Thời VNCH, bán đảo Thủ Thiêm từng được quy hoạch như một đô thị mà giới chuyên môn gọi tên là Sài Gòn II. Tuy nhiên, bản đồ án của công ty Doxiadis Associates vào năm 1965 đã không thực hiện được. Vào năm 1972, quy hoạch Thủ Thiêm được khởi động lại qua đồ án của Wurster, Bernardi and Emmons Architects and Planners (WBE) có trụ sở tại San Francisco.

Không ảnh một góc Thủ Thiêm còn vắng vẻ vào năm 1965 (Ảnh: Manhhaiflickr)
Phương án xây dựng của công ty WBE đầu tiên là xây thử nghiệm khu gia cư trong một mạng lưới kênh mương, gồm nhà ở thấp tầng, xen kẽ nhà liên kế, biệt thự, nhà ở tập thể 4 tầng, và loại bỏ ý tưởng xây nhà cao tầng, khu kinh doanh, hành chính đồ sộ.
Theo phương án, sẽ xây dựng 1000 căn nhà tiền chế nằm ngay tại vị trí từ rạch Cây Bàng hướng về rạch Bà Đô giáp sông Sài Gòn (khi ấy con đường Trần Não ngày nay còn là con đường đất nhỏ hẹp). Tuy nhiên, đến năm 1974 khu dân cư này chỉ mới xây dựng được hai dãy nhà trệt liền kề chưa đầy 100 căn, rồi dừng hẳn do tình hình chiến tranh lan rộng. Đây là nhà kiểu tiền chế, được xây dựng bằng những tấm gạch xi măng đúc sẵn, lắp ráp vào khung nhà bằng sắt có diện tích 4m x 20 m, mái fibro. Mục đích của việc xây dựng khu dân cư dành cho giới lao động sống ven kênh rạch được mua với giá rẻ nhằm chỉnh trang khu vực ngoại ô thành phố thuộc khu vực Thị Nghè và Hàng Xanh (Bình Thạnh hiện nay).

Quy hoạch Thủ Thiêm được trình bày thời Đệ nhất VNCH (Nguồn: Mahhaiflickr)
Sau năm 1975, gia đình anh bạn tôi, là một trong số những gia đình công nhân được cấp một căn nhà tiền chế tại Thủ Thiêm. Anh bạn kể: “Thật vui lắm, khi mình có được một ngôi nhà, tuy hơi xa nhưng có hai con đường để vào thành phố. Một, ra cầu Xa Lộ (cầu Sài Gòn). Hai, chạy một quãng xuống hướng xưởng đóng tàu CARIC đi phà Thủ Thiêm qua Sài Gòn. Xem ra cũng tiện lợi không đến nỗi, tuy rằng hai con đường này để vào được nội thành cũng đều mất thời gian (phương tiện di chuyển của giới lao động vào thời gian này là chiếc xe đạp)”.
Niềm vui của anh bạn kéo dài trong vài tháng mùa nắng. Qua mùa mưa thì quả là cơn ác mộng khi gặp những trận mưa lớn kéo dài và triều cường nước sông Sài Gòn thường xuyên dâng cao. Cả khu vực dân cư chìm trong nước nhiều tiếng đồng hồ, khi nước rút đi để lại đầy bùn sình trên nền nhà xi măng. Vợ chồng anh bạn sống tại Thủ Thiêm chưa trọn một năm thì quyết định bỏ của chạy lấy người, dọn về tạm ở chung với cha mẹ tại quận 3 trong căn nhà chật chội. Không chỉ có gia đình anh bạn, một số láng giềng trong khu dân cư Thủ Thiêm, cũng đành từ bỏ “ngôi nhà mơ ước”. Ngoại trừ còn vài ba gia đình trụ lại. Có lẽ họ là những người có ý chí kiên trì chờ một ngày nào đó Thủ Thiêm sẽ thay da đổi thịt.

Thủ Thiêm nhìn từ Bến Bạch Đằng, Quận 1 (Ảnh: Manhhaiflickr)
Trong số các tài liệu tại thư viện có nhiều đồ án và báo cáo của Doxiadis Associates-Consultants on Development and Ekistics có từ năm 1965 và công ty Wurster, Bernardi and Emmons Architects and Planners năm 1972 cũng như các nghiên cứu tổng hợp của Tổng nha Kiến thiết và Thiết kế đô thị Sài Gòn. Các công ty Mỹ không những lập quy hoạch cho vùng đô thị Thủ Thiêm mà còn quy hoạch chung phát triển toàn diện thủ đô Sài Gòn với số dân lên đến 3.5 triệu người.
Ông Nguyễn Tấn Đời (thương gia có máu mặt ở Sài Gòn và là dân biểu thời Đệ nhị VNCH) từng đề nghị với chính quyền thời TT. Diệm thực thi một dự án “Một người dân một mái nhà” mở đầu cho bản quy hoạch Thủ Thiêm. Theo dự án, ông sẽ mua 500 mẫu đất từ bến đò Thủ Thiêm lên Cát Lái, ở chỗ bến đò Thủ Thiêm ông sẽ cho xáng cạp múc con kinh có chiều dài 500 mét, chiều ngang 30 mét và chiều sâu 25 mét ăn sâu vào bờ. Ở khúc cuối con kinh ông sẽ cho làm một hố nhân tạo với độ sâu 15 mét, ngang 500 mét, dài 1000 mét, dùng xáng thổi đất lên 4 phía bờ hồ để san lấp mặt bằng. Xung quanh bờ hồ, dọc theo hai bờ con kinh, sẽ cho xây dựng thành khu thương mại và xây dựng những khu nhà song lập, biệt lập để kinh doanh tạo nguồn vốn với mục đích xây lên những khu nhà bình dân cấp thấp, lân cận cho người nghèo. Phía trong khu nhà bình dân sẽ được cung cấp đầy đủ tất cả các cơ sở hạ tầng, đường sá, điện nước đầy đủ tiện nghi. Tuy nhiên, kế hoạch khu gia cư kiểu mẫu của ông Nguyễn Tấn Đời không thể thực hiện được vì nhiều lý do nào đó. Thay vào đó là việc xây dựng được 100 căn nhà tiền chế vào năm 1972 như nói ở trên.

Đồ án quy hoạch Thủ Thiêm năm 1972 là một đô thị thấp tầng (Ảnh: Internet)
Năm 1979, khi Viện Quy hoạch thành phố ra quân kiểm tra thực trạng Thủ Thiêm để chuẩn bị cho đề án quy hoạch Thủ Thiêm mới. Sếp lớn, sếp nhỏ, nhân viên đều phải đi công tác dã ngoại nhiều tháng ròng. Riêng tổ nhóm ngoại thành của tôi được phân đi thực hiện bản đồ hiện trạng và cốt san nền trên vùng đất Thủ Thiêm. Hai dãy nhà tiền chế lúc đó trong tình trạng xuống cấp trầm trọng, nền lún, tường vách nứt toạc ra. Ngày nắng bụi đỏ bay mịt mù, ngày mưa sình lầy nước đọng. Thủ Thiêm vẫn im mình chịu đựng. Dọc theo bờ sông phía đối diện với cảng Khánh Hội nhà dân cố cựu thưa thớt đó đây, trong khi dọc theo bờ sông mọc thêm nhiều túp lều tạm bợ của những người dân từ đâu kéo về lấn chiếm.
Trong lần giúp cô thủ thư sắp xếp lại các loại sách nghiên cứu về quy hoạch đô thị và kho bản đồ lưu trữ có từ trước 1975, tôi bắt gặp nhiều đề án nghiên cứu đô thị Thủ Thiêm và cả mô hình xây dựng. Trung tâm bán đảo là khu hành chánh với những toà nhà cao bốn năm tầng, phần còn lại là các trục đường nối liền bằng những cây cầu bắc qua sông Sài Gòn. Quanh trung tâm hành chánh là các khu nhà ở có thể đáp ứng cho một đô thị vài trăm ngàn dân. Nhìn mô hình, Thủ Thiêm không phải là khu dân cư hiện đại, gần như đó là mô hình kiến trúc bán nông thôn.
TN