Lời Giới Thiệu:

HẠNH PHÚC TRONG TAY là một chuyên mục mới của Trẻ, do anh Đặng Hiếu Sinh phụ trách, nơi những thao thức, những kinh nghiệm về hạnh phúc gia đình, hạnh phúc đời người được chia sẻ để mỗi người tự tìm ra chiếc chìa khóa hạnh phúc cho chính mình.

M

ột trong những sinh hoạt của đời sống hàng ngày bị ảnh hưởng khó khăn kinh tế vì đại dịch, có thể thấy rõ nhất là các cửa hàng buôn bán trong mall. Miên đi dạo vài vòng mà nghe lòng buồn man mác, vì sự ế ẩm, vắng vẻ. Ðang đảo mắt tìm kiếm một chỗ ngồi nghỉ chân, bỗng thấy từ xa một người quen, tay xách, tay mang, đang đi tới. Dù khẩu trang che kín khuôn mặt, chỉ chừa đôi mắt, nhưng Miên cũng nhận ra Thùy ngay.

– Ồ! gần một năm nay mới gặp lại, mà trông chị Miên vẫn không thay đổi gì hết.

– Nghĩa là vẫn ốm teo phải không?  Thùy cũng vậy, chị thấy em có vẻ trẻ hơn lần gặp trước nhiều. Lúc nầy, phát tài hay sao mà đi mua sắm nhiều dữ vậy?.

– Phát tài cái gì chị ơi, phát tướng thì có. Chị rảnh không, chị em mình tâm sự một lát.

Miên kéo Thùy ngồi xuống chiếc ghế đá trước mặt.

– Bộ có chuyện cần gỡ rối tơ lòng hả?

Thùy cười. Nụ cười không tròn niềm vui.

– Em đang khổ sở vì sự phát tướng của mình. Những chỗ cần thì không phát, lại cứ nhè vòng eo mà phát, rồi cái nọng cằm ngày càng phì xệ. Thật là chán chị ơi!

– Trông em có da, có thịt hơn lúc trước một chút thôi, đâu có gì quá đà mà lo. Chứ như chị, muốn phát thêm chút nữa mà không được. Ở tuổi này, phải tròn trịa một chút trông mới trẻ chứ.

– Chị an ủi em thì có. Em khổ sở quá chừng. Quần áo mới mua năm trước nay chật hết, phải mua cái khác, chứ có thú vị gì đâu mà sắm sửa trong lúc nầy. Còn bao nhiêu là cái khổ nữa để em kể chị nghe…

Xem thêm:   Chuyện sui gia

Thùy dừng một chút, đôi mắt đượm buồn:

– Từ ngày Covid, em không dám đến “gym” tập thể dục. Ở nhà buồn, nên suốt ngày mở “you tube” học nấu ăn. Nấu nhiều, ăn nhiều lại bị lên cân. Còn ngủ thì bất kể ngày đêm, bất cứ lúc nào em cũng có thể ngủ ngon lành. Ông bà mình nói, ăn được, ngủ được là tiên, nhưng em chẳng thấy tiên thánh đâu, chỉ thấy người ta mặc áo dài tha thướt gọn gàng, còn mình thì bao nhiêu thịt thà cứ chìa ra từng khoanh, thấy ớn. Mấy tháng gần đây, em ráng chạy bộ, tập thể dục cũng không xuống cân được, mà càng tập lại càng thèm ăn mới chết chứ. Em muốn đi thẩm mỹ viện hút mỡ, chồng em không cho. Em muốn uống các loại thuốc giảm cân, cũng bị ngăn cản. Anh nói “Uống chi cho hại sức khỏe,  anh không quan tâm đến ngoại hình, miễn sao em khỏe mạnh là anh vui rồi”.  Nói vậy chứ em thấy ông nào cũng như ông nấy, dù  có vợ đi bên cạnh, nhưng hễ thấy mấy cô xinh xắn, bụng nhỏ, eo thon là nhìn thiếu điều rớt con mắt. Người ta nói, đàn ông vừa háo sắc, vừa tham lam. Vì thế, chồng em có nói hàng chục lần “Dù em thế nào, với anh, em vẫn đẹp” em cũng không tin. Em muốn sửa sang lại, không thôi có ngày mất chồng như chơi. Năm mới nầy, có thuốc ngừa Covid rồi, em muốn về Việt Nam sửa sắc đẹp, để vừa tiết kiệm tiền, vừa không bị chồng cản trở. Khi trở về, thấy mình đẹp hẳn ra, chắc ảnh đâu trách móc gì. Nhiều lúc em nghĩ, không biết thật sự chồng em sợ nguy hiểm cho em hay là anh ấy sợ tốn tiền. Những thắc mắc đó cứ ám ảnh trong đầu, nên em sinh ra bực bội và cứ kiếm chuyện gây gổ với chồng mãi thôi.

Miên chia tay Thùy với nụ cười thân thiết:

– Trông em chưa đến nỗi nào đâu, nhưng vụ mấy ông chồng không muốn vợ đi thẩm mỹ, vì sợ tốn tiền hay là vẫn yêu “cục nợ núng nính của mình”, phải hỏi đàn ông mới biết chắc. Ðể chị hỏi giùm em nha.

Xem thêm:   Chuyện sui gia

Bảo Huân

Bạn thân mến,

Làm sao có thể trả lời câu hỏi của người phụ nữ tên Thùy trong câu chuyện kể trên. Ðã là phái nữ thì việc lo lắng cho sắc đẹp của mình là điều tự nhiên. Tôi biết một bà cụ tuổi gần đất xa trời, đã tự chọn bộ áo đẹp nhất và căn dặn con cái phải nhớ mặc bộ đồ đó cho bà khi an táng. Nghĩa là khi chết rồi, bà vẫn muốn mọi người nhìn thấy mình đẹp đẽ. Như vậy thì trách gì cô Thùy đang còn trẻ trung và yêu đời. Tuy nhiên, có những điều mình làm được và những điều không thể làm hoặc muốn tránh vẫn không khỏi. Một vấn đề khá khó khăn, có khi còn đòi hỏi sự nhạy bén sáng suốt để nhận biết đâu nét đẹp cần thiết hơn, để từ đó ta có thể tìm được một cuộc sống bình an, hạnh phúc.

Dĩ nhiên, thời nào, xã hội nào cũng vậy, nét  đẹp của con người thường theo một khuôn mẫu cá biệt. Cái khuôn mẫu nầy cũng được thay đổi theo từng thời đại khác nhau. Và quan niệm về cái đẹp của từng người lại càng khác nhau nữa. Nếu bạn đã từng theo dõi các cuộc thi hoa hậu, chắc bạn cũng thấy, đôi khi ta không đồng ý với kết quả do ban giám khảo đưa ra. Câu hỏi thường là “Sao cô Á hậu đẹp hơn mà lại không được đeo vương miện Hoa hậu?”. Rồi ta tức tối, bất mãn. Nhưng thật sự, ta không biết rõ cách chấm điểm của ban giám khảo, nên không làm sao đánh giá đúng mức cái đẹp người thiếu nữ đoạt chức hoa hậu.

Cô Thùy đau khổ vì thân hình  tròn trịa – trong khi cũng có những người đau khổ vì trót mang một bộ xương cách trí. Cô càng khổ đau hơn vì ông chồng không bằng lòng cho cô sửa sắc đẹp. Rồi cô đâm ra nghi ngờ, không biết ông chồng có thật lòng khi nói với cô – dù em thế nào, với anh, em vẫn đẹp. Chưa có câu trả lời cho nghi vấn trên, cô lại thắc mắc, có thật sự là anh ấy không quan tâm đến vấn đề béo, gầy của mình hay chỉ vì tiếc tiền. Trong khi đó, cô vẫn được chồng yêu thương và không đòi hỏi cô phải thay đổi. Nhưng cô lại muốn đổi thay những điều không nhất thiết phải thay đổi.

Ðó căn nguyên của sự đau khổ. Giá trị của con người xưa nay không chỉ ở vẻ đẹp bên ngoài còn nhiều nét đẹp khác đáng trân quý hơn. Nếu bằng lòng với những gì mình đang có, và nếu ta nhìn cái đẹp theo một góc cạnh khác như tính tình nhân hậu, sự chân thành, lòng độ lượng đối với những người xung quanh thì ta sẽ thấy, chính nét đẹp đó đôi khi làm cho người khác ngưỡng mộ hơn là một thân hình quyến rũ.

lẽ, bạn đã từng nhìn thấy có nhiều bà vợ “núng na, núng nính” mà vẫn được chồng yêu thương, bạn bè quý mến. Chắc chắn, niềm hạnh phúc mà họ có được không phải từ cái đẹp mong manh, phù phiếm, phải không bạn?