Có một bài nhạc vui tựa đề là Tam nghiệp nói về ông thợ nhuộm, thợ sửa khoá và ông thầy bói do nghệ sĩ Lữ Liên sáng tác cho ban AVT. Thật ra, bài hát này có nguồn gốc từ bài Thất nghiệp. Do không có việc làm mà sinh ra những nghề linh tinh để mưu sinh. 

Tôi nhớ lời bài hát kể riêng về ông thợ nhuộm như vầy: “Chuyên môn nhuộm đen… ứ…ư, chuyên môn nhuộm đen, tôi nhuộm quần nhuộm áo, có gì tôi nhuộm hết ráo, nhuộm cả cuộc đời, tính tính tang ơi tình đời. Nhuộm cả cuộc đời, vì đời bạc trắng như vôi ứ… ư… ừ…ư… ư!”.

Không biết có ai còn nhớ hình ảnh ông thợ nhuộm quần áo dạo trong xóm nhỏ ngày xưa ở đất Sài Gòn. Hình ảnh này, trong đầu một đứa trẻ như tôi ngày ấy cho đến nay vẫn còn mới mẻ, chẳng cũ chút nào, chẳng biến mất trong dòng chảy ký ức, thi thoảng hiện về trong giấc chiêm bao. Ông già Tàu đầu đội nón mây đan rộng vành, gánh đồ hàng làm nghề nhuộm quần áo rong thường đi ngang qua xóm. Ông có cái lưng hơi gù nhô cao dưới lớp áo vải thô đen đã bạc màu theo năm tháng. Cứ mỗi khi nghe tiếng trống bỏi là biết ông thợ nhuộm đang đi vào xóm. Nhưng cả tháng nay, tôi chờ nghe tiếng long tong quen thuộc đó … mà chờ hoài chẳng thấy!

Má tôi soạn mớ quần áo cũ để chờ ông. Chẳng lẽ cuộc sống cơ cực của công việc này khiến ông bỏ nghề đi làm ông thầy bói cho nhẹ tấm thân. Tôi thầm thì trong bụng: “Ừ, không nhuộm được quần áo càng tốt, thể nào trước ngày khai giảng năm học, khi không còn cách nhuộm đồ cũ thành mới, Má tôi sẽ phải mua quần sọt (short) mới cho anh em tụi tui thôi”. Má tôi, 2,3 năm mới sắm áo trắng, quần sọt đồng phục mới cho đám con một lần. Thời buổi khó khăn, tiết kiệm một chút để dành tiền cuối năm may sắm đồ Tết. Chuyện chi tiêu trong gia đình về khoản quần áo, tôi vẫn thường nghe Má tôi nhắc tới nhắc lui.

Hình ảnh người thợ nhuộm rong ngày nay không còn thấy nữa (Nguồn: Manhhaiflickr)

Nghĩ thì nghĩ vậy thôi, chứ chợt nghe tiếng trống bỏi long tong, long tong xuất hiện từ đầu hẻm, là tôi từ trong nhà phóng ngay ra cửa rào chờ đón. Má tôi bưng thúng quần áo cũ đem ra ngoài sân, gọi ông già Tàu, rồi luôn tiện càm ràm: “Đám đứa nhỏ chờ cả tháng nay để nhuộm mấy cái quần sọt mà chẳng thấy bóng dáng ông đâu?”. Ông già Tàu chậm rãi đặt quang gánh xuống sân đất trước nhà, kéo cái khăn đem vắt vai lau mồ hôi trên mặt: “Ngộ đi làm thợ nhuộm vải cho lò nhuộm ở gần nhà nhưng thời gian chủ hãng bó buộc quá, đành trở về với cái gánh hàng của ngộ cho xong”.

Xem thêm:   Đông dược

Ông vừa nói vừa lấy thanh củi tẩm dầu chẻ nhỏ để nhóm lửa đốt lò. Cái lò của ông rất ngộ, không giống cái lò ông Táo trong bếp nhà tôi có 3 chân, phía dưới có cái vỉ lò để muội tro rớt xuống. Cái lò của ông có 4 chân vuông vức lại không có vỉ lò dùng để đốt củi. Cái nồi của ông cũng ngộ, không phải nồi tròn mà là nồi gang vuông nằm gọn trong dây đai tre quang gánh. Trong lúc ông đốt lò, nhiệm vụ của tôi là chạy vào sau nhà xách ra cho ông xô nước lớn. Mỗi năm Má tôi nhuộm quần áo chỉ có 1 lần nhưng mỗi lần như thế kéo dài cả mấy tiếng đồng hồ. Bà con chòm xóm, sẵn tiện mang vài ba mớ đồ cũ nhờ ông nhuộm mới.

Tự nhiên sân trước nhà tôi trở thành cái lò nhuộm chỉ có 1 người thợ, còn chủ thì có đến 3, 4 người. Nước để nhuộm của nhà nào thì nhà đó tự xách ra trong cái thùng thiếc có thanh cầm bằng gỗ, quần áo cần nhuộm để gác ngang lên miệng thùng, chờ lần lượt tới phiên mình. Mấy bà rảnh việc, mang ghế đẩu ra ngồi coi ông thợ nhuộm làm việc. Hình ảnh đó, với tôi thuở ấy rất vui, vui nhất là nghe ông Tàu kể những chuyện hỷ nộ trong xóm nhỏ của ông ở quận 11, nơi có nhiều người Việt lẫn người Hoa chung sống. Những con người sống trong xóm của ông đa phần đều là dân nghèo, làm công cho các lò nhuộm hoặc mua bán ve chai. Có lần tôi hỏi ông: “Sao ông không đi nhuộm đồ quanh quận nhà cho đỡ cực công mà phải sang quận 10 chi cho cho xa. Đường xa cái bánh đa cũng nặng mà”. Ông thủng thẳng trả lời với thứ giọng lơ lớ: “Nị còn nhỏ không hiểu chuyện đâu. Cái nghề này nó phải vậy, cả năm người ta mới nhuộm quần áo một lần, phải chịu khó đi xa, len lỏi vào mấy hẻm nhỏ thì mới có khách”.

Ngày xưa người ta dùng trái mặc nưa giã nhuyễn đem làm thuốc nhuộm màu đen (Ảnh: Tư liệu)

Nhìn đôi giày nhựa dưới đôi bàn chân to bẹt của ông mòn nhẵn đế, dính đầy vết dơ bùn đất, lòng tôi chợt nổi lên sự thương cảm tấm thân cơ cực của cái nghề nhuộm quần áo rong trong xóm. Nhưng rồi, lòng thương cảm của tôi cũng thoáng qua như cơn gió thoảng, nhanh chóng nhường lại cho sự háo hức khi trông thấy những cái quần sọt cũ bẩn chìm trong thùng thuốc nhuộm màu xanh đen sôi sùng sục. Bấy giờ, ông Tàu mới dùng 2 chiếc đũa tre to dài, mặt bản thuôn rộng bốn năm cen-ti-mét, chèo nhúng mấy cái quần đượm màu xanh mới. Ông cầm 2 thanh đũa khéo léo móc cái lưng quần và ống quần xoắn vặn vắt chặt không còn miếng nước, xong rồi để riêng qua chiếc chậu gỗ. Ông làm từng cái như vậy, rồi lại lấy đũa nhấc từng chiếc quần bỏ vào thùng thuốc nhuộm đảo qua vài lần nữa để thuốc nhuộm “ăn” vải cho đều. Hai tay ông cầm đũa chèo vắt rất điệu nghệ, chẳng làm nước nhuộm rơi vải ra sân đất chút nào.

Xem thêm:   Trường Quốc Gia Nghĩa Tử

Sau khi nhuộm xong mấy chiếc quần của tụi tui, ông vắt khô thành lọn bỏ vô chiếc thau nhôm mà tôi mang ra để sẵn, dặn dò Má tôi đem ngâm nước lạnh vài tiếng đồng hồ rồi xả cho đến khi nào không còn ra màu mới đem phơi. Làm như vậy khi giặt đồ chung với đồ mới không bị lem màu nhuộm.

Ông Tàu bưng thùng nước nhuộm đem đi đổ xuống lỗ cống gần đó. Lúc này, tôi mới để ý tới màu thuốc nhuộm đựng trong mấy lon sữa Guigoz mà ông xếp ngăn nắp trong cái thùng gỗ dưới chiếc chậu gỗ ở quang gánh bên kia. Ông lấy một chiếc hộp trên nắp có dán một tấm giấy ghi chữ bằng tiếng Tàu mà tôi đoán là “đen”, bởi ông đang bắt nước sôi để nhuộm mấy chiếc quần lãnh Mỹ A của Má tôi. Đúng là đen nhưng cái mùi thuốc nhuộm hăng hắc cho dù đó là màu xanh, màu đen, hay màu chàm (nâu) đều có mùi giống nhau. Bác Hai nhà đối diện khi xưa ở Tân Châu, vùng đất làm ra thứ vải lãnh mà bất kỳ các bà các cô ai nấy cũng đều thích. Bác Hai phân trần thuốc nhuộm đen bằng trái mặc nưa hồi trước không nặng mùi hắc. Tôi nghĩ, có lẽ thuốc nhuộm của ông già Tàu là loại thuốc nhuộm hoá chất, chỉ có các lò nhuộm ngày xưa sử dụng thuốc nhuộm chế từ các loại thực vật trong thiên nhiên. Thuở tôi còn nhỏ, các lò nhuộm vải ở Sài Gòn đã sử dụng thuốc nhuộm hoá chất rồi.

Nghề nhuộm thủ công ở Tân Châu (Ảnh: Tư liệu)

Trái mặc nưa ra sao? Sau này ra đời đi đây đi đó rong chơi mới biết thêm nhiều chuyện. Có lần tôi về Tân Châu sống mấy ngày cùng với người thợ dệt tơ tằm cho ra những tấm lãnh đem nhuộm với nước nấu từ trái mặc nưa xay nhuyễn để trở thành thứ vải lãnh Mỹ A đen tuyền nổi tiếng ở miền Nam. Không những thế, tôi còn được người quen ở Châu Đốc giới thiệu củ nâu đào ở trong rừng. Củ nâu to hơn củ khoai tím nhiều, trong Nam có nhưng không nhiều. Nhiều nhất ở miền Trung những vùng rừng núi nắng nóng. Củ nâu đào lên để càng lâu càng tốt, nhuộm màu ít phai, thường bày bán ở các chợ phiên. “Nước giếng vàng vừa trong vừa mát / Nâu chợ Chùa nhuộm lạt lâu phai…” (Thơ của Trần Hữu Thưởng). Có lẽ vì thế người nhà quê miền Trung thường hay thích màu chàm. Trong khi người miền quê của đất phương Nam lại kết màu đen. Tất nhiên, thuốc nhuộm màu xanh dương, đỏ, tím, vàng hay các màu khác nữa không phải là không chiết xuất được từ các loại vỏ cây, trái hay lá cây nào đó. Chỉ có điều giá thành cao, trong khi nguyên liệu thiên nhiên ngày càng khan hiếm. Màu nhuộm hoá chất ra đời để giải quyết khó khăn cho ngành dệt nhuộm.

Xem thêm:   Đầm Môn, Đèo Cả, Vũng Rô & Hòn Nưa

Nói đến thuốc nhuộm hoá chất làm gì, bởi dân xóm tôi hay Má tôi chẳng thèm quan tâm đến chuyện này. Biết thuốc nhuộm là đủ, miễn là nhuộm xong, quần áo giặt phơi ít bạc màu là thích. Nhìn mấy lon thuốc nhuộm của ông già Tàu, chỉ có 3 màu đen, nâu, xanh chứ không có màu khác. Lỡ người ta muốn nhuộm màu trắng thì sao? Tự dưng tôi buột miệng. Không biết ông già có nghe không mà ổng chăm chú vắt kiệt nước mấy cái quần lãnh đen thui. Bác Hai đang ngồi trên ghế đẩu, miệng nhai trầu chóp chép, tức cười văng cả bả trầu đỏ tươi ra sân đất: “Cái thằng này, làm gì có thuốc nhuộm màu trắng mậy. May ra chỉ có thuốc tẩy thôi con”. Ừ há. Nếu có thì ông thợ nhuộm chẳng phải nên nhuộm tươi cuộc đời của mình rồi sao, cớ gì “chuyên môn nhuộm đen, tôi nhuộm quần nhuộm áo, có gì tôi nhuộm hết ráo, nhuộm cả cuộc đời…”.

Ngày nay, cái nghề nhuộm quần áo rong trong xóm không còn thấy nữa. Nhưng cứ mỗi lần nghe tiếng trống bỏi đồ chơi của mấy đứa cháu nhỏ thì tôi lại nhớ đến hình ảnh ông già gù, vai trĩu nặng đôi quang gánh với tiếng long tong.

TN