Sài Gòn trước năm 1975, có khá nhiều chung cư trong nội thành và vùng phụ cận được xây cất. Dân số đô thành tăng nhanh, nhất là khoảng thời gian diễn ra cuộc di cư của người Bắc vào Nam. Sau đó, chiến tranh lan rộng, dân chúng từ các tỉnh kéo về Sài Gòn sinh sống. Xây cất chung cư là điều cần thiết trong tình trạng đô thành đất chật người đông.

Kiểu chung cư ba tầng cất vào thập niên 1920 tại chợ Bến Thành (Nguồn: Manhhaiflickr)   

Theo thống kê của Sở Xây dựng đến năm 1975, Sài Gòn có 533 chung cư lớn nhỏ các loại. Hiện nay, hầu hết số chung cư này đã xuống cấp trầm trọng, một số được dỡ bỏ, xây lại mới hoặc chuyển đổi công năng.

Số lượng chung cư ở Sài Gòn ngày trước, được xây dựng từ 1954 đến 1970, từ hai tầng đến bốn tầng khá nhiều. Hiện trạng quy hoạch thành phố từ thời Pháp thuộc đã biến dạng. Nhà cửa dựng lên trong các con hẻm không theo trật tự vì không có quy hoạch. Dọc theo kênh rạch, từ Sài Gòn đến Chợ Lớn, người dân lao động sống chen chúc, nhếch nhác, tạm bợ tạo thành những khu ổ chuột lớn.

Bắt đầu từ cuối thế kỷ 19 đến thập niên 1920, Sài Gòn gói gọn trong ba quận 1, 2 và 3 (mới mở một phần). Chợ Lớn là một thành phố riêng biệt,  sau đó đổi là quận 5. Sau đó, chính quyền Pháp lấy một phần quận 5 thành lập quận 4 (tức quận 11 ngày nay) và lấy phần đất quanh rạch Bến Nghé và Tân Thuận lập nên quận 6.

Chính quyền thuộc địa thuở ban đầu gần như chỉ chú trọng việc phát triển khu trung tâm với các khu công sở nhà nước và các khu của tư nhân như nhà hàng khách sạn, thương xá dọc theo các con phố lớn, sau khi san, lấp các kênh rạch tại trung tâm thành phố. Nhà phố chung cư bắt đầu xuất hiện. Loại chung cư đơn giản này có nguồn gốc từ châu Âu, thường cất gần khu trung tâm thương mại. Khởi đầu là nhà phố hai tầng, dọc theo đường Charner (nay là Nguyễn Huệ) ở đoạn từ Tôn Thất Thiệp ngày nay trở ra bến Bạch Ðằng. Tầng dưới làm nơi mua bán, kể cả ở; tầng trên là một căn nhà độc lập, có cầu thang bên hông dẫn lên. Kiểu kiến trúc này ta thường thấy ở các khu nhà chung cư của người Hoa ở đường Trần Hưng Ðạo hoặc khu xóm chung cư có sân chung tạo thành hành lang bao quanh rộng lớn để thông khí và lấy ánh sáng vào nhà.

Xem thêm:   2 người thợ săn

Thật ra, các khu phố chung cư ở Sài Gòn ngày đó đều là của người Hoa. Ngay cả khu phố quanh chợ Bến Thành, đoạn đầu đường Trần Hưng Ðạo và đường Lê Lợi hầu hết là phố chung cư hai ba tầng do gia đình thương gia Hui Bon Hoa xây cất để cho thuê hoặc bán đứt từng căn.

Sài Gòn thuở đó thật yên bình cho đến khi cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới năm 1930 ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế Việt Nam. Dân chúng thất nghiệp tràn lan nên việc phát triển nhà ở chựng lại, kéo dài cho đến lúc lính Nhật vào Ðông Dương. Sài Gòn của những năm 1940 đến 1945 gần như án binh bất động. Không có một chung cư mới nào xây thêm.

Chung cư trên đường Nguyễn Huệ xây vào thập niên 1960 (Ảnh: Internet)

Pháp thua, rút khỏi Ðông Dương. Chính phủ Ngô Ðình Diệm loại vua Bảo Ðại khỏi vũ đài chính trị. Năm 1956, chính quyền ký sắc lệnh sát nhập Chợ Lớn vào Sài Gòn và mở rộng ranh giới, phân chia lại địa giới các quận. Cụ thể quận 6 (cũ) đổi thành quận 4; quận 4 (cũ) thành quận 5 và 8; quận 5 (cũ) thành quận 6 và 7. Nói chung Ðô thành Sài Gòn bấy giờ có 8 quận, gồm 41 phường.

Sau Hiệp định Genève chia đôi Việt Nam, Mỹ viện trợ kinh tế cho chính phủ Ðệ Nhất Cộng Hoà rất nhiều. Từ năm 1955 đến 1960 chính phủ VNCH nhận hơn 2 tỷ USD, trong đó có phần ngân sách ổn định gia cư theo chính sách di dân lập ấp của chính phủ Ngô Ðình Diệm. Khu chung cư được xây sớm nhất để đưa dân vào ở là Tân Thuận Ðông và một số chung cư dọc theo hữu ngạn kênh Ðôi của quận 8 được cất từ năm 1955. Bên cạnh đó, chính quyền giao cho quân đội hình thành các khu gia binh dành cho thân nhân của quân nhân sống trong các trại lính đóng quanh thành phố. Công cuộc tái thiết đô thị trong thời gian ông Diệm cầm quyền diễn ra rầm rộ, rất nhiều chung cư, cư xá được xây cất nhanh chóng.

Xem thêm:   Quán nhậu thời đo... cồn

Báo Sáng Dội Miền Nam số 48 (tháng 6/1963), số đặc biệt về kiến trúc của từng khu vực đô thị Sài Gòn, có bài báo điểm qua việc xây dựng khắp Sài Gòn. Trong đó nhắc tới các khu cư xá trên đường Trần Quốc Toản (nay là 3 tháng 2) như: Cư xá Công Binh, Nguyễn Tri Phương, Phú Thọ, Nhảy dù, Lữ Gia, Vườn Lài I, Vườn Lài II. Trên đường Trương Minh Giảng (nay là Lê Văn Sỹ) có cư xá nhân viên phủ Tổng Thống, cư xá Nông Tín Cuộc, cư xá bình dân Kiến Ốc Cục. Những chung cư này xây lên, mở đường đến đâu nhà cửa dân chúng mọc theo đến đó. Nhiều khu đất dân cư được phân lô xây cất cho trật tự. Nói chung, trong thời Ðệ Nhất Cộng Hoà, việc phát triển định hình Sài Gòn rõ nét hơn, thành phố khang trang hơn ở những quận mở rộng địa giới hành chánh.

Ngoài việc chánh quyền phát triển chung cư bán cho dân chúng và viên chức công sở; các cố vấn và chuyên viên quân sự cũng như lính Mỹ đã vào VN lập doanh trại và thuê nhà thầu xây các chung cư hoặc mướn các cao ốc làm chỗ ở cho nhân viên và binh lính.

Ðây cũng là thời cơ dành cho ông “vua địa ốc” Nguyễn Tấn Ðời. Ông Ðời cho xây cất cao ốc Mai Loan, Tân Lộc năm 1955; Victoria, Trần Hưng Ðạo năm 1956. Ðến năm 1960, ông xây thêm cao ốc President, Phan Thanh Giản, Price. Tổng số có 1655 phòng trang bị máy điều hoà không khí. Bấy giờ tuy gọi là cao ốc nhưng thực ra cũng chỉ là một dạng chung cư cao cấp. Thấy chuyện cất chung cư cho Mỹ thuê coi bộ khấm khá, đầu thập niên 1960, nhiều người có tiền của cũng xây chung cư (khách sạn) cho lính Mỹ thuê. Chẳng hạn Hotel Rex của ông bà Ưng Thi hay chung cư Eden, chung cư Nguyễn Huệ, Duy Tân, Hai Bà Trưng, Phùng Khắc Khoan… tại những khu vực đắc giá, ngay trung tâm Sài Gòn.

Chung cư Eden ngay trung tâm thành phố có khu mua sắm và giải trí dành cho giới công chức (Nguồn: Manhhaiflickr)

Trung tâm Sài Gòn không còn đất để xây chung cư, giới nhà giàu bắt đầu nhắm đến các vùng đất mới ven đô thuộc tỉnh Gia Ðịnh để xây chung cư như ở đường Thoại Ngọc Hầu (Tân Bình), Thị Nghè.

Xem thêm:   Truyện tranh Hoa Kỳ về Chiến tranh Việt Nam

Trong thời chính phủ Ðệ Nhị VNCH, từ năm 1967, bắt đầu xây dựng các khu chung cư dành cho giới công nhân như Vĩnh Hội, Khánh Hội ở quận 4. Từ năm 1968, Nha Kiến Thiết thực hiện kế hoạch phát triển gia cư, bắt đầu quy hoạch lại các khu đất của dân bằng cách đền bù, tái định cư để xây chung cư tại khu vực Cô Giang, Bàn Cờ, cư xá Ðô Thành, cư xá Kiến Thiết, cư xá Bắc Hải, cư xá Tự Do, cư xá Chí Hoà, Chánh Hưng, chung cư Minh Mạng, Dân Sinh… Một căn nhà trong chung cư tuỳ theo vị trí, diện tích lớn nhỏ có giá từ 15,000 đến 350,000 đồng, thoả mãn được nhu cầu của các tầng lớp xã hội.

Nhằm tái thiết lại các khu dân cư bị đổ nát sau cuộc tấn công năm Mậu Thân 1968 cùng với việc mở rộng địa giới, thành lập các quận mới: 9 (khu Thủ Thiêm), 10, 11, nhiều khu chung cư mới được mọc lên. Không chỉ dừng lại ở đó, chính quyền tiến hành mở rộng các vùng ven đô còn khá vắng vẻ như khu vực Bà Chiểu, Hàng Xanh để xây cư xá Cảnh sát, cư xá Ngân Hàng, cư xá Ngoại giao, cư xá Phú Lâm (Q.6). Bên cạnh đó nhanh chóng xây khu cư xá Thanh Ða.

Hồi xưa khu vực Thanh Ða có tên là Thạnh Ða, thuộc tổng Bình Trị Thượng, huyện Bình Dương, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Ðịnh. Sau khi thực địa lập bản đồ khu vực này, người Pháp in thiếu dấu nặng thành Thanh Ða.

Năm 1897, Pháp cho đào một con kênh dài 1km, rộng 40m sâu 6m cắt vòng thắt sông Sài Gòn, đi qua địa phận thôn Thạnh Ða từ Bình Lợi đến An Phú rút ngắn thuỷ lộ giúp thuyền bè tiết kiệm thời gian di chuyển. Con kênh đào trong một năm, biến bán đảo Thạnh Ða thành ốc đảo. Hiện nay khu vực này vẫn còn nhiều ruộng rẫy ao đìa.

Cư xá Thanh Đa được xây dựng vào giữa thập niên 1960 (Ảnh: Internet)

TN