Dịch Vụ Truyền Thông Thiểu Số (EMS) tổ chức một buổi hội thảo nhằm “bảo vệ lợi ích cho sinh viên” và “quyền công dân” và sự lo ngại về “đa dạng hóa văn hóa, chủng tộc” nếu chính sách đặc cách (Affirmative Action) bị bãi bỏ.

Sở dĩ có cuộc hội thảo là vì cuối tháng Sáu này, Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ phải đưa ra phán quyết về những chính sách  đặc cách liên quan đến giáo dục, bởi hai vụ kiện về chính sách đặc cách vào hai đại học là Harvard và University of North Carolina. EMS cho rằng phán quyết của Tối Cao Pháp Viện sẽ gây bất lợi cho sinh viên nhóm thiểu số.

Mặc dù người gốc Việt thuộc nhóm thiểu số ở Hoa Kỳ, nhưng tại thời điểm này, thông tin về vụ kiện, các quan điểm phản đối lẫn ủng hộ không được cung cấp rõ ràng. Ðọc xong tôi cũng không hiểu tại sao phản đối và tại sao ủng hộ (chống quan điểm phản đối). Trong số gốc Việt, có người yêu cầu hủy bỏ “Affirmative Action” và cũng có người đòi phải luôn luôn giữ “Affirmative Action.” Người theo quan điểm “hủy bỏ” lập luận rằng tất cả sinh viên phải được tuyển chọn vào đại học một cách công bằng cùng một quy chế tuyển trên cơ sở năng lực học tập, kiến thức, theo thứ tự thang điểm từ cao xuống thấp; chớ không phải được tuyển vì giới tính, vì màu da, vì sắc tộc. Người ủng hộ “Affirmative Action” thì nói rằng tôi ủng hộ vì biết đâu mai mốt con cháu tôi xin học các trường đó mà rủi bị từ chối thì tôi có căn cứ pháp luật để kiện, không nói chuyện công bằng hay không công bằng, hễ cái gì có lợi cho tôi thì tôi ủng hộ… May mắn thay, đã có “ông thần đèn” internet giúp chúng ta hiểu rõ khái niệm “Affirmative Action” trong giáo dục là chính sách tuyển sinh có ý thức về chủng tộc. “Affirmative Action affect education” cho phép các trường đại học coi chủng tộc là một trong nhiều yếu tố được đánh giá khi xem xét ứng viên, giúp sinh viên da màu có cơ hội nhận được sự cân nhắc thay vì bị bỏ qua khi nhập học.

Xem thêm:   Suy Đi Ngẫm Lại (05/01/2025)

Phải thừa nhận rằng trong quá khứ đã từng có sự kỳ thị, ngăn chặn người gốc Latino, gốc Phi Châu, gốc Ấn Ðộ và gốc Á vào các trường đại học dù họ đủ điểm tuyển vào. Vì vậy, Ðạo luật Prop 209 “cấm các đại học UC và những cơ quan của tiểu bang khác dùng sắc dân, quốc tịch và giới tính làm những yếu tố để tuyển sinh viên hoặc tuyển nhân viên cho chính phủ”. Phần IV Ðạo Luật Dân Quyền Hoa Kỳ (Title VI of the Civil Rights Act) quy định: “Các trường cao đẳng và đại học tư thục nhận tài trợ của Liên Bang bị cấm phân biệt đối xử dựa trên chủng tộc, màu da hoặc nguồn gốc quốc gia.” (… private colleges and universities that receive federal funding are prohibited from discriminating on the basis of race, color, or national origin.)

Tin tức về vụ kiện “Affirmative Action” khiến tôi nhớ lại chính sách “đặc cách” trong xã hội Việt Nam cộng sản mấy chục năm qua, khiến cho rất nhiều tài năng bị thui chột, bị chà đạp, rất nhiều người “vì tương lai con cái” phải tìm mọi cách đưa gia đình trốn ra nước khác. Những ai khoảng tuổi tôi trở lên hẳn còn nhớ rõ các loại “ưu tiên” 1, 2, 3, 4,… dành cho con liệt sĩ, thương binh “cách mạng,” con quan chức, “gia đình có công với cách mạng,” ưu tiên cư trú vùng “chắc cà đao”, vùng “căn cứ cách mạng,”… mà điểm “ưu tiên” được cộng vô điểm thi đại học (thi 3 môn) cao nhứt là 10 điểm, thấp nhứt 5 điểm, nên nhiều khi kết quả thi 3 môn được 1, 2 điểm nhưng nhờ điểm “ưu tiên” mà được trúng tuyển đại học. Dân gọi là “được cộng điểm ngu.” Con dân thường, con “cán bộ công nhân viên” không giữ chức vụ thì không được “điểm ưu tiên.” Dĩ nhiên, con thành phần lý lịch “tham gia chính quyền cũ Mỹ – Ngụy” bị cấm thi đại học. Thập niên 90, do phải xin xỏ gia nhập WTO mà bỏ bớt lịnh cấm, tôi có vài người bạn con sĩ quan VNCH (hiện nay đang sống ở Việt Nam) làm bác sĩ nhờ thi đậu đại học thời điểm này.

Xem thêm:   Đinh (nail)

Từ sau 1975 tới nay, quy định trong bất kỳ tổ chức, cơ quan nhà nước, đoàn thể nào đó phải có tỷ lệ bao nhiêu nữ, bao nhiêu nam, bao nhiêu ở tỉnh này, bao nhiêu tỉnh kia, người dân tộc thiểu số chiếm bao nhiêu phần trăm, trong khái niệm “thiểu số” ấy có 53 tộc thì cũng phải phân bổ đồng đều, dựa trên thành phần ưu tiên về lý lịch “hoạt động cách mạng” chớ không phải trên cơ sở kiến thức, năng lực làm việc. Lên chức lãnh đạo phải có “thành tích kháng chiến,” hoặc “dòng dõi cách mạng.” Kiểu phân bổ cán bộ này, dân gọi là “kiểu Mặt trận.”

Ngay cả các loại Huân chương, Huy chương các mùa hội diễn sân khấu, danh hiệu nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú cũng phân chia theo “kiểu Mặt trận” luôn. Hậu quả “đặc cách” của nhà nước cộng sản Việt Nam là học sinh giỏi thì tuyển vô ít, mà học sinh dốt được tuyển vô nhiều, học hành thì dựa quyền thế gia đình hoặc chạy tiền để có bằng tốt nghiệp, ra trường không biết làm gì cả, rồi một thời gian được cất nhắc làm lãnh đạo. Phần lớn danh hiệu nhân dân thì nhân dân không biết họ là ai.

Thời trung học, lớp tôi có một nam sinh tên THA “nổi tiếng” học dở nhất trường, nhưng năm nào bà mẹ là bác sĩ đông y cũng “xin” bà Hiệu Trưởng cho THA lên lớp. Bố của THA là Hiệu trưởng trường Trung Học Y Tế tỉnh tôi, nắm quyền tuyển sinh cả tỉnh nên có thể gọi là “chức vụ bự,” ai muốn trốn đi “nghĩa vụ quân sự” cứ vô trường bố THA làm Hiệu trưởng mà trốn (dĩ nhiên phải có điều kiện trao đổi.) Tôi thi vô trường Luật, ra trường rồi đi làm, tôi không còn nhớ gì tới đứa bạn học tên THA nữa. Hai năm sau, có lần tôi vô Khoa Ngoại bệnh viện gặp nạn nhân vụ án “Cố ý gây thương tích.” Nhìn lên bảng trực ban, thấy ghi rõ ràng họ tên THA chức vụ Trưởng Khoa Ngoại. Ngạc nhiên quá, tôi nấn ná ngồi lại nói chuyện với bệnh nhân, cố ý chờ coi mặt “Trưởng Khoa.” Cuối cùng thì, trời đất quỷ thần ơi, “Trưởng Khoa” là thằng bạn học THA của tôi. Nó không nhận ra tôi mà tôi cũng không chào nó, không lẽ tôi hỏi nó “Mày làm cách nào mà có bằng bác sĩ Khoa Ngoại hay vậy”? Tôi về nhà tuyên bố nếu tôi có bị gãy tay gãy chưn hay bất cứ thương tích gì phải vô bệnh viện, dứt khoát đừng để thằng bác sĩ tên THA đụng tới tôi, không chừng tôi chưa chết vì thương tích thì tôi chết vì tay nó.

Xem thêm:   Biết bao giờ trở lại

Vụ “Affirmative Action” cũng có hai mặt, tôi nghĩ rằng nếu ưu tiên “đặc cách” theo nguồn gốc, màu da thì thật giống kiểu “đặc cách” của chế độ cộng sản. Không phải cứ sinh viên da trắng thì đều là con nhà giàu, người da trắng vẫn có người nghèo, Hoa Kỳ có rất nhiều triệu phú, tỷ phú không phải người da trắng. Tôi biết vài nhà tài trợ lớn của trường tôi đang học là Latino – America. “Affirmative Action” rất cần thiết và nên là quy chế (cố định, không bị xóa bỏ) giúp đỡ cho tất cả sinh viên nghèo, có sự ưu đãi hơn cho người gốc Latino, gốc Phi Châu, gốc Ấn Ðộ, và gốc Á, … là người từng bị thương tổn tinh thần vì bị kỳ thị, bị hạn chế học tập do nguồn gốc xuất thân. Ðó là sự giúp đỡ về tài chánh, về nơi ăn chốn ở, về phương tiện đi lại, về phương tiện học tập… tôi tin rằng họ thừa khả năng để học hành không thua sút sinh viên da trắng nào. Sinh viên chỉ hãnh diện khi cầm tấm bằng tốt nghiệp là kết quả học tập của chính mình, không phải nhờ vào nguồn gốc xuất thân mà có.

TPT