Lời Giới Thiệu:

HẠNH PHÚC TRONG TAY là một chuyên mục mới của Trẻ, do anh Đặng Hiếu Sinh phụ trách, nơi những thao thức, những kinh nghiệm về hạnh phúc gia đình, hạnh phúc đời người được chia sẻ để mỗi người tự tìm ra chiếc chìa khóa hạnh phúc cho chính mình.

Ở vùng nầy có nhiều nhà quàn nhưng anh biết nhà quàn nào phục vụ tang lễ chu đáo và giá cả phải chăng không?

Tuyên vừa hỏi tôi, vừa khuấy ly cà phê sữa với những viên đá  tròn trĩnh, trong vắt nhìn thật hấp dẫn giữa tiết trời nóng bức kinh hoàng phía bên ngoài cửa kính.

– Ủa hai bác mất hết rồi, anh hỏi nhà quàn cho ai thế?

– Cho tôi chứ ai. Bố mẹ tôi mất ở Việt Nam, lúc đó tôi đâu có để ý đến các thủ tục tang lễ vì đã có ông Chú và bà chị Cả lo hết. Sang đây, thỉnh thoảng cũng có dự vài đám tang của thân nhân, bạn bè nhưng chỉ đến đọc kinh cầu nguyện rồi chia buồn thôi chứ chẳng hỏi han hay tìm hiểu gì về  thủ tục cũng như phí tổn cho một đám tang vì cứ nghĩ mình còn khỏe chưa đến nỗi gần đất xa trời. Nhưng bây giờ…

Tôi chồm tới, cướp lời Tuyên:

– Ðừng nói chuyện xúi quẩy nghe cha nội!

– Anh không nhớ bài hát “60 năm cuộc đời” của nhạc sĩ Y Vân sao? Tôi đã tới mức ăn thua rồi đó.

– Thế kỷ nầy người ta đã đổi số 6 thành số 9 rồi anh bạn lạc hậu của tôi ơi. Anh không nhớ  bác của thằng Trình trên 80 tuổi mà vừa rước một giai nhân U40 từ Việt Nam qua hồi đầu năm sao? Con cháu phản đối thì cứ việc phản đối, còn ông vẫn sống phây phây, hình như ngày càng trẻ ra. Chắc tôi và anh phải tìm ổng bái sư quá.

– Anh có muốn bái sư thì bái một mình đi, còn tôi bây giờ đang phải lo chuyện hậu sự sẵn sàng để được thanh thản khi nhắm mắt, xuôi tay.

– Ủa! sao tự dưng anh lại quan trọng hóa vấn đề mà người Việt mình đa số ai cũng cữ kiêng, không dám nhắc đến.

Trong dáng vẻ ưu tư, anh Tuyên kể:

– Tháng rồi tôi đi đám tang người bác ở Houston. Tang lễ thật rình rang. Bác là cựu quân nhân nên có hội cựu chiến binh Việt Nam đến làm nghi thức phủ cờ rất long trọng. Những tràng hoa phân ưu tràn ngập cả ngoài hành lang vì trong phòng đặt quan tài không đủ chỗ. Ðến lúc đưa ra nghĩa trang, một đoàn xe với 8 cảnh sát mở đường, chạy một vòng qua khu Hong Kong 4, rồi đến SugarLand ghé qua nhà cô gái lớn. Thời gian đoàn xe tang đi mất gần hai tiếng, sau đó mới đến nghĩa trang làm nghi thức chôn cất. Tôi lái xe theo mà oải luôn.

Xem thêm:   Chuyện sui gia

– Ðám tang long trọng như thế, bảo đảm bác của anh sẽ vui vẻ, thanh thản ở bên kia thế giới.

– Anh nói đúng y như suy nghĩ của con gái bác. Cô ấy nói, hồi còn sinh tiền, ngày nào bác cũng đến khu Hồng Kông 4 đánh cờ và uống cà phê với nhóm bạn già nên cho quan tài ghé qua đó, rồi về nhà cho ông nhìn thấy nơi mình đã sống cùng con cái lần cuối. Cô cho rằng, nếu không từ biệt hai nơi nầy sợ  linh hồn bác sẽ lưu luyến mãi không chịu ra đi.

– Ừ! đó là quan niệm của phần đông người Việt theo đạo thờ cúng ông bà từ lâu đời. Lúc xưa, ở Việt Nam tang lễ thường tổ chức tại nhà nên quan tài sẽ đưa thẳng ra nghĩa trang không có nghi thức lê thê kiểu này. Dù gì mình cũng phải thông cảm chứ .

Anh Tuyên thở dài:

– Tôi không có ý phê phán nghi thức nầy, mà chỉ quan tâm đến hậu quả đáng buồn đã xảy ra trong gia đình sau đám tang.

– Là chuyện tiền bạc phải không?

– Ðó là một vấn đề, nhưng hệ trọng hơn là những bất đồng về cách tổ chức tang lễ đến nỗi bây giờ chị em họ chẳng nhìn mặt nhau.

Tôi thắc mắc:

– Anh có thể kể rõ hơn không?

– Bác tôi có 4 người con. Bác gái đã mất nên bác sống với cô con gái lớn ở Houston. Khi bác qua đời, mấy chị em họp lại để bàn tính việc tổ chức tang lễ thì có sự tranh cãi về nghi thức. Hai người con nhỏ muốn tổ chức đơn sơ, không nhận tràng hoa và phúng điếu, chỉ để quan tài ở nhà quàn một ngày, sau đó thiêu xác và gửi tro cốt ở chùa, chờ thời gian thuận tiện sẽ đem về Việt Nam chôn ở nghĩa trang gia đình. Còn cô con gái lớn và cậu em kế muốn đám tang rình rang, quan tài phải là loại gỗ đắt tiền, đặt ở nhà quàn hai ngày đủ cho thân nhân, bạn bè thăm viếng, đoàn xe tang phải chạy quanh phố và về thăm nhà, chọn chỗ tốt trong nghĩa trang cho người ta biết lòng hiếu thảo của con cái. Hai nghi thức khác biệt này chênh lệch đến 25,000 đô. Phe chọn thiêu xác cho rằng “Khi còn sống bố hay làm việc từ thiện, vậy tại sao không dùng số tiền tổn phí xa xỉ đó giúp bà con nghèo ở Việt Nam như bố hằng mong muốn”. Phe kia phản bác bằng những lời lẽ nặng nề hơn “Chúng mày là đồ bất hiếu, chỉ còn lần cuối cùng để lo cho bố mà cũng keo kiệt. Mày không muốn góp phần chi trả tổn phí thì cứ nói thẳng, chứ đừng giả vờ khoác lên mình cái vỏ đạo đức, nhân đạo. Tao có bao giờ nghe bố nói như thế mà mày dám bảo là bố muốn”. Thôi thì… bao nhiêu lời thậm tệ, mạt sát nhau tuôn ra không chút nhân nhượng làm nát tan tình ruột thịt. Nếu linh hồn bác tôi phảng phất đâu đó chắc cũng phải xót xa, đau đớn. Thật sự nó có đáng để chị em tranh cãi bán sống, bán chết như thế không? Trở về nhà, tôi và bà xã suy nghĩ rất nhiều về câu chuyện đáng buồn nầy. Mình đâu biết con cái liệu định ra sao nếu một mai mình có mệnh hệ nào. Liệu anh em nó có xảy ra điều tồi tệ như những gì mình đã chứng kiến không? Vì vậy, chúng tôi quyết định sẽ tìm nhà quàn để chọn nghi thức tang lễ theo cách mình muốn. Con cái không phải bàn cãi, chi trả gì hết để tình cảm anh em được trọn vẹn.

Xem thêm:   Chuyện sui gia

– Có phải nhà nào cũng giống như nhà bác của anh đâu mà lo. Còn sống khỏe thì cứ tận hưởng cuộc sống, đừng lo chi đến cái chết cho buồn. Sự bất đồng con cái nhà bác anh chắc bắt nguồn từ chi phí tang lễ mà thôi. Tôi nghĩ, tốt nhất mình nên mua bảo hiểm nhân thọ, nếu có chết thì con cái có tiền lo tang lễ, tụi nó không phải chi trả thì sẽ không có chuyện cãi vã, tranh chấp.

– Nầy, đừng có lạc quan như thế nhé. Ngoài con của mình còn có dâu, có rể nữa, làm sao biết được lòng người. Coi chừng cái khoản bảo hiểm nhân thọ cũng là một cái cớ chia rẽ đó nha anh bạn!


Bảo Huân

Bạn thân mến,

“Sinh, lão, bệnh, tử” là một quy luật tất yếu của đời người. Khi còn sống, ai trong chúng ta cũng có trách nhiệm với những mối quan hệ huyết thống gia đình hay tương quan xã hội. Khi lìa trần mặc nhiên chấm dứt mọi sự nhưng có nhiều hệ lụy mà người phối ngẫu hay con cái sẽ phải gánh vác.

Trước đây, khi còn ở Việt Nam nhiều người vẫn giữ quan niệm là trù ẻo nếu có ai bàn đến việc chuẩn bị thủ tục tang lễ khi mình còn khỏe mạnh. Có khi, không vì tin dị đoan nhưng lại nghĩ mình còn sống lâu lắm cớ sao phải lo. Thật sự đã có một số trường hợp sau đám tang của cha mẹ, tình cảm anh chị em cũng tan vỡ luôn vì bất đồng trong việc cử hành các nghi lễ như câu chuyện gia đình của anh Tuyên. Thật là một thảm cảnh đau lòng.

Ở thời đại nầy, nếu có chuẩn bị trước người ta thường chú tâm đến tài chánh cho người thân còn ở lại bằng cách mua bảo hiểm nhân thọ, nhưng câu chuyện nhà bác của anh Tuyên không phải chỉ là vấn đề tiền bạc mà còn là những bất đồng về quan niệm hiếu thảo của các chị em. Một bên thích phô diễn, một bên muốn giản dị. Bên nào cũng viện lý do làm vui lòng người quá cố và kết quả là thù nghịch nhau.

Dù ở tuổi nào, không ai có thể dễ dàng đối mặt với cái chết của cha mẹ và cũng không cha mẹ nào muốn mình là cái cớ để các con tranh cãi, thù ghét nhau. Người viết nghĩ rằng, nếu có điều kiện chúng ta nên lo trước việc hậu sự cho chính mình để con cái theo đó thực hiện, tránh được sự bất hòa, vì có ai ra đi mà không mong muốn người thân yêu ở lại luôn được hạnh phúc như lời bài hát “Nếu chỉ còn một ngày để sống” của Hoài An.

Nếu chỉ còn một ngày để sống

Người cho tôi một khúc kinh cầu

Người tôi thương êm ấm môi cười

Cho con tôi bước đời yên vui.

ĐHS