Lời Giới Thiệu:

HẠNH PHÚC TRONG TAY là một chuyên mục mới của Trẻ, do anh Đặng Hiếu Sinh phụ trách, nơi những thao thức, những kinh nghiệm về hạnh phúc gia đình, hạnh phúc đời người được chia sẻ để mỗi người tự tìm ra chiếc chìa khóa hạnh phúc cho chính mình.

Chị Thùy kể:

Sau bữa cơm chiều, Sơn ngồi ở phòng làm việc, gọi ơi ới:

– Em ơi! tập Check để ở đâu, sao anh tìm không thấy?

Lại việc gì nữa đây? Tôi thắc mắc. Vì thông thường Sơn không dùng check, chỉ “credit card” thôi.

– Anh cần check làm gì?

– Hôm nay, giờ ăn trưa ở hãng, anh Tư kêu gọi bạn bè, mỗi người góp một số tiền để gửi về VN giúp đồng bào miền Trung bị thiên tai bão lụt. Anh đã hứa cho một trăm. Còn nữa, chị Hoa cũng muốn xin tiền gửi về nhóm từ thiện của bạn chị ở Vĩnh Bình để giúp một gia đình nghèo. Người Cha bị tai biến nằm một chỗ, con trai lớn đi làm lao động bị té gãy xương sống, người mẹ bị ung thư phổi vừa qua đời để lại năm đứa con nheo nhóc. Gia đình không có tiền lo tang  lễ, phải vay nợ…

– Và anh hứa đóng góp?

– Bạn bè ai cũng sốt sắng, làm sao anh có thể từ chối, nên hứa sẽ góp một trăm.

Tôi thở dài ngao ngán, lấy tập check đưa cho Sơn mà lòng không vui:

– Anh thật vô tư. Cứ hứa cho chỗ nầy, chỗ kia mà không bàn với em để xem việc chi tiêu trong gia đình ra sao! Bộ anh tưởng mình có kho bạc hay sao?

Sơn đáp trả gay gắt:

– Anh làm việc từ thiện chứ có phải tiêu xài hoang phí đâu. Lúc anh Tư kêu gọi, ai cũng hăng hái đóng góp tại chỗ. Anh không có đủ tiền trong túi như người ta là đã quê rồi,  không lẽ nói “chờ tôi xin phép vợ đã”, rồi mặt mũi anh để đâu, anh cũng phải giữ thể diện chứ! Em thì lúc nào cũng tỏ ra quyền hành, kiểm soát anh.

Tôi cố gắng nhẹ giọng:

– Em không phản đối anh làm việc thiện, nhưng phải tùy khả năng gia đình. Hai tháng nay, mình chi tiêu nhiều thứ ngoài kế hoạch. Tháng trước, gửi chị Hai năm trăm để mua xe cho thằng Tín. Sáng hôm nay, mẹ gọi điện thoại, báo tin cậu Út nhập viện cấp cứu, bảo vợ chồng mình gửi ít tiền giúp cậu trả bệnh viện phí và mua thuốc. Em chưa kịp nói cho anh biết thì anh đã vung tay cho chỗ khác nữa.  Gia đình ở VN còn nghèo, thiếu thốn đủ thứ, mình làm ngơ được không? Em đi giũa móng tay suốt tuần, không có ngày nghỉ mới dư dả chút ít. Kiếm tiền có dễ đâu anh!

Xem thêm:   Chuyện sui gia

Bằng ánh mắt hằn học, Sơn nhìn thẳng vào mặt tôi, hét lớn:

– Bộ chỉ có mình cô đi làm, còn tôi ngồi không để hưởng hả? Ừ! nhà tôi ở VN nghèo, chứ đâu phải như nhà cô ở bên đây. Họ là gánh nặng, báo đời, báo hại, tối ngày cứ xin này, xin nọ, nên cô phải cực khổ, vất vả để lo cho gia đình tôi.

Quăng tập check xuống bàn, Sơn vung tay, gạt chiếc điện thoại của tôi để gần đó, quay lưng bước đi. Cơn giận trong tôi bùng lên:

– Anh đừng có tự ái hão rồi ăn nói hồ đồ. Từ xưa đến giờ, em có phân biệt nhà anh, nhà em bao giờ chưa? Vì gia đình anh tất cả đều ở VN, nên lúc nào em cũng quan tâm, lo lắng và hết lòng giúp đỡ cho những ai cần giúp. Có bao giờ em làm ngơ hay than vãn đâu mà anh nói như vậy? Em chỉ nhắc anh, mỗi lần làm việc gì thì vợ chồng nên bàn bạc với nhau. Cho dù việc làm đó tốt, nhưng tạo sự bất hòa giữa hai vợ chồng thì có nên hay không?

Sơn chẳng thèm trả lời, bỏ ra sân hút thuốc lá. Tôi giận quá xé tập check ra từng mảnh vụn. Ba ngày đã trôi qua, tôi và Sơn không nói với nhau câu nào. Bữa ăn chiều đầm ấm không còn nữa khi mỗi người một nơi. Người thì vừa ăn vừa xem TV, người thì ngồi ngoài “patio”, trợn trạo nuốt từng muỗng cơm nguội lạnh như nuốt nỗi ấm ức vào trong. Anh thấy không, đáng lẽ vợ chồng sẽ rất vui vì làm được việc tốt, nhưng cuối cùng lại hậm hực nhau trong bầu không khí ngập tràn “khói lửa”.

Xem thêm:   Chuyện sui gia

Bảo Huân

Bạn thân mến,

Trong những năm đầu tiên đến Mỹ lập nghiệp, người Việt tỵ nạn chúng ta, ai cũng còn người thân ở lại VN và phải sống trong cảnh nghèo túng, khó khăn, nên cố gắng tích góp tiền bạc gửi về giúp đỡ gia đình, dù ở đây vẫn còn thiếu thốn trăm bề, nhưng vẫn thấy vui. Mấy mươi năm qua, quê nhà được gọi là đổi mới, nhưng vẫn còn biết bao nhiêu cảnh đời gian khổ mà chúng ta không thể không xót xa khi nhìn thấy qua hình ảnh trên báo chí hay internet.

Sống bác ái là đạo lý căn bản của mọi tôn giáo. Trong một xã hội đầy nhân bản, con người dễ thấm nhuần đạo lý nầy cách tự nhiên. Tháng Hai vừa qua, trong tuần “giá rét thiên tai” của vùng Texas, vì tìm cách sưởi ấm bằng lò sưởi mà một gia đình gốc Việt đã bị mất ba đứa con thơ, cùng bà mẹ già. Sau vụ hỏa hoạn, hàng ngàn người Mỹ đã liên lạc với các cơ quan truyền thông với mong muốn hỗ trợ tài chính cho bố mẹ các bé. Những tấm lòng nhân ái đó đã là niềm an ủi quý báu cho người mẹ, người cha với sự mất mát lớn lao nhất trong cuộc đời họ.

Nghe câu chuyện “làm từ thiện” của vợ chồng chị Thùy, người viết cảm thấy một chút xốn xang. Bởi vì, những hành động cùng xuất phát từ lòng bác ái mà lại biến thành chiến tranh để vợ chồng cay đắng với nhau. Với ngân sách gia đình không được rộng rãi lắm, nhưng chị Thùy luôn sẵn sàng giúp đỡ gia đình chồng bên VN, và đó cũng là trung tâm điểm để chị tỏ tình thương yêu và tấm lòng thiện nhân của mình.Tuy nhiên, trong những mối tương quan đời sống, có những việc từ thiện người ta phải làm vì xã giao, vì nể bạn bè, như trường hợp của anh Sơn cũng không gọi là sai.

Nhìn chung, chiều hướng “lá lành đùm lá rách” của cộng đồng người  Mỹ gốc Việt rất tích cực, muôn màu muôn sắc. Phần lớn những số tiền cứu trợ đều rót về VN qua những tổ chức tôn giáo hoặc một số cơ quan tư nhân có uy tín. Hầu như chúng ta, ai cũng trĩu nặng trong lòng khi nghĩ đến quê hương nghèo khó, và đồng bào ruột thịt của mình đang nhọc nhằn, khốn khổ trước sự sa đọa đạo đức của đảng cầm quyền vô nhân.

Người viết không dám lạm bàn về mặt chính trị, cũng như phán đoán việc từ thiện của tổ chức nào tốt hay xấu, chỉ xin mạo muội trình bày ý kiến cá nhân về việc giúp đỡ người thân hay tha nhân và việc làm này ảnh hưởng không ít đến tài chính gia đình.

Trong quyển sách “Con đường yêu thương”, Mẹ Têrêsa có viết “Thật dễ dàng cho đi một bát gạo để làm thuyên giảm cơn đói của người khác hơn là giải khuây nỗi niềm cô đơn và khổ đau của ai đó trong gia đình, đang cảm thấy mình không được yêu thương. Hãy đem yêu thương vào trong gia đình các con vì  đó là nơi tình yêu thương phải khởi hành, phải xuất phát”.

Xem thêm:   Chuyện sui gia

Trường hợp khả năng tài chính cần phải cân nhắc trong mỗi dịp cho đi, thì nhu cầu giúp người thân trong gia đình là ưu tiên một, sau đó mới đến bên ngoài. Dĩ nhiên, cũng có những trường hợp ngoại lệ. Nếu phải làm từ thiện vì vấn đề xã giao mà chúng ta khó có thể từ chối, thì tốt nhất nên bàn thảo với người giữ “túi tiền” để cùng đồng ý về con số, cho cả nhà được vui vẻ. Trong câu chuyện gia đình của chị Thùy,cả hai anh chị đều có lòng bác ái, nhưng không ai chịu từ tốn lắng nghe và đối thoại nhẹ nhàng, khiến chuyện làm từ thiện mất đi ý nghĩa cao đẹp và trở thành nguyên nhân của nỗi buồn…

“Buồn như trong một ngày hai đứa không gặp mặt

Buồn như khi gặp mặt không còn chuyện để vui”  (*)

* Lời trong nhạc phẩm “Buồn” của Y Vân