Thế Vận Hội Tokyo 2020 khép lại với Hoa Kỳ là phái đoàn duy nhất giật trên 100 huy chương (113 chiếc). Các lực sĩ Hoa Kỳ cũng đoạt nhiều huy chương vàng nhất với 39 chiếc. Đây không phải là những kết quả bất ngờ. Ai cũng biết Team USA mãnh lực rất lớn, đội hình có chiều sâu, với ưu thế trải đều ở nhiều môn tranh tài khác nhau.

Đội nữ chạy tiếp sức Hoa Kỳ, HCV 4 x 400m. Ảnh AP Photo / Charlie Riedel 

Tuy nhiên, trong 17 ngày tranh tài TVH Tokyo, nhiều khán giả bị lẫn lộn không ít khi thấy China luôn “dẫn đầu” trên bảng thứ bậc huy chương. Thật ra, có lắm cách khác nhau nhằm đo đếm, so sánh huy chương. Xét về phương diện thực tế, có rất nhiều lực sĩ, trong số gần 12 ngàn người vừa thư hùng tại Ðông Kinh vừa qua, quanh năm suốt tháng ăn ở tập luyện tại Hoa Kỳ—về pháp lý là thường trú nhân USA, thậm chí có những người mang song tịch. Không ít nhân tài thể thao trên thế giới được gởi sang huấn luyện tại các trung tâm thể thao tân kỳ của Hoa Kỳ từ lúc tuổi nhỏ (có cả người từ VN ngày nay). Nhiều lực sĩ từng đoạt huy chương Olympic cho những nước “khác” song thực sự đã có nhiều năm rèn luyện và tranh tài trong khuôn khổ NCAA – Hiệp Hội Thể Thao Ðại Học Quốc Gia – hùng mạnh nhất thế giới.

Đội nữ Hoa Kỳ, HCV banh rổ 3×3. Ảnh Getty Images

Một phương pháp khác là so sánh tỉ lệ huy chương đoạt được so với dân số của quốc gia đó. Nếu dựa trên con số tổng cộng huy chương vàng (HCV) qua các kỳ Olympic trước nay, New Zealand đáng được xếp vào hàng bậc nhất thế giới. Tuy chỉ là một đảo quốc ở Nam Á Châu Thái Bình Dương, gần nước Úc, với chỉ 5 triệu người (khoảng nửa số dân Sài Gòn hiện tại), nhưng các lực sĩ New Zealand đến nay đoạt tổng cộng 53 huy chương vàng TVH (tỉ lệ 10.6 HCV cho mỗi một triệu dân). Riêng tại TVH Tokyo 2020, New Zealand tiếp tục thành công khi giật tới 7 huy chương vàng, 6 bạc, và 7 đồng. Dựa theo cách tính này, Hoa Kỳ đạt tỉ lệ 3.26 HCV / một triệu dân (328 triệu người với tổng cộng 1,070 huy chương vàng từ xưa tới nay). Hy Lạp “Greece”, cái nôi của phong trào Olympic, có tỉ lệ 3.18 (dân số 11 triệu với 35 HCV). Nhật Bổn tỉ lệ 1.34 (dân số 126 triệu với 169 HCV). Trong tư cách chủ nhà TVH 2020, các lực sĩ Nhật đạt thành tích cao nhất xưa nay với 27 HCV (58 tổng cộng). Ngay cả nước Phi Châu Kenya cũng có tỉ lệ 0.66 (dân số 53 triệu với 35 vàng). Trong khi đó, China với 1.4 tỉ dân đến nay được cả thảy 262 HCV, chỉ là tỉ lệ rất khiêm tốn 0.18 HCV / một triệu dân.

Đội nữ banh chuyền Hoa Kỳ sau khi đánh hạ nữ Brazil 3-0 trong trận chung kết, giật chiếc HCV sau chót. Ảnh Toru Hanai / Getty Images

Cũng có thể xét về phương diện tính chất các cuộc tranh tài, số lượng các môn thi, lẫn số lực sĩ góp mặt. Lực sĩ China chiếm ưu thế trong các môn vũ cầu “Badminton”, ping-pong “Table-Tennis”, thể dục nghệ thuật “Artistic Gymnastic”… và nhất là hai môn thi nhảy cầu “Diving” & cử tạ. Môn nhảy cầu chỉ có 136 đấu thủ tranh đoạt tới 24 huy chương, với kết quả lực sĩ China hốt tới 7 vàng 5 bạc. Môn cử tạ có 196 lực sĩ tranh nhau 42 huy chương, để rồi China rinh 7 vàng 1 bạc (trong đó có 4 vàng 1 bạc ở các hạng cân dưới 75 kg, xem ra khá nhẹ so với thước tấc lực sĩ Hoa Kỳ và Tây Phương). Nhưng China lại hầu như… trốn kỹ trong các môn thể thao đồng đội, nhiều người nhưng hiếm huy chương. Ðơn cử đá banh, với 608 nam nữ cầu thủ từ 24 nước chia nhau vỏn vẹn 6 huy chương. Cũng tương tự con số khiêm tốn 6 huy chương trong banh rổ “Basketball” (288 đấu thủ) hoặc banh nước “Water Polo” (286 đấu thủ).

Tay bơi Caeleb Dressel, 25 tuổi, là lực sĩ đoạt nhiều huy chương nhất tại THV Tokyo 2020: 5 HCV. Ảnh Getty Images

Trong khi China trông cậy thể thao cá nhân để hái huy chương thì Team USA lại mạnh áp đảo trong các trò chơi đồng đội như banh chuyền “Volley Ball”, Softball, banh nước nữ “Women’s Water Polo”, hay đá banh nữ… Ðặc biệt đáng nhớ chiếc huy chương vàng thứ 39 khi đội banh chuyền nữ Hoa Kỳ hạ nữ Brazil 3-0 ngay trước giờ TVH Tokyo 2020 hạ màn. Hoa Kỳ cũng bá chủ trong banh rổ. “Basketball” được đưa vào chương trình tranh tài Olympic từ TVH Berlin 1936 cho nam giới và TVH Montreal 1976 cho nữ giới. Không hổ danh xứ sở của NBA và WNBA, cả hai đội banh rổ quốc gia nam-nữ Hoa Kỳ đều đoạt huy chương vàng tại TVH Tokyo 2020. Tính tới nay, banh rổ nam HK đoạt 16 HCV trong 20 kỳ Olympic, trong khi banh rổ nữ HK đoạt 9 HCV qua 12 lần TVH.

Kình ngư Katie Ledecky, 24 tuổi, cựu sinh viên Đại Học Stanford University, giật 2 vàng 2 bạc tại TVH Tokyo. Ảnh Getty Images

Cũng cần điểm qua một sáng kiến Made in China nhằm đếm huy chương Olympic đầy… sáng tạo và bất ngờ. Nhiều người sử dụng Internet Tàu quốc doanh bao gồm luôn cả số huy chương của lực sĩ Ðài Loan (2 vàng 4 bạc 6 đồng) và Hồng Kông (1 vàng 2 bạc 3 đồng). Theo họ, hai phái đoàn này không chính danh, viện dẫn thỏa hiệp trước đây giữa Ủy Ban TVH Quốc Tế “IOC” và China, trong đó Bắc Kinh chỉ bằng lòng cho lực sĩ Ðài Loan góp mặt tranh tài dưới nhãn hiệu “Chinese Taipei”, cũng như cái tên “Hong Kong, China” cho lực sĩ Hồng Kông. Cái công thức đặt tên này cũng có thể làm vô số người Việt khiếp hãi với viễn cảnh “Chinese Hanoi” hoặc “Viet Nam, China”. Theo cách nhìn này, thì dù là “Ðài Bắc”, “Hà Nội”, “Hồng Kông”, hay “Việt Nam”, hết thảy đều… thuộc về China/Chinese. Vì nỗi éo le này mà Ðài Loan với 23.5 triệu dân, và Hong Kong với 7.5 triệu dân, đã không được thượng quốc kỳ hay trổi quốc ca mỗi khi có lực sĩ bước lên bục nhận huy chương thế giá nhất. Phái đoàn Ðài Loan phải dùng quốc ca với nhạc lẫn lời đã được sửa cho vừa ý Bắc Kinh. Còn Hong Kong, thay vì xướng bài “God Save the Queen” quốc ca Anh như trước kia, thì nay thay bằng bài hồng quân quốc ca Tàu, khiến nhiều khán giả la ó om sòm mỗi khi bài ca China vang lên, đến nỗi có người đã bị cảnh sát Hong Kong câu lưu theo lệnh… thiên triều.

Sunisa Lee, 18 tuổi, là bất ngờ thú vị khi giật chiếc HCV đơn nữ “All Around” tại TVH Tokyo 2020. Chặng dừng chân kế tiếp: Đại Học Auburn University (tiểu bang Alabama). Ảnh Carmen Mandato / Getty Images

Tính chung kỳ TVH Tokyo 2020 lần này, các lực sĩ Hoa Kỳ đã để sổng tối thiểu cả chục huy chương vàng vì hai môn bơi lội và nhất là điền kinh quá bết bát. Các đấu thủ chạy tốc độ, cá nhân hay đồng đội tiếp sức, nam hay nữ, đã gây thất vọng lớn. Tuy nhiên, Team USA “save the best for last” (hoặc “get the last laugh”) khi ngoạn mục hất cẳng China khỏi vị trí #1 trên bảng xếp hạng chỉ vài giờ trước lễ bế mạc. Nhìn về tương lai, TVH Paris 2024 có người Pháp rắp tâm làm chuyện lớn; TVH Los Angeles 2028 là sân nhà cho lực sĩ Hoa Kỳ tung hoành; tới TVH Brisbane 2032 thì nước Úc chủ nhà được thiên thời địa lợi nhân hòa. Chuyện “China có qua mặt được USA” chắc còn nhiều hấp dẫn.

Xem thêm:   Thằng lơ xe đò trong văn hóa Miền Nam

TTD