Tôi và Kh. yêu nhau đã 4 năm. Hai đứa định tổ chức đám cưới vào cuối năm nay. Tôi rất sung sướng khi nghĩ đến những ngày hạnh phúc sắp đến. Nhưng mới tuần rồi, Kh. nói với tôi rằng, trước khi đám cưới, Kh muốn nói rõ với tôi hai điều. Thứ nhất khi thành vợ chồng, Kh. sẽ là người nắm giữ tiền bạc trong gia đình, lý do là vì Kh. thấy tôi quá dễ dãi trong việc chi tiền cho ba mẹ và chị em của tôi. Thứ hai, mẹ Kh. chỉ có một mình Kh. Ba Kh. mất từ lúc anh sáu tuổi trên đường vượt biên và bà ở vậy nuôi anh, nên anh rất thương mẹ. Kh. muốn tôi phải là một người con dâu tốt và không được cãi lời mẹ anh cho dù bà nói đúng hay sai cũng phải im lặng lắng nghe. Tôi yêu Kh. nhiều lắm, nhưng điều kiện của anh làm tôi lo sợ. Bạn tôi nói, Kh. sẽ là người chồng keo kiết, độc tài và khuyên tôi nên chia tay. Tôi bối rối quá không biết phải làm sao. Kính xin những vị có kinh nghiệm trong cuộc sống cho tôi một lời khuyên. (Jackie Châu)

NÀNG

Chị Tư Hằng: Thật không ngờ ở vào thời buổi này mà còn có người thanh niên như Kh., người yêu của cô. Lời bạn của cô nhận xét quả không sai, Kh. là người độc tài, keo kiệt. Cũng may cho cô là Kh. nói sớm, nếu đã kết hôn thì cô không còn lối thoát. Trong gia đình, anh ta sẽ là người giữ tiền, như thế hằng tuần cô phải nộp check lương cho chồng, Kh. là người quản lý và dĩ nhiên account ngân hàng sẽ chỉ có tên Kh. mà thôi. Mỗi khi cần tiền biếu cha mẹ, hoặc đi tiệc cưới, sinh nhật bạn bè đều phải có sự đồng ý của của anh ta. Ðiều này, một người vợ sống lệ thuộc vào đồng lương của chồng còn không chịu nổi, huống chi cả hai cùng đi làm.

Mẹ Kh. ở vậy nuôi con, anh có hiếu là điều đáng quí, nhưng không phải vì thế mà có thể nói mẹ nói đúng hay sai gì cũng phải im lặng lắng nghe. Ðiều này không thể nào chịu đựng mãi được. Nếu mới quen Kh. mà nghe những lời trên, chắc không cô nào can đảm chấp nhận, sở dĩ cô còn phân vân vì hai người yêu nhau đã lâu.

Thật sự Kh. không yêu cô như cô yêu anh ta, vì Kh. không tôn trọng và không nghĩ đến cô nên mới có những yêu cầu như thế. Kết hôn với Kh. hạnh phúc chỉ là ảo tưởng và buồn phiền đau khổ sẽ tràn ngập, liệu cô có thể chịu đựng được bao lâu? Thà chấm dứt ngay bây giờ đau khổ ít hơn, nỗi buồn theo thời gian cũng phôi phai, vẫn tốt hơn là sau khi kết hôn có con cái mà không chịu đựng được nữa phải ly dị thì khổ cho cô và cả cho con cái của cô nữa, đời cô sẽ dang dở.

Mong cô hãy sáng suốt, dùng lý trí mà giải quyết chuyện tình này. Hãy mạnh dạn chấm dứt với anh chàng có một không hai này đi cô ơi. Cầu chúc cô gặp được một anh chàng đẹp trai và thật tình thương cô trong tương lai gần.

KNh: Người ta thường nói yêu là hy sinh, là sẵn sàng chết cho người mình yêu. Người ta cũng thường ví von “yêu vô điều kiện” để nói đến một tình yêu vĩ đại. Nhưng tình yêu của anh Kh. là yêu có điều kiện. Vậy, cô thử nghĩ đó có phải là tình yêu thật sự không hay là anh ta chỉ yêu chính bản thân mình.

Với một con người như thế sao cô lại cam lòng gắn chặt cuộc đời với anh ta. Hẩm hiu, bất hạnh, cô đơn, đau khổ là tất cả những gì thê thảm nhất đang chờ cô ở đầu đường hạnh phúc (chứ không phải cuối đường như người ta thường nói).

Cầu mong cho cô được ơn soi sáng.

CHÀNG

L.mh:   Theo tôi, chuyện gì cũng phải có lý do.

– Về mặt tiền bạc, nếu gặp một người giữ tiền nhẹ dạ như cô thì hại nhiều hơn là có lợi. Tôi xin kể chuyện gia đình tôi để làm bằng chứng.

Năm 75, thằng em tôi phải đi làm vất vả ngày đêm để kiếm tiền vượt biên. Có được bao nhiêu tiền nó giao hết cho vợ. Ðến ngày có chuyến đi, nó chạy về bảo vợ đưa tiền thì hỡi ơi, vợ đã đưa tiền cho má của nó để lo cho thằng em vượt biên. Có lẽ, khi đưa tiền cho mượn, cô em dâu nghĩ rằng em trai của cô qua tới nơi sẽ gửi tiền về trả lại chứ đâu ngờ chuyến đi bị bể. Thằng em tôi giận quá, quất cho con vợ một trận tơi bời. Kết quả tiền mất, tình vợ chồng cũng tan nát luôn.

Sau này sang Mỹ, lấy vợ lần thứ hai, với kinh nghiệm đau thương đã trải qua, nó nhất quyết phải giữ tiền chớ không giao cho vợ nữa. Kết quả là có nhà cửa, xe cộ, tiệm quán đề huề, vợ chồng ăn nên làm ra, tiền bạc có căn cơ, tiêu xài đâu ra đó rõ ràng phân minh.

Vậy thì đàn ông giữ tiền đâu có gì là xấu. Chỉ tại cái thành kiến mà người Việt mình hay nói “đàn ông keo kiệt” khi biết người nắm tiền bạc trong gia đình là ông chồng. Chung quy cũng tại quý bà mất quyền lợi nên mới lên giọng chỉ trích đó thôi.

– Thứ hai là chuyện mẹ chồng nàng dâu mà kinh nghiệm là bản thân vợ chồng tôi. Chúng tôi được thằng con bảo lãnh qua đây nên phải ở chung với vợ chồng nó, chăn giữ cháu nội và lo cơm nước. Con dâu coi như đó là bổn phận của tụi tôi. Ðã nấu cơm sẵn cho ăn, ăn xong không thèm rửa chén, cứ nằm dài trên sofa coi phim Hàn quốc. Thằng con tôi ngậm câm không biết dạy vợ một câu. Má nó than phiền thì nó nói “vợ con nói hồi đó hai đứa cưới nhau con đâu có nói mai mốt ba má sẽ qua đây ở chung, nên nó đâu có biết làm dâu…”

Nếu con trai tôi biết suy nghĩ như người yêu của cô thì đỡ cho vợ chồng tôi biết mấy.

Cô Jackie ơi! nếu như cô là người có tâm hồn và có tình yêu thật sự với anh Kh. thì hai điều kiện này không phải là trở ngại khó khăn mà là cách để cô chứng tỏ tình yêu vĩ đại của cô dành cho anh ấy. Chúc cô chín chắn trong quyết định quan trọng của đời mình.

NÀNG

TrangKim: Thoạt đầu đọc câu chuyện của cô, ai cũng cảm thấy bất bình vì cô rơi vào hoàn cảnh chỉ có một đường: rút lui, là phải cách nhất. Nhưng tôi cũng có một chút thắc mắc, cô bảo là đã yêu Kh. bốn năm và dự định đi đến hôn nhân một ngày gần đây. Vậy trong bốn năm qua cô không hề đến thăm viếng và làm quen với những người mà cô biết là sau khi lập gia đình cô sẽ phải sống chung ư? Cô không khi nào dò hỏi Kh. để biết tính tình của mẹ anh ấy như thế nào sao và cô có thể thương yêu bà như mẹ ruột của mình không? Nghĩa là cô không biết tí gì về bà mẹ chồng tương lai sao để bây giờ khi nghe Kh. báo động cô mới bật ngửa. Kể cả cung cách Kh. sử dụng tiền bạc trong suốt thời gian dài cùng hẹn hò đi đó đi đây, cô cũng không nhận ra thì quả thật cô là người dễ tính, nếu không muốn nói là có phần hời hợt.

Nếu vậy, một là cô đã yêu mê rồi, hai là cô còn quá ngây thơ. Rồi bỗng dưng khi “quyết định” kết hôn, anh chàng lại ra hai điều kiện ngặt nghèo như vậy. Tôi xin đặt ra một nghi vấn (hy vọng là không đúng!!!). Có thể vào giờ chót anh đã thay lòng (vì một lý do nào đó) và thuộc loại khá thâm. Anh làm cho cô tự ý rút lui và anh không mang tội tình gì hết. Anh không bỏ em mà chính em là người bỏ cuộc. Bốn năm cuộc tình cũng đáng tiếc, nhưng khổ một đời còn lại còn đáng tiếc hơn. Ðau khổ nào rồi cũng phôi pha theo thời gian. Cứ xem đây như một bài học, một kinh nghiệm cho cô, cho những người tuổi trẻ.

Còn như cô một dạ sống chết vì tình yêu thì tôi xin cầu nguyện cho cô và mong cô thêm lòng can đảm. Chúc cô bình tĩnh và quyết định sáng suốt.

CHÀNG

N.H: Trong lời tâm sự của cô Châu, tôi nhìn thấy được những nét thật độc đáo của hai người đang yêu nhau. Bản thân cả hai người đều là người tốt. Người nào cũng nặng tình với gia đình của mình. Cô Châu rộng rãi với cha mẹ, chị em, anh Kh. rất yêu quý và nể trọng mẹ.

Tuy nhiên, khi đã tính chuyện tạo lập một gia đình mới, mọi người đều có trách nhiệm với mái gia đình nhỏ bé của mình trước đã. Và khi mỗi thành viên của gia đình mới sống với nhau, dựa trên căn bản dâu hiền, rể thảo thì những lo ngại cho những ngày sắp tới không phải là điều to tát. Chuyện yêu thương là chuyện của trái tim. Việc tìm đến nhau là để tạo một mái ấm gia đình là một cam kết lâu dài. Vì thế, tốt nhất không nên có điều kiện gì cho hôn nhân. Hai người đến với nhau là vì tình yêu và khi quyết định thành hôn là cả hai muốn xây dựng hạnh phúc. Cô Châu và anh Kh. yêu nhau thì mẹ của anh cũng là mẹ của cô, hãy gọi mẹ của chồng bằng tiếng gọi từ trái tim, cô sẽ thấy mình dễ dàng và bao dung trong cách ứng xử hơn. Anh Kh. là rể của nhà cô thì gia đình cô cũng là gia đình anh. Nếu cô và anh Kh yêu nhau bằng tình yêu thắm thiết mặn nồng, bằng sự hy sinh và chấp nhận, thì những đòi hỏi về việc giữ tiền hay phải nghe lời mẹ anh răm rắp sẽ không còn là vấn đề nặng nề nữa.

Dù sao, cô cũng nên thành thật nói với người đàn ông mình sắp trao phó cả cuộc đời nỗi âu lo của cô một cách tế nhị và khéo léo để cô có đủ niềm tin và mạnh dạn đón nhận cuộc sống mới, một cuộc sống lứa đôi không ít khó khăn (cho tất cả mọi người chứ không riêng gì cô).

Đề tài kỳ sau

Tình cờ cháu bắt gặp dì ruột và ba của cháu ôm nhau trong garage. Cháu rất bàng hoàng và kinh tởm hai người. Từ đó, cháu có thái độ bất kính. Mẹ cháu đã rày la, chửi mắng cháu. Còn Ba cháu có lần ra tay đánh cháu và giảng chuyện đạo đức với cháu nữa (vì ông không hề biết cháu đã nhìn thấy) Cháu giận và bất mãn lắm. Cháu có ý định sẽ nói ra chuyện xấu của hai người. Nhưng cháu lại sợ Mẹ cháu chịu không nổi vì mẹ đang bị chứng bệnh tim rất nặng. Cháu nghĩ hoài mà không biết phải làm sao. Xin quý vị giúp đỡ và cho ý kiến dùm cháu. Lai K.

Ngân Bình: nganbinh13@yahoo.com    

alt

Bảo Huân

NB