Trong Chương 22 Trung tá Tameichi Hara bàn về Lưu Bang và Hàn Tín, là hai nhân vật quen thuộc với dân Việt qua Hán Sở Tranh Hùng. Khác phương Đông xem nghệ thuật chỉ huy còn tùy thuộc thiên mệnh, phương Tây khái quát nghệ thuật này vào ba chữ: Prévoir (Dự trù), Ordonner (Ra lệnh) và Contrôler (Kiểm soát). Dự trù: tức phải có tầm nhìn xa. Ra lệnh: không duy nhất là ban lệnh mà phải biết tổ chức, sắp đặt và thực thi từng bước của kế hoạch. Kiểm soát: Là hiện diện nhưng cần hệ thống hóa để có thể theo dõi xuyên suốt và điều phối vận hành. Ba khái niệm này, về sau được Henri Fayol ứng dụng trong lý thuyết Quản trị Kinh doanh và Frederick Taylor áp dụng trong The Principles of Scientific Management. [Trần Vũ]

Chương XXII

Tôi bắt đầu cảm thấy rã rời sau suốt một ngày một đêm chiến đấu không ngừng nghỉ. Tôi định đi nằm thì sỹ quan truyền tin của tôi cho biết hàng không mẫu hạm Shokaku (Tường Hạc), tức soái hạm của Nagumo, gởi một công điện đến Amatsukaze: “Phó Ðô đốc Nagumo chỉ thị cho Trung tá Hara tiếp cứu hai phi công của hàng không mẫu hạm Zuikaku (Thụy Hạc) bắt buộc phải đáp xuống biển. Thi hành lập tức tại vị trí KI.N21.”

Tôi vội vã trả lời: “Trung tá Hara gởi Ðô đốc Nagumo. Amatsukaze cấp cứu ngay các phi công của Zuikaku.”

Quay sang hải đồ, tôi thấy tọa độ KI.N21 cách 98 dặm chánh Nam vị trí hiện thời của tôi, và tọa độ này nằm sâu trong khu vực của US Task Force 60 dặm. Sở dĩ tôi biết được khu vực của địch là do tin tức đưa đến vào lúc chiếc Ryujo đang chìm. Nhưng lịnh là lịnh, và nhiệm vụ quá cấp bách không thể chần chờ. Cơn buồn ngủ tiêu tan, tôi triệu tập ngay bộ tham mưu để bàn thảo.

Chúng tôi không thể để một sai lầm nhỏ nào xảy ra trong nhiệm vụ này. Tôi không dám chắc tọa độ cho có chánh xác hay không, nhưng nếu có một sai chạy nào thì công việc giải cứu của chúng tôi vô vọng.

Phó Ðô đốc Nagumo đã đặc biệt chọn tôi thi hành nhiệm vụ này, tôi biết ông đặt nhiều hy vọng vào tôi. Tôi quyết định không để ông thất vọng. Chúng tôi đang hút đầu vào miệng cọp, nhưng các thuộc cấp của tôi lại tỏ ra hăng hái thích thú, khiến tôi cũng phấn kích.

Chạy với tốc độ 24 hải lý, bốn tiếng đồng hồ sau chúng tôi có mặt trên khu vực phỏng định. Tôi ra lịnh giảm tốc độ xuống chỉ còn 6 hải lý. Ðêm không một vì sao. Chúng tôi hải hành nhắm chừng bằng mắt. Khi Thiếu úy Hideo Shoji báo cáo chúng tôi đang ở ngay trên tọa độ, tôi gọi tất cả thủy thủ nào không bận việc lên boong để quan sát, và tôi tuyên bố là ai phát hiện trước tiên, người đó sẽ được thưởng. Mọi người hưởng ứng nồng nhiệt.

Tôi nghĩ nếu hai phi công Nhựt rơi xuống khu vực này thì phi công địch cũng có thể rơi xuống, và họ cũng đang được đồng bọn tìm kiếm. Do đó, dù trời tối đen như mực tôi cũng không cho sử dụng đèn rọi, vì khu trục hạm lúc đó chỉ chạy có 6 hải lý một giờ, tiềm thủy đĩnh địch có thể phát hiện ánh đèn và tấn công chúng tôi.

Sau hơn một giờ tìm kiếm vô vọng, tôi lo ngại thiếu nhiên liệu. Hơn nữa, chiếc Amatsukaze của tôi đã tiêu thụ quá nhiều nhiên liệu trong nhiệm vụ chim mồi vừa qua và cần phải dự trữ để quay về Rabaul cách xa đây 500 dặm. Ðể cho công tác mau lẹ, tôi ra lịnh bật đèn rọi nhỏ. Vài phút sau, một thủy thủ bỗng la lên: “Một vật nổi ở hữu mạn! Giống một cái chai!” Tôi nghiêng hẳn mình ra ngoài đài chỉ huy và nhìn thấy cái chai loáng thoáng qua ánh đèn, tôi nói: “Ðúng rồi, họ ở gần đây chứ không xa.” Tôi cho bật đèn hiệu tên chiếc tàu của hai viên phi công: “Zuikaku! Zuikaku!” Ðèn rọi lặp lại: “Zuikaku! Zuikaku!”

Xem thêm:   Duy Trần - Nhà sản xuất phía sau Chương Trình “Dòng Chuyển của Âm Thanh”

Nửa giờ trôi qua, bình minh sắp đến, vào lúc hy vọng sắp tan tôi bỗng thấy một đốm sáng thật nhỏ chợt lóe lên ở phía trái mạn tàu cách khoảng 2,000 thước. Ðốm sáng lại lóe lên một lần nữa rồi tắt hẳn, nhưng tôi đã xác định được vị trí. Chiếc tàu tiến thẳng đến, và tôi cho thả một chiếc xuồng xuống khi nhìn thấy hai người đang bám vào một cái phao. Thiếu úy Hideo Shoji cầm đầu xuồng cấp cứu. Khi xuồng còn cách phao 50 thước, Shoji báo cáo rằng hai người bám phao này giống… người Mỹ.

Tôi quan sát bằng ống dòm và thấy đúng như lời Shoji, nhưng tôi ra lịnh: “Người gì cũng mặc, hãy cứu cái đã.”

Tôi nao núng, nếu đây là hai lính Mỹ thì công cuộc tìm kiếm của phe họ cũng quanh quẩn đâu đây. Nhưng tôi đã quyết tâm thi hành nhiệm vụ, cho dù kéo dài đến bình minh đi nữa. Khi xuồng cấp cứu vớt hai người dưới nước lên và báo cáo cho biết đây là hai phi công Nhựt mà chúng tôi tìm kiếm, bấy giờ tôi mới thở phào nhẹ nhõm.

Sau khi tất cả lên tàu, chúng tôi hướng về phía Bắc với tốc độ 24 hải lý, và tôi ngả lưng lần đầu tiên sau nhiều giờ căng thẳng. Công cuộc giải cứu hoàn toàn thành công.

Mặt khác, cuộc hành quân chim mồi của chúng tôi dù gặp vận xấu ở phút cuối cùng, nhưng chưa hẳn là một thất bại. Sự hy sinh của Ryujo đã đánh lạc hướng địch quân, không chú tâm vào lực lượng chánh của Nhựt Bản, và cho phép Phó Ðô đốc Nagumo tập trung đầy đủ sức mạnh không quân của ông để chống lại hàng không mẫu hạm Enterprise và Saratoga của Hoa Kỳ. Nhưng chiếc Enterprise chỉ bị hư hại, nó được sửa chữa và hoạt động lại trong vòng hai tháng, trong khi đó hàng không mẫu hạm nhẹ Ryujo bị đánh chìm hẳn. Nếu có thất bại là thất bại ở điểm này.

Mặt khác, các phi đội hải quân Hoa Kỳ đã oanh tạc các tàu chuyển vận Chiến đoàn Sendai của Ðại tá Ichiki và gây hư hại cho tuần dương hạm nhẹ Jintsu, soái hạm của phân đội khu trục hạm hộ tống. Cùng lúc 6 khu trục hạm Nhựt tiến sát vào Guadalcanal và pháo kích dữ dội lên đảo này suốt đêm, nhưng sáng hôm sau các pháo đài bay B17 của Hoa Kỳ bay đến và gây xáo trộn cho các chiến hạm Nhựt nhiều tiếng đồng hồ. Ðoàn tàu chuyển vận thoát được đến Bougainville, nhưng khu trục hạm Mutsuki và dương vận hạm Kinryu Maru bị đánh chìm. Trong lúc đó, đoàn tàu chuyển quân của tướng Kawaguchi nhận thấy khó đi suôn sẻ nên đã quay về Truk.

Vì vậy, toàn thể cuộc phản công lần thứ nhì của Nhựt ở quần đảo Solomon kết thúc với sự thất bại trên cả hai phương diện chiến thuật và chiến lược. Và việc này đã chứng minh quyết định của Yamamoto là sai lầm.

Hai ngày sau cuộc hành quân, Bộ Tư Lịnh Tối Cao Hoàng gia đưa ra một thông cáo chung. Theo đó, trong trận đánh kéo dài từ 23 đến 25 tháng 8, Nhựt Bản đã gây thiệt hại nặng nề cho địch, đánh đắm một hàng không mẫu hạm lớn và một hàng không mẫu hạm hạng trung, cùng với một thiết giáp hạm của Hoa Kỳ. Phía Nhựt chỉ bị đánh chìm một khu trục hạm và một hàng không mẫu hạm nhỏ hư hại nặng.

Xem thêm:   Trên lưng trời

Về phía Hoa Kỳ, một công bố cho biết các phi cơ của họ đánh chìm một hàng không mẫu hạm, gây thiệt hại cho một tuần dương hạm và một khu trục hạm Nhựt. Công bố cũng nói đến việc hàng không mẫu hạm Enterprise bị hư hại, nhưng bù lại phi cơ của hải quân Hoa Kỳ cũng đã đánh chìm một thiết giáp hạm và hai khu trục hạm nhỏ của Nhựt.

Chiếc Ryujo đã chìm ngay trước mắt tôi, nhưng không còn chiếc tàu nào khác thuộc lực lượng chim mồi của chúng tôi bị đánh chìm, ngay cả một vết đạn cũng không. Có lẽ phi công Hoa Kỳ đã báo cáo lầm chiếc tàu chuyển vận Kinryu Maru thành ra một thiết giáp hạm và khu trục hạm Mutsuki thành ra một tuần dương hạm. Từ đó trở về sau tôi không còn tin vào các công bố liên quân đến cuộc chiến, kể cả hai phía Nhựt và Ðồng Minh.

Khi khu trục hạm Amatsukaze kết hợp với Lực lượng Ðặc nhiệm của Nagumo, ngày 25 tháng 8, tôi nhận được một mạng lịnh mới đầy thích thú, gởi đến từ hàng không mẫu hạm Shokaku.

“Ðô đốc Nagumo thành thật ngợi khen Trung tá Hara đã hoàn thành nhiệm vụ một cách hoàn hảo, và lịnh cho Hara di chuyển lập tức đến Truk để đưa những binh sỹ được cứu lên bờ.”

Một lần nữa, Amatsukaze lại tách rời khỏi hạm đội và đơn thân độc mã đến Truk. Ngày hôm sau, chúng tôi tiến vào hòn đảo san hô này.

Những ngày này trong tôi đầy suy gẫm nhưng phải đến sau chiến tranh tôi mới đúc kết hết suy nghĩ của mình.

Xưa, Lưu Bang (Liu Pang) đánh Ðông dẹp Bắc và khai sáng triều đại nhà Hán vào năm 202 trước Thiên Chúa. Sau khi lên ngôi, một hôm Lưu Bang hỏi nguyên soái của ông là Hàn Tín (Han Tsin): “Nhà ngươi nghĩ sức trẫm có thể cầm được bao nhiêu quân?” Hàn Tín đáp: “Theo hạ thần nghĩ, bệ hạ chỉ có thể điều động một đạo quân vài ba chục ngàn người mà thôi.” Lưu Bang hỏi: “Còn sức của nhà ngươi thì sao?” Hàn Tín đáp: “Nhiều quân chừng nào hạ thần càng điều động hữu hiệu nhiều chừng ấy.” Lưu Bang cười: “Vậy tại sao trẫm làm hoàng đế còn nhà ngươi chỉ là một vị tướng dưới trướng?” Hàn Tín đáp: “Ðó là do mạng trời, bệ hạ sanh ra là để chỉ huy những người chỉ huy.”

Hán Cao Tổ Lưu Bang

Lưu Bang là một trong những vị vua vĩ đại nhứt, còn Hàn Tín là một trong những vị tướng tài ba và nổi tiếng nhứt lịch sử Trung Hoa. Trong thời Ðệ Nhị Thế Chiến nhiều vị đô đốc cũng tài ba và gây được tiếng tăm như thế. Ðô đốc Isoroku Yamamoto của Nhựt là một. Ông là nhân vật tài ba, nhưng tôi nhận thấy tiếng tăm của ông có vẻ phóng đại hơn là những gì mà ông đáng được hưởng thực sự. Tôi không có ý so sánh ông với Lưu Bang, nhưng cả hai có nhiều điểm chung.

Mặc dù kết thúc cuộc chiến Thái Bình Dương, tuy bại trận một cách đau đớn, Nhựt vẫn xem Yamamoto như một vị anh hùng. Sau chiến tranh, biết bao nhiêu chỉ trích nhắm vào các tư lịnh hải quân và lục quân  nhưng riêng Yamamoto không hề bị đá động tới. Nếu những nhận xét của tôi về Yamamoto có vẻ nghiêm khắc, thì chẳng qua tôi chỉ nhận xét theo công tâm. Ðây có lẽ là lần đầu tiên một quân nhân Nhựt viết ra sự thật tất cả những gì mà người khác đã tránh né.

Xem thêm:   Hoàng hậu cà phê hủ tiếu

Ðối với tôi, Thủy sư Ðô đốc Yamamoto là một người sanh ra để chỉ huy những người chỉ huy, và trên phương diện này sự kính trọng phải được dành cho ông. Nhưng như Lưu Bang, ông không có khả năng điều động hàng mấy ngàn chiếc tàu và hàng mấy trăm ngàn thủy thủ dưới tay một cách hữu hiệu. Chọn ông để cầm đầu Hạm đội Hỗn hợp, nghĩa là cầm đầu toàn thể thủy lực của Nhựt trên mặt trận Thái Bình Dương, là một lựa chọn bi thảm.

Nhiều đồng nghiệp của tôi đều tin rằng Yamamoto sẽ là một vị bộ trưởng hải quân lý tưởng nhứt, và có nhiều cuộc vận động trong hàng ngũ sỹ quan Hải quân Nhựt để đưa ông lên chức vụ này. Và theo ý kiến họ, Ðô đốc Mitsumasa Yonai mới xứng hợp với chức vụ Tổng Tư lịnh Hạm đội Hỗn hợp. Nhưng cuộc vận động này thất bại, vì Mitsumasa Yonai, một nhân vật chống đối chiến tranh mạnh mẽ, đã từ chối. Ông đã nói: “Tôi không phải là một Ðô đốc thời chiến, do đó tôi sẽ gây “nguy hại” cho những gì mà Lục quân đang theo đuổi. Hơn nữa, nếu một người cứng đầu như Yamamoto mà trở thành bộ trưởng hải quân, không sớm thì muộn ông ta sẽ bị nhóm cuồng tín sát hại.”

Lục quân Nhựt là binh chủng gây rắc rối nhiều nhứt. Khi chiến tranh bắt đầu, Nội Các Nhựt dưới quyền của Ðại tướng Lục quân Hideki Tojo, bộ trưởng hải quân là Ðô đốc Shigetaro Shimada chỉ là một anh hề của Tojo. Tổng tham mưu trưởng Hải quân, Ðô đốc Osami Nagano, lại không đủ mạnh để chống đối các kế hoạch của Lục quân. Nếu muốn chỉ trích những gì mà Yamamoto đã làm hoặc không làm, không thể quên hoàn cảnh cùng thời thế khi đó. Nhưng so với các yếu tố vừa nêu, trong sự kính trọng khả năng có thật của họ, tôi bắt buộc phải so sánh.

Trong suốt cuộc đời binh nghiệp, Yamamoto nổi tiếng là một tay “đỏ đen” vào hàng siêu đẳng. Bất cứ trò chơi nào, ông cũng đều vượt trội, nhứt là đánh xì-phé. Quyết định tấn công Trân Châu Cảng là một ván bài vĩ đại nhứt của ông, gây tối tăm mặt mũi cho một đối thủ tiền rừng bạc biển. Tuy nhiên có một điều lạ, là khác với một tay đỏ đen thật sự, Yamamoto không bao giờ lặp lại “canh bạc xả láng Trân Châu Cảng” một lần nào nữa. Các bài học ở biển San Hô cũng không được ông mang ra áp dụng lại ở trận Midway, trận đánh mà Yamamoto đã hành động một cách sai lầm, là chia lực lượng của ông ra nhiều mục tiêu nhỏ mà không dồn hết nỗ lực vào mục tiêu quyết định. Sau này, Yamamoto lại cứ mãi bận tâm với vấn đề bảo toàn lực lượng. Yamamoto, thực sự không phải là Hàn Tín.

Tuần sau:  Chương XXIII

Chuẩn bị Phản công

Tameichi Hara, Đông Kinh 1958

Bản Anh ngữ Japanese Destroyer Captain, Fred Saito & Roger Pineau, 1960

Bản dịch Nguyễn Nhược Nghiễm, Sàigòn 1974

Trần Vũ hiệu đính từ bản dịch Les Torpilleurs du Soleil Levant, René Jouan, 1962

Minh họa từ trang World of Warships