Xóm ở Sài Gòn nhiều lắm, nó biểu trưng cho cộng động cư trú của dân chúng trong một phạm vi nhỏ hơn làng nhưng nó cũng để lại nhiều dấu ấn kỷ niệm nhất trong tâm trí của từng con người sống trong đó. Bài viết về xóm Sáu Lèo không đi sâu vào tính văn hoá của nó mà chủ đích đi tìm một góc nhỏ của việc phát triển thành phố Sài Gòn.

Ngã tư Đề Thám và Bùi Viện năm 1968 (Nguồn: Manhaiflickr)) 

Ðôi lần tôi ghé đến xóm Sáu Lèo ở quận Nhì (nay thuộc Q.1) trên đường Bùi Viện để thăm nhà người bạn đồng nghiệp hồi cuối thập niên 70. Khi đó cuộc sống Sài Gòn còn rất nhiều khó khăn, vậy mà người bạn vẫn rất lạc quan yêu đời. Anh rủ tôi đến chơi để trổ tài dạy cho tôi vài ba điệu nhảy hầu khi có dịp tham gia cùng anh em vui chơi trong ngày cuối tuần. Thời gian đó ngoài đi làm, cuối tuần chẳng biết làm gì, đi đâu giải trí. Anh thường đến với đám bạn sống trong một con hẻm trên đường Cô Bắc gần ngã tư Ðề Thám vì khu phố này có vài ba ban nhạc sống, thích sinh hoạt ca hát, nhảy nhót và xem đó như là một mốt thời thượng của giới từng có cuộc sống đầy đủ trước đây.

Nhà của anh trong một con hẻm rộng chừng hai mét, rộng hơn vài ba con hẻm gần đó có bề ngang nhỏ hơn cỡ chừng mét. Nhà anh hay đúng hơn là nhà của cha mẹ anh xây gạch, rộng rãi, có một lầu sàn đúc so với các ngôi nhà chung quanh tươm tất sang trọng hơn nhiều. Phía góc sân nhà có cây mận trắng sai trái luôn là chỗ đám con nít trong xóm dòm ngó. Ða phần nhà trong xóm Sáu Lèo đều có tường gạch, gác gỗ, mái tôn, san sát nhau, chiều ngang chừng hơn ba mét, chiều sâu chừng mười mét. Anh kể cha mẹ anh từ Nha Trang vào Sài Gòn, mua hai mảnh đất phân lô tại đây cất nhà. Ba anh chết trận trong chiến dịch Hạ Lào được thăng hàm thiếu tá; Ông nội, ông cố của anh cũng đều là người theo binh nghiệp. Ðặc biệt là ông cố ngồi trên bàn thờ giữa nhà. Trên tường là di ảnh một ông quan tứ phẩm thời vua Thành Thái, ngồi uy nghi trên chiếc ghế gỗ, mặc triều phục, đeo đai, đầu đội mão cánh chuồn, chân mang hia mũi cong.

Xem thêm:   Mối đe dọa từ Bắc Hàn

Cha mẹ anh vào Sài Gòn cất nhà vào năm 1960 khi anh tròn hai tuổi. Cái tên xóm Sáu Lèo gắn bó với gia đình anh từ thuở đó nhưng anh chẳng biết cái tên Sáu Lèo có từ khi nào và người mang tên đó có từng ngụ cư trong cái xóm nhỏ này không. Anh chỉ biết người ta gọi như vậy và chẳng cần tìm hiểu làm gì.

Đường Đề Thám thuở đầu thập niên 1960 (Ảnh: D. Hoag)

Riêng tôi thì khác. Cái xóm nhà cháy khu vực Hoà Hưng nơi gia đình cha mẹ tôi từ miền Tây về cư ngụ vẫn luôn làm tôi thắc mắc vì sao lại có cái tên như vậy. Dễ hiểu thôi, cái xóm nhà lá cháy tan hoang thì người ta gọi là xóm nhà cháy. Mà ở Sài Gòn này, khắp các quận trong thành phố có nhiều nơi mang cái tên xóm nhà cháy lắm, nhất là từ những năm 1952 đến 1954. Cháy rồi xây dựng lại nhà mới theo từng lô ngang dọc, kiểu nhà đâu lưng, mặt ngó ra hẻm chừng bốn mét. Nhiều dân cố cựu bảo rằng nó trông ngăn nắp hơn thuở trước, nhà cửa cất nhô ra thụt vào chẳng ngay đường thẳng lối.

Xóm Sáu Lèo của anh cũng bị cháy, do bị người dân sống trong xóm sơ ý gây cháy hay bị chính quyền thuê mướn người ngoài đốt cháy để có cơ hội phân lô xây cất mới đưa khu gia cư vào nề nếp trật tự. Nhiều người dân Sài Gòn cư ngụ trong các xóm nhà bị cháy đều cho là như vậy. Xóm tự cháy hay bị ai đốt đều không quan trọng. Quan trọng là hình ảnh tuềnh toàng rách nát của những ngôi nhà vách lá khung gỗ, mái tôn của dân lao động trong xóm được tươm tất hơn, ra dáng vẻ là nơi trú ngụ của một ngôi nhà ở thành phố.

Trong một bài trích dẫn của báo Sáng Dội Miền Nam số 48 (6/1963) của tác giả Phạm Công Luận viết trong Chuyện đời của phố tập V cho thấy một hình ảnh 9 năm định dạng thành phố Sài Gòn như sau: “Xóm Sáu Lèo: Ðến năm 1954, còn là khu nhà lá. Cư dân lao động như phu xe xích lô, phu khuân vác chợ Bến Thành, và có cả dân anh chị từng vào tù ra khám, dân chuyên trộm cắp trên đường Cây Mai (nay là Nguyễn Trãi) còn vắng vẻ, gái điếm, dân cờ bạc bịp. Ðường vào xóm ngoằn ngoèo, qua những cầu ván và lạch nước dơ. Nhà cửa khu này nhô ra thụt vào không ra đường lối, hầu hết là các túp nhà lá nhỏ, chỉ sau một mùa mưa là xơ xác. Xóm này bị cháy. Sau đó được phân lô, xây dựng lại. Ðến năm 1963 đã hình thành một dãy phố buôn bán trông ra đường Phạm Ngũ Lão bao gồm các nhà in, nhà sách, nhà xuất bản, nhà làm bản kẽm, hiệu ăn, tiệm nước”.

Vậy thì có thể xác định xóm Sáu Lèo nằm khoảng giữa đường Bùi Viện và Phạm Ngũ Lão theo trục ngang, và đường Ðề Thám và Ðỗ Quang Ðẩu theo trục đứng (ngày nay gọi là khu phố Tây ba lô) vì rằng Báo Sáng Dội Miền Nam ghi nhận thêm rằng khu vực Trần Hưng Ðạo – Ðề Thám là bên cạnh khu nhà lá Sáu Lèo. “Năm 1954, khu này còn là bãi rác khổng lồ bên cạnh khu nhà lá Sáu Lèo trông ra đường Phạm Ngũ Lão sau Sở Hoả Xa. Bãi rác và khoảng đất trống ấy có mùi hôi hám nên người đi xe điện từ Sài Gòn vô Chợ Lớn đều phải bịt mũi khi xe ngang qua. Ðường từ Sài Gòn vô Chợ Lớn khi ấy chưa có nhà liền vách như sau này, lưa thưa nhà dân với vườn hoang, đất trống. Khu vực này rộng nhưng đất thấp nên rác đổ dồn về đây. Người dân xóm Sáu Lèo gần đó khi đi chợ cũng tránh lối này. Ðến năm 1963, bãi rác biến mất không vết tích. Ở đây thành khu tập trung các cửa hàng lớn bán đồ nhập cảng, phụ tùng xe hơi và máy móc các loại”.

Đường Phạm Ngũ Lão thập niên 1960 (Nguồn: Manhhaiflickr)

Sáu Lèo là ai, lại trở thành một cái tên dân gian đặt cho xóm nhỏ?

Xem thêm:   Nhớ ôm thợ nhộm

Tạp chí Xưa và Nay số 226 giải thích: Toà soạn Tạp chí Xưa & Nay toạ lạc tại số181 Ðề Thám, trước 1970 vốn là nhà thuốc Gác (Pharmacie de Garde: bán suốt ngày đêm được quy định ngày trong tuần). Khu Bùi Viện – Ðề Thám (số lẻ) – Phạm Ngũ Lão, còn gọi là xóm Sáu Lèo (trùm cho vay vốn là người đi lính Pháp ở bên Lào về Việt Nam), sau trận hoả hoạn lớn năm 1960 dân trong xóm được phân với những nhà gỗ một gác cao và lợp tôn Con Sò – con Hạc Ðài Loan do Mỹ viện trợ. Mặt tiền Ðề Thám có nhiều nhà dưới xây gạch tường mười, trên là ván bổ kho.

Sáu Lèo về cư ngụ tại khu xóm này khi nào, chưa có tài liệu nào khác ghi nhận. Có thể ông chỉ là nhân vật nhỏ bé không đáng quan tâm. Nhưng khu xóm này đã hình thành từ rất lâu như bao xóm nhỏ của dân cư lao động khắp Sài Gòn trong thời buổi chiến tranh qua các thời kỳ. Dân chúng từ miền Tây miền Trung di tản lánh cư, tìm đến Sài Gòn dung thân sinh sống.

Cũng theo Tạp chí Xưa và Nay: “Xóm Sáu Lèo thời thập niên 1930 là đất trống, đầm lầy, cỏ mọc hoang, dân miền Tây lên đây cất nhà lá ở tạm lánh nạn chiến tranh, rồi dần định cư luôn. Dân ở xóm Sáu Lèo rất mặn mà với cải lương, là khán giả thường xuyên của rạp Nguyễn Văn Hảo, cứ Tết đến là đổ ra đường, đi đứng chật các con đường phía trước, phía sau rạp, gần như là họ ăn Tết quanh rạp hát vậy…

Lúc đương thời này, phía sau rạp Nguyễn Văn Hảo có cái ngã tư đường Ðề Thám-Bùi Viện là nơi tập trung giới nghệ sĩ, và giới này đã đặt tên là “Ngã Tư Quốc Tế.” Người ta muốn biết đoàn hát nào đang hoạt động ở đâu, ở tỉnh nào, kể cả ở ngoài miền Trung hay vùng Cao Nguyên Trung Phần thì cứ lại đây sẽ biết. Hoặc các gánh hát đang ở xa thiếu đào kép, cứ về đây tuyển mộ là có. Năm 1965 trở đi giới cải lương bỏ “Ngã Tư Quốc Tế,” chuyển qua bên hông rạp Quốc Thanh”.

Cho đến tận ngày nay, khi bạn đến khu Tây ba lô quận Nhất, hỏi xóm Sáu Lèo, hẳn rằng có người biết có người không. Người biết là người cố cựu nay đã già nua, người không biết là thế hệ sau này hoặc những người từ nơi khác về đây mua nhà cũ cất lại. Xóm Sáu Lèo đã lui về dĩ vãng.

Xem thêm:   "Phim cúng cụ"

TN

(Fort Worth, TX)