Miền Nam vẫn được xem là vùng đất có khí hậu ôn hòa, quanh năm nắng ấm. Mưa to bão lớn ít xuất hiện. Tuy nhiên, trận bão năm Giáp Thìn (1904) được xem là trận cuồng phong mạnh nhất từng đổ bộ vào khắp vùng Nam Kỳ khiến 3,000 người chết, gây thiệt hại nặng nề về tài sản.

Bão lụt năm Thìn 1904 tàn phá các tỉnh duyên hải Nam kỳ (Ảnh: Tư liệu)  

Tác giả Mỹ Xuân có viết một bài báo mô tả khá chi tiết về cơn bão năm Thìn (1/5/1904) đăng trong Nam Kỳ tuần báo, số ra ngày 8/6/1944, tức sau 40 năm trận thiên tai đi qua. Một thời gian dài như vậy, vẫn khiến người ta nhớ lại trận cuồng phong khủng khiếp tàn phá gần như toàn bộ vùng duyên hải miền Tây và Sài Gòn. Ðiều này, đủ cho thấy tầm quan trọng của thiên nhiên tác động đến cuộc sống con người to lớn như thế nào. Bài báo chủ yếu mô tả cơn bão hoành hành tại Sài Gòn là chính.

Hôm ấy cũng đúng vào ngày bầu cử Hội đồng thành phố. Chiều hôm trước là ngày khánh thành tuyến xe lửa Sài Gòn – Gò Vấp. Trong bài diễn văn của mình, một quan chức Sài Gòn dõng dạc tuyên bố: “Nam Kỳ vốn là Phật địa, không bao giờ có bão lụt tàn phá như các xứ thuộc địa khác. Ấy là sự bảo đảm thịnh vượng chung cho xứ sở, cho mọi người, mà cũng là một hạnh phúc riêng cho các công ty xe lửa…”.

Sáng 1/5/1904, suốt từ sáng đến trưa trời Sài Gòn mưa lâm râm. Ðến đầu giờ chiều gió bắt đầu thổi mạnh và đến 15h gió càng dữ dội hơn. Người dân Sài Gòn cứ ngỡ là trời dông lớn chứ không ai nghĩ đến bão lụt. Xe ngựa, xe kéo, khách bộ hành kiếm chỗ trú ẩn hoặc chạy về nhà, đường sá vắng tanh. Mới 16h chiều, trời đã tối sầm, điện bị cúp. Ở các nhà hàng, quán cơm, người ta phải đốt đèn cầy hoặc đèn dầu nhưng gió mạnh khiến đèn liên tục bị tắt.

Cuộc bầu cử hôm ấy vắng mặt tới trên 400 cử tri do thời tiết xấu, kết quả kiểm phiếu bị huỷ bỏ và phải dời lại Chủ Nhật tuần sau. Bài báo tường thuật: “Ðến 17h chiều, trận dông mưa mới thật kịch liệt cực điểm. Dông gió tung rớt mái nhà, đốn ngã cây cối, đứt mất dây điện và dây thép, nhận chìm tàu ghe, cột đèn hay cột dây thép xiêu ngã liệt địa. Ðường sá vắng teo không người lai vãng, tiếng dông mưa thổi ào ào như trời than đất thở”.

Mưa to gió lớn đến nỗi nhiều con ngựa đang kéo xe hoảng sợ bứt dây cương, quăng xe chạy tháo thân. Có xe bị lật nhào kéo theo cả con ngựa nằm té sải cẳng. Hầu hết các xe đều gãy gọng, bay mui, phu xe bỏ chạy tán loạn. Dọc theo sông Sài Gòn, tàu, sà lan, ghe tam bản, ghe chài, ghe lồng đứt dây, trôi ra giữa sông bị sóng gió đánh ập, va đập nhau mà chìm. Ðến 19h, các tàu lớn Canebiere, Adour và Hop Sang bị sóng đẩy lên bờ nằm ngả nghiêng. Chiếc Patroclus đang đậu ở Thủ Thiêm đứt dây neo, chạy ra giữa sông đụng chìm 4 chiếc ghe chở đá, đâm thủng một chiếc ghe chài chở lúa, nhận chìm khoảng một chục chiếc tam bản trước khi chìm xuống bến Nhà Rồng.

Gò Công là tỉnh thiệt hại nặng nhất trong cơn bão năm 1904 (Ảnh: Tư liệu)

Còn ở miền Tây Nam Kỳ thì sao?

Xem thêm:   Hoàng hậu cà phê hủ tiếu

Trong ký ức sâu thẳm của vài thế hệ trước truyền miệng kể lại cho thế hệ sau nghe về trận bão kinh hoàng năm xưa trở thành câu cửa miệng mỗi khi nhắc đến “bão lụt năm Thìn”. Má tôi, là thế hệ sau nhưng mỗi khi Sài Gòn có trận giông bão lớn lại nhắc chuyện xưa cho con cháu nghe. Sự mô tả tuy không đầy đủ như những gì báo chí tường thuật nhưng cũng đủ làm người nghe hồi hộp mỗi khi giông gió nổi lên, mưa trút nước ngập tràn, đất trời tối đen.

Những nhân chứng ngày xưa hoá ra người thiên cổ, còn lại chăng là vài ba tài liệu sách báo xưa, cũng như những ngôi nhà cổ thuộc những tỉnh vùng duyên hải như Gò Công, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng hay Bạc Liêu… Những ngôi nhà tuổi đời hầu hết trên trăm tuổi, gồng mình trong giông bão và là niềm tự hào mỗi khi được hỏi chuyện bão lụt năm Thìn xảy ra có làm hư hao ngôi nhà cất toàn bằng gỗ, vật liệu dễ bị giật sập khi gặp bão táp phong ba.

Có lần tôi đến thăm ngôi nhà trăm cột ở Cần Ðước Long An, nghe chủ nhà kể một bên chái nhà làm lại mới sau bão năm Thìn, gió thổi tốc mái. Nhưng ngôi nhà không hề hấn. Cũng như tôi ghé qua Thạnh Phú, Bến Tre, lấy tư liệu về ngôi nhà cổ đẹp to lớn nhất vùng. Chủ nhà đang bệnh nằm trên phản, vừa kể chuyện bão lụt ngày xưa và chỉ cho xem những tấm ngói âm dương bị gió cuốn đi, phải thay bằng ngói khác. Khác nhau ở chỗ, ngói cũ có in hình bông hoa trang trí phía dưới, còn ngói mới thì không. Chủ nhà nào cũng tự hào ngôi nhà của mình tuy cất bằng gỗ nhưng gió bão mạnh cỡ nào cũng không lay chuyển.

Xem thêm:   Đông dược

Ðó là nhà gỗ truyền thống của những người giàu có thuở đó, chắc chắn lắm. Còn dân chúng bình thường nhà tranh vách lá, gió cuốn bay mù trời. Trong lần đi Tiền Giang, sẵn tiện xẹt về xem dinh tỉnh trưởng Gò Công. Người phụ trách văn hoá thị xã kể cho nghe về chuyện xây dinh tỉnh trưởng và người Pháp muốn trùng tu vì tuổi đời dinh thự hơn trăm năm cũng như trải qua trận bão năm Thìn, hẳn có hư hao. Dinh thự xây bằng gạch chắc chắn, không hề suy suyển, hình dáng xưa còn nguyên vẹn. Lúc ấy, người ta lấy dinh cho thuê làm nhà nuôi yến.

Trận bão năm Thìn quét dọc vùng duyên hải miền Nam từ Sài Gòn xuống tận Cà Mau, nhưng hai tỉnh Gò Công và Mỹ Tho thiệt hại nhiều nhất. Ông Nguyễn Ngọc Liêng soạn ra một bài thơ rằng: “Mỹ Tho trận bão thình lình, / Cơ trời xui khiến dân tình xót xa. / Giáp Thìn nhằm tiết tháng ba, / Sớm mai mười sáu trời đà mưa giông. / Tưởng là phong vũ bất đồng,/ Chỗ này thì có, nơi không đâu chừng …”

Binh lính Pháp dọn dẹp cây cối ngã đổ tại Sài Gòn trong cơn bão kinh hoàng năm 1904 (Ảnh: Tư liệu)

Thật ra tháng Ba trời có bão chẳng gì kỳ lạ. Tháng Ba là tháng âm lịch chứ ngày xảy ra bão là ngày 1 tháng 5 dương lịch. Mùa bão xứ nhiệt đới thường bắt đầu vào tháng 5 cho đến tháng 12. Bão đến sớm một chút cũng là chuyện bình thường. Ngoài mưa gió giông giật, trận bão năm Thìn có sóng thần xảy ra ở vùng cửa biển. Nhiều làng gần bờ biển bị dòng hải lưu cao 3.5 mét đổ ập vào bờ cuốn trôi nhà cửa. Người chết rất nhiều. Và sau thời điểm này một số câu ca dao được sáng tác ghi nhớ sự kiện này: “Gặp em đây mới biết em còn / Hồi năm Thìn bão lụt, anh khóc mòn con ngươi”. Hay “Dốc nào cao bằng dốc Châu Ðốc / Gió nào độc bằng gió Gò Công/ Một trận đông phong xiêu vợ lạc chồng / Em nằm nghĩ lại nước mắt hồng tuôn rơi”.

Trong quyển “Gò Công xưa và nay” của Huỳnh Minh và “Gò Công cảnh cũ người xưa” của Việt Cúc đã viết về trận bão lụt năm Thìn này, như sau: “Từ 10 giờ cho đến 3 giờ chiều ngày 16-3 âm lịch, mưa không ngớt hạt. Từ 4 giờ chiều cho đến về đêm, gió càng ngày càng thổi mạnh, trốc gốc cây, trốc nóc nhà, tường xiêu vách đổ. Sóng chụp cao 3.5m, cuốn mất nhà cửa và người ra biển. Rắn rít bò khắp nơi, cắn chết nhiều người”.

Nhà cửa lần lượt bị sập, ngói bay trốc nóc, tường xiêu vách đổ ầm ầm. Lúc đó người thì lo việc tỉa bắp trồng khoai ngoài đồng ruộng, kẻ thì đang hành nghề đánh cá nơi biển khơi. Trong làng đang làm lễ cúng thần xây chầu hát bội thì cuồng phong nổi dậy ầm ầm, mây mù tứ phía, mưa tuôn xối xả, sóng nước tràn vào rất mau. Một lượn sóng chụp đứng lên cao cuốn mất nhà cửa, có nhà ở gần biển chết trọn cả gia đình. Nước dâng thật nhanh, lên cao 3m, ngập lút cả ngọn cây, ở Vàm Láng ghe đưa cao tận nóc nhà, bốn phía chỉ thấy trời nước mênh mông. Không chỉ các ghe mà cả tàu sắt cũng bị quăng lên bờ. Nhiều người mắc kẹt trên các ngọn cây, hai ba ngày quần áo rách tả tơi, đói khát.

Xem thêm:   Kinh đô thời trang Roma

Ðèn đường, dây thép (điện thoại, điện tín) ngã đổ khắp nơi, thậm chí dinh tỉnh trưởng cũng đều sập đổ. Cây cối gãy rạp la liệt bít cả lối đi, xác người nằm vất vưởng theo vệ đường hoặc bị mắc kẹt trong các bụi lùm. Ðêm về đèn đuốc tối thui, nhà nhà vang tiếng khóc: “Mới hay chết hết mẹ cha, / Kẻ đi tìm vợ người thời tìm con. /Chẳng biết ai mất ai còn / Phen này thịt nát xương mòn trời ôi!”.

TN