Người miền Nam nợ người lính VNCH một món nợ ân tình, món nợ sẽ đi suốt cuộc đời, những món nợ vay bằng sinh mạng, bằng tuổi xuân, bằng hạnh phúc của những người lính.

Tháng Tư về, mời bạn bắt đầu theo dõi câu chuyện “Con Nợ Chú Một Đời”, đời thật một người lính biệt kích Lôi Hổ được tác giả Vũ Hoàng Đức Hiếu viết lại như một tiểu thuyết.

(các tiểu tựa của BBT Trẻ)

Bảo Huân

KỲ 23

Về với cội nguồn

“Tám trăm cái mạng của những đứa con trong tiểu đoàn cần được sự che chở của anh, nếu em đụng đến cái mạng già này thì em sẽ bị xé nát thành tám trăm mảnh ngay, em không dại đâu ông anh ơi…” Căn phòng vang tiếng cười rộn rã:

“Anh ạ … Anh Huy còn ở tiểu đoàn không hả anh?”

“Em nói thiếu úy Huy ngày trước em cứu đó có phải không?” Em Bình gật đầu.

Trung tá nói:

“Cậu ta được thăng cấp lên Trung Úy và nhận lệnh thuyên chuyển về Vùng 3, đóng quân tại Long Khánh gần một năm nay rồi. Chuyện trò một lúc, anh em tôi chào Tiểu Ðoàn Trưởng rồi tay trong tay trở về nơi ở riêng của toán Lôi Hổ. Khỏi phải nói toán tôi ai cũng mừng khi gặp lại em, đúng ra thì phòng 7 Nha kỹ thuật đưa em Bình về đây chỉ huy toán Lôi Hổ mà tôi đang tạm thời chỉ huy, tuy ngang cấp bậc nhưng em Bình là sĩ quan ưu tú, được huấn luyện trường đặc biệt của Hoa Kỳ và có quá nhiều kinh nghiệm ngoài chiến trường, đã từng lập nhiều chiến công hiển hách, nhưng từ bộ chỉ huy tiểu đoàn khi hai anh em tôi bước ra khỏi cửa là em Bình gỡ hai bông mai ra cất ngay. Tôi nhìn vào khẩu súng M-18 mà em mang trên vai, những băng đạn cong 30 viên với cả chục quả lựu đạn mini cùng 8 trái đạn M-79 đeo quanh người, tôi ôm bả vai em và hỏi:

Xem thêm:   Dưới bóng thị thơm

“Ðây có phải là khẩu súng của em ngày trước không?” Vì tôi biết Phòng 7 chưa có  cấp M-18.

“Dạ phải, từ ngày em nghe lời khuyên của anh, em theo ông Ralph Treadway trở lại trường học, tất cả đồ nghề này em tháo rời ra bỏ vào balô mang theo vào trong trường nội trú luôn.” Sau câu nói, em ngước mặt lên trời lắc đầu buông tiếng thở dài, khuôn mặt trở nên buồn bã. Nắm cánh tay, tôi đứng lại nhìn thẳng vào đôi mắt em tôi hỏi:

“Có chuyện gì sao em buồn quá vậy?” Nhìn tôi, em nở nụ cười buồn rồi nói:

“Cũng không có gì đáng để phải nhớ, nhưng những tháng ngày được ông Ralph cưu mang cho trở lại trường học, em cảm thấy tâm hồn mình thật sự bị tổn thương, có nhiều lúc em chỉ muốn về Nha Kỹ Thuật trình diện rồi trở lại chiến trường hôm sớm cùng anh em vào sanh ra tử, chỉ có nơi đó mới thật sự là gia đình và cuộc sống của em.” Tôi cắn chặt hàm răng để ghìm cơn xúc động, cảm giác đôi mắt mình cay cay như chính mình bị tổn thương vậy. Rồi bỗng dưng em vỗ vào lưng tôi cất tiếng nói: “Nhưng thôi chuyện dài lắm, khi nào có dịp em sẽ kể cho anh nghe, anh Hiếu ạ… Cứ theo như lệ cũ, anh chỉ huy toán không có gì thay đổi.” Tôi định lên tiếng, thì em cầm lấy bàn tay tôi em nói:

“Bỏ cái tờ quyết định đó, nghe lời em đi, anh chỉ nói với anh em, kể cả anh Sơn là từ nay em là thành viên của toán, chỉ vậy thôi, còn khi có chỉ thị của cấp trên thì hai anh em mình bàn với nhau mà thi hành, sống tới đâu tính tới đó… Hai anh em mình là một mà, có phải không anh?” Tôi cảm động lắm, quàng tay qua ôm lấy bờ vai em… nghẹn ngào cất tiếng: “Anh cám ơn em.”

Xem thêm:   Coi chừng cướp!!!

Trên thực tế, toán Lôi Hổ nhận lệnh trực tiếp của phòng 7 để hành sự, vì có máy riêng để liên lạc nhận lệnh, báo cáo v.v. Còn về Tiểu Ðoàn thì hỗ trợ cho toán chúng tôi về lương thực, vũ khí đạn dược, quân trang… khi chúng tôi cần và toán chúng tôi nhận lương hàng tháng được gởi về tại Bộ chỉ huy Tiểu Ðoàn. Những khi cần thì Tham mưu trưởng Tiểu Ðoàn đề nghị toán chúng tôi phối hợp… Còn một điều quan trọng nữa là, đi về phố chơi, ngày trước tôi và Sơn biệt phái cho toán Biệt Kích nên khi em Bình cho về phố chơi bao lâu cũng được vì có em đi theo, nhưng bây giờ thì có chút thay đổi, nếu muốn đi đâu trong vòng 48 giờ phải có “sự vụ lệnh” hay giấy phép do Phó hay Tham mưu trưởng Tiểu đoàn trở lên cấp mới được, chứ về phố ăn nhậu say xỉn không khéo Quân Cảnh hốt thì phiền phức lắm. Chỉ đề phòng như vậy thôi, nhưng chuyện đó gần cả chục năm nay chưa bao giờ xảy ra đối với toán Lôi Hổ của chúng tôi. Quân Cảnh họ cũng thông cảm nên khi chúng tôi về phố chưa một lần bị hỏi giấy tờ hay làm khó dễ.

Bảo Huân

Ngày tháng trôi qua, 12 anh em chúng tôi sống bên nhau ở vùng biên giới sông Thạch Hãn này, thay đổi nhau cứ 6 người đi hành quân nắm tình hình cùng trinh sát của tiểu đoàn thì Sơn chỉ huy, còn lại 6 người trong toán của tôi và em Bình thì đi kích ban đêm, cứ vậy thay đổi nhau mà đi…

Tháng 12 năm 1974 trước Nô-en mười ngày, em Bình hỏi tôi:

“Bao lâu rồi anh không có đi phép?” Tôi trợn mắt nhìn em có chút ngạc nhiên vì khi không thằng em mình lại hỏi chuyện phép tắc để làm gì, vì thật sự 6 năm rồi từ ngày ra biên giới Gio Linh cho đến nay tôi chưa bao giờ xin cấp giấy để đi phép. Ngồi xích lại bên em, tôi nói:

Xem thêm:   "Neil đã về trại chưa?"

“Sáu năm rồi anh chưa bao giờ chính thức được đi phép.” Em gật gật nhìn tôi hỏi:

“Anh có muốn cùng toán mình nghỉ phép một tuần về Sài Gòn nghỉ xả hơi không?” Tôi đứng bật dậy há hốc mồm nhìn em tôi nói:

“Vài ba đứa thì có khả năng, chứ nguyên hai toán 12 đứa thì không thể nào được.”

“Em biết, nhưng mình chỉ đi 4 người thôi, sau khi mình về thì 4 anh em khác đi. Toán mình có 12 người chia làm 3 mà đi.” Tôi gật đầu ưng thuận ngay. Vậy là tối hôm đó em Bình lên gặp chỉ huy trưởng tiểu đoàn lấy sự vụ lệnh 4 người, tôi, em Bình, Sơn và thằng Sang về Sài Gòn. Sáng hôm đó cũng thật là may mắn, anh em tôi vào phi trường Phú Bài thì quá giang được chiếc C-130 về đến Long Bình – Biên Hòa, sau đó được ông Thiếu Tá bên Quân Cụ cho quá giang xe về Sài Gòn. Trên đoạn đường từ Long Bình về Sài Gòn, qua chuyện trò, ông Thiếu Tá Dương Ðình Ổn biết được 4 anh em chúng tôi là lính biên giới, lần đầu tiên được đi phép về Sài Gòn, ông rất là thông cảm, ông mời anh em chúng tôi vào nhà hàng ăn cơm chiều rồi ông chở chúng tôi đến 83 Lê Văn Duyệt mới chia tay. Ðây là địa chỉ mà em Bình nhờ ông Thiếu Tá Ổn chở đến, tôi hỏi em:

“Ðây là ở đâu vậy em?”

(còn tiếp) 

Kỳ tới – kỳ 25

Cuộc đời của người lính biệt kích không chỉ đối diện với địch quân trong rừng sâu núi thẳm, mà có khi chạm mặt với cả du đãng đời thường…

(bạn có thể xem phần cũ tại: https://baotreonline.com/van-hoc/truyen-ngan/con-no-chu-mot-doi.baotre)