Bản dịch Nguyễn Nhược Nghiễm
Chương XXXXVIII
Ngày hôm sau là thứ Bảy, 6 tháng 4, tôi thức dậy vào lúc 6g sáng. Thời tiết trong sáng. Tôi bước lên sàn tàu, hít một hơi thở thực dài. Tôi lắc mạnh đầu và ngạc nhiên thấy cơn say tối qua không để lại dấu vết. Một cơn gió nhẹ lướt qua, sóng gợn lăn tăn trên mặt biển êm đềm. Xa xa, dọc theo bờ biển, hoa anh đào ánh lên một màu rực rỡ, và sau quang cảnh này là những rặng núi nổi bật dưới bầu trời sáng chói. Sự hy sinh của chúng tôi cho quê hương tuyệt mỹ này không có gì đáng tiếc.
Uchino bước lên chào tôi. Tôi chào lại anh ta và nói: “Một ngày đẹp trời, phải không Uchino?”
“Quá đẹp, thưa Ðại tá. Một chiếc B29 bay phía trên chúng ta vào lúc 1g khuya, 2 chiếc khác vào lúc 4g sáng. Ðịch bám sát động tĩnh của chúng ta.”
Tôi im lặng gật đầu. Việc này đúng với dự đoán của tôi. Sau một vài phút đứng nhìn quê hương lần cuối, tôi quay vào phòng. Lúc 10g, một thủy thủ giúp việc bước vào: “Thưa Ðại tá, 15 phút nữa tàu đưa thư cuối cùng sẽ rời khỏi đây để chạy đến Tokuyama. Ðại tá có gì để gửi đi không?”
“Không, không có gì cả.” Khi tên thủy thủ biến dạng, tôi lại cảm thấy cần phải gửi một bức thư vĩnh biệt cho vợ tôi. Chỉ cần một vài hàng, vì thời gian gấp rút quá rồi, tôi viết vội vã:
“Trong vòng hai năm qua, kích thước của Hạm đội Hỗn hợp đã rút nhỏ lại một cách không thể tưởng tượng được. Hiện tại, anh là hạm trưởng của tuần dương hạm duy nhứt còn lại của hạm đội này – chiếc Yahagi 8,500 tấn. Anh sắp thi hành một nhiệm vụ đặc biệt ở Okinawa. Ðó là trách nhiệm và cũng là một vinh dự to lớn. Em chỉ cần hiểu rằng anh rất hãnh diện. Vĩnh biệt em!”
Tôi bỏ bức thư vào phong bì và dán lại, đoạn cầm chạy ra cầu thang, ngay lúc chiếc tàu đưa thư sắp sửa rời. Trở vào phòng, tâm hồn tôi cảm thấy thanh thản. Tôi nhìn 8 khu trục hạm đậu gần đó, nghĩ đến thời gian qua và những gì xảy ra quanh các chiến hạm này.
Yukikaze (Tuyết Phong) đã tham dự nhiều trận đánh dữ dội nhưng vẫn sống sót. Chiếc tàu này cũng nổi tiếng không thua gì chiếc Shigure của tôi. Tôi nhớ lại bài hát đã từng phổ biến ở Truk và Rabaul trước đây:
Shigure của Sasebo, Yukikaze của Kurê
Hai khu trục hạm kiên cố và bất diệt
Phép lạ trong mơ của muôn vàn thủy thủ
Luôn trở về sau chiến trận vinh quang
Ca khúc đã từng là một thúc đẩy tinh thần mạnh mẽ cho thủy thủ của tôi. Bây giờ Shigure đã ra đi vĩnh viễn, nhưng Yukikaze chắc chắn sẽ tiếp tục phép lạ. Tôi nhìn sang khu trục hạm Suzutsuki (Lãnh Nguyệt) 3,470 tấn, và nghĩ đến thành tích đáng ngạc nhiên của tàu này. Hạ thủy vào cuối 1912, Suzutsuki đã từng bị một tàu ngầm địch phóng 2 quả ngư lôi vào ngày 16 tháng Giêng năm 1944, gần Shikoku, eo biển Bungo. Mũi và lái bị vỡ, nhưng “Lãnh Nguyệt” không chìm và tìm mọi cách lết về Kurê. Chín tháng sau, “Lãnh Nguyệt” lại lĩnh thêm một quả ngư lôi nữa của địch ở mũi, cũng gần Shikoku, và giống như lần trước, chiếc tàu này vẫn ráng lết về Kurê. “Việc gì đã xảy ra hai lần thì thế nào cũng xảy ra lần thứ ba,” tôi nghĩ, nhưng lần này không hiểu số phận của Suzutsuki sẽ như thế nào.
Còn chiếc Hibiki (Âm Vang), lẽ ra phải có mặt trong hải lực này, nhưng nó bị trúng một trái mìn vào sáng sớm ngày 5 tháng 4, và đã khập khễnh về Kurê. Tôi cảm tình đặc biệt với chiếc khu trục hạm nhỏ bé 1,980 tấn này. Sự vắng mặt của Hibiki thực đáng tiếc. Khi nghe tai nạn xảy ra, tất cả chúng tôi đều tức bực. Một khu trục hạm Nhựt bị hư hại vì trúng một quả mìn ngay trên biển Nhựt là một điều nhục nhã. Thời gian đó, các pháo đài bay B29 của Hoa Kỳ đã rải rất nhiều mìn trên mặt biển và ngay các thủy phận khác của Nhựt cũng không an toàn. Vấn đề này đã ảnh hưởng rất nhiều trong quyết định tung tất cả chiến hạm còn lại của chúng tôi vào Okinawa.
Nhìn đến chiếc Hatsushimo (Làn sương thứ nhất), tôi không thể tin là nó sẽ tồn tại trong chuyến đi không có lượt về này. Sự thực lại trái ngược nhưng chiếc Hatsushimo trở về chỉ để nhận một quả thủy lôi trong biển Nhựt vào ngày 30 tháng 7 và trở thành chiến hạm thứ 129, cũng là khu trục hạm cuối cùng của Nhựt bị đánh chìm trong thế chiến.
Lịnh nhổ neo ban ra vào lúc 16g. Hải xuất “tấn công đặc biệt” của 10 chiến hạm thuộc Hạm đội Hỗn hợp đã phát động. Tuần dương hạm Yahagi chạy dẫn đầu, kế đó là 3 khu trục hạm Isokaze, Hamakaze, Yukikaze và tiếp theo là thiết giáp hạm Yamato, các khu trục hạm Asashimo, Kasumi và Hatsushimo chạy nối đuôi phía sau.
Chúng tôi tiến với tốc độ 12 hải lý chậm chạp, nhằm để tránh mìn. Tôi liếc qua đội hình khiêm nhường hiểu rằng đây quả thực là hải xuất cuối cùng, đồng thời cảm thấy hãnh diện khi dẫn đầu chuyến đi định mệnh này.
Hai giờ sau, chúng tôi tiến vào eo biển Bungo, nằm giữa Kyushu và Shikoku. Bên trái chúng tôi, bờ biển chạy dài ở phía Bắc Shikoku chỉ còn lờ mờ trước tầm mắt. Tôi đứng lặng yên để chào vĩnh biệt hòn đảo sanh quán này.
Qua khỏi eo biển nhỏ hẹp, hải vực đầy mìn đã nằm phía sau lưng, chúng tôi gia tăng tốc độ. Nhanh chóng những rắc rối xuất hiện. Hai chiếc B29, bay cao khỏi tầm cao xạ, thả một loạt bom xuống ngay đoàn tàu của chúng tôi. Không một quả nào trúng mục tiêu, nhưng thách thức này báo trước hiểm nguy đang chờ đón. Tôi thấy bất an khi nghĩ đến 10 chiến hạm, chỉ một chiếc Yamato và 2 khu trục hạm là có trang bị radar phòng không. Radar của chiếc Yahagi chỉ hữu dụng trong việc chống lại các mục tiêu trên biển mà thôi. Nhưng hiện thời không có thời gian nhiều để quan tâm đến những vấn đề như vậy. Mỗi chiến hạm đều tập họp thủy thủ trên sàn tàu. Trên chiếc Yahagi, giữa sàn tàu rộng bao la, 1,000 thủy thủ đứng im phăng phắc để nghe tôi trình bày tóm lược nhiệm vụ và đọc một thông điệp đặc biệt của Ðô đốc Toyoda: “Hải quân Hoàng Gia đang phát động một cuộc tổng phản công ở Okinawa, với sự phối hợp của tất cả Không Hải Lục, dồn hết nỗ lực nhằm lật ngược tình thế. Mọi đơn vị và mọi binh sỹ phải nêu cao tinh thần chiến đấu, có thế, quốc gia mới mong trường tồn, vì vận mạng của tổ quốc chúng ta nằm trong cuộc hành quân này.”
Không một tiếng động nào khác ngoài tiếng chạy rì rầm của máy tàu, tiếng vỗ của sóng và tiếng phần phật của quốc kỳ. Tôi tiếp tục: “Các anh vừa nghe thông điệp của Tổng Tư Lịnh. Tôi muốn thêm một đôi lời về nhiệm vụ tấn công đặc biệt của chúng ta.”
“Như các anh đã biết, hàng ngàn đồng đội của chúng ta đã thực hiện những chuyến bay không trở về để chống lại đối phương. Hàng ngàn phi công Thần Phong đang chờ đợi trên khắp các sân bay. Nhiều trăm đồng đội khác đã sẵn sàng trên các tàu ngầm tự sát. Hàng nhiều ngàn đồng đội khác nữa sẽ lái tàu chứa chất nổ hoặc đích thân mang chất nổ lặn sâu xuống đáy biển để hủy diệt chiến hạm địch.”
“Trách nhiệm của chúng ta là san sẻ sự can đảm của các đồng đội đó. Nhiệm vụ của chúng ta có vẻ như là tự sát, và sự thực nó là như vậy. Nhưng tôi muốn nhấn mạnh rằng đó không phải là mục đích. Mục đích của chúng ta là chiến thắng.”
“Ðừng ngần ngại trong việc bảo vệ mạng sống của mình. Chúng ta bắt buộc phải chống trả bất kỳ nỗ lực nào của địch nhằm ngăn trở nhiệm vụ của chúng ta, nhưng không vì vậy mà chúng ta xem thường mạng sống của mình. Chúng ta không phải là những con cừu dùng để tế thần. Chúng ta là những con sư tử được thả ra đấu trường để nuốt tươi đấu thủ. Chúng ta không phàn nàn hối tiếc khi phải hy sinh cho quốc gia.”
“Lập tức, khi chiếc tàu này bị hư hại nặng hay bị chìm, các anh đừng lưỡng lự trong việc tự cứu mình, bởi lẽ thua keo này sẽ bày keo khác. Tôi nhắc lại, nhiệm vụ giao cho các anh không phải là tự sát, mà là đánh bại đối phương.”
Thấp thoáng qua mây, ánh trăng xuân phủ một màu nhợt nhạt lên thủy thủ đoàn yên lặng và bất động như những pho tượng. Sự im lặng đầy căng thẳng này kéo dài cho đến khi một sỹ quan đứng ở hàng đầu lên tiếng:
“Thưa Ðại tá, xin Ðại tá cho phép tôi hỏi một câu?”
Tôi gật đầu đồng ý cho Ðại úy Kenji Hatta hỏi. Anh ta tiếp tục: “Trong suốt 4 năm theo học ở Hàn Lâm Viện, chúng tôi được dạy dỗ rằng phải sống chết với chiếc tàu, có nghĩa là chúng tôi không được bỏ tàu của mình trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Ðại tá có thể giải thích rõ hơn về những lưu ý của Ðại tá, theo tôi, hình như phủ nhận những gì mà chúng tôi được dạy.”
Câu hỏi này hiển nhiên nằm trong đầu của các sỹ quan hiện diện. Tôi đáp: “Câu hỏi rất có lý. Tôi sẽ giải đáp. Nếu tàu sắp chìm các anh phải lập tức bỏ tàu, không chần chờ một giây phút nào. Việc này có vẻ trái ngược với những gì các anh đã từng được dạy trong quá khứ, nhưng tôi sẽ giải thích.”
“Chúng ta đã đến điểm khốc liệt nhứt của cuộc chiến này. Vật lực của địch đã đành là ghê gớm nhưng điều quan trọng hơn hết với chúng ta là vấn đề thiếu nhân sự giỏi, bởi vì chúng ta đã thiệt mất quá nhiều ngoài mặt trận. Phải mất 5 năm mới đào tạo ra một sỹ quan, do đó sự mất mát này không thể thay thế mau lẹ được. Nhiều thủy thủ rành nghề đã thiệt mạng vì họ xem rẻ mạng sống của họ. Nếu nhiệm vụ của chúng ta là chiến thắng cuộc chiến này, chúng ta phải kiên nhẫn.”
“Trong thời phong kiến, mạng sống của con người bị phí phạm một cách vô ích, nhưng chúng ta là những con người của thế kỷ 20, chúng ta không thể làm như vậy. Giáo điều Bushido, tâm niệm của võ sỹ đạo, dạy rằng một Samurai phải sống một đời sống như thể hắn luôn luôn chuẩn bị để chết. Câu này thường bị lạm dụng và diễn giải sai lầm. Nó không có nghĩa là một Samurai phải tự sát, nếu hắn vấp phải những sai lầm không đáng kể. Ðúng ra, nó có nghĩa là một Samurai đã chọn một đời sống như vậy, hắn sẽ không hối tiếc khi phải chết. Bushido chỉ kêu gọi tự sát khi chúng ta vấp phải những sai lầm to lớn. Cái chết đến với một người bất kỳ lúc nào, không cần biết đến người đó đã sống một đời sống ra sao. Cái chết chỉ khác nhau ở ý nghĩa mà thôi. Câu hỏi của anh được giải đáp như vậy có ổn chưa, Hatta?”
“Ổn lắm, thưa Ðại tá!” Anh ta nói lớn. “Tôi đồng ý với Ðại tá hoàn toàn. Cám ơn Ðại tá rất nhiều.” Và anh ta đưa tay chào tôi.
Tôi lớn tiếng: “Tất cả chúng ta hãy tận lực để xoay dòng thủy triều của cuộc chiến.”
Cuộc họp chấm dứt bằng những tiếng “Vạn tuế Nhựt hoàng!” đồng loạt như sấm dậy của toàn thể thủy thủ đoàn.
Trên hải trình, truyền tin của chúng tôi bắt được một công điện chuyển đi từ một tàu ngầm địch quanh quẩn đâu đó. Yamato ra lịnh xoay về hướng phải để tiến sát vào Kyushu nương tựa bờ biển phía Ðông của hòn đảo này. Trăng lên, đại dương đen thẫm, và thời tiết đột nhiên trở xấu. Các quan sát viên mở hết mắt nhưng cũng không nhìn thấy gì. Mọi người căng thẳng, nhưng tàu ngầm địch không tấn công.
Tôi không biết vào ngày hôm đó khu trục hạm cũ của tôi là chiếc Amatsukaze bị phi cơ địch oanh tạc tan tành ở phía Bắc Hoàng Sa, thảm họa nhỏ này mở màn cho thảm họa lớn hơn giáng xuống hạm đội của chúng tôi. Nhưng cho dù biết được tin tức không tốt lành của chiếc Amatsukaze, tôi cũng không cho đây là một điềm dữ báo trước.
Hạm đội của chúng tôi tiến dọc theo bờ biển phía Nam Kyushu với tốc độ 20 hải lý, chạy theo hình chữ chi. Lúc 7g sáng ngày 7 tháng 4, một lần nữa, chúng tôi xoay hướng 210 độ, giả vờ tiến tới Sasebo, nằm ở phía Tây-Nam Kyushu. Trên đoạn hải trình nghi binh này, 10 chiến hạm từ từ tạo một đội hình vòng tròn bao quanh soái hạm Yamato, với một đường bán kính 2,000m.
Vị trí của chiếc Yahagi ở ngay trước mũi Yamato. Tính theo chiều kim đồng hồ, vị trí của 8 khu trục hạm nằm trong phần vòng tròn còn lại như sau: Asashimo ở hướng 7 phút rưỡi, Kasumi 15 phút, Fuyutsuki 21 phút, Hatsushimo 27 phút, Yukikaze 39 phút, Hamakaze 45 phút và Isokaze ở hướng 52 phút rưỡi.
Ngay sau khi vòng tròn này lập xong, các chiến hạm gia tăng tốc độ lên 24 hải lý và chạy theo hình chữ chi trở lại. Nét đầu tiên của chữ chi xoay hướng tiến của đoàn tàu 45 độ, Asashimo trở thành chiếc tàu dẫn đầu. Nét thứ hai mang chiếc Isokaze về phía trước, và cứ tiếp tục như vậy. Ðội hình di chuyển này đòi hỏi sự điều động phải tuyệt đối chuẩn xác, rất hữu hiệu trong việc chống lại các cuộc tấn công của tàu ngầm, nhưng lại khó đương đầu với phi cơ nhanh nhẹn, có thể nhắm vào bất kỳ góc tấn công nào cũng được.
Ðội hình và lối chạy vừa nói đã được quyết định trong một cuộc họp cuối cùng của Ito trên soái hạm Yamato. Quyết định này sẽ sớm chứng tỏ sự sai lầm.
Thời tiết tốt đẹp suốt ngày hôm đó và cho đến sớm hôm sau thì hoàn toàn thay đổi. Mây che kín bầu trời và bay là đà trên mặt biển. Không một tia nắng nào xuyên nổi qua những lớp mây dày đặc này. Mưa không biết đến lúc nào. Một ngày đáng lo ngại.
Bờ biển Kyushu biến mất nhanh chóng khi chúng tôi xoay sang hướng Nam để chạy ra Ðông Hải. Từ khi khởi hành, lần đầu tiên tôi cảm thấy bất an. Thời tiết hiện tại đầy bất lợi cho một cuộc đi biển. Giữa ban ngày, tầm nhìn giới hạn còn 2,000m. Ðược trang bị radar tối tân, với khoảng cách quan sát này, lợi thế sẽ nghiêng hẳn về phía địch. Một cơn mưa bão mù mịt sẽ che chở chúng tôi rất nhiều, nhưng đó chỉ là hy vọng hão huyền mà thôi. Tôi tự hỏi tại sao chúng tôi không chọn một ngày thời tiết thuận lợi hơn cho nhiệm vụ tuyệt vọng này.
Các quan sát viên của Yahagi hớn hở báo tin 20 chiến đấu cơ Zéro bay đến từ hướng Bắc. Chúng lướt ngang thực thấp trên đầu chúng tôi và quay lại một lần nữa, lần này ẩn hiện trong những lớp mây dày đặc. Uchino hỏi có phải những chiến đấu cơ này đến để bao che cho lực lượng của chúng tôi hay không?
Komura bình thản đáp: “không, Uchino, mấy chiếc Zéro này không dính dáng gì đến hạm đội chúng ta. Chúng ta không được bao che trên không. Ðây là một phi xuất huấn luyện thường lệ. Có lẽ Kusaka ra lịnh cho mấy tên phi công này bay trên đầu chúng ta để nói lời vĩnh biệt!”
Sự im lặng kéo dài trên đài chỉ huy của tuần dương hạm Yahagi cho đến khi Yamato báo tin một trong hai thám thính cơ còn lại trên soái hạm này sẽ cất cánh bay về căn cứ Ibusuki, và đồng thời ra lịnh cho Yahagi gửi đi một trong hai thám thính cơ của mình. Yamato thường mang theo 7 chiếc, nhưng 5 chiếc đã được bỏ lại ở Kurê. Chiếc thứ sáu vừa cho cất cánh, cùng lúc với chiếc của Yahagi, bởi lẽ Ito không muốn chúng bị phí phạm vô ích trong chuyến đi cầm chắc cái chết trong tay của chúng tôi.
Trước khi cất cánh, viên phi công của Yahagi đã đến trình diện tôi. Anh ta đứng nghiêm và nói: “Tuân lịnh! Tôi sẽ về Ibusuki ngay bây giờ, nhưng ở đó tôi sẽ tình nguyện thực hiện một phi vụ tự sát và sẽ sớm gặp lại Ðại tá!”
Khi đã ở trên không, anh ta bay tuần trên đầu chúng tôi ba vòng và sau đó trực chỉ Kyushu.
Trong khi Yamato và Yahagi chuẩn bị cho cất cánh hai thám thính cơ cuối cùng, chúng tôi phát hiện hai phi cơ không rõ lai lịch ở phía Bắc, nên công việc này được đình chỉ.
Uchino càu nhàu: “Tại sao các chiếc Zéro hồi nãy của chúng ta không được giữ lại để chống với phi cơ địch?”
Komura đáp một cách điềm tĩnh: “Hãy bình tĩnh, Uchino, anh cũng biết mấy viên phi công non nớt của chúng ta làm sao chống nổi với mấy tên Yankee kinh nghiệm của đối phương.”
Mây sà thấp hơn, thời tiết càng tồi tệ, và vào lúc 8g, mưa phùn bắt đầu rơi. Các chiến hạm của chúng tôi, vẫn trong đội hình vòng tròn, tiến thẳng về hướng định mệnh, dưới sự dòm ngó liên tục của các phi cơ quan sát của địch. Trong lúc đó, các chiến đấu cơ Nhựt vẫn bình thản tiếp tục bay huấn luyện ở xa. Tôi đã gặp nhiều loại hành quân, nhưng chưa có loại nào kỳ quái như vậy.
Lúc 9g, khu trục hạm Asashimo, chạy phía phải Yahagi, bỗng nhiên giảm tốc độ. Xuyên qua ống dòm, tôi nhận thấy rõ khuôn mặt ông bạn Sugihara của tôi, hạm trưởng của chiếc Asashimo đang đứng trên đài chỉ huy, lộ vẻ bối rối. Tín hiệu bằng cờ của chiếc tàu này cho biết nó bị trục trặc máy móc. Nhìn Asashimo rơi dần lại phía sau, tách rời khỏi đội hình, tôi lo lắng, nên gửi ngay một thông điệp yêu cầu cho biết tin tức rõ hơn.
Asashimo đáp: “Ðang nỗ lực sửa chữa. Hy vọng bắt kịp sớm.” Nhưng chiếc tàu càng lúc càng tụt lại, vào lúc 10g thì không còn thấy tăm dạng đâu nữa. Komura ra lịnh cho khu trục hạm Kasumi điền vào khoảng trống và 4 khu trục hạm kế tiếp đôn lên. Việc điều chỉnh này khá dễ dàng cho dù đoàn tàu vẫn tiếp tục chạy theo hình chữ chi.
Nhưng đối với tôi không dễ chịu, khi tôi biết rằng vị trí của chiếc Asashimo, che cạnh sườn phải của tôi, hiện thời do một tàu nhỏ nhứt thay thế. Ðó là một điều bất lợi.
Truyền tin của chúng tôi vừa chặn bắt thêm một công điện của địch, lần này do phi cơ bay rất gần chuyển đi. Việc này chứng tỏ hướng tiến giả vờ của chúng tôi không ích lợi gì cả. Ðịch đã biết người biết ta rồi.
Lúc ấy, có 3 tàu buôn 2,000 tấn lướt qua, tạo một không khí vui vẻ phần nào. Có nhiều thủy thủ nói rằng họ không ngờ Nhựt còn có những tàu buôn to lớn đến như vậy.
Vào lúc 11g30, một thủy phi cơ được phát hiện cách 20,000m ở phía Ðông. Chiếc phi cơ bay ngoài tầm súng, xoay vòng tròn quanh đoàn tàu, và gửi đi báo cáo chi tiết về hoạt động của chúng tôi. Ðiều đáng tức giận là chúng tôi không có một chiến đấu cơ nào để cho cất cánh và bắn kẻ đang đe dọa đến sự an toàn của hạm đội. Trong khi tôi đang nhìn chiếc thủy phi cơ bay ngoài tầm cao xạ một cách thèm thuồng, phòng truyền tin báo cáo: “Căn cứ quan sát ở Amami Oshima cho biết 250 phi cơ địch đang hướng về phía Bắc.”
“Chúng đến rồi!” Komura nói với một nụ cười méo mó.
Amami Oshima là hòn đảo nằm giữa Kyushu và Okinawa. Không cần nhìn hải đồ, mọi sỹ quan trên đài chỉ huy đều biết rằng các phi cơ này sẽ đến trên đầu chúng tôi trong vòng một giờ nữa.
Tuần sau:
Chương XXXXIX
Tử chiến
Tameichi Hara, Đông Kinh 1958
Bản Anh ngữ Japanese Destroyer Captain, Fred Saito & Roger Pineau, 1960. Bản dịch Nguyễn Nhược Nghiễm, Sàigòn 1974
Trần Vũ hiệu đính từ bản dịch Les Torpilleurs du Soleil Levant, René Jouan, 1962
Minh họa từ trang World of Warships