Tình yêu muộn màng có thể là một cái kết không trọn vẹn, nhưng nó rất nồng nàn, đè nặng lên trái tim đầy thương tích với những biến cố của cuộc đời, khiến ta mãi ám ảnh, dằn vặt, tựa ngấn nước mắt vẫn còn đọng lại trên khuôn mặt nhạt nhòa của người yêu.

Bản chất an phận khiến tôi chấp nhận và tự tại với những gì mình đang có trong “hạnh phúc” gia đình, dù nó không được như tôi từng trông đợi. Cùng chồng chăm lo cuộc sống “cơm áo gạo tiền” và con cái với một tinh thần trách nhiệm. Nhưng cái nhàm chán, trần trụi của cuộc hôn nhân ấy dần dần cướp đi linh hồn của một kẻ vốn tôn thờ thứ tình cảm thanh tao, sâu sắc, lãng mạn thường được lý tưởng hóa trong văn học, nghệ thuật.

Rồi tình yêu muộn màng ấy đã đến, dù tôi không hề tìm kiếm. Nó là một thứ tình cảm “dị dạng” mà tôi thường phủ nhận và bao biện để có thể tự hóa giải cho những quan niệm về luân lý đạo đức và tôn giáo của mình.

Lần cuối được nhìn thấy anh qua màn hình của chiếc iPad với khuôn mặt tái xám, đôi môi nứt nẻ khép hờ, tôi chợt nhận ra anh là tình yêu muộn màng của cuộc đời mình.  Tôi nghe tim quặn thắt, bao nhiêu kỷ niệm lại ùa về.

Chúng tôi biết nhau qua sinh hoạt trên mạng của một nhóm yêu thơ văn.  Cùng trao đổi, đăng tải những bài viết trên trang website của nhóm và qua email, anh trở thành một nhân tố để tôi hoàn thiện mình hơn trong cách đối nhân xử thế cũng như chia sẻ tâm sự hay trau dồi kiến thức.

Bảo Huân

Sự uể oải, biếng nhác của cảm giác “một ngày như mọi ngày” trong tôi không còn nữa. Thay vào đó là sự náo nức, hớn hở, hầm hập lửa tình như một cô gái mới lớn tràn đầy nhựa sống, dù tôi đã bước vào lứa tuổi xế chiều của “lục thập nhĩ thuận”.

Sáng sớm, vừa mở mắt, điều đầu tiên tôi nghĩ đến là anh. Ánh nắng ban mai mềm mại xuyên qua mành cửa sổ dường như lung linh hơn, rực rỡ hơn trong tôi. Tôi hân hoan đón chào một ngày mới để được mở email ra và đọc thư của anh gửi cho tôi đêm qua.

Có lẽ anh đã mất ngủ vì tôi? Tôi thoáng nghe ray rứt, nhưng rồi lại tự hào là chúng tôi đã cùng “lụy” nhau vì chính tôi cũng thao thức, trằn trọc cả đêm với những suy tư về anh.

Có khi, email anh gửi không hề có giòng chữ nào, mà chỉ là một file anh đính kèm. Trong đó, có tiếng nhạc dương cầm du dương của bài “Serenade” mà anh đã dạo đàn và thâu âm riêng cho tôi khi anh nhâm nhi ly rượu vang đỏ một mình. Chúng tôi đã vô tình tạo ra một thế giới riêng cho nhau.

Anh kể cho tôi nghe về sự côi cút, cơ cực, lầm than khi gia đình anh sống trong khu trại gia binh Trần Hưng Ðạo dành cho các gia đình quả phụ, cô nhi tử sĩ, về những trò nghịch ngợm thời niên thiếu, về nụ hôn rụt rè với cô bé hàng xóm.  Ngay cả chuyện lần đầu tiên anh gần đàn bà do thằng bạn lính dẫn anh đi chơi gái tôi cũng thích thú lắng nghe như được khám phá một thế giới hoàn toàn ly kỳ, mới lạ.

Những giây phút giải lao hiếm hoi, chúng tôi lại tíu tít trao đổi về “Ni Marx, Ni Jesus” của nhà triết gia Pháp nổi tiếng Jean- François Revel, hay cái đẹp tinh tế ẩn chứa trong những tác phẩm văn học của William Faulkner, rồi ao ước được cùng nhau “đi cho hết một đêm hoang vu” để trải nghiệm cái nửa tỉnh nửa mê trong lập dị của Phạm Công Thiện.

Ký ức thời sinh viên dường như sống lại.  Chúng tôi cùng quay về tuổi thanh xuân một thời ở Sài Gòn, khi thành phố đang chìm đắm trong bom đạn của chiến tranh và những thanh niên, thanh nữ như chúng tôi dù tràn đầy lý tưởng và bầu nhiệt huyết, nhưng cảm thấy lạc lõng, mất phương hướng, không biết tương lai, vận mệnh của đất nước sẽ đi về đâu, làm gì dám toan tính cho tương lai của riêng mình.

Xem thêm:   Chút ân tình cũ

Chúng tôi đã trở thành một phần hồn của nhau dù cùng biện minh rằng đó chỉ đơn thuần là một tình bạn, tình anh em.

Có lần anh ưu tư thắc mắc:

Anh Thư có bao giờ muốn chúng ta thuộc về nhau không?

Tôi tỏ vẻ phật ý:

Làm sao anh lại có thể hỏi em như vậy? Em không bao giờ muốn làm tổn thương một người đàn bà khác. Vậy là anh vẫn chưa hề hiểu em!

Thế là nước mắt tôi giọt vắn, giọt dài tuôn trào.  Tôi cũng không hiểu tại sao mình đã khóc.

Nghe tiếng tôi thút thít, lạc giọng, anh vội vỗ về:

Cho anh xin lỗi, anh không hề có ý xúc phạm em. Em đừng khóc vì giọt nước mắt của em luôn làm mềm lòng anh và anh cảm thấy đau khổ lắm.

Câu chuyện đó chúng tôi quên bẵng đi và không bao giờ đề cập lại, nhưng có lẽ nó đã là hạt mầm nhen nhúm cho những bi kịch của tương lai.

o O o

Năm tháng trôi qua, những câu chuyện về kỷ niệm quá khứ, về văn thơ hay triết lý học được thay thế bằng những trận cãi vã nảy lửa mà lắm lúc tôi chỉ muốn đập vỡ toang bàn phím computer vì anh. Rồi tôi lại khóc.

Có khi anh kể cho tôi nghe về những chuyến đi du ngoạn với vợ. Tôi hạnh phúc khi được anh chụp hình cảnh vật và nhắn tin chia sẻ. Tôi có cảm giác như mình cũng đang có mặt ở những vùng đất xa xôi ấy cùng anh.

Nhưng khi anh vô tình nghe tôi kể về việc tôi chăm lo cho chồng thì anh lại tỏ thái độ ghen tị, ích kỷ.  Anh sỉ vả không thương tiếc người chồng của tôi dù anh chưa một lần gặp mặt hay tiếp xúc.  Tôi tìm cách ôn tồn giải thích rằng nhận xét của anh không được khách quan và có phần vô lý thì anh quay sang tấn công tôi. Không kềm chế được, tôi tức tưởi khóc.  Giọt nước mắt của tôi đã không đủ làm mềm lòng anh nữa.

Có lần trong một trận cãi vã, anh đã chửi thề. Do không chịu nổi những lời thô lỗ của anh, tôi đã xưng “tôi” và đay nghiến nói nếu anh nói chuyện như vậy với người khác, có thể người ta sẽ đấm vỡ mặt anh.

Ðang quát tháo to tiếng, anh sững sờ dừng lại.  Giọng anh chùng xuống:

Cám ơn cô đã cho tôi thấy rõ con người của cô.

Rồi anh lặng lẽ cúp phôn. Tôi rống lên khóc tức tưởi. Chúng tôi trở nên tầm thường, phán xét nhau, lạc mất nhau, và đánh mất cả những cái hay, cái đẹp của một mối quan hệ không tên từng gắn kết nhau.  Ðó cũng là lần nói chuyện cuối cùng của chúng tôi.

Cái mộng mơ, lãng mạn đã không còn. Tôi coi thường con người cố chấp, nhỏ nhen, thô lỗ của anh.  Anh cũng nhận ra những cái tầm thường, sân si của tôi.

Ở cái tuổi mà chuyện hợp tan không phải là điều gì quá mới mẻ, tôi nhẹ nhàng rũ bỏ và tự nhủ anh là kẻ không xứng đáng.

Cuộc sống trở lại như guồng máy cũ. Những trở ngại của con cái, tôi tự loay hoay giải quyết. Chuyện công việc căng thẳng ở sở, tôi cũng không thể chia sẻ với ai, ngay cả chồng mình.  Tôi chợt thấy lòng mình trống trải, cô đơn lạ kỳ, dù đó là những gì mình từng làm trong quá khứ.

Tôi cố gắng tìm quên bằng những niềm vui đơn giản như trồng cây, làm vườn và tiệc tùng cùng bạn bè trong những buổi tiệc thu nhỏ chỉ dăm ba người vì giới hạn trong thời gian dịch bệnh Covid.

Mùa Ðông đã đến. Mùa làm vườn cũng qua. Nhìn những người bạn cười đùa vui vẻ, sảng khoái tôi cũng gắng gượng nhếch mép để hoà đồng, nhưng câu chuyện rỗng tuếch lặp đi, lặp lại của họ trở nên nhàm chán.

Tôi co mình trong cái vỏ bọc của một người đàn bà thành công, chu toàn cả công việc lẫn gia đình.  Nhưng trong tôi, sự cô đơn, tuyệt vọng và chán chường lại trở nên vô tận.  Cái tôi trần trụi, cái tôi sần sùi được phơi bày khi tôi có anh.  Tôi đã thực sự hiện hữu, dù không hoàn hảo.  Còn hiện tại, tôi chỉ là cái bóng trau chuốt của riêng mình.

Xem thêm:   Tự thú

Nhưng sức chịu đựng của con người cũng vô biên.  Dù nỗi nhớ thương anh trở nên da diết, tôi cũng không tha thiết níu kéo để trở thành lối mòn của nhau.

Ðột nhiên một hôm, tôi nhận được cú điện thoại từ một số phôn lạ. Vì mải mê công việc của hãng, tôi không thể bắt phôn cũng không vội check voicemail ngay. Về đến nhà, tôi lại lao ngay vào bếp nấu ăn cho chồng con, rồi sau đó ngồi ôn bài tập với 2 đứa nhóc, tôi cũng quên bẵng đi cú điện thoại lạ trong ngày.

Ðến cuối tuần, đang ngồi nhâm nhi ly cà phê sáng một mình khi chồng con còn đang yên giấc, tôi chợt nhớ và mở voicemail ra nghe. Tiếng lơ lớ của một giọng nam nói liến thoắng (?): “cô Anh Thư, ba cháu Trần Hoàng đang nằm trong ICU vì bệnh Covid và thể không qua khỏi. Ba muốn gặp cô. Please call me back.” Tôi giật bắn người, không tin vào chính tai mình.

Tay tôi run rẩy bấm số điện thoại của người gọi, chuông reng nhiều lần mà không ai bắt phôn, tôi đành để lại lời nhắn.  Sau đó, tôi cẩn thận text nhắn là tôi đã nhận được tin về thân phụ của anh ta và mong muốn được anh ta gọi lại.

Trong tuyệt vọng, tôi cũng cuống cuồng gọi anh, text anh và email anh. Chỉ là lặng thinh.  Tôi lo lắng, liên tục cắn móng tay, nhưng lại cắn đến rướm máu môi mình.  Nhìn trân trân vào màn hình phôn, để không miss cú gọi của anh hay của con anh. Tôi không còn hào hứng làm việc gì khác.  Sau khi bảo chồng dẫn con đi chơi công viên, tôi vùi đầu đọc lại những email trao đổi giữa anh và tôi trong quá khứ.

Bao nhiêu giận dữ, hờn tủi đã không còn.  Những êm ái, ngọt ngào của một thời như nhảy múa, sống động trong từng lời văn, tiếng nhạc mà anh đã chia sẻ với tôi. Lạ kỳ thay, tôi không khóc nữa dù từng là người mau nước mắt.

Tiếng chuông điện thoại reo vang. Tôi vội vàng nhấn nút bắt điện thoại.  “Hello…”  “Cô có thể đến bệnh viện ngay không?”  Tôi đồng ý, và nhanh chóng thay đồ để đến phòng ICU nơi anh đang hấp hối.

Vì tuổi đã cao lại có những căn bệnh nền, cơ thể anh đã suy nhược nhanh chóng dù được điều trị hơn 3 tuần qua.

Con trai anh ra đón tôi ở cửa chính của bệnh viện và đưa tôi vào phòng nơi thân nhân có thể nhìn và nói lời từ giã với bệnh nhân qua iPad.

Con trai anh giới thiệu tôi là người nhà với nhân viên trực, và họ cung cấp cho tôi chiếc iPad như những người khác trong phòng. Khi tôi mở máy lên thì màn hình hiện ra hình ảnh trực tiếp của anh đang nằm trên giường bệnh.

Với ống trợ thở và dây nhợ gắn đầy mình, mắt anh nhắm nghiền.  Thỉnh thoảng anh lại nhíu mày như đang trong cơn đau nhức, và anh húng hắng ho nhẹ dù mắt vẫn nhắm.

Tôi xót xa nhìn anh và bất giác, tôi đưa tay lên chạm vào má anh qua màn hình chiếc iPad.  Lớp kính của màn hình nhẵn nhụi, lạnh lẽo.  Dù cam kết không gặp nhau ngoài đời, nhưng tôi từng “fantasize” cảm giác nồng ấm, hạnh phúc khi tôi chạm vào làn da ngăm đen, khô rám, lồi lõm với nhiều nếp nhăn của anh.

Tôi bỗng căm ghét mình, và giận cả anh. Những gông cùm chúng tôi tự trói buộc mình vì danh nghĩa đạo đức giờ phút này trở nên vô nghĩa. Trong cơn mê của tâm hồn người nghệ sĩ, chúng tôi cứ mãi đi tìm một tình yêu dường như đã hoàn toàn thoát tục, áp đặt đối phương phải theo cái tiêu chuẩn chân thiện mỹ mà mình đặt ra, và kỳ vọng ở sự bất biến.

Xem thêm:   Tuyết lạnh bên trời

Nhưng điều đó không hiện hữu trong cuộc sống. Chúng tôi đã từng đạt được những niềm vui tột đỉnh của tình yêu khi nó thăng hoa một thời gian ngắn ngủi. Trong thực tế của cuộc sống, chính tình yêu sau khi nở bừng mãnh liệt thì cũng có thể tàn lụi bất ngờ. Tất cả những điều xảy ra là từ sự giao duyên của đất trời và con người, của nghệ thuật và cuộc sống.

Người khao khát đi tìm tình yêu và tôn thờ cái đẹp ảo tưởng của tình yêu thường bị đóng khung trong suy nghĩ của cái đẹp trường tồn, vĩnh cửu của một tình yêu vĩ đại. Ðến khi gặp người mình cho là đúng đối tượng và được tí thăng hoa của tình yêu thì tự mãn ngỡ rằng mình đã biết yêu, đã đắc đạo.

Trong thực tế, khi một mối quan hệ đã đạt được cái người ta cho là tuyệt đỉnh thì giống như một chuyến xe đã đến bến cuối cùng, sự chia tay là tất yếu nếu không có những ràng buộc thường tình trong cuộc sống.

Bản chất tình yêu là vô thường. Ngay cả hình hài, ý niệm, cảm xúc, vết thương, và linh hồn của người mình yêu cũng vô thường. Chẳng cái gì có thể trường tồn, bất biến. Cái mô-tiv quen thuộc của chủ nghĩa lãng mạn, mô-tiv của người lữ khách trên đường lữ thứ chính là cái TÔI lãng mạn không có quê hương, không nhà. Hay nói cách khác là chúng ta thường thiên về chiều hướng khước từ thế giới thật trong trật tự hiện hành của nó.

Cái chân thiện mỹ của tình yêu và cuộc sống nằm trong sự không hoàn hảo, thiếu thốn của con người, và nằm trong sự kết hợp giữa cõi mơ và thực tiễn, giữa trí tưởng tượng và sự giao tiếp, nhận thức, giá trị trực diện. Nỗi cô đơn, mất mát chính là vực thẳm linh hồn mà nghệ thuật và con người cần đạt tới như đạt đến chân thân của mình, để nhận ra và biết ơn những gì mình có, biết khước từ ảo tưởng của cuộc đời. Dĩ nhiên không ai khuyến khích hướng đến sự cô đơn, nhưng dường như một tâm hồn cô đơn, thiếu thốn thường dễ dàng đồng điệu với cái đẹp thông thường, không hoàn hảo, và biết mang ơn những cái mình có, ngay cả một mối quan hệ từng thăng hoa mà không được một cái kết mỹ mãn.

Anh đã đến. Dù muộn màng, không hoàn hảo và không đặt nặng những thoả mãn của xác thịt, nhưng cuộc hội ngộ giữa chúng tôi là điều cần thiết theo sự giao hòa của con người và đất trời để tìm ra sự đồng vọng của đồng loại, và để cảm thấy “Người” hơn.

Chúng tôi chính là tình yêu muộn màng của nhau.

Con trai anh lên tiếng qua chiếc iPad trên tay: “Ba, cô Anh Thư đến thăm ba.” Anh vẫn nằm im bất động không phản ứng. Anh con trai ra dấu tay khuyến khích tôi lên tiếng.  Mắt tôi ráo hoảnh, nhưng không hiểu sao cổ họng lại nghẹn cứng.  Ráng lấy hết sức lực, tôi yếu ớt thốt ra lối nói chuyện khách sáo của Bắc Kỳ: “Bác khoẻ không, em đây…” Anh chợt quay đầu, không hướng về màn hình iPad nữa. Anh thở hắt ra hai lần, rồi anh ra đi.

Có thể tôi tưởng tượng, nhưng hình như một vệt nước mắt đã lăn dài ở đuôi mắt anh khi người y tá từ từ đẩy chiếc băng ca của anh đi. Tôi thẫn thờ bước ra bãi đậu xe của bệnh viện như hồn lìa khỏi xác.

Tôi tra chìa khóa vào để nổ máy xe, tiếng hát Thái Thanh réo rắt vang lên: “Lắng trầm tiếng chiều ngân. Nhạc dặt dìu ái ân… Người ơi! Nhớ mãi cung đàn, năm tháng phai tàn, duyên kiếp chưa hề lỡ làng…Nhạc chiều của chúng ta là câu ân ái muôn đời, bóng đã xế rồi, hãy nép trong lòng cõi đời. Tình yêu mãi mãi…” (bài Chiều Tà – Serenade của Enrico Toselli, lời Việt của Phạm Duy, 1954).

AT

https://hopamviet.vn/sheet/song/chieu-ta-serenade/W8IUIC7B.html

https://www.youtube.com/watch?v=lYD2e6fZnd8