Có một lần tôi đến nhà người bạn sau rất nhiều năm không gặp.  Hai anh em trò chuyện vui như pháo nổ và anh quên mất chuyện phải đi rước con gái vì xe của nó hôm đó đang nằm ở shop sửa xe. Con bé chờ hoài không thấy ba đón nên đã nhờ một người bạn chở về. Khi thấy con gái, anh mới sực nhớ, vội vàng chạy ra mở cửa và nói “Xin lỗi con, bạn của ba đến thăm bất ngờ làm ba quên mất việc phải đi đón con”. Con gái anh nhỏ nhẹ đáp “Dạ không sao đâu ba” sau khi vòng tay lễ phép chào tôi với nụ cười thật hiền lành, dễ thương. Hình ảnh dễ thương đó đã để lại trong lòng tôi một ấn tượng tốt đẹp. Sau đó không lâu tôi đã áp dụng khi nói lời xin lỗi với thằng con trai út khi tôi không dằn được cơn tức giận và rầy la nó trước mặt một đứa bạn cùng lớp. Thật ra, tôi đã đắn đo, ngại ngùng cả ngày. Phải đợi đến tối, khi cả gia đình đọc kinh xong tôi mới ngập ngừng “Ba xin lỗi con vì chuyện hồi chiều”. Thằng con ngước nhìn tôi. Trước tiên là ngạc nhiên, sau cùng là ánh mắt cảm động. Tôi thật vui khi làm được điều đó. Nhưng khi thằng con đi ngủ rồi tôi bị mẹ và vợ phản đối kịch liệt. Mẹ tôi nói “Ðời bây giờ ngược ngạo, cha mẹ mà đi xin lỗi con cái, rồi nó sẽ leo lên đầu, lên cổ mày, đố mà dạy nó được”. Vợ  tôi thì  cằn nhằn “Bày đặt học đòi văn minh, bắt thang cho nó leo, mai mốt không dạy được thì đừng có nói sao mình vô phước”.

Những lời đó làm cho tôi hoang mang, không biết mình đúng hay sai. Xin những người đang làm cha, làm mẹ cho vài  lời  “chỉ giáo”. Chân thành cám ơn. Lữ Lân

NÀNG

Diệu Garland:  Tôi nhớ hồi còn nhỏ ở Việt Nam, tôi phải nghe lời cha mẹ răm rắp, dù những lời ấy tôi không hoàn toàn “tâm phục, khẩu phục”. Bởi vì có phải lúc nào cha mẹ cũng đúng, nghĩa là những quan niệm hoặc suy nghĩ của họ về một vấn đề nào đó cũng có lúc sai. Cái sai của họ không cách nào che giấu hay biện minh được. Vậy mà cha mẹ đã dùng quyền làm cha, làm mẹ để trấn áp con cái bằng cách la lối giận dữ để lấp liếm cái không đúng của mình. Bạn tôi, có đứa diễn tả cảm giác bực tức ấy bằng câu nói “Con mèo chạy ngang mà ba tao nói nó là con chuột thì tao cũng không được nói “không phải nó là con mèo”. Cái lối áp đảo đó làm cho con cái sợ hãi hơn là thương kính.

Bị rầy la, đánh đòn oan thì chỉ biết khóc, khóc để bộc lộ nỗi uất ức của mình chứ đừng mong được cha mẹ quan tâm hay bày tỏ chút lòng áy náy, ân hận vì đã rầy oan hay khe khắt với con mình. Còn chuyện chờ đợi một câu xin lỗi thì chỉ có trong mơ mà thôi.

Ðúng như mẹ anh nói “đời bây giờ ngược ngạo, cha mẹ mà đi xin lỗi con cái…”. Nhưng tôi yêu vô cùng “cái ngược ngạo ấy”. Tôi thích câu chuyện anh kể và tôi khâm phục người cha trong câu chuyện. Xin được gửi lời “ngưỡng mộ” đến anh. Theo tôi, anh không hề bắt thang cho con anh leo mà chính là anh đã thu ngắn cái khoảng cách giữa cha và con mà người  Á đông mình hay mắc phải, nhưng lại xem đó là chuyện tự nhiên, đến nỗi có nhiều ông từng đi khoe “Con tôi, chỉ cần tôi nhìn một cái là mặt nó xanh lè”. Với tôi chuyện ấy chẳng hay ho gì, nó chỉ làm cho tình cảm cha con thêm lợt lạt và xa cách mà thôi.

Mong sao những bậc cha mẹ đều có cái nhìn thiện cảm khi chứng kiến cảnh “cha xin lỗi con” như anh đã làm. Bảo đảm con anh sẽ nhớ mãi cái khoảnh khắc “hạnh phúc tuyệt diệu” ấy.

Kính chúc anh và gia đình luôn hạnh phúc, vui vẻ.

tinh-chang-y-thiep-10-27-2016

Bảo Huân

CHÀNG

T.M.Lư: Mẹ và Vợ nói không sai đâu ông bạn. Bạn nhận lỗi với con có khác nào dạy nó rằng, bây giờ cha con ngang hàng rồi, ông cũng như tôi, tôi cũng có quyền xét xử ông khi ông phạm lỗi.

Ðồng ý rằng dù ở thứ bậc nào, con người ai cũng không thoát khỏi sai sót, nhưng vì nề nếp gia phong theo truyền thống ông bà tổ tiên, cha mẹ không bao giờ nhận lỗi. Có nghĩa là với con cái, cha mẹ không bao giờ sai! Nếu lỡ có làm gì sai, phải hạ mình xin lỗi con, thì làm sao mà chúng còn kính sợ mình nữa. Làm cha là người có trách nhiệm gìn giữ kỷ cương trong gia đình, thì phải nghiêm khắc. Bạn không thấy hầu hết gia đình Việt Nam chúng ta, nhờ cái kỷ cương đó mà con cái đều răn rắt lễ phép, đi thưa về trình, học hành tới nơi chốn như cha mẹ muốn, thậm chí cả việc lập gia đình cũng phải thông qua sự chấp thuận của cha mẹ nữa.

Ðể tôi chia sẻ với ông bạn kinh nghiệm thực tế gia đình tôi. Chắc hẳn tôi lớn tuổi hơn ông bạn, vì đứa con nhỏ nhất của  tôi đã ra trường dược sĩ bốn năm rồi. Tôi đã hút thuốc và uống bia rượu từ ngày còn trong quân đội trước 1975  nên qua đây hút thuốc và nhậu thoải mái, thế nhưng tôi lại không muốn con trai giống tôi điều này. Có lần tôi bắt gặp thằng con lớn (năm đó nó 21 tuổi) cũng tập tành hút thuốc, tôi kêu ra giảng cho nó một bài học và cấm nó không được hút thuốc. Nó cãi lại “Vậy sao ba hút…”. Tôi nổi tam bành, táng cho nó một bạt tai và nói “Tao là ba mày, tao ra lệnh cho mày không được hút thuốc, vì mày phải khỏe mạnh để lấy tấm bằng bác sĩ cho tao…”. Vậy mà nó cũng trở thành bác sĩ thật và đang có phòng mạch tư. Còn ba đứa nữa, cũng hai bác sĩ và một dược sĩ. Thằng thứ hai, năm tốt nghiệp trung học, nó đòi đi lính, tôi dọa sẽ từ nó nếu nó không học y khoa như thằng anh- Nó cãi lại “Sao ba đi lính mà không làm bác sĩ?”. Tôi nện nó một trận về tội hỗn xược. Nhờ vậy mà nó học đến nơi đến chốn, bây giờ là bác sĩ giải phẫu, giàu lắm, có nhà ở khu sang trọng.

Bạn thấy không, nếu tôi không cứng rắn, mà cứ nghĩ mình sai và phải xin lỗi thì làm sao các con nghe lời để học hành nên thân. Bạn bè tôi cũng vậy, nhà nào mà có người cha cứng rắn, cầm giữ kỷ cương thì con cái nếu không bác sĩ cũng là nha sĩ. Còn nhà nào bày đặt học thói văn minh của Mỹ, hở một tí lại  xuống nước “Xin lỗi con” thì ít có con  thành đạt, không kể nhiều đứa con còn lờn mặt bố, chẳng chịu học hành, cha mẹ làm sao nở mặt, nở mũi với đời.

Qua kinh nghiệm của tôi và bạn bè có con nên danh, nên phận, tôi khuyên ông bạn đừng học đòi lối Mỹ. Dù có quốc tịch Mỹ đi nữa thì mình cũng mãi mãi là người Việt, vì vậy phải giữ gìn cái hay của văn hóa Việt là làm Cha Mẹ không bao giờ hạ mình xin lỗi con cái, nếu muốn nó học hành nên người. Bạn mà xin lỗi con thì có khác nào nâng nó lên ngang hàng với mình, làm sao nó nể nang và nghe lời dạy dỗ của mình.

Chúc ông bạn sáng suốt.