Trên đường Lê Văn Duyệt (nay là Cách Mạng Tháng 8) qua khỏi Biệt Khu Thủ Đô hướng về ngã ba Tô Hiến Thành, có con đường nhỏ mang tên Hoà Hưng chạy thẳng vô gặp ngay Trung tâm Cải huấn Chí Hoà. Thế nhưng, người dân vẫn quen miệng gọi là Khám Lớn. Nhà tôi ở khu Chí Hoà sát khu Hoà Hưng, đi bộ len lỏi trong các xóm nhỏ, ngang qua chùa Bửu Đà, là ra đến lộ nhựa gần sát cửa vào trại giam. Tôi đã từng được thằng bạn hồi tiểu học dẫn vào đây ăn sinh nhật, không phải vào trại giam mà là khu nhà của các giám thị coi tù.

Khám Lớn Sài Gòn (Maison Centrale de Saigon) ban đầu trên mảnh đất chợ Cây Da Còm ngày xưa (Ảnh: Manhhaiflicks)

Từ từ rồi tôi kể lại chuyện này. Ngay cả những người tuổi đời ở thế hệ tôi vẫn quen gọi nơi đây là Khám Lớn. Lớn chẳng qua là nó to rộng hơn những khám khác trong thành phố. Người ta thấy cái gì to nhất lớn hơn cái cùng loại thì cứ định danh là “lớn”. Chợ Lớn, Nhà hát Lớn, con trai lớn…

Khám Lớn xưa có từ thời người Pháp chiếm được Sài Gòn. Những cuộc biến loạn, đấu tranh chống Pháp, cướp bóc của dân giang hồ tứ chiếng chọn Sài Gòn Hòn Ngọc Viễn Ðông làm đất dung thân. Người Pháp bắt bớ đưa về Dinh Thượng Thơ (Bộ Nội Vụ). Có câu hát xưa: “Thượng thơ bán giấy, thủ ngữ treo cờ…” hoặc “Ngó ra ngoài biển mù mù, thấy tàu ông Thượng chở tù về Tây”. Ðày về Tây tức là qua đảo Bòn bon (Réunion, trước đây tên là Bourbon, qua Cayenne, hoặc cảng Toulon, Pháp). Sau khi bình ổn được Sài Gòn, người Pháp cho xây ba công trình gần như cùng lúc: Khám Lớn trên mảnh đất của chợ Cây Da Còm (nay là Thư viện Khoa học tổng hợp), Toà án Sài Gòn và Dinh Thống đốc Nam Kỳ đại diện bộ mặt quyền lực của Pháp.

Thật ra Khám Lớn này xây mới sau khi phá bỏ một khám đường nhỏ có trước đó ở chợ Cây Da Còm từ hồi 1863. Do số tù nhân mỗi năm đều tăng, không có chỗ nhốt, nên năm 1886 mới xây khám đường lớn hơn, to hơn có tên là Maison Centrale de Saigon. Khám Lớn này do kiến trúc sư nổi tiếng người Pháp tên là  A. Foulhoux thiết kế. Thời gian đó, rất nhiều công trình lớn ở Sài Gòn được kiến trúc sư Foulhoux thiết kế xây dựng, nên ông được mệnh danh là người tạo nên bộ mặt kiến trúc thuộc địa Sài Gòn. Lúc qua đời, ông được chôn tại nghĩa trang Mạc Ðỉnh Chi. Sau bốn năm thi công, tức là vào năm 1890, Khám Lớn Sài Gòn bắt đầu nhận nhốt tù nhân.

Khám Lớn hay Trung tâm Cải huấn Chí Hoà hình bát quái xây năm 1943 (Ảnh: Manhhaiflicks)

Tuy vậy, Khám Lớn Sài Gòn vẫn quá tải, tù nhân ngày càng nhiều buộc phải xây thêm các phòng giam. Theo một vài tài liệu mô tả: “Ban đầu, khám dài khoảng 30m và rộng 15m, có lối đi hẹp ở giữa hai dãy khám, vách tường sơn đen, chỉ chừa cửa sổ nhỏ ở trên cùng, rất ngột ngạt, nên tù nhân dễ bị bệnh tật. Sau một thời gian, do số tù nhân tăng lên, khám phải xây thêm nhiều phòng mới, tường cao bao quanh, gồm hai dãy nhà một tầng và hai dãy nhà trệt, phân chia thành nhiều khu vực để giam cầm nhiều hạng tù khác nhau”. Trong khám có khu biệt giam, phòng xử tử hình bằng máy chém (từ năm 1917), chứ không xử bêu đầu ngoài chợ nữa.

Xem thêm:   Đông dược

Do phát triển trung tâm thành phố, xe tù hú còi inh ỏi ra vô Khám Lớn nên nhà tù ngay trung tâm không còn thích hợp. Người Pháp tiến hành cho xây một khám đường rộng lớn hơn trên diện tích 7 mẫu tại khu đất trống trong vùng Chí Hoà vào năm 1943. Công trình này do một kiến trúc sư người Nhật thiết kế theo hình bát giác các cạnh đều nhau cao ba tầng lầu đặt tên các gian theo thứ tự chữ cái. Ngày 8/3/1953, Thủ tướng Nguyễn Văn Tâm (cầm quyền từ 23/6/1952 đến 7/12/1953), cho phóng thích một số tù nhân ở Khám Lớn Sài Gòn, số còn lại khoảng 1,600 người cùng với chiếc máy chém, được chuyển về khám đường mới, tức Khám Chí Hòa.

Từ khi khám đường này hình thành, các báo chí thời đó thi nhau phán xét làm thành tin tức thời sự nóng hổi liên quan đến chuyện phong thuỷ trấn ếm. Nào là hình bát quái tượng trưng cho 8 quẻ: càn, khôn, chấn, tốn, cẩn, khảm, đoài, ly; Ngũ hành âm binh chi đạo.

Hành lang dẫn vào các phòng giam trong Khám Chí Hoà (Ảnh: Internet)

Việc trấn ếm có lẽ do người ta tưởng tượng ra thêm thắt chi tiết cho oai linh. Nhiều câu chuyện cho rằng trấn ếm để tù nhân không thể vượt ngục, rồi nào là giải thích ở giữa công trình nhà tù hình bát quái có một đài phun nước tượng trưng cho thanh kiếm tru tiên. Các nhà lý số đến thăm nhà tù đều bảo âm binh chướng khí quá nặng, nên tù nhân khó lòng đào ngục. Người ta còn chứng minh chuyện vượt ngục Chí Hoà là rất hy hữu, duy có một lần vào năm 1945 và chuyện mới đây năm 2017, tên tử tù khét tiếng Phước “tám ngón” dùng lưỡi lam cưa đứt cùm chân rồi dùng dùi khoét tường đào thoát. Xem ra kiếm tru tiên chẳng có linh nghiệm chút nào. Và chuyện tù nhân dùng những vật nhỏ bé cưa cùm, khoét tường cứ như là chuyện phim. Nên chuyện trấn ếm chỉ là trò thêu dệt.

Xem thêm:   Đông dược

Chuyện thiết kế kiến trúc dựa vào các nguyên lý phong thuỷ phương Ðông là hoàn toàn hợp lý. Có kiêng có lành như người xưa từng nói. Chúng ta vẫn thường nghe nhiều câu chuyện về phong thuỷ trong các công trình xây dựng ở Sài Gòn. Chẳng hạn Dinh Ðộc Lập hay Hồ Con Rùa (xưa gọi là Công trường Chiến sĩ trận vong). Các thầy địa lý từng đến trấn ếm Dinh Ðộc Lập vì cho rằng dinh được xây trên long mạch, trấn ngay đầu rồng. Còn đuôi rồng thì nằm tuốt ở Hồ Con Rùa nên người ta phải thiết kế con rùa dùng để phong đuôi ấn thì quyền lực chính trị mới được bình yên. Rốt cuộc thì thời cuộc cũng thay đổi, người ta bảo vận nước hết rồi.

Bàn chuyện phong thuỷ dông dài, chuyện lần đầu tiên tôi vào Khám Chí Hoà nói ở lúc đầu, xin kể tiếp. Chuyện là tôi có người bạn, cha làm giám thị trại giam. Hồi học lớp năm trường Chí Hoà, tôi với nó thân lắm. Hôm sinh nhật của thằng bạn, nó đi xe đạp qua nhà chở tôi về nhà nó ăn tiệc. Ðó cũng là lần đầu tiên ba má nó tổ chức sinh nhật cho nó. Sinh nhật thằng con mà tiệc tùng toàn là người lớn nên ba nó bảo nó đi mời mấy thằng bạn học. Bạn học chỉ có mình tôi là thân nhất. Tôi lần thần, đi dự sinh nhật chẳng mang quà, kỳ quá. Nó bảo: “Tao chở mày qua ăn cho vui với tao, chứ không có mày còn gì là sinh nhật của tao nữa”. Ban đầu tôi cứ tưởng nhà của nó ở gần Khám Chí Hoà, nhưng nó cứ cho xe chạy bon bon rồi dừng ở trạm gác bên cửa hông, nói với chú lính cảnh sát gác cổng: “Chú Tám, hôm nay sinh nhật con, con chở bạn con đến nhà”. “Ừ, chú biết rồi!”.

Sân bên trong toà nhà giam hình bát quái (Ảnh: Internet)

Té ra cha mẹ nó ở trong khu nhà dành cho giám thị coi tù. Khu nhà cất theo kiểu khu gia binh bên Trại Ðào Bá Phước nơi tơi thường hay đi lượm trái điệp cuối hè. Khu trại lính khá rộng, nhưng rộng nhất là khu gia binh cất theo từng dãy liên kế xây bằng gạch mái lợp ngói đỏ, phân chia đường sá hình bàn cờ khá rộng, diện tích mỗi căn cũng rộng rãi. Dãy cuối cùng giáp với vách tường ngoài của Khám Chí Hoà. Ðứng ở bên đường nhìn sang thấy được tầng ba của các góc nhà ngục.

Xem thêm:   Đông dược

Sinh nhật của thằng bạn toàn là người lớn, bạn đồng nghiệp với ba nó sống cùng trong khu gia binh. Chú Tám gác cổng sống cạnh bên nhưng hôm nay phải trực ban cùng hai người đồng đội. Nhưng lúc vào cổng tôi chỉ thấy mình ên chú ngồi trong chòi phì phà thuốc điếu, còn hai chú lính kia, cha thằng bạn nhờ đi chở sếp lớn đến nhà dự tiệc.

Tôi cứ tưởng mấy ông cai ngục trông tướng to con dữ tợn lắm. Ba thằng bạn không cao, trông hiền từ, ăn nói lại giống người nhà quê. Nghe thằng bạn nói là cha mẹ nó lên Sài Gòn từ hồi năm 1955. Ba nó làm cảnh sát rồi chuyển sang làm giám thị khi má nó sinh ra nó và sống ở trong khu nhà gia binh từ đó đến giờ. Ông đến bên tôi hỏi han chuyện học hành, tôi không biết nói gì hơn nên kiếm chuyện nói với ông rằng: “Ông nội con cũng từng làm giám thị tại Khám Chí Hoà”.

Chuyện ông nội tôi làm giám thị trại giam là thật. Tôi biết chuyện ông nội làm giám thị trại giam từ khi ông nội mất chứ hồi còn sinh thời, tôi chỉ thấy tấm ảnh lộng kiếng treo tường hình ông nội mặc quân phục giống cảnh sát, đầu đội mũ kepi nhưng không thắc mắc làm chi vì ông nội đã về hưu từ lâu lắm rồi. Cho đến khi cô Chín tôi cầm tấm ảnh trên tường xuống vừa lau bụi, cô vừa nói: “Ông nội mày, hồi xưa trông bảnh tẻng. Từ Khám Lớn qua Khám Chí Hoà. Sếp cai ngục một thời đó nhe”. Vậy mà giờ ổng nằm đây, chẳng có một đồng đội nào đến thăm hỏi!

Ba thằng bạn mừng rỡ hỏi chuyện tới tấp, rồi vỗ tay cái độp: “Các ông ơi, cháu đích tôn của ông N.T.T  đây này. Sếp đội tụi mình hồi năm 1960, nhớ không?”.

TN

Fort Worth, TX.