cầu thủ/lực sĩ sinh viên chơi cho các trường đại học lớn thuộc cấp 1 (Division 1) là $561. Ngoài ra còn có những giới hạn được đặt ra cho những quảng cáo mà họ có thể tham gia. Ví dụ, hầu hết các tiểu bang không cho phép họ quảng cáo những sản phẩm như rượu bia hoặc cá độ thể thao.

Một vấn đề thực tế khác nữa là thậm chí ngay cả những người ủng hộ mạnh nhất cho các cầu thủ/lực sĩ đại học được trả lương cũng tỏ ra lo ngại rằng việc phải trả lương cho cầu thủ/lực sĩ đại học có thể tạo ra một cuộc khủng hoảng về tài chính cho một số trường đại học, và điều này có thể khiến họ buộc phải cắt giảm một số môn thể thao, với những môn thể thao Thế vận hội như thể dục dụng cụ nam hoặc bóng đá có thể sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị loại bỏ.

VT