Hỏi

Thưa bác sĩ,

Chúng tôi chích ngừa bệnh cảm cúm mỗi năm vậy mà năm nay mặc dù đã chích ngừa cúm mà vẫn bị bệnh cúm tới hỏi thăm. Vậy thì xin bác sĩ giải thích tại sao có chuyện phi lý đến thế.

Nguyễn Thủy

Đáp

Thưa bà Thủy,

Chuyện chích ngừa các loại bệnh truyền nhiễm nó đều như vậy: có người chích ngừa thì lại tránh được bệnh truyền nhiễm, người khác dù đã chích ngừa thì lại vẫn bị bệnh. Vậy chúng tôi xin kể lại lai lịch việc chích ngừa này rồi xin quý độc giả phán xét.

Thời gian là vào mùa Hè một năm của thập niên 1930.

Trẻ con làng Hóp ở Cầu Cháy, tỉnh nọ cứ thay phiên nhau mà chết như rạ. Từ mới sanh cho tới mươi mười hai tuổi. Nóng sốt, ói mửa, tiêu chảy, da nổi mụn đầy mủ. Mươi ngày sau lên cơn động kinh rồi ra đi.

Dân chúng xôn xao, sợ hãi, tìm mọi cách chữa chạy.

Ðêm đêm trên đường làng, người ta nghe thấy tiếng chân huỳnh huỵch chạy. Dân chúng sợ sệt rỉ tai nhau: “Quan ôn đang đi lùng bắt trẻ con vì Bà Chúa Liễu đền Bia cần âm binh đánh giặc”.

Người người sì sụp cúng bái, cầu xin. Thầy mo thầy pháp bận tíu ta tíu tít trừ tà, bắt quyết. Hàng mã sản xuất hình nhân không kịp cho cha mẹ mua về cúng. Ðể thế mạng cho con cái.Vậy mà trẻ vẫn chết.

Bảo Huân

Nhà Nước Bảo Hộ vội vàng phái ông Quan Hai Ðốc Tờ mang đoàn y tế từ tỉnh về làng để cứu dân độ thế.

Vào thời điểm mà ánh sáng chân lý khoa học của sự việc chưa được phổ biến thì lòng tin của con người đều hướng về thần linh. Ðể được ban ơn hoặc nhận trừng phạt. Con người chết sống theo số mệnh, theo ngẫu hứng của huyền bí.

Năm đó, dịch Ðậu Mùa xảy ra ở nhiều vùng khác trong Huyện chứ không chỉ có trẻ con làng Hóp. Song song với điều trị, một chiến dịch chích ngừa và chỉ dẫn vệ sinh được phái đoàn áp dụng. Và bệnh giảm dần.

Nhờ sự tiến bộ về điều trị cũng như y khoa phòng ngừa, cải thiện nếp sống mà tỷ lệ tử vong vì các bệnh truyền nhiễm giảm trông thấy. Có những bệnh một thời hoành hành giết hại dân lành thì bây giờ đã được kiểm soát. Bệnh đậu mùa hầu như đã bị xóa sổ; ban sởi, ho gà, yết hầu, thương hàn giảm hẳn. Ðó là nhờ có chích ngừa, ngăn chặn bệnh lây lan. Và tuổi thọ của con người tăng thêm tới trên 30 năm trong thế kỷ 20.

Chích ngừa là tạo ra tính miễn dịch trong cơ thể để chống lại sự xâm nhập, gây bệnh của các vi sinh vật độc hại.

Ý niệm về sự chủng ngừa đã được y giới Trung Hoa, Hy Lạp nghĩ tới từ cả ngàn năm trước. Khi đó họ thấy một số nhân công tay không bao che, vắt sữa bò thường nổi những mụn mủ giống như bệnh đậu của bò. Và sau này các công nhân đó không bao giờ mắc bệnh đậu.

Nhưng phải đợi tới năm 1796, nguyên tắc của chủng ngừa mới được cụ thể hóa qua các nghiên cứu của y sĩ người Anh Edward Jenner.

Hiện nay chủng ngừa đã được đồng loạt áp dụng cho mọi người, mọi tuổi. Trẻ con đi học là phải có sổ chích ngừa đầy đủ mới được vào lớp. Nhờ đó mà nhiều bệnh nhiễm được phòng ngừa hữu hiệu.

Trở lại chuyện chích ngừa bệnh cúm mà bà nêu ra không phải chỉ mình bà hoặc bà bạn đã chích ngừa rồi mà vẫn bị cúm thì chúng tôi cho đó là ngoại lệ, vì chúng tôi thấy có nhiều người chẳng chích ngừa bao giờ lại không bị bệnh cúm. Ấy ở đời phải có ngoại lệ như vậy thì mới có chuyện để nói, phải không thưa bà?

Đông máu ở tĩnh mạch

Hỏi

Thưa ông,

Xin ông vui lòng giải thích cho chúng tôi về một chứng bệnh gọi là đông máu tại các tĩnh mạch, tại sao có, nguyên nhân và cách chữa cũng như phòng ngừa. Cảm ơn bác sĩ. 

Nguyễn Hoài Trang

Đáp

Thưa bà,

Sau đây là câu trả lời về Huyết Cục Tĩnh Mạch Sâu.

Thường xảy ra khi ngồi lâu mà hạ chi bất động, huyết cục sẽ thành hình ở tĩnh mạch nằm sâu nơi bắp vế, gây cản trở cho máu trở lại tim. Chẳng hạn như ngồi trên máy bay, xe hơi cả dăm sáu giờ liền mà không cử động. Chân sẽ sưng, đau, nóng đỏ.

Bình thường thì rối loạn này không nguy hiểm lắm. Tuy nhiên, khi máu cục bể vỡ, một khối huyết có thể chạy lên tim, não, phổi…và gây ra thương tổn trầm trọng như cơn suy tim, tai biến não.

Ðể tránh huyết cục khi đi máy bay, nên lưu ý những điểm sau đây:

-Ðừng xếp hành lý ở dưới hàng ghế trước mặt, để có khoảng trống cho hai bàn chân cử động.

– Uống thêm nước lạnh, nước trái cây để tránh khô nước

– Tránh uống nhiều cà phê, rượu mạnh vì các thứ này làm cho tiểu tiện nhiều, cơ thể mất nước.

– Mang tất hơi bó sát bắp chân, uống thuốc viên aspirin (hỏi bác sĩ)

– Năng cử động chân như là đứng lên đi tới đi lui, khi có thể.

– Khi ngồi, nên cử động thân mình, như là nhổm mông, bắp đùi lên khỏi mặt ghế, co duỗi đầu ngón chân, cử động, lắc bắp thịt ở bắp vế; co duỗi chân khi ngồi, vươn vai.

Tất cả các cử động này đều có mục đích giúp máu lưu thông tốt, tránh máu đóng cục

NYD

Arlington, TX.