Đầu thập niên 1990, Dinh Thống Nhất (Dinh Độc Lập) được mở cửa cho công chúng đến xem. Việc mở cửa của dinh làm cho nhiều người phấn khởi mua vé vào tìm xem những dấu tích sinh hoạt, từ chuyện ăn, ở, làm việc, tiếp khách ra sao của Tổng thống VNCH và gia đình, cũng như kiến trúc và trang trí bên trong.

Bức sơn mài Bình Ngô Đại Cáo của hoạ sĩ Nguyễn Văn Minh trong Phòng Trình quốc thư ở Dinh Độc Lập (Ảnh: Đức Trí)  

Tôi cũng là một trong số hàng trăm ngàn người vui mừng đến xem Dinh Tổng Thống và tôi cũng có một bài viết về chuyện ăn uống của Tổng Thống (TT) khi ghé xem những gì trưng bày trong phòng ăn hằng ngày của gia đình TT. Tôi chú trọng bài viết này vì nhớ lại cuốn thực đơn của một người bạn của má tôi tặng lại cho tôi sau năm 1975. Cuốn thực đơn có nội dung ghi lại những món ăn từ sang trọng đến bình dân của những ngày trong tuần, không phải những món đặc biệt dành chiêu đãi những nguyên thủ quốc gia nước ngoài hoặc chính khách quan trọng.

Thú thật là, đọc quyển thực đơn được bếp trưởng soạn cho từng bữa trong cả năm rất chán vì có những món lặp đi lặp lại xen kẽ theo những tuần và tháng. Không biết các thành viên gia đình tổng thống có khi nào nổi hứng muốn thay đổi thực đơn hay không vì các món ăn đã được lên lịch gần như cố định hoặc muốn ăn những món ăn khác thì sao. Tôi nghĩ, chắc là các thành viên cứ gọi đầu bếp làm theo ý thích của mình thì cuốn thực đơn có sẵn không còn giá trị gì nữa. Thành thử ra, phòng ăn của Dinh Ðộc Lập chỉ có trưng bày trong tủ kiếng muỗng nĩa bằng bạc và cái bàn ăn cùng những chiếc ghế vô hồn không hấp dẫn bằng một số món ăn ở Ngự Thiện Phòng của vua chúa triều Nguyễn ở Huế, với tên gọi nhiều món ăn nghe khoái cái lỗ nhĩ.

Một chú trọng kế tiếp mà tôi sắp xếp trình tự khi ghé thăm Dinh Ðộc Lập nữa là kiến trúc và trang trí nội thất của dinh. Lãnh vực này thu hút sự quan tâm của tôi nhiều hơn vì đây là điều tôi thích nhất. Việc xây dựng Dinh Ðộc Lập theo bản thiết kế của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ đoạt giải Khôi Nguyên La Mã. Tôi cũng đã có bài viết cũng như những chuyện phong thuỷ thật cũng có thêu dệt thêm thắt cho ly kỳ cũng có của những nhà phong thuỷ chiêm tinh được mời cố vấn trong chuyện xây mới dinh thự. Nhưng chuyện trang trí bên trong với tôi vẫn còn mới toanh.

Xem thêm:   Quán nhậu thời đo... cồn

Hầu hết khách đến xem Dinh Ðộc Lập đều thích tụ tập đến tầng hai xem phòng Trình quốc thư. Phòng này rộng lớn, trang trí bàn ghế thiết kế lạ mắt và đơn giản với những hộp đèn sàn chiếu ngược lên trần nhà. Ðây là kiểu đèn trang trí rất thịnh hành từ thập niên 50 của thế kỷ trước ở phương Tây. Ðèn và đồ gỗ vào thời gian này có một cái tên là Mid Century theo đúng thời gian mà kiểu thiết kế đồ trang trí nội thất ra đời. Tuy vậy, cho đến nay đồ gỗ trang trí kiểu này vẫn được nhiều người yêu thích vì tính đơn giản, đường nét thanh nhã, nguyên liệu làm ra nó rất bền. Và tất nhiên có giá không rẻ so với các đồ trang trí nội thất hiện đại sau này. Vì lý do bảo quản, khách chỉ được đứng phía cửa nhìn vào, không được vào bên trong.

Chân dung hoạ sĩ Nguyễn Văn Minh khi sống ở nước ngoài (Ảnh: Internet)

Nhưng đây không phải là điểm nổi bật của phòng Trình quốc thư. Ðiểm nhấn chính là bức tranh sơn mài rất lớn trên nền nhũ vàng sang trọng, chiếm toàn bộ diện tích bức tường sau chiếc bàn chính giữa dành cho các đại sứ trình quốc thư lên tổng thống. Bức sơn mài này được ghép từ 40 bức tranh khổ nhỏ 0.8m x 1.2m tạo thành một bức sơn mài khổng lồ dài 14 mét, cao 9 mét. Chi tiết trong tranh rất nhiều, không biết bao nhiêu là cảnh sinh hoạt của dân chúng, vua quan nhà Lê giữa thiên nhiên núi non hùng vĩ, giữa những trận chinh chiến giữa vua quân nước ta với giặc Tàu. Bức sơn mài có tên là Bình Ngô Ðại Cáo, toát lên từ nội dung niềm tự hào của một đất nước có nền văn hiến lâu đời, đã chiến thắng quân xâm lược nhà Minh mạnh hơn gấp nhiều lần và xây dựng được nền hòa bình trong độc lập cách nay 6 thế kỷ.

Theo một bài viết của nhà báo Phạm Công Luận về tác giả bức tranh Bình Ngô Ðại Cáo trong cuốn ‘Sài Gòn chuyện đời của phố’, tôi mới biết đó là hoạ sĩ Nguyễn Văn Minh, người làng Bình Hoà tỉnh Gia Ðịnh (nay thuộc quận Bình Thạnh). Ông xuất thân trong một gia đình nghèo, năm 16 tuổi phải rời bỏ trường học phụ giúp mẹ kiếm sống. Năm 1954, ông xin vào học tại Trung tâm Khuếch trương Tiểu công nghệ và tiếp tục học, tốt nghiệp trường Mỹ thuật Gia Ðịnh năm 1958. Sau đó, ông nhận học bổng sang Nhật học kỹ thuật sơn mài tại Kyoto và Seidan. Năm 1975, ông cùng gia đình sang định cư tại Mỹ và tiếp tục theo đuổi sự nghiệp hội hoạ với nhiều thành tựu xuất sắc và thành công trong nhiều cuộc triển lãm tranh.

Xem thêm:   Mua đồ trang trí

Trong chặng đường nghệ thuật, ông đoạt được nhiều giải thưởng như Huân chương Danh dự trao tặng bởi Vatican, Rome, Ý cho bức chân dung của Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI (1962), Huy chương Bạc nhận từ Quốc tế Triển lãm Mỹ thuật, Rome, Ý (1963), Huân chương Danh dự trao tặng bởi Triển lãm Mỹ thuật Quốc tế, Sài Gòn (1964), Huy chương vàng nhận từ Học viện Mỹ thuật, Khoa học và Văn chương, Paris, Pháp (1982) và nhận được lời chúc mừng từ thị trưởng Paris và sau này là Tổng thống Pháp Jacques Chirac, Pháp, năm 1989 nhân dịp Triển lãm tại Pháp. Tác phẩm Cây anh đào nở hoa của ông đã được mua bởi Oleg Cassini, nhà thiết kế của bà Jacqueline Kennedy. Ông còn đoạt giải thưởng của Yves St Laurent về thiết kế chai nước hoa Opium. Biên tập viên của Dauphine Vaucluse ở thành phố Toulon, Pháp đã đánh giá ông là “Ông hoàng của sơn mài” (maitre lacquer) nhân cuộc triển lãm ở viện Bảo Tàng Nghệ Thuật Á Châu tại Pháp năm 2001.

“Việc thực hiện bức tranh là một cơ duyên chỉ có một lần trong đời, vào năm 1966, khi ông đang làm Giám đốc Trung tâm Nghệ thuật và Mỹ nghệ Mê Linh với hơn trăm nhân viên. Ðược họa sư Lê Văn Ðệ tiến cử, để đảm nhận việc thực hiện bức tranh hoành tráng này để trang trí tại Dinh Ðộc Lập vừa xây dựng xong, ông chỉ có hai tháng vừa vẽ phác thảo vừa thực hiện. Ðề tài đặt ra từ KTS Ngô Viết Thụ “Hình dung quang cảnh một buổi đại lễ tuyên cáo công trạng kháng Minh 10  năm của vua Lê Lợi. Trong đó mô tả các đặc tính đại lễ của triều đình Việt Nam với những kiến trúc, cờ xí của các triều thần, dân chúng sĩ phu, bô lão… và cảnh hùng vĩ của dãy Trường Sơn làm nền”. Sau khi thoả thuận, hoạ sĩ Nguyễn Văn Minh ký hợp đồng thực hiện trang trí phòng số 4 tức là phòng Trình quốc thư với giá tổng cộng 2,700,296 đồng. Riêng bức tranh có giá trị là 2 triệu đồng (khoảng 25,000USD, hối suất năm 1966).

Bức tranh Sơn Hà Cẩm Tú của KTS Ngô Viết Thụ vẽ tặng nhân khánh thành Dinh Độc Lập năm 1966 treo trong phòng Đại yến (Ảnh: Internet)

Từ đó, trong suốt thời gian ngắn ngủi đó, họa sĩ Nguyễn Văn Minh cùng các phụ tá đã hoàn thành tốt đẹp công việc để đời này. Bên cạnh đó, ông còn thiết kế cả bộ bàn ghế có tay vịn bằng gỗ phủ sơn mài trong phòng, tấm thảm len lớn 25 mét vuông, tấm thảm chân bàn danh dự và cả những chiếc đèn lớn đặt hai bên bức tranh và quanh phòng”.

Xem thêm:   2 người thợ săn

Năm 1994, hoạ sĩ Nguyễn Văn Minh về Việt Nam và đến Dinh Ðộc Lập cũ xem lại bức tranh Bình Ngô Ðại Cáo. Hoạ sĩ Phi Mai, người đệ tử duy nhất của Hoạ sĩ Nguyễn Văn Minh kể lại: Lần về Việt Nam năm đó, ông và chị mua vé vào cổng và lên tầng hai để xem lại bức tranh. Họa sĩ Nguyễn Văn Minh ngắm tranh thật kỹ và đánh giá là sau 27 năm, bức tranh đã bị xuống cấp nhiều chỗ. Chiếc bàn đặt phía trước và cặp đèn hai bên tranh vẫn còn. Bộ ghế sofa dọc hai bên căn phòng đã được thay vải bọc sau rất nhiều năm, tấm thảm trải dưới sàn cũng đã thay bằng tấm thảm khác.

Khi biết ông là tác giả bức tranh này, Ban Giám đốc Dinh Thống Nhất đã mời ông, họa sĩ Phi Mai cùng KTS Ngô Viết Thụ ăn bữa cơm thân mật. Sau cuộc gặp gỡ đó, năm 2003, những người quản lý Dinh Thống Nhất có nêu đề nghị mời Họa sĩ Nguyễn Văn Minh phục chế toàn diện bức tranh này. Cân nhắc các chi phí, thời gian đi về giữa Mỹ và Việt Nam, Họa sĩ Nguyễn Văn Minh ra một giá tương xứng. Nhưng việc này đã không được tiến hành. Tiếc là năm 2005, sau thời gian chống chọi với căn bệnh ung thư, hoạ sĩ Nguyễn Văn Minh ra đi trong sự thương tiếc của bạn bè đồng nghiệp và các người yêu mến tranh của ông khắp thế giới.

Ngoài bức Bình Ngô Ðại Cáo của hoạ sĩ Nguyễn Văn Minh, tại Dinh Ðộc Lập còn có bức Sơn Hà Cẩm Tú của KTS Ngô Viết Thụ, bức Quốc Tổ Hùng Vương của Họa sĩ Trọng Nội đặt trong phòng Khánh tiết, ngoài ra còn có bức Hai nàng Kiều của hoạ sĩ Lê Chánh vẽ vào năm 1974 treo tại hành lang lầu ba.

TN