Cách nay gần trăm năm, cải lương miền Nam liên tục nhiều lần ra Bắc biểu diễn. Đây không phải là cuộc đọ sức nghệ thuật của ngành ca kịch. Mục đích chính là phổ biến một hình thức ca kịch mới. Nghệ sĩ hai miền có dịp học hỏi nghệ thuật cầm ca và khán giả khắp nước được dịp thưởng thức văn nghệ thuần tuý dân tộc.

Ban nhạc đàn ca tài tử ở miền Nam vào cuối thế kỷ 19 (Ảnh: Sanhhaiflick)  

Từ khoảng năm 1920 của thế kỷ trước, khi bản Dạ cổ hoài lang của ông Cao Văn Lầu phổ biến rộng rãi trong giới đàn ca tài tử miền Nam, thì thể loại ca kịch mới càng được giới hoạt động văn nghệ và công chúng nhiệt tình hoan nghinh. Một hình thái mới của ngành cải lương ra đời, nhiều gánh hát quy tụ nhiều nghệ sĩ, nhạc sĩ của các nhóm đàn ca tài tử ở Nam Kỳ Lục Tỉnh (đã xuất hiện trước đó), tham gia xây dựng một thể loại ca hát có điệu bộ hoàn toàn mới.

Nửa thập niên cuối thế kỷ hai mươi, mặc dù hệ thống đường sá từ Nam ra Bắc còn nhiều khó khăn cách trở (đường bộ còn chưa hoàn thiện, đường sắt thì chưa thông suốt giữa các tỉnh), việc mang một gánh hát đi lưu diễn xa hàng ngàn cây số là một chuyện vô cùng khó. Tuy vậy, tiên phong đi đầu công cuộc Bắc du giới thiệu đến công chúng và giới văn nghệ ca kịch Hà Thành, phải kể đến những nhóm nghệ sĩ đơn lẻ vài ba người, vừa đàn vừa ca. Ðơn cử là nhóm tài tử của ông Ban Siêu ở Biên Hòa gồm cô Ba Ngưu, cô Ba Xuân và kép Tư An. Nhóm được Hội Quảng Lạc rước về hát tại hai rạp của hội, là Hiệp Thành và Quảng Lạc (chủ rạp là người Tàu). Cả hai rạp này chuyên diễn thường trực các tuồng chèo và hát cương (hát không có kịch bản, tuỳ hứng đối đáp). Qua vài tuồng hát, nhóm đàn ca tài tử này nổi danh như cồn, cô Ba Ngưu được khán giả Hà Thành tặng cho biệt danh ‘cô đào võ’ số một đất Bắc lúc bấy giờ. Ngoài ra, khán giả còn thích nghe cô Ba Xuân, cô đào thanh sắc đề huề cất giọng cải lương rất mượt mà. Trong thời gian ngắn ba người hợp tác với Hội Quảng Lạc, khán giả tới xem chật rạp. Nhờ thế bước đầu cải lương miền Nam được công chúng đất Bắc quan tâm, sẵn sàng đón nhận những gánh cải lương miền Nam có quy mô đào kép hơn ra Bắc diễn tuồng.

Xem thêm:   Miệng Nhà Quan ngày 21 tháng 3 năm 2024

Năm sau (1927), gánh hát Hồng Nhựt từ miền Nam lên đường ra Hà Nội. Bà bầu gánh là Mười Bửu cùng hai kép Sáu Lực và Năm Diệp hợp tác dựng lên. Có tài liệu nhầm lẫn Mười Bửu là kép độc nhờ làn hơi cao vút, điệu bộ tay chân học theo cách hát Hồ Quảng. Bà Mười Bửu có gương mặt tròn nên dặm mặt Quan Công giống trong tranh thờ. Tuồng Tàu, tuồng cải lương, bà đều hát hay. Ðặc biệt, Mười Bửu thích hát những bản Nam Xuân, Nam Ai, Giang Nam, Trường Tương Tư với cây đàn tỳ bà.

Gánh Hồng Nhựt rất được khán giả Bắc Hà hoan nghinh. Trước khi về Nam, bà bầu gánh lại mời được cô Ba Ngưu gia nhập nên trên đường về Nam đi đến tỉnh nào diễn tuồng cũng được khán giả đông đảo đón xem. Gánh Hồng Nhựt về Nam thì đất Hà Thành lại tiếp gánh Nam Thinh do ông Trương Tiến Tuệ hợp cùng nghệ sĩ Nguyễn Thành Châu tức Năm Châu và cô Năm Mỹ người Bạc Liêu thành lập. Rất tiếc, gánh Nam Thinh hoạt động được một thời gian ngắn rồi giải tán tại ngoài ấy.

Chững đi vài năm, sau khi gánh Phước Cương dự cuộc đấu xảo giới thiệu văn hoá, nghệ thuật cải lương tại Ba Lê (1931) trở về, liền chuẩn bị cho chuyến lưu diễn dài ngày từ Nam chí Bắc. Một điều thú vị về tên gánh Phước Cương là do ghép tên của hai nhân vật đam mê nghệ thuật cải lương là ông Nguyễn Ngọc Cương (cha của nghệ sĩ Kim Cương) và Bạch Công Tử Lê Công Phước (George Phước) – chồng của nghệ sĩ Phùng Há. Cả hai đều có thời gian dài sống và học hành ở Pháp và đều theo học ngành sân khấu nhằm trở về nước hoạt động văn nghệ trong bối cảnh ngành cải lương Việt Nam đang phát triển rực rỡ. Tôi sẽ viết riêng một bài chi tiết về gánh Phước Cương, trong phạm vi đề tài Cuộc Bắc du của cải lương miền Nam, tôi chỉ chú trọng những hoạt động của các gánh hát và sự trọng thị của khán giả cũng như giới nghệ sĩ miền Bắc dành cho nghệ sĩ miền Nam.

Đào kép của gánh hát bội ở Cần Thơ ngày xưa (Nguồn: Internet)

Nhờ cuộc đấu xảo tại Ba Lê mà danh tiếng của gánh Phước Cương được công chúng khắp nơi biết đến nhiều. Do đó việc lưu diễn ra Bắc có phần nhiều thuận lợi được khán giả các tỉnh miền Trung và miền Bắc nô nức ủng hộ. Khi đến đất Bắc, gánh được mời diễn tại Phòng Hoà nhạc Bờ Hồ liên tiếp 15 đêm, mặc dù kịch bản mang theo chỉ có ba tuồng diễn đi diễn lại: Phụng Nghi Ðình, Xử án Bàng Quý Phi và Áo người quân tử. Báo chí Bắc Hà lúc bấy giờ đã tìm đến phỏng vấn các nghệ sĩ gánh Phước Cương như Bảy Nhiêu, cô Năm Phỉ, Tám Danh v.v.

Xem thêm:   Tân trang nhà cửa

Năm 1973, ký giả Song Lang của báo Sóng Thần ghi lại một vài chuyện kể của các nghệ sĩ từng đứng dưới bảng hiệu Phước Cương ra Bắc lưu diễn không quên một kỷ niệm buồn cười. Số là khi đoàn Phước Cương ra đó trình diễn được đồng bào các giới hoan nghênh, báo chí khen ngợi đặc biệt, một số nhà báo thành Thăng Long đã tỏ lòng mến mộ bằng cách mời cho được nhóm nghệ sĩ Phước Cương về nhà đãi cơm.

Trong lúc dùng bữa, anh chị em nghệ sĩ Phước Cương luôn luôn “thủ lễ” ăn một cách “khoan thai”. Chủ nhà thấy vậy liền mời mọc: “Xin ông, bà cứ xơi thong thả đi chớ!”.

Anh chị em liền hiểu lầm hai tiếng thong thả là chầm chậm vì tự nhiên nên lại càng tốp bớt ăn uống nữa! Chủ nhà thấy anh chị em càng ăn ít dường như không hài lòng nên cứ chút chút lại nài ép: “Quý vị cứ xơi thong thả cho, chúng tôi lấy làm hân hạnh được thù tiếp quý vị!”. Cứ mỗi lần chủ nhà mời như vậy thì khách lại ăn ít thêm tí nữa! Về sau có lẽ chủ nhà nghĩ rằng thức ăn miền Bắc chưa hạp khẩu vị người miền Nam khiến khách ăn không được nên không nài ép nữa! Phần anh em nghệ sĩ Phước Cương sau khi ra về thấy bụng còn lưng lửng nên phải ghé vào hàng phở “làm” thêm mỗi người vài tô trước khi trở về chỗ trọ nghỉ ngơi.

Chân dung cô đào cải lương Năm Phỉ (Ảnh: Tư liệu gia đình)

Quảng cáo tuồng cải lương của rạp hát Quảng Lạc ở Hà Nội vào cuối thập niên 1920 (Ảnh: Tư liệu)

Cũng nên ghi lại ở đây, ngoài các ký giả của báo chí Hà Nội lúc bấy giờ tìm nghệ sĩ gánh Phước Cương để phỏng vấn, các nhà văn tên tuổi tại Hà Thành lúc ấy cũng tìm đến làm quen như các ông: Thế Lữ, Khái Hưng, Ðoàn Phú Tứ, Bùi Xuân Học, Hoàng Ðạo v.v. Riêng ông Thế Lữ có lập ban kịch được biết tiếng.

Xem thêm:   Con gấu ngựa

Gánh Phước Cương trở về Nam, thì sau vài tháng (1932), lại Bắc du một lần nữa. Lần này thì gánh mang thêm nhiều tuồng xã hội được khán giả thích thú. Trong thời gian gánh đang diễn tại Hà Nội, một gánh hát miền Nam khác xuất phát ra Thăng Long. Ðó là gánh Trần Ðắt, gồm nhiều nghệ sĩ gạo cội như Phùng Há, Tư Sạng, Năm Kim Thoa, Năm Châu, Tư Út, Từ Anh, Tư Chơi v.v. Hai gánh gặp nhau tại Hà Nội vào một đêm cuối tuần của tháng Sáu.

Nói thêm một chút về gánh Trần Ðắt do ông Trần Ðắt Nghĩa lập năm 1926 (cùng thời gian với gánh Phước Cương). Ông là doanh nhân thành công ở miền Tây Nam phần, chủ hãng xe và làm nước ngọt. Vào tháng 6 năm 1930, ban cải lương Trần Ðắt từ Cần Thơ đã lên Sài Gòn diễn tuồng “Tấm lòng quê” ở Nhà hát lớn Sài Gòn do Câu lạc bộ thể thao Sài Gòn Tennis Club và Tricolore GiaDinh tổ chức để gây quỹ tài trợ các tay quần vợt nổi tiếng ở Sài Gòn và Nam kỳ đi Singapore tham dự giải vô địch Malaya 1930-1931. Trong cuộc Bắc du lần này, gánh Trần Ðắt tung ra tuồng hát chủ lực ‘Tội của ai’. Gánh Phước Cương đối phó lại bằng vở ‘Tơ vương đến thác!’, vở tuồng này gánh Phước Cương diễn đi diễn lại nhiều lần tại Hà Thành rồi.

Khán giả ùn ùn kéo đến rạp Trung Quốc Hàng Bạc mua vé xem ‘Tội của ai’, còn gánh Phước Cương cũng kín chỗ kể cả các hành lang của Nhà hát lớn Hà Nội. Bầu Cương khoái chí nói với anh em: “Vậy là Phước Cương vẫn ở lại đất Bắc chơi hết mình với Trần Ðắt!” (vì ông đã tuyên bố rằng: “‘Tơ vương đến thác’ mà không thành công bán vé thì ông sẽ đem gánh về Sài Gòn cho rã luôn!”). Sau buổi diễn, bầu Cương dọn gánh đi Hải Phòng và giành trước nhà hát lớn để chắn đường đi của gánh Trần Ðắt.

Năm 1936, gánh Phước Cương lại tái xuất ở Thăng Long, lần này gánh đổi tên thành đoàn Ðại Phước Cương. Lực lượng nghệ sĩ mạnh hơn những lần trước nhiều, với sự góp mặt của Năm Châu, Từ Anh, Tám Danh, Ba Du, cô Năm Phỉ, Thanh Tùng, Sáu Ngọc Sương v.v. Tại Hà Nội đoàn diễn tuồng ‘Tuý Hoa Vương Nữ’ do Năm Châu phóng tác theo Marie Tudor của đại văn hào Victor Hugo. Năm 1942, trước khi chiến tranh Ðông Dương bùng nổ, gánh Nam Phương của nghệ sĩ Bảy Nhiêu may mắn được diễn xuất các vở cải lương miền Nam cuối cùng cho khán giả Hà Nội thưởng thức.

TN