2,000 năm sau khi mất, nữ hoàng Cléopâtre vẫn còn sức hút nơi giới mày râu. Mới đây, kênh truyền hình Netfix làm dấy lên cuộc tranh luận khi đưa lên màn ảnh nữ tài tử da đen, Adele James, trong vai nữ hoàng Cléopâtre.
Cléopâtre là ai? mà được đặt cho biệt danh là “nữ hoàng của các hoàng đế”? Một sắc đẹp có sức quyến rũ đến khuynh thành khuynh quốc? Một phụ nữ da đen hay da trắng? Vài giả thiết về nhân vật huyền thoại này, một nhân vật mà đa số cánh mày râu mơ ước “ở một đêm với nàng rồi… chết”.

Sophie Okonedo trong vai Cleopatra và Ralph Fiennes trong vai Antony. nguồn: theguardian.com
Cái chết bí ẩn
Huyền thoại Cléopâtre bắt đầu bằng sự kết thúc. Tại Ai Cập, năm 30 trước Công nguyên, trong cung điện của mình, Cléopâtre cảm thấy vô cùng cô độc, quạnh hiu. Các đồng minh, những người thân cận đã phản bội nàng, quân đội thua chạy tán loạn, người tình của nàng, tướng La Mã Marc Antoine, đã tự sát vài ngày trước đó.
“Nữ hoàng của các hoàng đế” biết rằng mình sắp thua cuộc. Tướng Gaius Octavius, sau này là hoàng đế Octave Auguste, cùng với các lữ đoàn quân La Mã tinh nhuệ vừa đổ bộ lên Ai Cập. Vị tướng này hứa hẹn sẽ không ám hại nàng, nhưng nữ hoàng biết rõ, bên thắng cuộc sẽ đưa nàng đi diễn binh trên đường phố thành Rome như là biểu tượng của chiến thắng.
“Alea jacta est”, một câu nói của César. “Ðịnh mệnh đã an bài”, Cléopâtre quyết định tự sát. Một loại thuốc độc cực mạnh hay một vết cắn của rắn độc đã kết liễu đời nàng? 2000 năm sau câu hỏi này vẫn chưa có lời giải đáp !
Cléopâtre vĩnh viễn ra đi về bên kia thế giới và Ai Cập trở thành một tỉnh của La Mã. Nhưng Octave, vẫn chưa hết ngờ vực. Trước khi trở về Rome, ông đã cho trảm Césarion, con trai của Cléopâtre và Jules César, theo đề nghị của một cố vấn thân cận: “Không nên có quá nhiều César”.
Về đến Rome, vì không thể thực hiện cuộc diễn hành chiến thắng cùng nữ hoàng bằng da bằng thịt và hàng núi vàng bạc, châu báu… mang về từ Ai Cập, người chiến thắng đành hài lòng với bức tượng Cléopâtre quá cố với con rắn hổ mang cắn vào cánh tay. Sự kết liễu cuộc đời mà nữ hoàng cho là thắng lợi cuối cùng của đời mình!

Elizabeth Taylor trong vai Cléopâtre
“Con rắn sông Nil”
Huyền thoại về nữ hoàng Cléopâtre kết thúc tại đây chăng? Không, chỉ là sự khởi đầu thôi. Ðể làm tăng lên sự vẻ vang, tướng Octave đã thổi phồng quyền lực của nữ hoàng. Cléopâtre trở thành đối thủ có quyền lực phi thường. “Nàng phù thủy” đã mê hoặc một Jules César vĩ đại và tướng Marc Antoine.
Các nhà sử học La Mã mô tả Cléopâtre như là một nữ hoàng trụy lạc. “Con rắn sông Nil”. Thi sĩ Properce gắn cho nàng biệt danh “nữ hoàng đĩ thõa”. Nhà thơ Horace thì gọi nữ hoàng là kẻ “tâm thần” muốn cào bằng đồi Capitol, La Mã. Nhiều người còn cho rằng nàng đã phát minh ra nhiều món đồ chơi tình dục…
Tương truyền rằng, trong một cuộc đánh cược, Cléopâtre đã bỏ viên ngọc trai trị giá 5 triệu đồng sesterces (đồng tiền La Mã) cho hòa tan trong ly rượu làm cho các khách mời kinh hồn. Khi nàng định bỏ viên ngọc thứ hai vào ly rượu thì một khách mời đã ngăn lại bằng cách tuyên bố nàng đã thắng cuộc. Nàng còn cho biết có thể tiêu phí mười triệu sesterces chỉ cho một bữa ăn!
Nên chăng tin vào lời kể của kẻ thù La Mã về Cléopâtre? Cũng như có đáng tin vào tiểu sử Hillary Clinton viết bởi Donald Trump?
Những chân dung khác biệt
Thời gian vô tình trôi qua, nhưng những ký ức về Cléopâtre không mai một. Hình ảnh của nàng trở nên dịu dàng hơn. Cléopâtre không còn là một phù thủy khao khát uy quyền. Nàng đã trở thành nữ anh hùng bi thương, nạn nhân của cuộc tình say đắm với tướng Marc Antoine.
Mỗi thời kỳ được tô vẽ theo một cách riêng, tùy vào suy nghĩ về nàng của các nhà sử học, nhà văn học, nghệ thuật. Các họa sĩ thời kỳ Phục hưng thường tạo hình ảnh một nữ hoàng trinh trắng với con rắn quấn quanh bầu ngực như người mẹ hiền cho con bú.
Dựa vào chuyện tình Cléopâtre và Marc Antoine, Shakespeare đã trước tác ra vở bi kịch Roméo và Juliette !
Thế kỷ 17, mỗi nghệ sĩ thể hiện chân dung Cléopâtre theo trí tưởng tượng của riêng mình. Ðôi khi nữ hoàng mặc chiếc áo với những nếp phồng, tương tự như một Marie-Antoinette (hoàng hậu cuối cùng của Pháp trước cuộc cách mạng Pháp) lạc vào đất nước Ai Cập cổ xưa. Gần đây hơn, Cléopâtre trở thành nhân vật nữ quyền hay biểu tượng chống lại nô lệ.
Năm 2005, loạt phim nhiều tập Rome do kênh truyền hình HBO thực hiện, lại thể hiện Cléopâtre như là một nữ hoàng vô đạo đức, nghiện ma túy nặng.

Cléopâtre và người tình Marc Antoine,
Huyền thoại về chiếc mũi
Hình dáng mũi Cléopâtre cũng gây nhiều tranh cãi trong giới sử học, dù họ chưa bao giờ nhìn thấy. Ðiều lạ lùng hơn nữa là thời gian càng trôi đi, sắc đẹp của nữ hoàng càng hoàn thiện hơn. Từ thế kỷ thứ 3, sử gia Cassius Dio mô tả sắc đẹp của Cléopâtre là vô địch.
Thật ra, không một ai chú ý đến hình ảnh của nữ hoàng lúc đương thời, đặc biệt là hình nữ hoàng in trên đồng xu: trán hớt ra sau, mũi góc cạnh và cổ rất dài. Tất cả đều không đạt tiêu chuẩn của Hollywood!
Nhà toán học Blaise Pascal còn đưa ra gợi ý “nếu mũi của Cléopâtre ngắn hơn một chút thì bản đồ thế giới đã có nhiều thay đổi”.
Sự mô tả mũi của nữ hoàng cũng tạo cảm hứng để sáng tạo ra Astérix, loạt phim hoạt hình khôi hài. Trong phim Astérix và Cléopâtre, ngay cả đạo sĩ Panoramix cũng phải lúng túng khi nói chuyện với người đẹp: “Mũi của…ơ…của nữ hoàng… ơ… cũng đẹp như của nữ thần sức khỏe Bélénos…!”
Nữ hoàng Cléopâtre da đen?
Trong hoàn cảnh trên, một Cléopâtre da đen trong bộ phim của Netflix có thể gây tranh luận. Nhưng thêm hay bớt đi một Cléopâtre liệu có gì là quan trọng
Quả thật là nữ đạo diễn phim, Tina Gharavi, sáng tạo ra một bộ phim mang hơi hướm chính trị. Tina Gharavi gợi lên chủ nghĩa chủng tộc. Theo đạo diễn, việc chọn nữ tài tử Adele James không ngu ngơ như chọn Elizabeth Taylor với màu da trắng như sữa, trong phim Cléopâtre năm 1963.
Ý tưởng chọn một Cléopâtre da đen được dựa trên một bí mật quanh nguồn gốc về người mẹ và bà ngoại của nữ hoàng. Bí mật này không quan tâm đến việc màu da được tưởng tượng ra khác nhau tùy theo các thời kỳ. Cách nay không lâu, ngay cả người Ái Nhĩ Lan và người Ý cũng không được xem là người da trắng.

Cléopâtre bên cạnh 2 dũng tướng, người tình Marc Antoine và Jules César,
Tàn sát trong gia tộc
Sinh năm 69 trước Công nguyên, Cléopâtre VII thuộc triều đại Ptolémée, một đại tướng Hy Lạp của Alexandra Ðại đế. Gia đình hoàng gia này cai trị đất nước Ai Cập suốt hơn 300 năm.
Trong hoàng tộc Ptolémée, các thành viên kết hôn lẫn nhau, như những vị thần. Trên lý thuyết, sự kết hôn giữa anh em trong hoàng tộc sẽ giúp ổn định quyền lực. Nhưng trên thực tế, các cuộc thanh trừng không ngừng gia tăng. Mỗi thành viên có dính líu đến ít nhất là một hay hai cuộc giết chóc vì tranh giành quyền bính.
Theo dòng các thế hệ, gia đình hoàng tộc bị cuốn hút vào các cuộc giết chóc. Các bà mẹ chiến đấu với các con trai. Các con trai đầu độc mẹ. Cụ bà của Cléopâtre đã chỉ huy hai cuộc nội chiến. Cuộc chiến thứ nhất chống lại phụ mẫu của mình. Cuộc chiến thứ hai chống lại chính các con mình.
Trong ‘truyện dài’ thanh trừng, giết chóc này, vào thời đại Ptolémée IV, cụ ông mấy đời của Cléopâtre nổi bật là người đẫm máu nhất, một chiến công đáng được nêu lên. Vị vua này giết cả người chú, anh và mẹ mình. Ông còn muốn đưa vào danh sách thanh trừng luôn cả vợ mình, nhưng chưa kịp ra tay thì các cận thần của ông đã đầu độc bà ấy.
Về phần mình, Cléopâtre cũng không phải là một phụ nữ “hiền từ”. Năm 20 tuổi, nàng đứng đầu lực lượng quân đánh thuê để lật đổ vua Ptolémée XIII, người này vừa là anh vừa là chồng nàng! Năm 21 tuổi, nàng quyến rũ Jules César để trở lại ngai vàng. Chưa hết, năm 25 tuổi, Cléopâtre ám sát đứa em trai út, Ptolémée XIV. Tóm lại, nàng đã làm đúng theo truyền thống gia đình…

Adele James trong vai Cléopâtre
Gương mặt thật của Cléopâtre
Ngày nay, nữ hoàng Cléopâtre được xem như là một trong những nhân vật nổi tiếng nhất trong lịch sử. Tên của nàng được đặt cho một loại thuốc lá, máy đánh bạc, miệng núi lửa, thậm chí tên một tiểu hành tinh… Ðó là chưa kể các vở kịch Balê, kịch Opera hay các trò chơi điện tử cũng được đặt tên nàng.
Khi bài viết này đến tay bạn đọc, các nhà khảo cổ đang ráo riết tìm mộ của Cléopâtre chết cách nay hơn 2000 năm. Họ mơ sẽ tìm được vàng và danh tiếng. Cũng có thể họ sẽ thu thập được vài mẫu DNA của Cléopâtre với hy vọng sẽ tái tạo gương mặt nữ hoàng.
Trong khi chờ đợi, bí mật tiếp tục bao trùm. Liệu sắc đẹp của Cléopâtre có sức quyến rũ đến khuynh thành khuynh quốc? Một người theo chủ nghĩa nữ quyền? Một phụ nữ da đen? Da trắng? Một người nghiện ma túy? Câu trả lời làm nhiều người thất vọng: hiện chúng ta chưa hề biết gì! Ðiều mà chúng ta biết về Cléopâtre hiện nay thiên về trí tưởng tượng nhiều hơn là thực tế.
Với sắc đẹp khuynh quốc khuynh thành và quyền lực tối thượng, cánh đàn ông, nhiều người hâm mộ, đã không ngần ngại thổ lộ ước mơ được “sống với Cléopâtre một đêm rồi… chết cũng mãn nguyện!”

Rất có thể là một bức chân dung được vẽ sau khi chết của Cleopatra với mái tóc đỏ và những đặc điểm khuôn mặt khác biệt, đội một chiếc vương miện hoàng gia và những chiếc kẹp tóc đính ngọc trai, từ La Mã Herculaneum, Ý, thế kỷ 1 sau Công Nguyên. nguồn: en.wikipedia.org
ĐDH