Pharaon Tutankhamun (1332-1323 trước Công nguyên) là vị vua Ai Cập thuộc giai đoạn cuối vương triều thứ 18 Ai Cập cổ đại. Ông được biết đến nhờ đã khôi phục nền đa thần giáo truyền thống của tôn giáo Ai Cập cổ đại. Ông là vị vua Ai Cập chết trẻ: sinh năm 1332, tạ thế năm 1323 trước Công nguyên. Từ lâu, các ngôi mộ xác ướp của các Pharaon luôn bao trùm bởi bức màn bí mật, ngôi mộ của Pharaon Tutankhamun là một ví dụ. Tương truyền rằng lời nguyền của Pharaon Tutankhamun đã gây ra cái chết của nhiều người. Vậy lời nguyền này là thực chất hay chỉ là huyền thoại?

Lăng mộ Pharaon Tutankhamun     

Năm 1922, các nhà khảo cổ học đã phát hiện ra ngôi mộ nguyên vẹn của vua Ai Cập Tutankhamun. Rất nhanh chóng, số người chết trong đoàn thám hiểm bắt đầu tăng lên. Phải chăng đây là sự trả thù từ thế giới bên kia?

Howard Carter và Lord Carnarvon tại cửa vào lăng mộ

Cuộc khai quật

Vào ngày 26 tháng 11 năm 1922, Howard Carter, một nhà khảo cổ và nhà Ai Cập học, người Anh, cầm đèn pin trên tay, bước vào lăng mộ đã được niêm phong của Pharaon Tutankhamun. Lord Carnarvon, nhà bảo trợ cuộc khai quật, hỏi: “Ông có nhìn thấy gì không?” Howard Carter đáp: “Vâng, những hình ảnh thật tuyệt vời”. Những ngày sau đó, báo chí khắp nơi đã phát cuồng trước những kho báu có một không hai của một thời huy hoàng. Và, trên hết là một lời nguyền đang rình rập.

Dường như đã có nhiều dấu hiệu cảnh báo trước. Vài ngày trước khi khai mở kho báu, chú chim hoàng yến của Carter được phát hiện đã chết. Nó bị một con rắn hổ mang, loài rắn thiêng của các pharaon, chui vào lồng và siết cổ. Một điềm báo đáng sợ cho những người lao động Ai Cập tham gia cuộc khai quật. Nhưng Carter và Carnarvon, say mê với khám phá của mình, đã phớt lờ mọi mê tín.

Howard Carter khảo sát tỉ mỉ xác ướp Pharaon Tutankhamun,

“Sự trả thù của Tutankhamun: danh sách những người tử vong ngày càng dài!”

Xem thêm:   Nước mắm miền Nam

Ngay khi phiến đá chặn cửa được di chuyển, điều xấu liền xảy ra. Carnarvon bị muỗi đốt. Vết cắn bị nhiễm trùng sau khi nó bị dao cạo sượt qua trong lúc ông cạo râu. Ngày 5 tháng 4 năm 1923, ông qua đời vì bị nhiễm khuẩn huyết tại Cairo, thủ đô Ai Cập. Và vì số phận đôi khi đã được khéo léo sắp đặt, mọi ánh đèn trong thành phố đều tắt ngúm vào khoảnh khắc ông trút hơi thở cuối cùng. Trong khi chú chó của ông, ở tận Luân Đôn, Anh Quốc, tru lên rồi ngã quỵ xuống chết.

Những gì diễn ra tiếp theo tựa như một vở ballet rùng rợn, đầy chết chóc: George Jay Gould, một triệu phú người Mỹ, đến thăm ngôi mộ, mắc bệnh viêm phổi cấp tính và qua đời ngay vào buổi tối hôm đó. Nhà khảo cổ học Lafleur mắc phải một căn bệnh bí ẩn và cũng không qua khỏi. Một bác sĩ X-quang, sau khi chụp X-quang xác ướp, đã ngã gục. Thư ký của Carter được phát hiện chết ngạt trong câu lạc bộ của ông ở London… Tổng cộng, báo chí ghi nhận không dưới 27 trường hợp tử vong có liên quan, theo cách này hay cách khác, đến việc phát hiện ra ngôi mộ. Người ta cho rằng các vị thần linh cổ đại đã trả thù những kẻ trơ tráo dám làm phiền giấc ngủ ngàn thu của vị pharaon trẻ tuổi này.

Giới báo chí, đang khao khát các tin giật gân, đã ngân nga bài cầu hồn vĩ đại qua tiêu đề đăng trên các tờ báo lớn như “Pharaon Tutankhamun báo thù: danh sách những người chết ngày càng dài!”  Arthur Conan Doyle, nhà văn, nhà vật lý, giáo sĩ theo thuyết tâm linh, nói về một “yếu tố tà ác” đã thoát ra từ sâu thẳm xa xưa của thời Ai Cập cổ đại. Lời nguyền này đã được xác thực.

Đoàn khảo cổ và các lao động tham gia cuộc khai quật,

Đằng sau bức bích họa, một lời nguyền báo chí

Xem thêm:   Chẳng nợ gì nhau

Trên thực tế, đây là một trường hợp điển hình về sự cường điệu của giới truyền thông. Bởi vì Tutankhamun không phải là một pharaon vĩ đại: ông là con trai của pharaon Akhenaten. Vị vua này cưới chính em gái của mình, mất năm 18 tuổi trong tình trạng tật nguyền, và sinh ra Tutankhamum. Sở dĩ Pharaon Tutankhamum được nhắc đến nhiều như vậy là nhờ ngôi mộ của ông được bọn cướp bỏ sót một cách kỳ diệu, dẫn đến cuộc khai quật tạo nhiều cảnh tượng và nhiều câu chuyện gây ấn tượng mạnh.

Và quan trọng nhất là không hề có phép thuật hay lời đe dọa bằng chữ tượng hình nào được tìm thấy trong lăng mộ. Câu khắc nổi tiếng “Cái chết sẽ đến nhanh chóng với kẻ nào quấy rầy sự yên nghỉ của nhà vua” chỉ là một sự tưởng tượng thuần túy của báo chí, được dựng lên để khơi dậy cuộc chiến giành độc giả.

Vào thời điểm đó, tờ The Times đã có bài đưa tin độc quyền về cuộc khai quật. Thất vọng, các đối thủ cạnh tranh của Times đã chọn một chiến lược khác: dựng lên điều siêu nhiên hoàn toàn. Và khi không có trường hợp tử vong thực sự nào, họ mở rộng tiêu chí: trong số “nạn nhân” của lời nguyền có anh trai cùng cha khác mẹ của Carnarvon, và người cha của thư ký Howard Carter. Những người này không bao giờ đặt chân tới ngôi mộ…

Sự thật, trong số những người có mặt tại buổi khai quật, phần lớn đều còn sống trong nhiều năm sau đó. Bản thân Howard Carter, một mục tiêu lý tưởng của lời nguyền, nếu có, đã qua đời một cách thanh thản vào năm 1939, ở tuổi 64, vì bệnh ung thư hạch, không hẳn là cái chết sớm sủa và đột ngột do một xác ướp giận dữ gây ra.

Tượng đúc bán thân Pharaon Tutankhamun

Liệu không khí trong ngôi mộ có chứa chất độc thực sự?

Xem thêm:   Rác vệ tinh

Nhưng tại sao lại có những cái chết ly kỳ, thảm khốc như vậy? Lời giải thích nghiêm túc nhất cũng là lời giải thích thường tình nhất. Thủ phạm không phải là Osiris (Thần Chết hay Diêm Dương trong thần thoại Ai Cập), cũng không phải Anubis (Thần có đầu chó rừng, chuyên giám sát việc ướp xác và giúp người chết bước qua thế giới bên kia), cũng không phải từ cơn giận dữ của một vị thần bị phản bội, mà nguyên nhân là do… ẩm mốc. Khi cửa ngôi mộ được mở ra, bầu không khí bị nhốt kín trong 3 thiên niên kỷ qua chứa lúc nhúc các bào tử nấm độc hại gây chết người. Trong số đó, có 2 loại nấm Aspergillus flavus và Aspergillus niger, có khả năng gây nhiễm trùng phổi nghiêm trọng. Đồ cúng tang lễ như bánh mì, trái cây, ngũ cốc… đã nuôi dưỡng những loại nấm độc này trong nhiều thế kỷ.

Người ta tin rằng Lord Carnarvon, nhà bảo trợ cuộc khai quật, sức khỏe vốn suy yếu từ trước, đã hít phải những bào tử độc hại này khi bước vào lăng mộ. Một vết muỗi đốt bị nhiễm khuẩn, một lần nhiễm trùng phổi ngẫu nhiên. Vậy là số phận sinh học của ông ta đã được an bài. Đây chỉ là một giả thuyết và giả thuyết này không thể giải thích được tất cả những cái chết đã đề cập, nhưng có một điều chắc chắn, ngay cả khi khoa học bác bỏ, lời nguyền của Tutankhamun vẫn sẽ đạt được kỳ tích mà vị pharaon này chưa bao giờ đạt được khi còn sống: trở thành bất tử.

Nhà khảo cổ Howard Carter

Bài và hình ĐDH