Lời Giới Thiệu:
HẠNH PHÚC TRONG TAY là một chuyên mục mới của Trẻ, do anh Đặng Hiếu Sinh phụ trách, nơi những thao thức, những kinh nghiệm về hạnh phúc gia đình, hạnh phúc đời người được chia sẻ để mỗi người tự tìm ra chiếc chìa khóa hạnh phúc cho chính mình.
Chưa kịp ngồi xuống ghế anh Bảy đã hỏi:
– Mấy ông có nghe tin gì không?
– Tin tổ chức Hamas tấn công Israel và Israel đã tuyên chiến làm thế giới đang bàng hoàng, lo lắng phải không?
– Đó là tin tức thời sự to tát ông ơi, còn đây là chuyện trong nhóm của mình. Mẹ của anh Quân phải đi cấp cứu tối hôm qua. Không biết tình trạng của bà cụ hiện giờ ra sao?
– Ở tuổi 87 của bác ấy thì sức khỏe bất thường lắm, khó mà đoán được.
Anh Tuấn cướp lời:
– Nhưng cách đây 2 ngày tôi có gặp bác ở chợ Việt Nam. Trông bác rất khỏe mạnh, đi đứng vẫn còn vững vàng, khoan thai.
– Bởi thế tôi mới bất ngờ. Anh Quân nói bác bị cao đường và cao máu. Cả chục năm qua thường xuyên uống thuốc theo toa bác sĩ. Nhưng khoảng 6 tháng nay, bác lại bỏ thuốc vì nghe có người bạn sinh hoạt chung trong trung tâm cao niên kể lại họ đã trị dứt bệnh tiểu đường và cao huyết áp nhờ uống loại dược thảo nào đó mà mọi người ca tụng là thần dược. Sau đó thì các bác chỉ nhau cách lên mạng, vào “youtube” để cùng tìm xem các thông tin hấp dẫn của những người không phải là bác sĩ, không phải là thầy thuốc lại dám cam đoan cách điều trị mà họ hướng dẫn sẽ trị hết mọi chứng bệnh. Anh chị Quân đã cảnh báo rằng, mẹ đang được bác sĩ gia đình theo dõi và điều trị bệnh thì đừng tin vào những loại thuốc chỉ truyền miệng chứ chưa được khoa học chứng minh. Nhưng bác không nghe. Hôm qua tôi có hỏi thăm, anh Quân cho biết hiện tại bà cụ vẫn hôn mê.
– Ồ! tôi không nghĩ ở tuổi đó mà các bác còn thích lướt “youtube” chứ má tôi thì suốt ngày chỉ lo kinh kệ. TV còn không muốn coi nữa là…
Hớp một ngụm bia, anh Bảy cho tay vào túi áo tìm cái hộp quẹt:
– Mỗi người mỗi tính, đâu ai giống ai. Đa số các bà U70 trở lên, nếu không còn vướng bận con cháu, để đỡ buồn họ phải tìm chuyện gì làm cho hết giờ rảnh. Lướt “youtube” là một chọn lựa thích hợp và dễ dàng nhất. Chỉ qua vài cái “click” là họ có thể biết những gì đang xảy ra trên thế giới mà không cần phải đi đến tận nơi, tận chỗ và cũng chẳng cần suy nghĩ hay tìm hiểu xem những gì đọc thấy trên “youtube” có thật, có đúng một trăm phần trăm không.
– Tôi thì ít khi xem “youtube” trừ khi muốn thưởng thức những chương trình ca nhạc với các ca sĩ “thần tượng”. Tôi cũng từng đọc quảng cáo một số thuốc gọi là “thần dược” từ Việt Nam cũng như sản xuất tại Hoa Kỳ, thậm chí còn ghi là được FDA chứng nhận nhưng tôi không tin.
– Ai cũng như anh thì kẻ xấu đâu có đất dụng võ. Vì mục đích của các người làm “youtube” là kiếm tiền từ con số “view” nên đôi khi nội dung là những câu chuyện họ thêm thắt hoặc dựng ra khác xa sự thật với những cái tít giật gân để gây sự tò mò của người xem. Người xem cứ nghĩ đây là “tin giải trí” nhưng thật ra những thông tin lệch lạc, thiếu trách nhiệm này sẽ làm ảnh hưởng đến nhận thức, phán đoán và gây ra bao nhiêu tác hại ngắn hay dài hạn cho con người trong đời sống. Tôi còn nhớ, cách đây một năm trên mạng xuất hiện hàng tin chấn động “Ca sĩ Cẩm Ly qua đời đột ngột ở tuổi 51”. Sau nỗi bàng hoàng, cô ca sĩ này chỉ còn biết than trời “Những người này quá ác khi trù người khác qua đời để kiếm lợi cho bản thân”.
Anh Bảy hý hoáy mở iPhone rồi hắng giọng:
– Tôi đọc cho mấy ông nghe cái tít rất hấp dẫn của một kênh sức khỏe nè. “Uống mật ong với thứ này đại bổ gan thận, tiêu trừ sạch bệnh, sống thọ 120 tuổi”, nhưng phía dưới lại có câu “Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm”. Kiểu này ai mà dám tin!
Anh Tuấn thở hắt ra như đang mang trong lòng sự ấm ức khó nói.
– Vậy mà cũng có người tin. Tin một cách mù quáng. Con người có lỗ tai để nghe, có cặp mắt để đọc chữ, có bộ óc nhưng lại không biết suy nghĩ, thế mới chán!
– Chuyện thiên hạ sự nói cho vui thôi, sao hằn học dữ vậy cha nội!
Anh Tuấn gói ổ bánh mì ăn dang dở, đẩy sang một bên rồi hất cằm hỏi:
– Anh có biết tại sao giờ này tôi phải ăn “cơm tay cầm” không?
– Tại sao?
– Xưa nay, từ đời ông sơ, ông cố, ông nội, sang đời cha cho đến đời mình, hễ gỏi gà thì trộn rau răm, phải không? Vậy mà trưa nay bà xã tôi dọn lên một dĩa gỏi gà trụi lủi, không cọng rau làm màu. Ngạc nhiên, tôi hỏi lý do, bả trả lời ngày hôm qua chị bạn báo khẩn cấp tin vừa đọc được trên “youtube” của một ông thầy thuốc nào đó “10 món ăn kỵ nhau chưa ai từng biết, ăn vào là chết không kịp ngáp”. Trong đó có rau răm và thịt gà. Đang đói bụng nên tôi mắc quạu, quạt cho bả một tăng “Vô lý vậy mà cũng tin. Gần cả trăm năm, người Việt mình đều ăn như thế có thấy ai chết đâu. Ngốc!”. Bả liền phản pháo “Còn hơn có người mê ăn, không biết giữ gìn sức khỏe. Ai ngốc hơn ai?”. Vậy là hai bên cãi nhau kịch liệt và kết quả là dĩa gỏi gà bay vô thùng rác.
– Bó tay hai ông bà. Chuyện nhỏ như con thỏ mà lại làm ầm lên.
Anh Bảy nhìn ra đường, gãi nhẹ hàm râu lởm chởm vài cọng bạc:
– Ông bà mình có nói “miếng ăn là miếng tồi tàn, mất đi một miếng lộn gan lên đầu”, phải không anh Tuấn. Ha!ha!!!
Bạn thân mến,
“Youtube” là phương tiện để người thực hiện chia sẻ những kiến thức về mọi lãnh vực như giải trí, ca nhạc, kỹ thuật, tôn giáo, chính trị… Người xem cũng được lợi ích khi khám phá được những điều mình muốn tìm hiểu mà không mất tiền. Khoảng 10 năm trở lại, “youtube” không chỉ dừng lại ở chức năng giải trí, tin tức, khám phá, học tập mà ngày nay nó đã trở thành một “công việc” để kiếm tiền của nhiều người bắt kịp sự phát triển của mạng xã hội nầy.
Theo quy định của “YouTube”, điều kiện bắt buộc để được nhà cung cấp cho tham gia kiếm tiền là mỗi kênh phải đạt 1,000 người đăng ký trở lên và 4,000 giờ xem trong 12 tháng.
Thường thì thu nhập của các kênh ở Mỹ có thể kiếm được từ 3 đến 4 USD cho 1,000 lượt xem, cao hơn rất nhiều so với những kênh ở Việt Nam.
Ở Mỹ, khi có được 2,050 view thì số tiền kiếm được là $9.7 -tức là $4.77 cho 1,000 view. Trong khi ở Việt Nam muốn có số tiền tương đương như ở Mỹ, phải đạt số view 25,163.
Chính vì tiền mà một số người lợi dụng đã dùng dạng “youtube” như bản tin tức, ghi lại tất cả những diễn biến xã hội xung quanh – được YouTuber tiếng Việt làm nhiều nhất. “Đơn giản bởi nó dễ làm và cũng không cần suy nghĩ nhiều. Chỉ cần gây tâm lý tò mò về vấn đề nào đó hoặc quay lại khung cảnh của một sự kiện đang được dư luận chú ý, nội dung gây sốc, các ‘clip’ cắt ghép hình ảnh, giật tít bôi nhọ danh dự, video đó lập tức có nhiều lượt xem và được tiền quảng cáo”
Vì nguồn thu quảng cáo, các chủ kênh bất chấp mọi chiêu trò câu “view”, còn người xem bị đầu độc nhận thức. Thậm chí còn bị lừa nhận thức rồi trở thành quan tòa phán xét cuộc sống của người khác. Những phím bấm trên máy tính, trên điện thoại có thể trở thành vũ khí giết người và có người đã tự sát khi bị tấn công trên mạng và những gia đình tan vỡ vì thông tin bịa đặt.
Mặc dù “YouTube” cũng có những điều lệ khi ghi danh tham gia, chẳng hạn như không được đăng những nội dung nguy hiểm, có thể gây thương tích, nội dung khiêu dâm, ảnh khỏa thân, những nội dung gây kích động, thù địch, những nội dung có tính bạo lực, có tính lừa đảo, gây hiểu lầm, khủng bố, giết chóc, ngược đãi động vật và không được sử dụng nội dung của các kênh “youtube” khác. Tuy nhiên, kẻ xấu vẫn tìm được cách lọt vào và khi bị đóng tài khoản nầy thì họ mở tài khoản khác.
Vì vậy, để tạo được môi trường “youtube” thực sự trong sạch, lợi ích thì những người tham gia phải nhận thức và tránh xa những nội dung xấu, độc hại, ảnh hưởng đến cuộc sống và chọn lựa để xem những thông tin thật sự hữu ích, chứ không nên tham gia vào những vụ tranh cãi để kẻ xấu không có cơ hội dựng chuyện “câu view” với mục đích thiếu lành mạnh mà vô tình chúng ta trở thành kẻ tiếp tay.