Lời Giới Thiệu:

HẠNH PHÚC TRONG TAY là một chuyên mục mới của Trẻ, do anh Đặng Hiếu Sinh phụ trách, nơi những thao thức, những kinh nghiệm về hạnh phúc gia đình, hạnh phúc đời người được chia sẻ để mỗi người tự tìm ra chiếc chìa khóa hạnh phúc cho chính mình.

Ê! kỳ này họp mặt bà làm món gì?

– Chưa biết nữa, nhận được email của bà Trưởng ban ẩm thực rồi mà chưa nghĩ ra nên làm món gì.

– Ðem món gì trông cho “oách” nghe, không thôi bị thiên hạ chê keo kiệt như bà “Hồng nem” và bà “Thảo nho” đó.

Những ngón tay đang trườn dài trên trái quýt vàng tươi dừng lại đột ngột, chị Lan nhíu mày hỏi:

– Ủa Hồng và Thảo có “nick name” hồi nào, sao tôi không biết?

– Thì mới đây thôi. Tại vì lần nào có tiệc, Hồng, Thảo cũng chơi độc nhất một món. Người thì nem. Người thì nho, nên mấy bà dưới bếp lén đặt biệt danh không đẹp cho hai người khá đẹp.

– Trời, một năm họp mặt có hai lần, phải chơi sao cho đẹp chứ keo kiệt chi cho mang tiếng vậy hè!

– Bà thấy không, mỗi khi trưởng ban gửi email kêu gọi mọi người đóng góp món ăn, bao giờ trên danh sách đưa ra, chị Trưởng cũng ghi liền một khi: Túy Hồng nem chua, Phương Thảo nho xanh hoặc đỏ, còn thêm phần ghi chú “tùy giá sale” nữa chứ.

– Chà làm kiểu này đúng là đá giò lái. Mất mặt thiệt đó nhe.

– Không biết hai bà “nem” và “nho” đó nghĩ sao hén, có phản ứng gì không?

– Phản ứng gì, đúng quá nên chỉ biết cười trừ.

Chị Thanh trầm ngâm một lúc rồi hắng giọng:

– Sao mấy bà suy diễn ghê vậy. Hồng Thảo cười là vì họ biết những câu chị Trưởng ghi chỉ là đùa giỡn cho vui thôi. Tôi nghĩ, nem là món ruột của Hồng. Mỗi lần mang nem đến, ai cũng thích, có người còn nhắc “Hồng làm món này ngon hết sẩy, nhớ lần sau làm nữa nha”, nên chị ấy cứ thế mà làm. Còn Thảo thì không ăn thịt, nên mang trái cây là đúng rồi. Sao lại nói người ta keo kiệt. Ác miệng, ác mồm quá đi mấy bà ơi.

Xem thêm:   Chuyện sui gia

– Bà biết gì mà nói. Ðâu phải chỉ chuyện này, mà còn nhiều chuyện khác nữa. Mỗi lần cả bọn rủ rê nhau mua vé tham dự tiệc gây quỹ là bà Hồng lúc nào cũng có cớ “Tuần này tôi bị kẹt rồi, không đi được”. Riết rồi ai cũng biết cái tính keo kiệt của bả, tiền bỏ vô túi rồi không muốn lấy ra. Hay những lần anh Trương kêu gọi góp tiền giúp đỡ bạn bè ở Việt Nam thì bà Thảo cũng đóng, nhưng lại thòng thêm câu “Mình mới gửi tiền về cho gia đình…”.

– Ðúng rồi, hôm đầu năm, anh Toàn kêu gọi đóng tiền giúp nạn nhân bão lụt ở Việt Nam, bà Thảo cũng thoái thác “Tôi đóng góp bên chùa rồi”.

– Bà nhớ không, tuần trước tụi mình rủ nhau đi “shopping” sau khi lãnh được hai lần tiền hỗ trợ trong mùa đại dịch, đứa nào cũng hăng hái mua sắm, vậy mà bà Thảo nhất định không chi một cắc, lúc nào cũng “phải tiết kiệm để hậu thân”. Trời ơi, tiền này như trên trời rơi xuống mà, cứ sắm sửa cho mình được sung sướng tấm thân, tính toán chi cho mệt óc.

Chị Tâm nãy giờ im lặng, giờ mới lên tiếng:

– Thiệt tình, bàn chỉ có bốn người mà ồn còn hơn cái chợ, không bà nào chịu thua bà nào. Nghe từ đầu đến cuối, giờ tôi xin đưa ra kết luận. Mấy bà tiêu xài không cần suy nghĩ vào món tiền lãnh được, rồi chê bai người ta đủ thứ, chứ có biết đâu Thảo  đã dành số tiền đó cho những nhu cầu khác, thiết thực và ý nghĩa hơn.

– Nhu cầu gì mà bà ca tụng dữ vậy?

– À! Thảo đã dùng số tiền trên trời rơi xuống đó giúp bà con nghèo khổ ở quê nhà, giúp trẻ mồ côi, giúp các thương phế binh VNCH đang cực khổ, nhọc nhằn kiếm ăn từng ngày. Nghĩ lại xem, có phải Thảo keo kiệt với chính bản thân mình, nhưng lại rất rộng rãi với người khác. Còn mấy bà thì xài thoải mái nhưng chỉ thỏa mãn nhu cầu của bản thân…. Vậy tính ra ai keo kiệt hơn ai.


Bạn thân mến,

Có câu nói vui, nhưng rất thật mà ai cũng biết “ Tiền không phải là tất cả, nhưng không có tiền thì vất vả”. Con người sinh ra và lớn lên đều được cha mẹ chăm lo hay tự đầu tư bản thân mình bằng việc học hành hay lao động, cũng chỉ vì cần kiếm tiền cho cuộc sống. Khi đã có tiền, mỗi người sẽ có cách sử dụng khác nhau tùy quan niệm và cách sống.

Qua câu chuyện hai người bạn, lúc nào họp mặt chỉ mang một món duy nhất, rẻ tiền so với món người khác, nên bị chê là keo kiệt. Có quá khắt khe không, khi dễ dàng kết án mà chưa đặt mình vào vị trí của họ, hay đúng ra chưa biết được cách suy nghĩ của họ. Biết đâu, người mang ít đồ ăn cho bữa tiệc vì thấy hầu như lần họp mặt nào, thức ăn cũng thừa mứa đến mức phải quăng bỏ, nên không muốn phung phí thêm. Hoặc họ suy nghĩ đơn giản rằng, mục đích chính của cuộc họp mặt không phải chỉ để ăn, mà còn có những điều khác quan trọng hơn.

Trong quan hệ xã hội, không ai muốn người khác đánh giá mình là kẻ keo kiệt trong vấn đề xài tiền, mà con người thì dễ phán đoán sai lệch giữa tính tiết kiệm và keo kiệt.

Tiết kiệm là một đức tính rất cần thiết để bảo đảm cho ngân sách gia đình. Dĩ nhiên, không phải tiết kiệm là cách làm giàu, nhưng chắc chắn cuộc sống sẽ được an toàn hơn là hoang phí. Bởi vì, họ sẽ chọn những thứ đúng giá trị và đúng số lượng cần thiết phải có. Một người luôn chọn thời điểm hàng giảm giá để mua những thứ đúng với nhu cầu và khoản tiền mình đang có, cho bản thân, cho gia đình hay bạn bè, là người tiết kiệm chứ không phải keo kiệt. Người tiết kiệm có thể hào phóng khi người thân, bạn bè cần hoặc đối với những người khốn khó chung quanh, họ cũng sẵn sàng dang tay giúp đỡ, không chút đắn đo.

Người keo kiệt là người muốn giữ tất cả, không muốn cho ai cái gì. Họ tính toán từng đồng, từng cắc. Họ vui vì được ăn mà không phải tốn tiền mua. Nhưng ngược lại, chẳng ai có thể ăn được của họ thứ gì. Họ có niềm vui khi chiếm giữ tiền, nhưng rất đau buồn khi phải tiêu tiền, cho dù với mục đích gì. Ðừng nhầm lẫn giữa một người keo kiệt và người không có tiền để chi tiêu. Tuy nhiên, đó cũng là cách sống của cá nhân. Có thể, nó hình thành từ một hoàn cảnh quá nghèo khổ thời thơ ấu, bị khốn đốn vì thiếu thốn, bị ám ảnh thời tuổi thơ vì sự bạc đãi của những kẻ giàu có, nhưng thiếu một tấm lòng, nên họ chỉ chú trọng đến việc tích lũy. Và như thế họ đã vô tình làm cho mọi người xa lánh, vì không ai có thể thân thiết với người keo kiệt.

Mời bạn xem sự so sánh giữa hai hạng người nầy.

“Người Tiết Kiệm và Người Keo Kiệt

Cùng một mặt hàng, người tiết kiệm sẽ quan tâm đến giá trị món hàng, còn người keo kiệt quan tâm đến giá tiền của món hàng.

Người keo kiệt luôn cố gắng mua mọi hàng hóa với giá rẻ nhất. Người tiết kiệm cũng vậy, nhưng họ cũng luôn sẵn sàng chi tiêu cho những món đồ mình cần.

Sự bủn xỉn của những người keo kiệt ảnh hưởng đến những người xung quanh. Sự tiết kiệm của những người tiết kiệm chỉ ảnh hưởng đến một mình họ.

Người keo kiệt khiến người khác khó chịu vì cách họ đối xử với mọi người xung quanh.

Người tiết kiệm khiến bạn nhận ra mình có thể tiêu tiền một cách hiệu quả hơn.

Người tiết kiệm ít khi nói dối về mức chi tiêu của mình.

Người keo kiệt không biết cân nhắc và không thể hiểu tại sao trong một số trường hợp họ không được miễn phí.

Người tiết kiệm cũng cố được miễn phí nhưng họ cũng hiểu rằng có những thứ cần phải chi phí.( **)

Tôi xin mượn hai câu danh ngôn dưới đây như dấu chấm hết cho bài viết kỳ này.

– Tiết kiệm là cái kho vô tận của kẻ nghèo, hoang phí là cạm bẫy của kẻ giàu. (Khuyết danh)

– Nếu bạn mua những thứ mà mình không cần tới, sớm muộn gì bạn cũng phải bán đi những thứ mình cần. (Warren Buffett)

Bảo Huân

(**) Trích diễn đàn Share