Thiên hạ giải thích rằng sở dĩ gọi là xe ôm vì hành khách ngồi sát với tài xế xe gắn máy. Xe chạy bon bon rủi khi sụp ổ gà, ổ voi hay bác tài chạy nhanh quẹo cua gắt khiến hành khách sợ té, phản xạ tự nhiên là đưa tay ôm eo tài xế. 

Xe ôm chở lính Mỹ đến giải trí ở các bar trước 1975 tại Sài Gòn (Nguồn: Manhhaiflickr)

Còn có một giải thích khác là mấy người lớn tuổi nói, vào năm 1972, chính quyền ra lệnh cấm người ngồi sau xe gắn máy không được ngồi “chàng hảng” mà phải ngồi một bên. Ðây không phải là lý do thuần phong mỹ tục mà là lý do an ninh. Thuở Sài Gòn thường hay xảy ra những vụ tấn công bằng chất nổ của VC vào các vũ trường, khách sạn có mặt người Mỹ. Lệnh cấm này được giải thích, người ngồi một bên phía sau xe gắn máy nếu có ý đồ tấn công ném lựu đạn hay chất nổ vào mục tiêu cũng không ném xa được. Người ngồi một bên sau xe gắn máy cảm giác không an toàn nên thường phải đưa tay ôm eo người ngồi lái phía trước. Có lẽ cách gọi “xe ôm” là vì vậy.

Không rõ trước năm 1975 đã có từ “xe ôm” chưa? Loại xe gắn máy chở khách mà người miền Trung còn gọi là xe thồ. Dịch vụ chuyên chở này không có đăng bộ làm phương tiện chuyên chở công cộng ở Sài Gòn thời bấy giờ. Khá nhiều giáo viên tuổi trung niên, đồng nghiệp với tôi, cho rằng, xe ôm xuất hiện nhiều là sau năm 1975 do cuộc sống khó khăn, nhiều người sau giờ dạy phải chạy xe ôm kiếm sống. Anh bạn tôi kể, trên lớp ăn vận quần áo bảnh bao, bỏ cục phấn xuống, xách xe ra ngoài ngã tư đứng chờ khách, trở thành một thân phận khác. Có lần ngồi ngáp ruồi chờ khách. Nghe tiếng gọi xe vội mừng kiếm thêm tiền chợ. Ngẩng mặt lên, nào ngờ con bé học trò lớp mình chủ nhiệm. Cái mặt cả hai thầy trò lúc đó cứng đơ, sượng như củ khoai sùng.

Trong cuốn “Chuyện đời của phố – tập 3” của tác giả Phạm Công Luận có bài viết khá lý thú và chi tiết, chỉ ra xe ôm không chỉ xuất hiện ở Sài Gòn mà còn ở tỉnh khác qua phóng sự của nhà báo Lê Hương. “Năm 1969, một nhà văn đoạt giải nhất phóng sự ở Sài Gòn là ông Lê Hương với cuốn sách Chợ trời biên giới Việt Nam – Cao Miên. Khi viết về chợ trời Gò Dầu Hạ ở Tây Ninh, ông cho biết ngoài xe lam và mô tô lôi chở đông người mỗi chuyến thì năm 1967 xuất hiện bốn loại xe mới: Honda ôm, Suzuki ôm, Mobilette ôm, Yamaha ôm”. Ông đánh giá: “Thật là một nghề chóng phát tài hơn hẳn các anh em chở Mỹ ở Sài Gòn”. Tác giả đặt nghi vấn: “Như vậy, phải chăng xe ôm ở Sài Gòn bắt nguồn từ dịch vụ chở người, sau khi người Mỹ đến miền Nam năm 1965?”.

Xe lôi, một phương tiện chở khách được xem là tiền thân của xe ôm (Nguồn: Manhhaiflickr)

Bài viết “Xe ôm có từ khi nào?” còn lý thú hơn ở chi tiết lúc ban đầu, xe ôm dùng xe loại sang Lambretta của ông X. gì đó ở quận 4 chở lính Mỹ: “Lúc đó, khu Kho 18 có hai snack-bar là Rạng Ðông và Thúy Phương. Thấy ông X. làm ăn được, mấy ông từng làm sở Mỹ đang thất nghiệp bắt chước theo và thấy có ăn. Họ mua toàn là xe Lambretta vì xe khác người Mỹ lắc đầu. Từ đó hình thành đội ngũ xe ôm đầu tiên ở Sài Gòn đậu dài dài ở hai bar rượu này, đi cùng một loại xe và chủ yếu phục vụ các nhân viên dân sự Mỹ. Họ không chỉ đi uống rượu bằng xe ôm, mà có thể vô các khu hẻm nhỏ tìm người quen, tìm bạn gái, tìm bạch phiến. Còn người dân Sài Gòn bình thường không ai quan tâm đến loại xe này. Ai không có xe máy thì đi taxi, xe buýt hay xích lô máy, xích lô đạp, xe Lambro…”.

Xem thêm:   Hoàng hậu cà phê hủ tiếu

Trong “Chuyện đời của phố – tập 3”, tác giả còn dẫn giải thêm bài bút ký của tác giả Lưu Nhơn Nghĩa (mất 2007 tại Úc) là một trong những nhà văn hải ngoại viết về những chuyện thời thanh niên ở miệt Châu Ðốc sau khi rời xa quê hương. “Như cánh chuồn chuồn”, “Con đường cũ” và nhiều bài bút ký về cuộc sống Nam phần mà tôi rất thích. Trong bài “Lải nhải đời tôi 1959 – 1969” có đoạn: “Dân công chức lương thấp nghĩ cách kiếm sống, dùng xe mình đưa khách kiếm thêm… Lần đầu tiên, nhóm xe taxi, xích lô máy, xích lô đạp xô xát với nhóm xe ôm vì quyền lợi. Lúc đó tương đối còn sống được, sau này đời sống chật vật, cả đến quân nhân, cảnh sát ngạch thấp, công an chìm cũng chạy xe ôm. Rõ ràng là chỉ có xe Nhựt, yên liền rộng, thấp, vừa tầm người Á Châu, chỗ gác chân thoải mái mới sử dụng được trong việc kiếm ăn này. Xe Nhựt lại hết sức bền bỉ, ít hao xăng, chạy suốt từ Sài Gòn ra Vũng Tàu không nằm đường”.

Tôi dẫn chuyện xe ôm vào thời điểm cuối thập niên 60 qua nhiều tác giả nói trên chẳng qua để liên kết về thời gian phương tiện xe ôm dần dần trở thành một nghề tương đối phổ biến vào thời điểm 1972, sau khi xe gắn máy Nhật nhập cảng vào Sài Gòn khá nhiều. Lúc đó không chỉ dân công chức kiếm sống, dùng xe mình đưa đón khách mà còn có cả một ít người không nghề nghiệp, kiếm sống bằng dịch vụ chở khách chứ chưa xuất hiện nghề xe ôm phổ biến như bây giờ.

Xe Vespa, Lambretta trở thành phương tiện xe ôm lính Mỹ rất thích (Nguồn: Manhhaiflickr)

Ðó là chuyện Anh Hai Lớn sống ở khu Hoà Hưng làm công việc đưa đón khách ở các quán bar hay vũ trường Sài Gòn thời trước. Tôi tình cờ gặp lại anh ở thành phố Lubbock, Texas trong một lần thả bộ ngang qua trung tâm thương mại ở một góc phố sầm uất. Chuyện vãn với anh về bà con trong xóm, chuyện làm ăn của anh ngày trước và chuyện đau buồn về thằng bạn tôi, Sáu Nhỏ, người em út của anh mất vì tai nạn xe trước ngày hẹn phỏng vấn sang Mỹ định cư chỉ một tuần.

Xem thêm:   Trên lưng trời

Hồi thiếu niên, tôi thường đến nhà Sáu Nhỏ ở xóm trên vì có chung thú vui đá gà đá cá. Thằng bạn bằng tuổi tôi nhưng vóc dáng cao to hơn tôi nhiều vậy mà trong nhà gọi nó là Nhỏ. Ngược lại anh Hai nó nhỏ con, so với một thanh niên trưởng thành, lại gọi là anh Hai Lớn. Không biết anh Hai thằng bạn làm nghề gì nhưng sáng đi chiều về trên chiếc xe gắn máy Suzuki. Cạnh nhà bên, có cô gái hình như lớn hơn anh chừng hai ba tuổi. Cô ấy đẹp, sang trọng và nghe thằng bạn nhỏ to là cô làm gái bar ở Vũng Tàu. Có lần tôi đang ngồi ngoài hiên nhà thằng bạn cùng anh Hai Lớn xem con gà chọi mới mua thì cô hàng xóm bước sang nhờ anh chở ra bến xe. Mặt anh Hai sáng ra, đứng dậy ngay. Thằng bạn thầm thì với tôi: “Ảnh mê gái rồi, tuần nào cũng vậy nghe kêu là xách xe đi liền. Ông già mua cho chiếc Su chở khách, không biết chở gái ảnh có lấy tiền hay ôm eo ếch trừ tiền hông?”.

Nghề xe ôm phổ biến tại Sài Gòn sau 1975 (Ảnh: Internet)

Nghe vậy chứ lúc đó tôi không để ý đến chuyện anh Hai chở khách bằng chiếc Su kiếm sống. Ðúng ra tuổi của anh là tuổi quân dịch nhưng bàn tay phải của anh không hiểu sao bị mất ngón trỏ nên được miễn dịch. Có bốn ngón tay vậy chứ anh Hai đàn vọng cổ nghe mùi lắm. Một ngày cuối năm 1972, cô gái nhà bên không còn nhờ anh chở ra bến xe nữa. Hôm đó anh xách cây đàn so dây, cất giọng cải lương buồn rười rượi trong khi tôi và Sáu Nhỏ ngồi nhìn đám đông người đến mừng lễ cưới qua tấm lưới mắt cáo bên hông nhà. Con nít bu kín ngoài tường gạch ồn ào xem chú rể người Mỹ bận quân phục vái chào cha mẹ vợ. Nhà bên đang vui còn bên vách lưới rào anh Hai nốc cạn chai đế trắng.

Xem thêm:   Mua đồ trang trí

Khi nhắc lại chuyện này, anh Hai Lớn cười cười: Trái đất tròn, tình cũ không rủ cũng đến. Ngày đó, chị H. theo chồng về Mỹ. Năm 1992 khi anh chồng đột tử, chị trở về Sài Gòn thăm cha mẹ, rồi lại nhờ anh chở đi chỗ này chỗ nọ. Anh vẫn còn chạy xe ôm kiếm sống nuôi hai đứa con, bà xã anh đi “bán muối” hồi nấy năm trước cũng do tai nạn xe đò. Anh kể không nhiều người làm nghề lái xe chở khách trước năm 1972, tuy vậy kiếm cơm cũng chẳng có dư. Cuộc sống lúc đó còn khó khăn nhưng đời sống sau năm 1975 càng khó khăn hơn. ngược lại anh lại có nhiều mối xe chạy cả ngày. Có ai ngờ thằng xe ôm cuộc đời long đong, chân dép tổ ong lại có ngày theo người thương thầm trộm nhớ đi Mỹ rồi trở thành “ông chủ” tiệm nails. Ai nói xe ôm không ai ôm là trật lất!

Chuyện của anh Hai Lớn có thể chứng minh được dịch vụ chở khách bằng xe gắn máy đã hình thành từ khi lính Mỹ có mặt ở VN và tự nó phát triển âm thầm liên tục theo nhu cầu đi lại của nhiều người, của nhiều thành phần trong xã hội. Cho dù ngày nay, hầu như ai cũng có xe gắn máy nhưng xe ôm phát triển thành một nghề nghiệp chính thức ở khắp mọi nơi.

TN