Saburo Sakai sinh ngày 25 tháng 8 năm 1916 và mất ngày 22 tháng 9 năm 2000, thọ 84 tuổi. Sau đầu hàng Sakai và Hatsuyo sống trong khổ cực bằng lao động tay chân vì Sakai không được nhận bất kỳ hưu bổng hay trợ cấp thương phế binh nào từ chính quyền chiếm đóng của McArthur; Sakai cũng bị từ chối tất cả mọi công việc thuộc phạm vi công chức. Hai năm sau đầu hàng, Hatsuyo, mối tình đầu của Sakai chết năm 1947 vì bệnh lao, chứng bệnh của suy dinh dưỡng hãy còn một trong tứ chứng nan y. Mười năm sau Sakai tục huyền với Haru và sinh hai con nhưng cho đến khi chết, Sakai chỉ nhắc đến Hatsuyo là người đã chiếm trọn trái tim Sakai. Từ 1952 Sakai trở thành khách mời danh dự của US NAVY và thường xuyên tham gia các Liên hội của Không quân Hoa Kỳ. Nhiều lần được mời tham gia Tân Không lực Nhật Bản, Sakai đều từ chối vì như ông viết: “Tôi không muốn tái ngũ với nhiều quá khứ . Không, tôi chưa bao giờ quên những động tác phi hành. Nếu nước Nhật còn cần đến tôi, nếu một ngày nào đó tổ quốc này bị Cộng Sản đe dọa, thì tôi sẽ đáp lại lời động viên.”

Martin Cadin là một tác giả chuyên về lĩnh vực không quân, từng nổi tiếng với tác phẩm viết về hàng không mẫu hạm Nimitz (The Final Countdown) quay thành phim năm 1980. Vào năm 1956 Martin Caidin đến Đông Kinh, cùng với Fred Saito tra cứu tập tư liệu đồ sộ của Sakai ghi chép trong suốt cuộc chiến, và sau rất nhiều các buổi phỏng vấn mỗi chiều, hoàn tất tập Samurai trong phiên bản Anh văn, sau kiểm tra văn khố của Tổng Hành dinh Nhật Bản cùng hồi ký của nhiều sĩ quan Nhật khác rồi đối chiếu với tài liệu của Bộ quốc phòng Hoa Kỳ. Là những điều Caidin trình bày trong Lời Bạt.

Với riêng cá nhân tôi, mỗi khi đọc lại Samurai vẫn là một câu hỏi: Nếu nước Việt Nam ở vào đầu thập niên 40 đã hùng mạnh như đế quốc Nhật Bản và Hoàng đế Bảo Đại là một Thiên hoàng xuống chiếu khai trận, chúng ta sẽ lên đường hay không? Ngàn lần đặt câu hỏi, ngàn lần phân vân. Lý trí phát vang: That’s the wrong way! Nhưng lòng ái quốc kêu gào: Nếu không có tham vọng thì một tiểu quốc không bao giờ trở thành đế quốc. Cho đến tiền bán thế kỷ 20 các đế quốc xâm chiếm thuộc địa và đánh lẫn nhau không có một biên cương đạo đức nào. Ngàn lần tự đặt câu hỏi, ngàn lần vang lời giảng dạy của các sư huynh trường Lasan: “Các em ráng học sau này giúp nước hùng cường mở mang bờ cõi.” [Trần Vũ]

Nguyễn Nhược Nghiễm dịch thuật

Nhiều kỳ – Kỳ 38

Final Version

Lời Bạt của Martin Caidin

Saburo Sakai đã trở thành một huyền thoại “sống” ở Nhật Bản trong suốt thời Ðệ Nhị Thế Chiến. Khắp nơi, các phi công Nhật Bản đã nói đến những chiến công không thể tưởng tượng được của Sakai với tất cả sự nể phục.

Sakai đã hưởng một tăm tiếng khác thường mà tất cả những phi công chiến đấu hằng ôm ấp trong lòng. Giữa các phi công Nhật Bản bắn rơi trên mười phi cơ địch, Saburo Sakai là phi công duy nhất chưa bao giờ để mất một đồng đội nào bay bên cánh với anh trong khi chiến đấu. Ðó là điều đáng kinh ngạc đối với một người đã từng tham dự hơn 200 trận không chiến, và việc này đã giải thích tại sao sự ganh đua ráo riết nhiều khi xảy ra xung đột giữa những phi công khác để giành bay cho được ở vị trí kề cận bên anh.

Nhân viên bảo trì cho phi cơ Sakai tâng bốc anh không tiếc lời. Một chuyên viên cơ khí sẽ lấy làm hãnh diện khi được chỉ định săn sóc cho chiếc chiến đấu cơ Zéro của Sakai. Theo lời những nhân viên dưới đất, trong suốt hơn 200 phi vụ chiến đấu, Sakai khéo léo đến nỗi chưa bao giờ phải thực hiện 2 lần đáp, chưa bao giờ để cho phi cơ lật nhào hoặc va chạm cho dù phải đáp xuống trong đêm, người mang đầy thương tích và phi cơ bị hư hại nặng nề.

Saburo Sakai tại Liên hội Không quân Hoa Kỳ trước chiếc đấu cơ Zéro    

Saburo Sakai nhận lãnh những vết thương trầm trọng trong trận không chiến ở Guadalcanal vào tháng 8 năm 1942. Anh đã cố gắng hết sức để đưa chiếc chiến đấu cơ què quặt trở về Rabaul, với các vết thương gây tê liệt cho cánh tay trái và chân trái, với con mắt bên mặt mù hẳn và con mắt trái chỉ thấy lờ mờ, với những mảnh kim loại ghim vào ngực và lưng, và với 2 mảnh đạn đại liên 12.7 mm chui vào nằm trong hộp sọ của anh. Hai vết thương sau cùng này là một trong những thiên anh hùng ca trên không vĩ đại nhất, một biến cố mà tôi tin rằng sẽ trở thành một huyền thoại giữa các phi công khu trục.

Xem thêm:   Trên lưng trời

Hai vết thương này đã quá đầy đủ để chấm dứt những ngày chiến đấu của bất cứ ai. Hãy hỏi bất kỳ một cựu phi công khu trục nào đã từng gặp những khó khăn kinh khiếp, xem họ có bao giờ lâm trận chỉ với một con mắt hay không? Nhứt là khi viên phi công một mắt đó phải quay lại chiến đấu trong một chiến đấu cơ Zéro cổ lỗ để chống lại những chiếc Hellcat tối tân và siêu đẳng của Hoa Kỳ vừa đưa vào sử dụng.

Sau những tháng dài dằng dặc oằn oại đau đớn cả thể xác lẫn tinh thần, giữa lúc hy vọng trở lại với tình yêu đầu, tức không gian bao la kia, đã tắt hẳn. Một lần nữa Sakai lại bước vào trận chiến. Không chỉ lấy lại phong độ khéo léo của ngày trước, nhưng anh còn hạ thêm bốn chiến đấu cơ địch nữa nâng tổng số lên 64 phi cơ Ðồng Minh bị anh hạ (28 chiến thắng khác của Sakai không được ghi nhận vì thiếu nhân chứng).

Saburo Sakai khi còn là thủy binh

Hatsuyo vào lúc tấm bé

và khi thành hôn với Sakai.

Người đọc chắc hẳn sẽ ngạc nhiên khi biết được rằng cho đến cuối năm 1944, Saburo Sakai chưa bao giờ nhận bất kỳ một loại huy chương hoặc tuyên dương công trạng nào do chính phủ của anh ban tặng. Những loại ban tặng nầy, người Nhật chưa hề biết đến. Công trạng chỉ được thừa nhận sau khi một người đã nằm xuống. Trong khi những phi công giỏi hạ trên 10 phi cơ địch của các quốc gia khác, bao gồm cả Hoa Kỳ, trên ngực họ sẽ lòe loẹt hết dãy huy chương nầy đến dãy huy chương khác và kèn trống rình rang mỗi khi được ban tặng. Sakai và những phi công đồng đội thực hiện các phi vụ chiến đấu không biết bao nhiêu lần mà họ vẫn chưa từng được nếm mùi sự thừa nhận công khai như vậy. Phải đến khi Nhật Bản kiệt quệ và cần chống nạng cho những trận chiến cuối, để nâng cao tinh thần binh sĩ, Hải quân mới thừa nhận chiến tích của Sakai. Một tuyên dương ở phút cuối cùng cuộc chiến. Sakai không lấy đó làm hãnh diện mà giận dữ cho những đồng đội của anh đã gục ngã không một ân hưởng.

Lần đầu tiên, mười hai năm sau cuộc chiến, cuộc đời của Saburo Sakai cung cấp cho người đọc một sự hiểu biết cặn kẽ về phía “đối phương”. Sakai tiêu biểu cho một lớp người Nhật mà chúng ta ít biết hoặc chưa từng biết đến. Ðây là những Samurai võ sĩ đạo lừng lẫy, những chiến sĩ thiện nghệ, bỏ cả một đời để phục vụ cho xứ sở họ. Lấy cái chết làm bản mệnh. Thế giới của họ cách biệt hẳn với thế giới của chính dân tộc họ. Các Samurai xem cái chết nhẹ tựa lông hồng, không phải là lời nói ngoa. Bây giờ, lần đầu tiên, chúng ta sẽ có thể nghe được suy tư, cảm xúc và xúc động của những người đã từng chĩa “mũi dùi Nhật Bản” vào không trung ấy.

Trong lúc thực hiện quyển sách này, tôi có được sự may mắn đàm luận với nhiều người bạn Hoa Kỳ trong số những người đã từng lái chiến đấu cơ tham dự mặt trận Thái Bình Dương trong thời Ðệ Nhị Thế Chiến. Những người này đã nhìn các phi công chiến đấu Nhật Bản, địch thủ của họ, như là một thực thể khó hiểu. Họ không bao giờ nghĩ các phi công chiến đấu Nhật là một con người đúng nghĩa của nó, mà là một cái gì xa lạ và khác biệt đối với họ. Chẳng hạn như Saburo Sakai! Những kẻ đã đem trận chiến trên không ở Thái Bình Dương vào một phối cảnh mới. Các nỗ lực tuyên truyền thời chiến của Hoa Kỳ đã bóp méo hình ảnh người phi công Nhật, biến họ thành một bức hoạt kê khó chấp nhận được. Nội dung của bức hoạt kê này là mô tả một kẻ sẩy chân từ trên không trung xuống với đôi mắt kèm nhèm, và hắn ta sở dĩ còn lơ lửng được là nhờ ơn trời.

Xem thêm:   2 người thợ săn

Thái độ khinh thường này là một thái độ nguy hiểm. Saburo Sakai là một thiên tài bậc nhất trên không, không thua gì các phi công tài ba nào của bất kỳ quốc gia nào. Anh luôn luôn phải được xếp vào hàng những phi công vĩ đại nhứt mọi thời đại. 64 phi cơ đã rơi trước họng súng của Sakai. Tiếng chuông báo tử sẽ gõ nhiều hơn nữa, nếu Sakai không nhận lãnh những vết thương trầm trọng. Hành vi và lòng can đảm của các phi công Hoa Kỳ được mang ra thử thách trong suốt Ðệ Nhị Thế Chiến không cần đòi hỏi sự biện giải. Chúng ta, người Mỹ, cũng có sự vĩ đại và tầm thường của chúng ta. Tuy nhiên, rất nhiều trong số những chiến thắng trên không của chúng ta được ghi vào tài liệu cũng chỉ dựa trên giấy tờ.

Chẳng hạn như câu chuyện phi thường của Ðại úy Colin P. Kelly Jr., người đọc sẽ không tìm thấy một mảy may hứng thú nào trong câu chuyện kể của Sakai về cái chết của Kelly vào ngày 10 tháng 12 năm 1941 trong quyển sách này. Chính Sakai là người đã bắn hạ Colin Kelly.

Theo câu chuyện về cái chết của Kelly trước đó: ông đã tấn công và đánh chìm thiết giáp hạm Haruna, ông đã tả xung hữu đột mở lối xuyên qua một nhóm chiến đấu cơ đối phương, ông đã tự sát bằng cách bổ nhào xuống một chiến hạm địch, ông đã được truy tặng Huân chương Danh dự của Quốc Hội Hoa Kỳ. Nhưng tất cả chỉ là một câu chuyện sai lầm. Tại vì sự quan sát chiến trường không chính xác hoặc tại vì nôn nóng muốn tìm cho ra một vị “anh hùng” sau trận Trân Châu Cảng của dân chúng Hoa Kỳ?

Sakai và con cháu

Vào lúc mà Thiết giáp hạm Haruna được báo cáo bị đánh chìm, nó đang ở phía khác của biển Nam Hải, đảm trách nhiệm vụ yểm trợ cho mặt trận Mã Lai Á. Không có một thiết giáp hạm nào của Nhật ở quần đảo Phi Luật Tân. Chiến hạm mà Kelly đã tấn công nhưng không đánh chìm, theo Sakai và các phi công Nhật bay bao che trên chiến hạm này là một tuần dương hạm hạng nhẹ 4000 tấn. Sau khi tấn công, Kelly rời khu vực trước khi các phi cơ Nhật phát hiện và truy đuổi. Ông không cho phi cơ bổ nhào xuống nhưng vừa trốn chạy vừa thả bom từ cao độ 22,000 bộ và sau đó bị Saburo Sakai bắn rơi gần phi trường Clark ở Phi Luật Tân. Kelly được truy tặng, không phải là Huân chương Danh dự của Quốc Hội Hoa Kỳ mà là huy chương Chiến Công Bội Tinh.

Ðể bổ túc đầy đủ thành tích và câu chuyện của Saburo Sakai, trong vòng một năm Fred Saito đã gặp Sakai mỗi cuối tuần, để khai quật quá khứ chiến đấu của một phi công đại tài Nhật Bản, hiện nay vẫn còn sống ngay sau chiến tranh, Sakai đã sắp xếp lại tập ghi chép đồ sộ của mình về những kinh nghiệm mà anh đã trải qua. Tập ghi chép này, cộng thêm hàng ngàn câu hỏi được đặt ra bởi Saito, một thông tín viên tài ba và kinh nghiệm của Associated Press đã làm sống lại câu chuyện riêng của Sakai.

Xem thêm:   Truyện tranh Hoa Kỳ về Chiến tranh Việt Nam

Sau đó, Saito đã tìm tòi lục lọi qua hàng ngàn trang hồ sơ của Hải quân Hoàng gia Nhật Bản. Ông đã đi khắp nước Nhật, phỏng vấn nhiều sĩ quan và phi công còn sống sót, để thâu thập những câu chuyện do họ kể lại. Nhằm tạo ra tập tài liệu xác thực này, quân nhân mọi cấp, từ anh binh nhì thuộc nhóm cơ khí viên bảo trì cho đến hàng tướng lãnh và đô đốc đều được hỏi dò. Thật ra, nhiều câu chuyện kể về các trận đánh của Sakai vẫn vấp nhiều thiếu sót, bởi lẽ những hồ sơ chánh thức của Nhật Bản hoặc Hoa Kỳ không thể dùng làm tài liệu được. Do khiếm khuyết ghi nhận tường tận phía Nhật, vì đã không có ban báo chí trong các phi đoàn và không có ban quân sử ở các không đoàn. Phía Hoa Kỳ vì mục đích khoa trương, càng không muốn chứng nhận tài năng của các phi công Nhật vào đầu cuộc chiến.

Martin Caidin

Tài liệu có giá trị đặc biệt là nhật ký chiến đấu của cựu Ðại tá phi công hải quân Masahisa Saito. Ðại tá Saito, Không đoàn trưởng Không đoàn Ðài Nam rồi Chỉ huy trưởng căn cứ tiền tiêu Lae, là cấp chỉ huy của Sakai ở Lae, đã ghi chép tỉ mỉ các biến cố xảy ra trong suốt thời gian ông tham chiến tại khu vực này. Vì đây là một quyển nhật ký cá nhân nên không phải đệ trình lên Tổng Hành Dinh Hoàng Gia, nên các ghi nhận về mất mát, thiệt hại cùng khó khăn khôn lường không bị kiểm duyệt. Fred Saito và tôi xem nó như là một tài liệu đơn độc có giá trị nhất của các cuộc không chiến Thái Bình Dương.

Có một khuyết điểm vào lúc đó, là các sĩ quan Nhật hầu như không báo cáo những khó khăn vấp phải trong khu vực chỉ huy tiền tuyến của họ về Tổng hành dinh hậu phương. Sự kiện đặc biệt thường xảy ra trong hệ thống chỉ huy của Hải quân Hoàng gia. Nhật ký cá nhân của Ðại tá Saito ngược hẳn, đã ghi lại đầy đủ chi tiết con số phi cơ trở về hoặc không trở về từ các phi xuất thực hiện hầu như hàng ngày ở mặt trận New Guinea. Ông cũng ghi lại nhiều cuộc chiến thắng của phi công Hoa Kỳ với sự chứng kiến trực tiếp của ông. Ðại tá Saito vẫn còn sống, và những cuộc phỏng vấn kéo dài với ông đã chứng tỏ sự giá trị của hồi ký của Sakai. Một trùng khớp các con số, sự kiện và hoàn cảnh.

Bản dịch hồi ký Samurai của Nguyễn Nhược Nghiễm

Trung tá phi công hải quân Tadashi Nakajima, nhân vật xuất hiện hầu như trong suốt quyển sách này, hiện thời là một đại tá trong Tân Không lực Nhật Bản. Qua nhiều cuộc tiếp xúc với Ðại tá Nakajima, ông đã cung cấp cho chúng tôi nhiều dữ kiện cần thiết nhất. Ðồng thời giúp chúng tôi nhận được sự giúp đỡ lớn lao của Trung tướng Minoru Genda, nguyên là một đại tá phi công hải quân và là người đã chỉ huy Sakai trong giai đoạn cuối cùng của cuộc chiến. Chúng tôi cũng mang ơn Ðại tá Masatake Okumiya hiện thời là giám đốc cơ quan tình báo kiêm tham mưu trưởng hỗn hợp Nhật Bản. Ðại tá Okumiya, một trong những người cộng tác với tôi để viết 2 quyển “Zéro” và “Chiến đấu cơ Zéro”, đã tham dự nhiều trận không chiến hơn bất kỳ sĩ quan Nhật Bản nào khác, và vào năm cuối của cuộc chiến, ông đã chỉ huy cao xạ phòng không nội địa của Nhật Bản. Qua các cố gắng của ông, chúng tôi mới được xem qua những hồ sơ cần thiết trong các văn khố của Bộ Hải quân Hoàng gia trước kia.

Tôi thấy cũng cần phải nói qua thái độ của Sakai đối với đời sống hiện tại của anh, trong tư cách một phi công đại tài nhất của Nhật Bản còn sống sót. Sakai cảm thấy rằng sở dĩ anh còn sống sót trong cuộc bại trận và trong những trận không chiến từ năm 1943 trở về sau đó, chỉ là may mắn. Có nhiều phi công Nhật Bản đại tài khác như: Nishizawa, Ota, Takatsuka, Sasai  v.v. những người đã chiến đấu cho đến khi các trận không chiến quá chênh lệch đã hạ gục họ.

Lá thư của Sakai vào đầu quyển sách, nói lên tinh thần và cá nhân anh.

Martin Caidin

New York, 1956