Lời Giới Thiệu:

HẠNH PHÚC TRONG TAY là một chuyên mục mới của Trẻ, do anh Đặng Hiếu Sinh phụ trách, nơi những thao thức, những kinh nghiệm về hạnh phúc gia đình, hạnh phúc đời người được chia sẻ để mỗi người tự tìm ra chiếc chìa khóa hạnh phúc cho chính mình.

Tôi kết thúc công tác dọn dẹp khu vườn sau nhà giữa tiếng nhạc rập rình từ phía bãi đậu xe của Saigon Mall vọng sang. Chưa kịp cạn chai bia để bù lại lượng mồ hôi đã đổ ra ướt đẫm tấm lưng trần thì anh bạn đã réo gọi hối hả trong điện thoại:

– Ê! qua đây dạo một vòng rồi kiếm cái gì lai rai, tán dóc chơi cho đời bớt khổ.

– Từ trước tới nay chưa bao giờ tôi cảm thấy khổ nhưng bây giờ mới thật sự khổ đây.

– Là sao?

– Sao trăng gì? Đang mệt đứt hơi mà phải quá bước sang bên đó ngồi với một “chàng” ngoại hình rệu rạo, tong teo, không có gì hấp dẫn mới là bể khổ … Thôi thì coi như làm chuyện từ thiện đi. Chờ đấy.

– Có người nói “tình bạn lãng mạn hơn tình yêu”. Hồi đó, nghe xong tôi phán ngay “vớ vẩn”. Nhưng giờ phút này sao mà nó đúng thế không biết. Ha! Ha!!! Nè … nhanh lên, khỏi cần “make up” nhé. Bảo đảm, đi với tôi thì lúc nào ông cũng chiếm giải nhất về nhan sắc.

Thế là chỉ 10 phút sau tôi đã có mặt tại Chợ đêm DFW trong khu Sài Gòn Mall, Garland. Hôm đó là những ngày đầu thu, khí hậu mát mẻ, dễ chịu sau mùa hè khắc nghiệt. Có hơn 20 lều trưng bày quảng cáo các cơ sở thương mại và bán thức ăn gọn nhẹ. Chúng tôi bước vào hàng ghế trong lúc trên sân khấu lộ thiên người điều khiển chương trình đang vận dụng nội công để giới thiệu từng ca sĩ với giọng nói truyền cảm, ngọt ngào:

– Tiếp tục chương trình là tiếng hát của nữ ca sĩ xinh đẹp … với nhạc phẩm…

Hình như không mấy người quan tâm vì bận trò chuyện, bận ăn uống. MC tiếp tục kêu gọi:

– Xin quý vị cho một tràng pháo tay thật lớn cho ca sĩ. Một… hai… ba… To hơn… to hơn chút nữa, được không ạ?

Đáp lại là những tiếng vỗ tay rời rạc, xen lẫn tiếng cười nói ồn ào quanh khu vực sân khấu. Chương trình văn nghệ vẫn rộn ràng. Ban nhạc và các ca sĩ vẫn chơi hết mình và MC vẫn phải khẩn khoản xin những tràng pháo tay cho ấm lòng ca sĩ.

Mỗi lần như thế thì anh bạn tốt bụng của tôi lại tận dụng hết sức lực để cung cấp những tiếng vỗ tay đồm độp. Thấy tôi nhìn với vẻ thán phục, anh bèn “biện minh” giùm đồng hương:

– Đang giờ ăn chiều nên bà con đi dạo quanh các gian hàng thực phẩm để tìm thức ăn, không chú tâm thưởng thức văn nghệ.

Tôi thở dài:

– Tôi đã từng chứng kiến sự việc nầy trong nhiều chương trình ca nhạc. Nơi đó, khán giả là những người đã bỏ tiền mua vé để tham dự. Thế mà, ngoài lúc mở màn khai mạc với những tràng pháo tay hăng hái, sau đó thỉnh thoảng MC vẫn phải “xin xỏ” từng chập cho không khí nhạc hội có chút tưng bừng để khích lệ ca sĩ, nhưng đôi khi ca sĩ hát xong phải lặng lẽ cúi đầu chào và lủi thủi bước vô trong với tiếng vỗ tay lẹt đẹt.

Anh bạn đồng ý và bổ túc ngay:

– Tôi cũng từng thấy như anh, không hiểu nhiều người vào xem ca nhạc làm gì mà ngồi trong khán phòng chỉ liếc mắt ngắm ca sĩ vài phút ngắn ngủi, sau đó lại cúi đầu chăm chú nhìn vào điện thoại hoặc quay sang nói chuyện với người bên cạnh, chẳng buồn vỗ tay. Khi MC hô hào lắm thì một tay cầm điện thoại, một tay đập đập trên đùi cho có lệ. Nhất là trong các buổi dạ tiệc gây quỹ, người ta cứ nói chuyện “vô tư”, mặc MC nói, mặc ca sĩ hát hò, khán giả thì cụng ly la hét “Vô! Vô”. Nhiều lần ngồi chung bàn với họ tôi cảm thấy áy náy vô cùng. Tôi đã từng nghe một ca sĩ than thở  “Vì cuộc sống nên em phải nhận hát trong các buổi dạ tiệc chứ thật sự không hứng thú chút nào khi từ sân khấu nhìn xuống thấy mọi người cắm cúi ăn, chỉ lưa thưa vài người lắng nghe mình hát. Thật là tủi thân!”


Bảo Huân

Bạn thân mến,

Người viết đồng cảm với nhận xét của anh bạn. Cùng một sự kiện, nếu khách là người Mỹ hoặc lớp trẻ lớn lên tại Mỹ thì bầu không khí rất sôi động sau các phần trình diễn ca sĩ hay một màn biểu diễn nghệ thuật bằng những tràng pháo tay vang dội mà người MC không tốn một lời xin xỏ.

Có lần trò chuyện với bậc cao niên trí thức, ông nói rằng “có lẽ một quan niệm đã ăn sâu vào tâm thức của người Việt Nam là không nên biểu lộ cảm xúc một cách đột ngột mà luôn luôn phải kềm chế chừng mực mới tỏ ra là người có giáo dục. Thí dụ như dù đau buồn đến đâu đàn ông cũng đừng để người khác thấy mình rơi lệ vì sẽ bị chê yếu đuối. Thấy đẹp, ngon, kể cả yêu ai đó… cũng không nên bày tỏ hết lòng, nếu không sẽ bị cho là ham mê vật chất, lụy tình. Từ đó, hầu như lời khen ngợi, lời xin lỗi, lời cám ơn cũng được giấu kín, kể cả với vợ chồng, với con cái, nói chi đến người ngoài.

Người viết cũng từng nghe lời góp ý của nhiều người khi được mời nhận xét về một người đẹp, một chương trình hay, một bữa tiệc thịnh soạn bằng những từ “Cũng đẹp. Cũng hay. Cũng được”. Có thể từ suy nghĩ đó, khán giả người Việt rất tiết kiệm những cái vỗ tay và nếu được yêu cầu thì cũng đáp ứng một cách hời hợt.

Ước gì người Việt mình ở hải ngoại sẽ quen dần và hòa đồng theo nét nhân văn rất đẹp của người bản xứ là nhiệt tình vỗ tay trong những khán phòng mà khán giả không phải nghe những lời van xin tha thiết của MC.

Khi tìm hiểu về quan điểm giới trẻ trí thức trong nước sau khi tiếp xúc với thế giới bên ngoài, họ cũng có cùng nỗi ưu tư. Xin trích một đoạn văn về cái nhìn về tiếng vỗ tay qua trang mạng YBOX: 

“Dưới góc độ văn hóa, tiếng vỗ tay có nhiều ý nghĩa. Nó có thể là sự tán thưởng, cổ vũ, ủng hộ hoặc cũng có thể biểu hiện sự đồng cảm, chia sẻ. Người ta vỗ tay không chỉ để khen thưởng một pha bóng đẹp, một giọng hát hay, một bài phát biểu sâu sắc, một hành động nghĩa cử mà còn để khích lệ, ghi nhận sự nỗ lực nào đó. Hãy để ý, mỗi khi cầu thủ bóng đá ở nước ngoài phải rời sân vì chấn thương, hay đội nhà thua trước một đối thủ mạnh hơn, rõ ràng nước mắt luyến tiếc trên khuôn mặt họ được khán giả đồng cảm, mọi người đồng loạt đứng dậy và những tràng vỗ tay bất tận vang lên.

Người ta vỗ tay vì trái tim mình bị lay động dù dưới khía cạnh nào đi chăng nữa, có thể vì vui mà cũng có thể vì buồn hay luyến tiếc. Người ta vỗ tay vì thực tâm muốn thể hiện tình cảm của mình, muốn bày tỏ lòng biết ơn, sự ủng hộ hay tinh thần thấu hiểu. Tiếng vỗ tay vì thế sẽ mất đi ý nghĩa nếu nó không bắt nguồn từ trái tim mà đến từ sự “cầu xin” hay một dạng “mệnh lệnh” nào đó. Sẽ vô cùng gây khó chịu nếu chỉ là tiếng vỗ tay rệu rã phát ra từ những ánh mắt thờ ơ, khuôn mặt vô cảm.

Thông điệp đằng sau tiếng vỗ tay:

Hành động của con người luôn phản ảnh tâm thế, nhận thức, thái độ tình cảm và qua đó chuyển tải một thông điệp cụ thể. Chính vì thế, tiếng vỗ tay không chỉ đơn thuần là sự va đập của cơ tay để phát ra một thứ âm thanh vô hồn.

Trái lại, nó thể hiện văn hóa cho và nhận: tôn trọng, ghi nhận và tri ân với đóng góp của người khác…Người ta có quyền im lặng khi không hài lòng với một màn biểu diễn nào đó nhưng có vô cảm không khi người ta thờ ơ, im lặng trước khi tiết mục đó diễn ra? Và ngay cả khi thực sự chưa hài lòng về  phẩm chất, có nhân văn hơn không nếu người biểu diễn nhận được sự cổ vũ từ khán giả? Sự im lặng không làm cho phẩm chất chương trình tốt hơn trong khi sự cổ vũ tinh thần luôn có hiệu ứng tích cực, giúp cho người ta có thêm cảm hứng cho tiết mục của mình sau này.

Đằng sau tiếng vỗ tay vì thế là tâm, là đức, là trí, là nghĩa. Nó còn đồng thời phản ảnh sự tôn trọng những khác biệt có thể hiện hữu giữa những cá nhân. Sẽ thật tuyệt vời nếu người ta bước qua những định kiến cá nhân, trái ngược về quan điểm để dành cho nhau sự thừa nhận mà tiếng “vỗ tay” là biểu hiện rõ rệt, tiên quyết” (ngưng trích)

DHS