Giống như lúc mới sinh và trong thời còn thơ ấu, tuổi già đôi khi chịu một số phận không mấy vui là phải phụ thuộc vào người khác nhất là sau khi đã có nhiều mất mát.
Nhưng, thay vì vươn ra khỏi sự phụ thuộc như lớp tuổi thơ thì người già lại đi sâu vào vòng phụ thuộc. Họ không còn làm việc, bị giảm lợi tức, con cái đi ở riêng, mất dần bạn bè, người thân yêu, kém sức khỏe, bệnh hoạn. Cho nên về già mà có được những bạn cố tri thân thiết hoặc tạo thêm ra những bạn mới để nương tựa lẫn nhau là một điều rất an ủi.
Nhiều người cho rằng dù họ hàng thân thuộc có giúp đỡ nhưng bằng hữu thường gần gũi nhau hơn, dễ nói với nhau hơn. Và có nhiều điều mà chính người phối ngẫu cũng không cung ứng được bằng những bạn cố tri. Họ đã cùng vui buồn có nhau khi xưa mà bây giờ già rồi vẫn còn bên nhau. Họ nương tựa lẫn nhau để có bầu có bạn, hiểu nhau để giúp đỡ lẫn nhau. Họ lắng nghe nhau tâm sự, kể lại cho nhau những kỷ niệm, những việc đã cùng làm. Họ đối xử, xưng hô thân mật như mấy chục năm về trước.
Thường thường người già muốn có bạn cùng lứa tuổi, có hoàn cảnh như nhau, sở thích kinh nghiệm như nhau, sống gần nhau để thuận tiện qua lại. Nhưng họ cũng có khuynh hướng là tạo thêm bạn mới ở lứa tuổi trẻ hơn để thay thế vào chỗ của những người bạn cùng tuổi sẽ lần lượt ra đi. Cũng có người già tập trung nuôi dưỡng bạn cố tri, giới hạn tìm thêm bạn mới để tiết kiệm sinh lực và để tránh gặp những trái ý không cần thiết.
Về già cũng có một số hoàn cảnh khiến cho tình bạn gặp trở ngại.
Kém sức khỏe đưa đến không cùng nhau sinh hoạt. Quá phụ thuộc vào bạn trong các công việc hàng ngày. Nếu sự phụ thuộc quá nhiều thì đôi khi bạn cũng thấy khó chịu, xa dần. Rồi người già rơi vào cảnh cô lập, nhất là khi giảm khả năng đối thoại với tai nghễnh ngãng, mắt kèm nhèm.
Cũng nhiều người già không có thì giờ dành cho bạn bè vì bận rộn chăm sóc cho sức khỏe của mình hoặc để nghỉ ngơi. Ngoài ra, có trường hợp khi dư dả thì bạn bè năng tới lui, mà nghèo khó thì lại thưa vắng qua lại. Như tình huống của Nguyễn Hữu Chỉnh: “Ðã hẳn ai là mặt cố tri; Giầu sang tìm đến, khó tìm đi”
Tình nghĩa vợ chồng già dù như đũa có đôi, nhưng cũng nên có những bạn riêng để phòng hờ thời gian đơn côi, góa bụa.
Khi mất người phối ngẫu, lão nam cảm thấy lẻ bóng nhiều hơn vì đã mất người bạn đầu gối tay ấp cả dăm ba chục năm.
Bình thường quý lão bà có nhiều bạn tâm tình trong suốt cuộc đời. Nhưng khi bạn hiền ra đi, thì cụ bà thấy quan hệ với bằng hữu cũ của vợ chồng giảm dần. Cũng may là họ dễ dàng tạo thêm bạn mới, giao hảo mới bằng cách tham dự vào nhiều sinh hoạt cộng đồng, tôn giáo. Ða số bạn của cụ bà khi đó là cô quả cùng cảnh ngộ, chỉ có một số nhỏ có gia đình.
Cho nên khi còn sống với nhau mà bà vợ không chịu giao tế tạo bạn cho mình thì khi ở góa sẽ có nguy cơ cô đơn. Nhất là khi chẳng may khả năng tài chánh lại không được dồi dào.
Kết luận
Mặc dù có thể có những căng thẳng, những thay đổi ngoài tầm kiểm soát, tình bạn vẫn giúp người già cảm thấy vui lên rất nhiều. Cho nên mất một bạn cố tri là một tai biến vì nhiều người già cảm thấy không còn đủ thời gian để thay thế cái khoảng trống tình cảm đó.
Hơn nữa, như Simone de Beauvoir đã viết: “Cái chết của người bạn thân thiết là sự đoạn tuyệt đột ngột với quá khứ của mình. Chúng ta không những mất một sự hiện diện mà còn mất cả một phần của cuộc sống mà chúng ta đã gửi gắm nơi họ”.
NYD