Lời Giới Thiệu:
HẠNH PHÚC TRONG TAY là một chuyên mục mới của Trẻ, do anh Đặng Hiếu Sinh phụ trách, nơi những thao thức, những kinh nghiệm về hạnh phúc gia đình, hạnh phúc đời người được chia sẻ để mỗi người tự tìm ra chiếc chìa khóa hạnh phúc cho chính mình.
Mùa Xuân về trong khu vườn nhỏ nhà tôi khi giàn hoa tử đằng nở rộ, tím cả một góc sân. Nhớ có lần đọc ở đâu đó một bài viết về ý nghĩa của những loài hoa, tác giả cho biết hoa tử đằng mang đến sự may mắn, thuận lợi và loài hoa tím này còn tượng trưng cho sự thủy chung, son sắt của một tình yêu vĩnh cửu. Không gian mát nhẹ làm bàn chân cứ muốn bước đi, vươn xa đến nơi nào đó có phong cảnh hữu tình, có niềm vui hội ngộ tô điểm thêm cho tình cảm ấm áp của bạn bè trong tuổi xế chiều. Tôi gọi Tuấn, người được mệnh danh là “tài xế xuyên bang cự phách”. Chúng tôi có cùng chung sở thích nên thường rủ nhau “cưỡi ngựa sắt” đi khắp nơi, vừa thăm bạn bè vừa lang thang ngắm cảnh với chiếc máy ảnh gọn gàng trên tay để ghi lại kỷ niệm của những ngày vui đáng nhớ.
– Hello anh Tuấn. Mùa Xuân mát mẻ đến rồi, mình đi Yellowstone National Park chơi nha. Mấy năm trước, lúc đám cưới cháu Richard mình đã hẹn nhau, anh nhớ không?
– Thua rồi anh Lân ơi. Bây giờ tụi này lu bu quá.
– Anh chị đã nghỉ hưu, Richard đã lập gia đình, còn bận rộn gì nữa. Anh đã từng nói, khi còn đi được thì cứ đi không nên chần chờ, vì chẳng biết lúc nào sức khỏe xuống dốc. Chừng đó, chỉ còn nước nằm nhà mà rên rỉ “Còn gì nữa đâu mà khóc với sầu” (*) rồi hùi hụi hối tiếc thanh xuân.
– Biết vậy nhưng tôi đang ở vào hoàn cảnh ngặt nghèo không có lối ra. Rầu muốn chết.
– Trời! một người lạc quan như anh mà sao nói chuyện nghe lạc… giọng vậy. Hay là anh chán đi chung với vợ chồng tôi. Có điều gì bất bình chăng, hỡi ông bạn già?
Có tiếng thở dài bên kia đầu dây:
– Làm gì có chuyện đó. Hai cặp mình xưa nay đã từng có tiếng là tâm đầu ý hợp mà. Nhưng … biết nói sao đây!
– Bạn bè bấy lâu, chuyện gì cũng thấu hiểu và thông cảm nhau thì anh còn ngại gì. Nếu có thể, anh cứ nói ra cho nhẹ lòng, tôi sẵn sàng làm thùng rác cho anh trút bầu tâm sự.
– Chuyện là vầy, 4 năm trước, thằng Richard có việc làm ở Kansas City nên mua nhà ở đó. Năm rồi, vợ nó sinh được 1 cháu gái. Muốn đỡ đần cho con nên vợ chồng tôi cứ lên xuống nhà nó thường xuyên dù phải lái xe 3 tiếng đồng hồ. Cách đây 1 năm, má vợ nó qua đây theo diện bảo lãnh. Cứ nghĩ rằng bà ngoại sẽ giúp trông nom cháu nhưng bà lại bị bệnh tim và thoái hóa cột sống nên không ẵm bồng cháu và không làm công việc nhà nhiều được, trái lại còn phải đưa bà đi bác sĩ, bệnh viện thường xuyên. Vậy là vợ chồng tôi vẫn phải tiếp tục chạy đi, chạy về dù bây giờ tôi đã ngán lái xe lắm rồi. Sau cùng, hai vợ chồng Richard đề nghị chúng tôi dọn đến ở chung cho tiện. Phần thì thương bé Ù, đứa cháu nội đầu lòng, phần muốn giúp đỡ con vì vợ Richard đang mang bầu đứa thứ hai. Bà xã tôi còn nghĩ xa hơn, ở gần tụi nó để lỡ khi 1 trong 2 người có bệnh hoạn thì có con gần gũi, chăm sóc để nó khỏi vất vả chạy xa lắc, xa lơ rồi phải xin nghỉ làm như lần tôi bị mổ tim năm ngoái. Hợp lý quá còn gì, vậy là chúng tôi cho thuê nhà và dọn về ở chung mấy tháng nay. Tháng đầu vui vẻ lắm, vì bà sui là người khá xuề xòa. Nhưng rồi lâu ngày, dầy tháng mới nảy sinh những bất đồng, tuy nhỏ nhưng âm ỉ ngày qua ngày, riết rồi không khí trong gia đình mỗi lúc càng nặng nề, khó chịu.
– Nhưng bà xã anh xưa nay là người hiền lành, tế nhị và bà sui cũng dễ tính như anh nói thì chuyện gì mà trầm trọng đến nỗi…
– Bở … thức lâu mới biết đêm dài. Để tôi kể cho anh nghe chuyện bà nội và bà ngoại của bé Ù rồi anh tính kế giùm tôi.
o O o
Một buổi sáng,
Bà nội từ trên lầu bước xuống thì thấy bà ngoại đang làm cá. Sau màn chà xát qua loa, bà ngoại vói tay lấy dao, định chặt con cá làm đôi th … vốn là người rất kỹ lưỡng, bà nội vội đến, vừa đưa tay ngăn lại, vừa nói:
– Khoan, để tôi lấy giấm và muối ngâm con cá vài phút cho nó sạch nhớt rồi hẵng cắt.
Bà ngoại gạt ngang:
– Ối! cá lội dưới nước quanh năm suốt tháng chứ có phải như người ta một ngày tắm một lần đâu mà hổng sạch. Nó dơ mới là chuyện lạ.
Nói xong bà ngoại phụp con cá làm đôi rồi quay sang bếp, thả cá vào nồi nước đang sôi sùng sục. Bà nội vừa giận, vừa gớm nên bữa trưa chỉ ăn cơm trắng với chao, nhất định không ghé đũa qua tô canh chua nóng hổi đủ màu, với hồng của cà chua, vàng của khóm, xanh của đậu bắp, trắng của giá.
Bữa cơm gia đình lạnh tanh trong bầu không khí căng thẳng với 2 khuôn mặt đằng đằng sát khí.
Một buổi trưa,
Bé Ù đang ngồi chơi búp bê thì nhảy mũi liên tục mấy cái, nước mũi chảy lòng thòng. Bà nội không kịp xỏ dép, chạy vội đến bàn lấy tờ khăn giấy, chưa đến nơi thì đã thấy bà ngoại giơ ngón tay trỏ chưa rửa sau khi cầm cái nùi giẻ lau bếp, quẹt ngang mũi bé Ù. Mắt bà nội như đứng tròng, bà ngoại cười lỏn lẻn:
– Hì hì! xin lỗi … chị dặn hoài mà tôi cũng quên hoài. Nhưng có sao đâu, từ nhỏ tới lớn, tôi nuôi mẹ nó vậy đó, mẹ nó cũng mạnh xân xẩn chứ đau yếu gì đâu nà. Ở đây bày đặt, cái gì cũng vệ sinh, cũng sợ nhiễm trùng. Giữ kỹ quá nên con nhỏ yếu xìu, bệnh hà rầm.
Bị chỉ trích thẳng thừng nhưng bà nội cứ trơ mắt ra nhìn vì … hết hồn và quá giận.
Một buổi tối,
Bà nội đang say sưa theo dõi chương trình Music Box với 2 ca sĩ thần tượng Trịnh Nam Sơn và Ý Lan. Bà ngoại nãy giờ đã liếc ngang, liếc dọc, chờ khi bà nội vừa đứng lên đi về phía tủ lạnh rót ly nước thì bà chụp ngay cái “remote”, vừa bấm vừa bĩu môi chê thậm tệ:
– Hổng hiểu sao người ta mê được bà ca sĩ này. Điệu ơi là điệu mà hát thì dở ẹt, để nghe Tuấn Vũ, Thanh Tuyền hát còn phê hơn.
Mà bà ngoại cũng lạ, đã có một cái TV riêng, nếu là người đến sau và không thích thì vào phòng mình xem đi, tự dưng lại “gây chiến” khiến khuôn mặt đẹp lão của bà nội trở nét, dài thòng như bánh giò cháo quẩy. Hình như bà ngoại thích chọc giận đối phương để trả thù cái tội bà nội dám qua Mỹ trước bà đến 30 năm để một hôm bà bị cô em út sửa lưng “Bà nội bé Ù qua đây mấy chục năm rồi còn chị mới qua, chưa biết gì hết mà cứ hay làm tài khôn”.
Đó là cái hoạt cảnh trong gia đình tôi. Chuyện xảy ra như cơm bữa và cứ lặp đi lặp lại như thế, hết chuyện này đến chuyện kia, toàn là chuyện nhỏ như con thỏ nhưng hậu quả thì lớn chẳng thua con voi, chịu đời không thấu anh ơi!
Bạn thân mến,
Chuyện sui gia sống chung là vấn đề khó khăn vô kể. Hai người yêu nhau, tìm hiểu thật kỹ qua nhiều gian nan thử thách mà khi sống chung còn xảy ra biết bao mâu thuẫn vì tính tình, thói quen không thay đổi được. Bình thường, sui gia ở xa mà đôi khi còn xảy ra những điều bất ý nói chi phải sống chung nhà cho dù mục đích chính của hai bên là vì thương con cháu.
Một nhà tâm lý học đã khuyên “ Hai bên sui gia phải nhớ là lòng vị tha sẽ hóa giải được tất cả những khúc mắc trong cuộc sống. Hãy nghĩ đến tình yêu thương con cái mà hy sinh cái tôi để hướng đến một cuộc sống ấm êm, hạnh phúc”.
Điều nầy rất đúng nhưng đó chỉ là lý thuyết. Thực tế không dễ dàng chút nào nếu muốn áp dụng vào cuộc sống. Sự xung khắc của 2 bà sui trong câu chuyện kể trên chỉ là những thói quen nhỏ nhặt trong cách sống nhưng không thể nào thay đổi được vì bên nào cũng tự ái và cũng cho là mình đúng.
Thời nay, các vị luống tuổi thường khuyên nhau chọn chữ KHÔNG đối với vấn đề sống chung với con cái, huống hồ lại ở chung nhà với sui gia. Việc ấy chẳng khác nào chọn con đường khó nhất để cuộc sống của mình phải khập khễnh đến cuối đời.
Nếu người viết ở vào hoàn cảnh của anh Tuấn, cách duy nhất để giữ được hạnh phúc cho con là quyết định trở về nhà của mình. Trong thời gian cháu nội còn quá nhỏ và bà sui chưa quen với môi trường sống mới, anh chị có thể đến giúp ngắn hạn lúc khó khăn, cần thiết. Và để thuận tiện hơn, cách hay nhất là dọn về sống cùng thành phố với con trai.
Nếu vì muốn hy sinh cho con mà ép mình sống trong khắc khoải vì hai bên không thể hòa hợp thì sẽ có lúc sự bất hòa biến thành bão lửa, thiêu đốt hạnh phúc gia đình nhỏ của chúng, vì đứa con nào cũng muốn bênh vực và bảo vệ cha mẹ mình.
(*) Lời trong bài nhạc phẩm Ngày Buồn của NS Lam Phương