Hỏi
Xin bác sĩ giúp bạn đọc chúng tôi hiểu về cấu tạo của da và tại sao da hay khô về mùa Đông? Cám ơn bác sĩ. (BMT)
Trả lời
Với diện tích 17 m² (tương đương 56 f), da là bộ phận lớn nhất của cơ thể. Về cấu tạo, da có tính đàn hồi và rất nhạy cảm. Da giữ nhiệm vụ bảo vệ cơ thể chống ngoại vật xâm lăng như vi khuẩn, cát bụi, thời tiết nóng lạnh và sự thay đổi của thiên nhiên.
Da có ba lớp chính: biểu bì, bì và hạ bì với các chức năng khác nhau.
– Biểu bì là lớp ngoài cùng gồm tế bào tiết chất cứng gelatin để bảo vệ da; tế bào sắc tố làm cho da có màu và chặn tia tử ngoại xâm nhập cơ thể. Biểu bì được liên tục thay thế và trong suốt cuộc đời 70 tuổi, ta mất đi tới 20 kí lô (90lb) biểu bì. Biểu bì hư hao nhiều hơn là tái tạo, mô mới kém tổ chức khiến cho biểu bì mỏng manh.
– Bì là mạng lưới tế bào với hai chất đạm elastin và collagen giúp da trở nên bền bỉ và co dãn. Bì còn có nhiều mạch máu, dây thần kinh, tuyến mồ hôi, tuyến nhờn và chân tóc.
– Hạ bì nằm dưới cùng, có nhiều tế bào mỡ, sợi thần kinh, mạch máu và được dùng như để gắn hai lớp bì và biểu bì vào cơ thể.
Sự lão hóa của cả 3 lớp da khiến da nhăn nheo, kém đàn hồi và làm con người xấu đi. Thông thường, da nhăn khi về già. Ðó là sự thay đổi về cấu trúc da, một hiện tượng bình thường của sự lão hóa. Da còn nhăn khô khi gặp thời tiết lạnh, vào mùa Ðông chẳng hạn.
Sau tuổi 25, chất collagen và elastin chống đỡ cho lớp da bắt đầu thoái hóa; tế bào mỡ giảm dần; tuyến nhờn kém hoạt động; tế bào da tăng sinh chậm chạp, tế bào mới ít, tế bào già nhiều… tất cả làm da khô, xệ xuống và nhăn nheo. Ngoài ra, dưới tác dụng của ánh nắng, tia tử ngoại, da cũng mau hư hao. Sự hư hao này được coi là vĩnh viễn, khó mà trở lại tình trạng tốt đẹp như thuở thanh thiếu niên được. Ðặc biệt, da nhăn ở trên mặt là mối ưu tư lớn của nhiều quý bà.
Da khô
-Thời tiết mùa đông lạnh và không khí lại khô làm bay lớp ẩm trên da. Thế là da trở nên khô. Nói vậy không có nghĩa là vào mùa Hè, da không khô. Nếu cơ thể tiếp xúc quá lâu với tia tử ngoại, với hơi nóng của ánh nắng mặt trời thì da cũng bốc hết hơi ẩm và khô.
– Mùa lạnh, thường chúng ta phải tìm cách sưởi ấm nhưng nếu để máy điều hòa không khí quá cao hoặc lò sưởi than hồng, củi khô nóng rát thì không khí trong phòng cũng ngột ngạt khô khan, thu hút hết độ ẩm của da.
– Mùa lạnh thường tắm với nước nóng. Nhiều người ngâm cả nửa giờ trong bồn hoặc dưới vòi nước nóng, để cho “khí huyết lưu thông”. Tắm xong lại lấy khăn lông chà khắp thân mình để cho đỏ da, thắm thịt. Thế là bao nhiêu lớp nhờn giữ ẩm cho da tan biến theo nước nóng cũng khiến cho da khô, nhất là nếu dùng xà bông có độ tẩy rửa quá cao hoặc shampoo quá mạnh.
Cần chú ý, da thường hay khô ở vùng bụng, hai bên cạnh sườn, tay, chân.
Khô quá, da sẽ nhăn nheo, co lại, mặt da gồ ghề, những mảnh da mỏng nhỏ tróc ra. Ðôi khi da quá khô đến độ nứt nẻ, chảy máu, đặc biệt là ở bàn tay, bàn chân.
Khô da thường đi với cảm giác ngứa vì da luôn luôn bị kích thích. Mà ngứa là phải gãi cho đã. Nhưng gãi không giải quyết được vấn đề và còn có thể làm da trầy rách, mở đường cho vi khuẩn xâm nhập, gây ra viêm nhiễm da. Nếu không chữa trị, da khô có thể đưa tới viêm da, viêm nang lông khiến da có thể bị nhiễm trùng lở loét trầm trọng.
NYD