Khi tuổi tác tăng dần, bạn cần chú ý nhiều hơn đến sức khỏe răng miệng của mình. Điều này một phần là vì việc chải răng và dùng chỉ nha khoa đúng cách có thể trở nên khó khăn hơn nếu bạn bị các bệnh liên quan đến tuổi tác như viêm khớp hoặc bệnh Parkinson. Ngoài ra, nước bọt đóng vai trò quan trọng trong việc rửa trôi vi khuẩn trong miệng – nên nếu bị khô miệng (một tác dụng phụ thường thấy của nhiều loại thuốc), bạn sẽ dễ bị sâu răng hơn.
Tuy nhiên, với các dụng cụ và cách thức thích hợp, bạn vẫn có thể giữ răng khỏe mạnh. Dưới đây là những điều nên biết:
Chọn bàn chải phù hợp
Bạn có thể đạt được vệ sinh răng tốt dù dùng bàn chải thủ công hay điện, nhưng kỹ thuật đánh răng mới là điều quan trọng. Vấn đề nằm ở người đánh răng, không phải chiếc bàn chải.
Tuy nhiên, nếu bạn gặp khó khăn khi cầm (do bệnh khớp, run tay…), bàn chải điện sẽ dễ sử dụng hơn, vì chúng thường có cán to, dễ cầm. Nếu vẫn thích bàn chải thường thì có thể quấn một mảnh vải nhỏ quanh cán và cột chặt bằng dây thun để cầm chắc hơn.
Đánh răng đúng cách
Dù dùng bàn chải loại nào cũng hãy chắc rằng lông bàn chải phải mềm hoặc siêu mềm, và đánh răng 2 lần mỗi ngày, mỗi lần ít nhất 2 phút. Chải sạch mọi bề mặt của răng, và đặc biệt chú ý khu vực gần nướu, vì tụt nướu (gum recession) có thể làm lộ ra nhiều bề mặt răng cần làm sạch.
Kem đánh răng, Chỉ nha khoa và Những thứ khác
Dùng kem đánh răng có fluoride để ngừa sâu răng và bổ sung khoáng chất bị mất do vi khuẩn. Nếu bạn dễ bị sâu răng, nha sĩ có thể kê toa mua loại kem đánh răng có nồng độ fluoride cao hơn.
Theo một nghiên cứu năm 2019 thì người cao tuổi dùng kem có hàm lượng fluoride cao sẽ ít bị sâu răng ở chân răng – nơi không có men răng bảo vệ.
Làm sạch kẽ răng mỗi ngày là rất quan trọng, vì ngay cả bàn chải tốt nhất cũng không thể làm sạch mảng bám giữa các răng.
Dùng chỉ nha khoa là hiệu quả, nhưng có thể khó nếu bạn gặp khó khăn khi vận động ngón tay. Bàn chải kẽ răng (interdental brushes) – trông như cây thông nhỏ – là một lựa chọn để thay thế.
Hãy chọn loại có tay cầm dài, giúp dễ tiếp xúc răng phía sau hơn. Một lựa chọn khác dễ dùng hơn là máy tăm nước (water flosser), phun tia nước mạnh để làm sạch các khe răng.
Nếu bạn bị khô miệng (tình trạng ảnh hưởng đến khoảng 30% người từ 65 tuổi trở lên), hãy uống nước thường xuyên, mang theo chai nước trong ngày và nhấp từng ngụm nhỏ.
Nhai kẹo cao su không đường, đặc biệt là loại có chứa xylitol (có thể giúp chống vi khuẩn gây sâu răng), cũng rất hữu ích. Nếu tình trạng khô miệng quá khó chịu, hãy hỏi nha sĩ về các loại thuốc kê toa giúp kích thích tiết nước bọt.
Tóm lại
Chỉ với vài thay đổi nhỏ – từ bàn chải phù hợp, cách đánh đúng, đến việc làm sạch kẽ răng và giữ ẩm khoang miệng – bạn có thể duy trì sức khỏe răng miệng lâu dài, bất chấp tuổi tác hay bệnh lý đi kèm.