Dân Sài Gòn sau 1975 thường đến Cercle sportif Saigonnais, vẫn thường gọi là Xẹc (Cung Văn hoá Lao động), kế bên Vườn Tao Đàn trên đường Nguyễn Thị Minh Khai để sinh hoạt thể thao và bơi lội trong thời tiết nóng bức của đô thành. Trước kia, muốn vào đây không dễ, phải có thẻ hội viên. Đây là câu lạc bộ dành riêng cho người Pháp, giới thượng lưu và công chức trung cấp trở lên.

Hồ bơi ở Cercle Sportif Saigonnais (Nguồn: Manhhaiflickrs)   

Sau khi xây dựng dinh Thống đốc, người Pháp cho mở đường Miss Clavell (Huyền Trân Công Chúa) tách phần còn lại của khu vườn Ông Thượng ra khỏi dinh, thành lập vườn Jardin de la Ville, người Việt mình gọi là vườn Bờ-rô sau này gọi là vườn Tao Ðàn. Ðến năm 1896, trưng dụng một phần khu vườn rộng lớn này để xây dựng một câu lạc bộ thể thao phục vụ cho lính Pháp gọi là Cercle Sportif Saigonnais (CSS). Sau đó dần dần mở rộng cho các công chức trung lưu có nơi sinh hoạt thể thao.

Các môn thể thao được tổ chức thi đấu ban đầu là bóng bầu dục, sau thay làm sân bóng tròn, điền kinh, đua xe đạp, đua ngựa. Năm 1906, E. Breton, Ủy viên trong Liên hiệp các Câu lạc bộ Thể thao Ðiền kinh Pháp (L’Union des Sociétés Francaises des Sports Athlétiques) giữ chức hội trưởng Cercle Sportif Saigonnais. Ông tổ chức lại câu lạc bộ theo mô hình tại Pháp. Ðội bóng Cercle Sportif Saigonnais do được tổ chức, huấn luyện có bài bản, nên đã liên tiếp thắng nhiều mùa giải.

Ðến năm 1902, chính quyền thuộc địa cho mở rộng thêm nhiều cơ sở sinh hoạt thể thao khác như quần vợt, cầu lông, đấu kiếm, bi sắt và xây dựng một hồ bơi rộng lớn đúng tiêu chuẩn dành cho thi đấu bơi lội. Khu vực hồ bơi có hai hồ: một lớn 50m x 20m; hồ nhỏ dành cho trẻ em và người mới tập bơi rộng 25m x 12m.

Kể từ lúc thành lập đến năm 1975, nhiều chính khách, sĩ quan cao cấp, tầng lớp thượng lưu người Pháp, người Mỹ, sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa và giới thượng lưu Sài Gòn, đều chọn đây làm nơi sinh hoạt chính. Tướng Nguyễn Cao Kỳ và chính khách Lý Quý Chung cũng từng là hội viên ở đây. Tướng Dương Văn Minh, ông Nguyễn Tấn Ðời cũng là một hội viên đặc biệt và nổi tiếng với môn quần vợt.

Xem thêm:   Trên lưng trời

Ngoài khu sinh hoạt thể thao, Xẹc còn có một thư viện khá rộng với hơn 5000 đầu sách các loại; một hội trường lớn dành cho các cuộc hội thảo chuyên đề, phòng âm nhạc…

Hồ bơi Neptuna trên đường Tự Do (Nguồn: Manhhaiflickrs)

Người Sài Gòn sau năm 1975 chắc hẳn có một vài lần đến đây để sinh hoạt. Riêng tôi có khá nhiều kỷ niệm về nơi này, nhất là hồ bơi nơi tôi thường xuyên tập luyện mỗi ngày. Một kỷ niệm khác là thư viện, đó là khoảng thời gian tôi đến đây để ôn thi vào đại học. Hằng ngày tôi đều có mặt lúc 8 giờ, khi cô thủ thư bắt đầu mở cửa. Lần hồi quen biết, té ra cô cũng là người sống ở Hoà Hưng. Thế là mỗi lần tôi vào thư viện, đến chỗ ngồi quen thuộc là thấy trên bàn có một cái bánh mì croissant nằm trên chiếc dĩa dành cho tôi.

Cũng có tài liệu ghi hồ bơi Xẹc được xây dựng hồi năm 1933: Ðể đối phó với cái nóng của Sài Gòn và cũng để phát triển phong trào bơi lội, người Pháp đã xây dựng một hồ bơi với đầy đủ tiện nghi tại khu vực Cercle sportif Saigonnais đường Chasseloup Laubat (Hồng Thập Tự/Nguyễn Thị Minh Khai). Nhưng ít ai biết sau đó khoảng 5 năm, cũng chính người Pháp xây dựng một hồ bơi nằm trong tòa nhà mà sau này là Catinat hotel, số 59 đường Tự Do (Ðồng Khởi).

Sau đây là đoạn bài viết đăng trên báo Le Nouvelliste d’Indochine, ngày 4 tháng 12 năm 1938 về hồ bơi này:

Sài Gòn – Lễ khánh thành hồ bơi Neptuna.

Hôm thứ Tư, lễ khánh thành hồ bơi mới mà ông Feuillet đã xây dựng với sự trợ giúp của ông Hui-bon-Hoa (Chú Hỏa) tại trung tâm đường Catinat, nghĩa là sau các tòa cao ốc số 67 – 69. Ðây là một sáng kiến bất thường nhưng được sự khen ngợi tại xứ Nam kỳ. Hồ tắm Neptuna là một bể bơi dài 20m, rộng 9m. Nếu trí nhớ của chúng tôi không lầm thì nó đủ cho việc ngâm mình, lặn và thi đấu. Tuy nhiên, nó vẫn còn thiếu 6m cho các cuộc thi. Thống đốc Rivoal, người rất quan tâm đến việc phát triển bơi lội, chủ trì lễ khánh thành, ông chú ý đến khung cảnh quyến rũ, những cabin xinh xắn, sự trong suốt của nước, những cơ sở vật chất khác nhau và sự tham dự những tay thư hùng về bơi lội, điển hình là Colette Etienbled, ngôi sao bơi lội, Truoc, vô địch tốc độ, Huchet, Loesch, Costa và còn nhiều nữa. Xin chúc mừng ông L. Feuillet, người tổ chức bền bỉ và là người thực hiện lỗi lạc”.

Quảng cáo hồ bơi Neptuna có dịch vụ tắm hơi, massage dành cho quân nhân Mỹ, thập niên 1960 (Nguồn: Manhhaiflickrs)

Những năm sau đó, hồ bơi này là nơi luyện tập của các học sinh trường Tây, của dân Pháp (đương nhiên), dân ngoại quốc sống tại Sài Gòn và kể cả dân Việt Nam có liên hệ với Pháp. Về sau cơ ngơi này thuộc về ông Trần Quý Phong, dân biểu hội đồng thành phố Sài Gòn và có tên là khách sạn Catinat. Mặc dù mang tên là khách sạn nhưng lại giống như chung cư vì những căn phòng trong đây đều phải trả tiền thuê mỗi tháng. Những năm 1960, hồ tắm vẫn giữ tên như cũ và cho Trung tâm Văn hóa Pháp hợp đồng làm nơi bơi lội cho các hội viên của mình. Trong thời gian chiến tranh, hồ bơi cũng là nơi dành cho các quân nhân và dân sự Mỹ.

Xem thêm:   Lối đi trong vườn (kỳ 2)

Hồ bơi này, tôi biết được, hình như vào năm 1980, một lần cùng người bạn ghé thăm chị kiến trúc sư, tổ trưởng của nhóm chúng tôi. Theo địa chỉ lần mò đến khu hồ bơi Neptuna nhưng tìm hoài chẳng thấy cái hồ bơi nào trên đường Ðồng Khởi (Tự Do). Té ra nó nằm phía sau các ngôi nhà mặt tiền. Thì ra, lúc hồ bơi Neptuna được xây dựng những ngôi nhà mặt tiền không có. Qua thời chánh phủ Ngô Ðình Diệm, mảnh đất trống này được trả lại cho chủ nên họ cất nhà bao bọc hồ bơi và làm nơi tắm hơi, massage, tắm piscine phục vụ cho lính Mỹ.

Vào thời gian này, vào nhà chị tổ trưởng không đi được cổng chính, vào cầu thang máy mà phải đi bằng cầu thang sắt thoát hiểm phía bên hông nhà. Leo lên được tầng 4 là phờ râu. Khối nhà của chị là một chung cư mà hồi trước gọi là khách sạn Neptuna, phòng ốc tiện nghi nhưng khá chật, may là chị sống có một mình, Chị bảo ở lâu rồi quen chẳng thấy bất tiện. Chị nói thêm rằng, ít khi mời khách đến nhà vì đường vào nhà bị nhiều căn, được cấp cho cán bộ sau 1975, cơi nới ra thêm, che chắn đường vào cổng chính.

Từ cửa sổ nhà chị nhìn xuống thấy được hồ bơi Neptuna nổi tiếng một thời nằm ở góc bên tay trái, xuống cấp trầm trọng. Ðáy hồ ngửa mặt nhìn trời, rác rến lềnh bềnh sau những trận mưa. Hồ này sau đó đã bị phá bỏ.

Xem thêm:   Chuyện nhân duyên

Còn một hồ bơi khác cũng do người Pháp xây ở khu vực Chợ Lớn. Ðó là hồ bơi Ðô Thành hay còn gọi là hồ bơi An Ðông (vị trí hồ bơi này giờ đây là tòa nhà An Ðông Plaza ở góc An Dương Vương – Sư Vạn Hạnh). Ðây là hồ bơi được xây dựng đầu thập niên 1940. Hồ bơi gồm hai hồ một lớn một nhỏ. Tôi có đến piscine tại đây một lần hồi còn học trung học cùng với đám bạn bè. Ở đây không tiện nghi bằng ở Xẹc.

Hồ bơi thời Pháp thuộc như Neptuna, Ðô Thành đều nhỏ, ngoại trừ Xẹc đúng tiêu chuẩn. Sau năm 1954 nhất là vào thời Ðệ Nhị Cộng Hoà nhiều hồ bơi trong thành phố được xây dựng mới như Yết Kiêu, Tân Bình, Cộng Hoà, Yên Ðổ.

Bây giờ thì hồ bơi được xây dựng hiện đại hơn, nhiều hơn, có vài khu khách sạn, resort xây dựng hồ bơi mang tính chất thư giãn hơn là dành cho luyện tập thể thao.

Hồ bơi Đô Thành hay An Đông, thập niên 1940 (Ảnh: LIFE)

TN