Trong cuốn Vietnam – A Dog’s War, Richard Melton có đề cập một lính Mỹ đến Sài Gòn vào đầu năm 1967. Anh ta rất ngạc nhiên trước những hình ảnh đập vào mắt mình từ khu vực trung tâm cho tới các khu ổ chuột như sau: “Cái mùi của thành phố này thật không thể chịu đựng nổi. Không có cách nào thoát khỏi mùi ẩm mốc khai ngấy do những tòa nhà che bóng lên những khu phố nghèo nhếch nhác… Chúng tôi thật sự bị sốc khi đi qua một con kênh đen ngòm đầy rác và chất thải của con người bốc lên mùi hôi thối”.

Một góc kênh Tàu Hủ trong Chợ Lớn vào năm 1960 khi ấy dân cư các nơi đổ về lấn chiếm bờ kênh (Nguồn: Manhhaiflickr)
Chuyện miêu tả của anh lính Mỹ không có gì là quá đáng. Sài Gòn ngày ấy có số dân nghèo từ thôn quê lên thành thị mỗi ngày một gia tăng để tránh chiến tranh. Trước đó nữa từ đầu thập niên 1950, Sài Gòn bắt đầu chấp nhận làn sóng di cư từ khắp nơi đổ về “Hòn ngọc Viễn Đông”, những khu nhà ở tạm bợ ven đô mọc lên, các bờ kênh Tàu Hủ, kênh Tẻ, kênh Đôi, bờ sông lớn nhỏ bị hàng ngàn người thương hồ lấn chiếm cất lên những mái lều và sống trên ghe xuồng làm nơi trú ngụ mà ông Sơn Nam gọi là “nhà bồng bềnh”. Thật sự hình ảnh Sài Gòn chỉ còn đẹp ở khu trung tâm có từ thời Pháp với những hàng me xanh trên các con đường trải nhựa phẳng phiu. Trong khi đó, vài ba quận ven, nhiều đường sá vẫn còn trải đất đá, mưa xuống hình thành các ổ gà ổ trâu lầy lội.
Anh bạn của tôi kể gia đình anh từ Long An về Sài Gòn sống khoảng năm 1955 tại một con đường bây giờ mang tên Lãnh Binh Thăng Q.11. Hồi đó, khu vực này còn hoang sơ, nhà cửa mái tôn vách lá, nhiều chỗ là ao vũng trồng rau muống. Ba anh mua một mảnh đất ruộng rẻ tiền gần Nhị tỳ Quảng Đông để cất nhà, lần hồi được chính quyền cho hợp thức hoá. Cuộc sống của dân lao động nghèo vất vả lắm mới kiếm được miếng ăn.
Nghe kể vậy thôi, chứ tôi cũng chưa hình dung ra được Sài Gòn những năm cuối thời thuộc địa Pháp như thế nào. Chỉ thấy những hình ảnh tài liệu xưa còn lưu lại ở khu trung tâm Q.1, Q.3 êm đềm như một góc tỉnh lẻ bên châu Âu nhờ một số kiến trúc công sở, nhà ở đặc thù kiểu Pháp. Q.4, Q. 8, Bình Chánh, Thủ Thiêm khi đó chỉ toàn đầm lầy ít có người dân sinh sống. Người dân di cư về Sài Gòn, tìm kiếm những chỗ đông đúc dân cư để dễ mua bán làm ăn. Người không tiền lận lưng thì lấn chiếm kênh rạch làm nơi trú ngụ. Một tờ báo ngày trước, dựa vào các thống kê cho biết, Sài Gòn giữa thập niên 1960 có đến 40% dân số sống trong các khu ổ chuột lấn chiếm kênh rạch.

Không ảnh khu vực kênh Nhiêu Lộc Thị Nghè năm 1955, trở thành khu dân cư dày kín (Nguồn: Manhhaiflickr)
Trước đó nữa, Sơn Nam miêu tả trong “Bến Nghé xưa” thì khi Chợ Bến Thành hoàn thành năm 1914, “trước mặt còn là ao vũng sình lầy. Giữa Sài Gòn và Chợ Lớn phía đất thấp (…), còn ruộng lúa với người cày, ao nuôi vịt, ngọn rạch cạn. Giữa Sài Gòn và ở phần đất cao còn nhiều chòm tre, cây da, mồ mả to xen vào những đám rẫy trồng rau cải và bông hoa, những xóm nhà ổ chuột; bầy bò dê đi lang thang ăn cỏ”. Khu Hòa Hưng (Q.10 hiện nay) cho đến ngã tư Bảy Hiền có vô số nghĩa trang, mồ mả. Khu Nguyễn Thiện Thuật, Lý Thái Tổ, Phan Đình Phùng (Nguyễn Đình Chiểu Q.3 hiện nay) toàn nhà lá nền đất xây dựng tạm bợ không theo quy hoạch nào. Khu quận 4, quận 7, khu Cầu Ông Lãnh, Cầu Kho… sát cạnh chợ Bến Thành đa số là nhà tranh vách lá tạm bợ.
Chuyện nhà văn Sơn Nam nói là chuyện ngày xửa ngày xưa nhưng tôi có thể hình dung ra được chút ít, bởi ba má tôi lên Sài Gòn sống ở khu Hòa Hưng hồi đầu thập niên 1960. Rất nhiều khu đất dọc đường Tô Hiến Thành, Bắc Hải còn là ao vũng, cỏ mọc cao đến đầu người dùng làm đất quân sự, một vài chỗ cất trại gia binh dành cho vợ con binh lính sĩ quan cư ngụ. Nhưng khu nhà ổ chuột ở Q. 10 thì không thấy, hầu hết những nhà trong hẻm của dân lao động diện tích không lớn cũng không nhỏ, cất theo chia lô, cột gỗ vách gạch mái tôn, vài nơi còn mồ mả không biết của ai nằm trơ trước cửa hay bên hông nhà. Người dựng nhà ở không dám bốc mả, sợ chạm hương hồn người quá cố. Những khu ổ chuột mà ông Sơn Nam nhắc đến là ở Q. 4, Q.8, dọc kênh Nhiêu Lộc (Q.3) hay Cầu Ông Lãnh, Cầu Kho, tức là những khu nhà sàn lấn chiếm các bờ kênh rạch.
Nhớ hồi còn đi học ghé nhà thằng bạn chơi ở kênh Nhiêu Lộc nằm sâu trong con hẻm nhỏ trên đường Kỳ Đồng. Đi tìm nhà mà không kiếm ra chỉ vì nhà không có số. Thằng bạn bảo “cứ đến đầu hẻm có xe nước mía hỏi nhà ông Năm Kèn, người ta chỉ cho”. Đến nơi, chị bán nước mía hỏi lại: “Kèn nào? Ở đây có đến 3 Năm Kèn. Kèn đám ma, Kèn đồng nhà thờ Cứu Thế, Kèn thợ mộc?”. Tôi chợt nhớ, có lần thằng bạn bảo ba nó làm nghề thợ mộc. Thế là đúng rồi, ông Năm Kèn thợ mộc nhà tận ngoài bờ kênh. Đi vào con hẻm teo dần, qua mấy căn nhà sàn nhỏ bé chen chúc, cửa sổ nhà này mở ra chạm cánh cửa sổ nhà kia, bên dưới là mặt nước đen ngòm hôi hám, nhà thằng bạn ló mặt ra gần giữa dòng kênh.

Quận 1, 7, 4 và Thủ Thiêm năm 1954 (Nguồn: Manhhaiflickr)
Thằng bạn gặp tôi cười sượng sùng: “Mày tìm ra được nhà trong cái khu ổ chuột này thì đúng là thổ địa”. Không biết thằng bạn thật lòng hay tự ái mà nói đến khu ổ chuột của mình đang ở. Ba nó là thương phế binh trong cuộc chiến hồi năm Mậu Thân tại Sài Gòn, chính quyền thời đó hứa cấp đất cho xây nhà nhưng hứa lèo chẳng thấy. Hồi năm 1970, phong trào “thương phế binh cắm dùi” nở rộ, khởi phát từ những cuộc biểu tình đòi chính phủ cấp đất cho họ như đã hứa. Chính quyền không quan tâm thì họ tự phát đòi quyền lợi. Nhiều nhóm thương binh đóng cọc, giăng dây chiếm những mảnh đất hai bên lề đường, dựng lều trước một số nhà ở mặt tiền và quanh khu Trường đua Phú Thọ.
Chuyện này thì hồi nhỏ tôi nghe nhốn nháo trong xóm. Nhiều nhà lo sợ lỡ mấy ông thương binh “lấn” vô tới trong hẻm thì không biết làm sao. May là thương binh chỉ “cắm dùi” mặt tiền hay các mảnh đất rộng rãi hoặc cạnh các nhà biệt thự của quan chức tai to mặt lớn. Mấy ông chạy xe lam trong xóm tôi về kể: “Ở các quận trung tâm Sài Gòn đều bị chiếm cứ. Chính phủ không dám giải tán vì sợ lực lượng quân nhân bất bình phản kháng”. Ông bạn lớn tuổi của tôi nguyên là một viên chức cao cấp dạy trường Quốc gia Hành chánh ở đường Trần Quốc Toản Q. 3 nhớ lại: “Tôi có một căn nhà bỏ trống khoá cửa ở đường Nguyễn Tri Phương, khi ghé qua thăm thì thấy cửa mở toang. Mấy ông thương binh trong đó nhất định không chịu ra, phải mấy tháng sau năn nỉ hết lời mấy ổng mới chịu trả lại nhà”.

Xây cất chung cư tại Sài Gòn để giải quyết dân số gia tăng nhanh chóng sau 1960 (Nguồn: Manhhaiflickr)
Sự thật thì phong trào “thương phế binh cắm dùi” đã ảnh hưởng rất nhiều đến các khu vực vùng ven chứ không phải tại trung tâm Sài Gòn. Nhiều khu ổ chuột mọc lên, cuộc sống nhếch nhác, phá vỡ dự kiến quy hoạch mở rộng thành phố, trong khi đó nhà ổ chuột lấn chiếm các kênh rạch tại Sài Gòn-Chợ Lớn lên đến hơn một trăm ngàn căn. Để chỉnh trang đô thị, Sài Gòn phải nhanh chóng xây các khu chung cư nhưng suốt cả một thời gian dài đến năm 1975 chỉ mới giải quyết được chưa tới một phần ba nhu cầu nhà ở cho số dân dự kiến di dời.
Hồi làm nhân viên ở Viện Quy hoạch thành phố, tôi có dịp xem qua những bản đồ dự kiến phát triển thành phố Sài Gòn mở rộng sang bán đảo Thủ Thiêm. Tất cả bản đồ quy hoạch đều sử dụng tiếng Anh do cơ quan Phát triển Quốc tế của Hoa Kỳ giúp đỡ thiết lập dự án. Cũng như một tập tài liệu về thổ nhưỡng, cốt nền toàn bộ bán đảo Thủ Thiêm. Thấy tôi quởn việc, ông sếp kỹ sư công chánh nhờ tôi dịch tập tài liệu ra tiếng Việt để in làm tư liệu nghiên cứu san nền. Nhờ đó mà tôi biết cốt nền bán đảo Thủ Thiêm rất thấp, dễ ngập khi gặp mưa kéo dài và triều cường lên của sông Sài Gòn. Nền đất yếu xây nhà cao tầng cần nhiều giải pháp kỹ thuật tốn kém. Dự án phát triển mở rộng đô thị vẫn nằm trong bàn giấy.
Nhưng ngày nay, bán đảo Thủ Thiêm đã trở thành vùng đất vàng. Nhiều dự án phát triển đô thị đang được tiến hành, chưa biết bao giờ mới hình thành rõ nét. Tuy nhiên, hàng chục ngàn căn nhà ổ chuột bao quanh kênh Nhiêu Lộc kéo dài từ Bình Thạnh đến Q. 3 đã được giải toả, xây cất lại khang trang, mặt nước đen ngòm ngày xưa nay đã xanh dòng. Nhiều khu vực ổ chuột khác bên dòng kênh Tàu Hủ, kênh Tẻ đang được giải toả, xây dựng cầu đường rộng thoáng. Sài Gòn rồi đây sẽ có một diện mạo khác qua bao năm vật đổi sao dời.
TN