Lời Giới Thiệu:
HẠNH PHÚC TRONG TAY là một chuyên mục mới của Trẻ, do anh Đặng Hiếu Sinh phụ trách, nơi những thao thức, những kinh nghiệm về hạnh phúc gia đình, hạnh phúc đời người được chia sẻ để mỗi người tự tìm ra chiếc chìa khóa hạnh phúc cho chính mình.
Tuân là tài xế của công ty du lịch mà tôi thuê bao trong chuyến đi thăm viếng vài nơi ở Việt Nam. Người thanh niên trẻ nầy rất năng nổ, luôn tươi cười và khôi hài trước bất cứ tình huống nào trên đường đi.
Khi lái xe đi Phú Quốc trên cao tốc Cần Thơ & Rạch Sỏi, con đường tốn tiền tỷ xây không bao lâu mà lớp xi măng phủ trên mặt đường đã tróc ra còn đá lởm chởm, ngồi trên xe có đoạn bị dằn như đi xe ngựa. Vừa bất mãn, vừa bực bội tôi không ngớt lời càm ràm. Trong khi Tuân nhún vai, thong thả nói:
– Chắc công ty làm đường biết mình sẽ lái xe ban đêm, nên nảy ra sáng kiến cực kỳ thông minh là tạo nên sự dằn xóc để tài xế không bị buồn ngủ và như vậy sẽ lái xe an toàn. Còn hành khách thì được lắc lư, cử động cho dãn gân cốt mà không phải trả tiền “mát-xa”.
Suốt cuộc hành trình, Tuân luôn kể những câu chuyện vui có thật làm chúng tôi bật cười mà quên đi sự khó chịu trên những đoạn đường gai góc. Tuân thản nhiên không ngại ngùng khi kể lại câu “thông báo’ không được thanh tao lắm của người “lơ xe” mỗi khi xe đò dừng lại cho khách nghỉ ngơi trên tuyến đường dài “Bà con ơi, sắp tới khu nghỉ xe sẽ ngừng lại nửa tiếng bà con xuống vệ sinh ăn luôn nha!”. Câu nói không dấu chấm, dấu phết, ai muốn hiểu sao thì hiểu làm chúng tôi ôm bụng cười, giúp giảm thiểu phần nào sự mệt mỏi.
Sau vài ngày đồng hành, tôi và Tuân trở nên gần gũi hơn qua những buổi tối chuyện trò thân mật bên ly rượu ấm.
– Em làm nghề tài xế bao lâu rồi? tôi hỏi.
– Dạ, 3 năm rồi anh.
Trầm ngâm một lát tôi hỏi với một chút tò mò, đường đột:
– Công ty trả lương cho tài xế có khá không?
– Không ai trả lương cho em hết, em làm việc không công mà. Anh biết tại sao không? Nếu nói đúng em sẽ trả hết những chầu cà phê sắp tới cho đến ngày về.
– Ha!ha!!! chắc em mắc nợ chủ nên chạy xe không có lương để trừ nợ, đúng không?
– Hà hà! anh sai rồi, vì em là chủ công ty mà.
– Ủa, sao làm chủ mà phải lái xe?
– Em mới thành lập công ty. Nhỏ thôi, chỉ có 4 tài xế và em. Khi những người kia bận thì em phải đi. Thật sự, đây là công việc làm tạm thời, là bước đầu để em chuẩn bị cho việc làm ăn trong tương lai đúng với ngành nghề em đã học trước kia.
– Đó là việc gì?
– Em là kỹ sư ngành nuôi trồng thủy sản. Trước đây em làm việc cho công ty cung cấp vật tư ngành nuôi trồng thủy sản. Công việc rất tốt.
– Tốt mà sao em đổi nghề?
– Trước đây em lập gia đình và sinh sống tại Bạc Liêu. Vì công tác thường xuyên ở Sài Gòn nên em thường vắng nhà, kết cuộc là vợ em ngoại tình. Người quen cho biết nên em theo dõi và bắt tại trận cô ấy tại nhà nghỉ với nhân tình là người bạn thân của em. Hụt hẫng và phẫn nộ cùng cực, em đứng chết lặng nhìn 2 kẻ phạm tội đang bối rối kéo tấm “drap” giường che thân. Lúc ấy, em muốn giết 2 người cho hả giận nhưng chợt nghĩ đến đứa con ngây thơ, vô tội và như có Ơn Trên phù trợ, em đã dằn được cơn tức giận đang trào dâng, dù cô vợ mất nết buông một câu nói xóc óc “Muốn tính sao cũng được”.
Trở về, em quyết định ly dị rồi bỏ đi với 2 bàn tay trắng, không mang theo một thứ gì ngoài đứa con chưa rời vú mẹ.
Trong khi má em vất vả chăm lo cháu nội thì em chỉ biết trầm mình trong nỗi đau không nói thành lời. Nhưng may mắn là thời gian ấy không kéo dài. Sau khi định thần lại, em muốn đi du lịch đó đây cho quên nỗi buồn nhưng cũng cần tiền nuôi con nên nảy ra ý định làm tài xế cho công ty vận chuyển và du lịch để có cơ hội đi chơi không tốn tiền mà lại có tiền để trang trải cuộc sống. Từ công việc nầy, tinh thần em được phục hồi nhanh chóng nhờ những niềm vui có được từ các nhóm khách du lịch khắp nơi. Từ đó, em trở nên năng động hơn, khôi hài hơn trong cách tiếp xúc với khách hàng khiến họ hài lòng. Nhờ vậy mà người chủ tin tưởng, thương mến và giao công ty cho em quản lý khi họ nghỉ hưu. Có nhiều lần chuyển hàng vật tư cho các doanh nghiệp thủy sản, em quen biết nhiều cơ sở nuôi thủy sản. Dự định khi tạo được số vốn, em sẽ lập đại lý phân phối, hướng dẫn nuôi trồng thủy sản. Trải qua bất hạnh trong hôn nhân, em đã đứng dậy được nhờ tình thương con. Nếu không, biết đâu em đã vào tù khi không dằn được sự ghen tuông. Từ đó, em nhủ lòng phải luôn suy nghĩ tích cực, bao dung trong mọi tình huống mới mưu cầu được hạnh phúc.
– Anh rất cảm kích ý chí của em. Con gái em hiện nay bao nhiêu tuổi? nó có bị ảnh hưởng gì về lầm lỗi của mẹ nó không?
– Em không có ý định cho con biết sự thật, chỉ nói là ba mẹ có nhiều điều xung khắc nên chia tay thôi. Con bé năm nay 15 tuổi rất hồn nhiên, vui vẻ và có tính khôi hài. Mỗi lần muốn xin tiền thì tỏ vẻ chăm sóc ba bằng những lời ngọt ngào để dụ khị “Con muốn mua áo mới cho ba vì áo nầy đã cũ rồi. Ba cho con tiền nha. Con sẽ tìm áo giảm giá nhưng bảo đảm là đẹp hết ý, hợp thời trang và con sẽ dành số tiền còn dư ra để mua quần Jean cho con mà ba không cần tốn thêm cắc nào. Em trợn mắt “Thôi, đừng làm bộ hiếu thảo, muốn mua quần Jean nên gài độ để lấy tiền ba, phải không?”. Con bé cũng không vừa “Ba của con thông minh xuất chúng, luôn đọc được ý của con”.
Câu chuyện kết thúc bằng tiếng cười giòn giã tràn đầy hạnh phúc của người đàn ông đã vượt qua những nghiệt ngã trong cuộc đời nhờ 2 chữ tích cực mà anh xem như châm ngôn để vững vàng tiến bước trong cuộc hành trình còn nhiều thử thách trước mắt.
Bạn thân mến,
Qua câu chuyện của Tuân, người viết cảm nhận rằng, cuộc sống không phải lúc nào cũng là những niềm vui, thuận lợi như ý muốn của mình. Chúng ta không thể thay đổi dòng chảy của tự nhiên nhưng chúng ta có thể chọn cách hành xử đối với những tình huống đen tối trong cuộc đời.
Ngay giây phút cơn tức giận bùng lên trong sự chấn động bàng hoàng, Tuân chợt nghĩ đến con và rồi anh đã dừng lại đúng lúc để không có những hành động bạo lực vì ghen tức. Đôi nhân tình tội lỗi kia có lẽ cũng khá bất ngờ trước sự khoan dung hiếm hoi mà họ nhận được. Nhưng chính sự khoan dung đó đã giúp Tuân thoát khỏi hậu quả khôn lường có thể khiến anh vướng vòng lao lý một cách oan uổng. Trước nghịch cảnh đau thương cùng cực nầy, Tuân bỏ hết mọi sự, không hơn thua, không tranh chấp của cải đã tạo dựng bằng mồ hôi nước mắt của mình và ra đi với tài sản quý giá nhất mà anh muốn có được là đứa con bé bỏng trên tay. Còn nỗi đau nào lớn hơn khi bị người vợ đầu ấp tay gối phản bội một cách tàn nhẫn. Điều đó khiến Tuân suy sụp hoàn toàn. Nhưng chỉ trong một thời gian ngắn ngủi, Tuân đã mạnh mẽ đứng dậy, cố gắng vượt qua, dẹp bỏ những ý nghĩ tiêu cực khi nhớ đến trách nhiệm của người cha với tình thương bao la đối với đứa con gái bất hạnh phải thiếu bàn tay chăm sóc của mẹ khi chưa đầy 3 tuổi. Tuân chọn cách chữa lành vết thương lòng bằng một cuộc sống có lý tưởng, có mục tiêu, kiên trì thực hiện kế hoạch đã đề ra bằng sự lao động cần mẫn và luôn tìm thấy niềm vui trong công việc hàng ngày với sự phấn đấu không ngừng để vươn tới một ngày mai tươi sáng hơn.
Với tư duy tích cực, đời sống của Tuân trở nên có ý nghĩa hơn như Mục Sư Lewis L.Dunnington đã viết trong quyển “The Inner Splendor (Paperback)”:
“Ý nghĩa cuộc sống không phải là ở chỗ nó đem đến cho ta điều gì, mà ở chỗ ta có thái độ đối với nó ra sao; không phải ở chỗ điều gì xảy ra với ta, mà ở chỗ ta phản ứng với những điều đó như thế nào”
Người viết tin rằng, cuộc đời đã lấy đi của chúng ta thứ gì, thế nào cũng sẽ bù lại thứ khác, chỉ là chúng ta có chịu đi tìm hay không thôi. Để luôn sống lạc quan, có lẽ không có gì hay hơn lời cầu nguyện dưới đây:
“Xin dạy cho chúng con tươi tắn và dịu dàng trước mọi biến cố của cuộc sống, biết tận dụng những đau khổ gặp trên đường đời, để đau khổ làm chúng con thêm mềm mại chứ không bực bội hay cay đắng, làm chúng con thêm độ lượng, chứ không hẹp hòi hay độc đoán”.