Nguyễn Mạnh Tuân phóng tác

Cả bọn kéo vào rừng … Nói là kéo vào, nhưng sự thực vạch được lối đi trong đám cây cối rậm rì này chẳng dễ dàng gì. Những bụi gai dày đặc toàn dây mái với găng cao ngang đầu người quật vào mặt, để lại vết lằn đỏ ửng, rồi gai bồ-kết xé toạc cả quần áo… Dưới đất là rêu và lá mục, giẫm sụt như bùn.

Cai Sạo dẫn đường… Gã khoe thông thạo khắp vùng sơn cốc chi chít những rừng rậm này. Họ đi tới hơn giờ đồng hồ, rẽ cây vạch cỏ, ai nấy nhễ nhại mồ hôi. Cai Sạo dừng lại:

– Có thể ta cách chỗ hạ trại tới 5 cây số ngàn… Không khéo tới vùng có khỉ đột đây… Cái giống lạ!… Chỉ thích những nơi rậm rạp nhất… Đằng kia có rừng thưa, lại coi.

Họ tới được khoảng trống có dòng suối trong vắt chảy ngang thì đã gần trưa… Nhưng đó lại chính là chỗ họ cắm trại: thì ra Cai Sạo đã dẫn tất cả quanh một vòng rừng để trở về nơi vừa rời khỏi trước đây hơn giờ đồng hồ!

Gã ngượng lắm, mặt đỏ rừ:

– Không có mặt trời, thành thử chẳng biết đâu mà lần… Rừng thì rậm, tối như bưng lấy mắt, thảm nào!

Hào và Ru bắt đầu ngờ vực tài dẫn đường của Cai Sạo. Hào thì thầm:

– Điệu này, mình phải lo tự túc mất thôi… Theo gã có ngày hết đường về…

Ru chạy vào lều, lấy ra cái la bàn nhỏ như đồng bạc:

– Ta có cái này, lo gì… Ít ra cũng không đến nỗi như thằng mù chạy quàng.

Hào quay lại gã dẫn đường:

– Ông Cai… Chẳng lẽ không có lối mòn của thú rừng băng ngang đây sao?

– Ồ… Thú rừng kể gì… Chúng đi đâu chẳng được, cần gì đường với lối.

Hào lắc đầu… Điều này nhất định gã nói láo. Anh quanh lại ven rừng, lách qua vài bụi gai… R..o..ạ..t!… Một con nai tơ vọt thật nhanh, bốc cao cả mấy thước, mới hạ cẳng xuống đất.

– Với loại nai này, có thể gã nói đúng… Chẳng mấy khi theo đường lối nào… Nhưng còn trâu rừng, dê, voi, tê giác đâu có nhảy qua bờ bụi nhỉ?… Thế nào chúng cũng để lại dấu vết gì chứ?

Hào nghĩ vậy. Anh lần mò trong đám dây leo, gạt những thân tre rũ rượi, những bụi sậy ngang đầu người… Cuối cùng tìm ra được lối mòn đầy vết chân thú rừng: vết móng cạnh sắc như dao của trâu mộng, vết tròn vo bàn chân voi và chi chít dấu chân khác, anh chưa gặp lần nào.

– Như vậy đủ rồi… Mình theo lối này.

Anh vừa toan trở ra thì thằng Lai mò tới; thằng bé người Thượng mới 15, vạm vỡ như người lớn. Anh thuê nó để sai vặt và vác súng… Mới mấy bữa mà nó tỏ ra quý anh lắm, lúc nào cũng quanh quẩn bên cạnh. Sáng nay, không được theo anh, nó rầu quá, ngồi bó gối bên lều, chẳng thiết làm gì.

Nó nhe răng cười, trỏ xuống đất:

– Trông kìa thầy Hai… Có con báo mới qua đây chừng nửa giờ.

Hào thấy gì đâu… Anh biết mình không sao theo kịp dân sơn cước trong việc tìm thú rừng, nên hoàn toàn tin ở nó:

– Coi kỹ xem… Nó nhào xuống là mệt!

Hào nhớ có lần chú Thìn đi săn khỉ bị báo vồ, tưởng chết, nên nghe nói tới báo, anh cẩn thận nâng súng lên vai.

Thằng Lai lắc đầu:

– Khỏi lo, thầy!… Hết vết chân báo rồi… toàn chó rừng với sơn cẩu.

Chợt nó dừng lại, chăm chú ngó mặt đất… Hào biết nó vừa thấy gì lạ đây. Anh ghé lại:

– Ô…Kỳ há! Chắc có ai qua đây trước bọn mình.

Vết chân trên mặt đất ẩm, nhác trông giống bàn chân người, 5 ngón rành rành; có điều một ngón, ngón cái, chĩa ngang một phía. Chẳng ai có bàn chân như vậy bao giờ. Hào nghĩ thầm:

Xem thêm:   Lê Quỳnh Mai phỏng vấn nhà văn Trùng Dương

– Chẳng lẽ chân người… Giao chỉ… Hay chân một người Thượng to lớn, có ngón xòe ra…

Anh vỗ vai thằng Lai:

– Chú thấy khỉ đột đi lần nào chưa?

Nó gật đầu:

– Khỉ đột hả?… Nó đứng được, nhưng đi bằng cả tay chân… Hai tay nắm chặt chống xuống đất, còn chân bước như người… Ngộ lắm!

Nó nhìn quanh rồi reo lên:

– Thầy trông… Vết tay nó đây này!

Hào nhớ đã có lần thấy những vết tương tự: một hàng 4 vệt lõm, 4 mấu xương tay, chắc vậy. Anh mừng rỡ:

– Chuyến này săn được khỉ lớn thì hay quá! Nhẹ đi nửa công việc.

Anh và Ru nhận lời săn thú cho một rạp xiếc, trong giao kèo có khoản khỉ đột này, làm anh ngại, nhưng cũng đem lại nhiều tiền nhất. Anh nghe vài người lái gỗ nói vùng này có đười ươi, nên mò tới… Giá không có thằng Lai, chắc anh bỏ lỡ cơ hội tốt.

Hào chạy vội về trại, báo tin mừng. Ru đang lau súng vội vã vứt đó, đứng dậy.

– Vậy hả?… Ta đem theo lương khô, đi ngay mới kịp.

Cai Sạo lắc đầu:

– Vội gì… Vùng này là ổ nó mà… Trước sau rồi cũng gặp…

Nhưng chẳng ai nghe gã.

Ru ướm tay vào hàng dấu trên mặt đất:

– Coi… Tay mình chỉ 8 phân… Đằng này tới 2 tấc, ghê chưa!

Hào le lưỡi:

– Bàn tay nó bằng tảng chân giò… Ăn một tát chắc vỡ mặt quá!

Thằng Lai nhìn thực kỹ các bụi cây xung quanh:

– Nó đi phía này… Đừng ai nói gì nữa… Chắc không xa lắm đâu, dấu chân mới lắm.

Được khoảng vài cây số, thằng Lai đứng lại:

– Chẳng thấy vết gì nữa… Lẩn đâu mất tiêu.

Nhưng nhìn mặt nó, Hào đoán chừng thằng bé còn hy vọng. Nó nghiêng đầu, lắng tai nghe … Cánh rừng yên như tờ. Có tiếng róc rách như tiếng nước rơi trên lá sau trận mưa rào… Nhưng trời đâu có mưa… Có thể là tiếng dòng suối chảy giữa lớp sỏi… Chưa chắc!… Vì tiếng động chốc chốc lại ngừng, không rì rào đều đặn như suối reo… Thằng Lai rời lối mòn, vạch lá, luồn qua dãy bụi gai. Nó bước dè dặt, mỗi lần không nghe nước chảy, nó đứng yên như tượng, chờ đợi… Hào đoán chừng suối nước gần đâu đây, vậy mà quanh co khá lâu cả bọn mới tới. Ánh sáng lờ mờ từ trên cao, xuyên qua kẽ lá, rọi xuống làn nước lấp lánh, êm ả như mặt ao… Hào vẫn nghe tí tách đâu đó, rồi thêm tiếng rù rì như mèo sưởi nắng. Lai bấm tay anh:

– Kìa… thầy coi…

Gã chỉ chiếc bóng đen phía bên bờ suối, thu hình dưới tàn lá. Hai người trẻ tuổi nhìn theo hướng đó. Ru le lưỡi:

– Trời!… Ai dè lớn vậy chớ!

Con vật ngồi xổm ngay bờ suối. Nó uống nước… Nhưng không giống các thú rừng chút nào. Từ hổ báo tới nai hoẵng, hễ uống là vục đầu xuống suối. Chỉ có loại khỉ lớn uống như người: nó gạt lá khô với bèo nổi lều bều trên mặt nước, đoạn chụm hai tay kín nước lên uống… Nước lọt kẽ tay nó, chảy từng giọt xuống suối, làm thành tiếng róc rách Lai nghe thấy khi nãy.

Uống chán rồi, con khỉ đột đứng dậy… Thân hình cao lớn của nó vươn dài… Hào thấy ớn lạnh cả người:

– Dễ tới 2 thước… Nặng hàng trăm cân!

Ru níu lấy tay bạn:

– Hơn… Phải trên 3 tạ.

Con vật xoay người, lộ mặt ngoài sáng: đôi mày nhíu lại, chiếc mũi bẹt, quai hàm bạnh ra, dữ dội lạ lùng. Hào có cảm tưởng đứng trước một người khổng lồ, hay ít ra một người tiền sử thô bạo, có sức mạnh ghê gớm. Anh nhận thấy lông con vật không đen tuyền, mảng đầu nó hoa râm và dọc lưng, lông gần như xám, phớt bạc.

Xem thêm:   "Croc"

Có thể con khỉ đột chưa trông thấy… Bất cứ loài thú rừng nào khác cũng đánh hơi hay nhận ra có gì khác lạ rồi mới phải: thì ra nó cũng như người, thính quan, khứu giác chẳng có gì tinh tế hơn… Trừ có sức khỏe, điều này nó vượt xa người cả chục lần.

Ru thì thào:

– Làm sao bắt nó đây?

4 người thì đừng hòng… Phải có đủ lưới, cũi và 20 người phu là ít.

Hào ra hiệu rút êm cho con vật khỏi sợ. Lai chạy trước, nó không về ngay trại mà rẽ ngang vào khoảng rừng tre rậm:

– Đó là con đực… Lũ khỉ cái, khỉ con chắc quanh đâu đây thôi.

Chỉ một lát sau, Hào nghe nó gọi:

– Thầy Hai… lại coi nè!

3 người rón rén lần tới: họ cẩn thận vô ích vì đàn khỉ có đó, nhưng tắt thở hồi nào. Lai quỳ xuống, đặt tay lên ngực một con:

– Còn nóng mà… Chắc vừa chết.

Hào nhìn đôi khỉ cái và một khỉ đực choai nằm rũ rượi, người đầy vết máu, xót xa:

– Dã man… Kẻ nào tàn nhẫn vậy nhỉ?

Lũ khỉ bị đâm bằng lao nhọn… Mặt đất đầy vết chân khỉ, chân người, lẫn lộn. Từ phía bìa rừng, xa lắm, vẳng lại tiếng rít the thé… Lai ngẩn người, lắng tai:

– Tiếng khỉ con… Đúng!

Ru ngẫm nghĩ một lát rồi nói với các bạn:

– Phải có nhóm nào mò tới đây bắt khỉ con… Đàn khỉ chống cự, bị giết cả bầy… Tai hại chưa!… Cứ thế này, chẳng mấy lúc tuyệt giống đười ươi!

Cai Sạo không hiểu:

– Sao họ không săn khỉ lớn như mình có hơn không?

Ru lắc đầu:

– Dễ hiểu quá… Săn khỉ lớn công phu nhiều… Giết khỉ lớn, bắt khỉ con tiện nhất.

– Khỉ nhỏ bán chẳng bao nhiêu…

– Rỡn… Cũng cả trăm ngàn chớ. Người mua tính toán  lúc con lớn sống khoảng 10 năm, còn khỉ nhỏ nuôi được 3, 4 chục năm lận.

– Kể ra có cả đôi là nhất: khỉ lớn… như con khỉ nãy, cho thiên hạ biết khỉ đột khỏe thế nào, thêm con khỉ nhỏ, sống lâu, để trưng bày, phải không?

– Chính vậy nên lớn, nhỏ giá gần bằng nhau. Có điều cấm được giết khỉ đột, mà đâm chết một lúc 3 con thì dã man quá.

Có tiếng cành cây gãy, rồi từ phía bụi tre trong cùng, nhô ra con khỉ lớn, lừng lững như hung thần.

Trông thấy đám xác ngổn ngang, nó đứng sững ngơ ngác… Hào nghe nó hậm hực trong họng… Aoo…Aoo, Aoo…, nghẹn ngào, đau đớn như người khóc… Con vật ghé lại, đưa tay bịt vết thương trên người con khỉ choai, chắc con nó, rồi lắc mạnh, đánh thức dậy… Không thấy gì khác, nó buông con, ôm lấy xác vợ, đu đưa, rên rỉ nghe thảm não lạ… Bỗng nó đứng lên, nhìn tứ phía… Hào đoán chừng con vật đang tự hỏi:

– Kẻ nào nỡ làm vậy nhỉ?

Khi nhận ra 4 người đứng nép dưới tàn lá, cách nó chừng 10 bước, con khỉ đột rống lên… Tiếng rống dữ dội, chói tai… Ai nấy có cảm tưởng máu đông lại trong tĩnh mạch, chân tay cứng đờ, người dính xuống đất…

Con khỉ vừa bước, vừa đấm vào bộ ngực nở nang như đánh trống… Đôi cánh tay bằng bắp đùi, trông phát khiếp.

Nhóm thợ săn không dám nhúc nhích… Họ đã tính chạy, nhưng làm như vậy chỉ khiến nó tấn công mau hơn. Hy vọng độc nhất của họ là nín thở đứng yên như tượng, may ra đánh lừa được nó chăng!

Thông thường, giống đười ươi nhát không ưa tấn công mấy khi, chỉ dọa già, tới gần người chừng 3 thước, là bỏ đó, quay đi.

Lần này con vật trong cơn giận mất vợ con, quên cả sợ… Cai Sạo run bắn người… Hồn vía thằng Lai biến đâu mất, người nó lạnh toát, Hào và Ru cũng chẳng hơn gì… Đôi lúc Hào muốn nhắm nghiền mắt để khỏi thấy vẻ kinh khủng của con vật mỗi lúc một gần. Không riêng cái miệng rộng, với hàm nanh như nanh cọp, mà cả nét giận dữ, in một người điên cuồng trong cơn thịnh nộ khiến anh bủn rủn chân tay.

Xem thêm:   Bắt trăn đất

Đây không phải lần đầu thú rừng tấn công anh, Hào gặp nhiều mẻ sợ rồi… Nhưng con tê giác chỉ hùng hục như máy, con trâu rừng thì lúc ăn cỏ cũng như lúc húc người, vẫn lầm lì… Voi hơi khác, vểnh đôi tai, cuốn cao vòi, nhưng nét mặt bình thản, tẻ ngắt.

Riêng giống khỉ đột có nét mặt diễn tả nổi cái hung tợn của nó… Hào ngửi rõ mùi khét tỏa ra từ mớ lông rậm trên người con vật. Anh nghĩ thầm: giống in mùi cao su cháy….

Con khỉ dang tay, đôi tay dài, trùng trục vươn ra như con trăn… Nó không định cho ai chạy thoát mà!… Những bắp thịt vai u lên, cuồn cuộn… Sức nó chỉ giựt nhẹ, cũng đủ bay đầu một người!

Vừng trán lông lá của con vật chốc lại nhăn lại, còn đôi mắt nhỏ, sâu, lấp lánh ánh giết chóc. Đây là lần đầu Cai Sạo gặp khỉ đột… Tất cả những gì gã khoe khoang với Hào và Ru về con thú này đều khoác lác cả. Thực ra, gã chẳng có kinh nghiệm cũng chẳng biết gì về nó hết. Thành thử trong lúc hốt hoảng, gã đã làm một việc dại dột: gã cúi xuống, lượm viên đá lớn, liệng hết sức vào con vật… Giá là người, dù khỏe đến đâu cũng quỵ, nhưng với con khỉ lớn, chẳng thấm tháp gì… Nó nhặt đá liệng trả… May cho Cai Sạo, viên đá làm gãy một thân tre rồi mới văng trúng bụng gã, làm gã ôm bụng gập đôi người lại…

Con khỉ không bỏ lỡ dịp, nó quơ tay, gạt ngã Hào, Ru rồi nắm lấy Cai Sạo tung lên cao… Gã thét như còi, bám được một nhánh cây, nhưng rồi cũng rớt xuống đất… Lúc đó gã mới nhớ tới khẩu súng đeo phía sau. Đúng vào lúc con khỉ giơ tay toan bóp thằng Lai, gã nổ súng… Con vật hộc lên, ngơ ngác rồi ôm lấy vai, quay người chạy biến vào trong bụi… Lần này thì nó sợ thực!

Hào nhỏm dậy đầu tiên, anh cúi xuống Ru nằm thiêm thiếp, mặt tái mét… Phải mấy phút sau, Ru mới hoàn hồn, cũng may, chỗ hai người ngã toàn lá khô, êm như nệm. Gặp đất cứng chắc chẳng chết thì cũng què chân gãy tay.

Chuyến đi đầu tiên như vậy là vô ích… Bây giờ con khỉ đột vừa bị thương, vừa yên trí nhóm thợ săn đã giết trọn ổ nó, chắc chẳng bao giờ chịu tha họ… Hào đã nghe chuyện trả thù của đười ươi, dữ dội chẳng kém gì người… Anh không nỡ trách Cai Sạo: giá gã không nổ súng, vị tất thằng Lai còn sống… Nhưng trong thâm tâm, anh không ưa gã chút nào. Anh thở dài, nhìn Ru:

– Chúng mình rời trại về cánh rừng bên kia núi. Ta săn vài loài thú khác… Ít lâu nữa hãy trở lại đây… May ra khi đó, “người rừng” lành mạnh rồi chăng!

Ru tán thành ngay. Giống thú nào bị thương cũng phải dữ dằn. Nhưng con khỉ đột ghê gớm này bị thương lại đáng sợ gấp mười… Theo đuổi nó lúc này quả là một dại dột chẳng bao giờ nên làm… Thằng Lai cũng nghĩ vậy. Nó nhe răng cười:

– Bên kia núi sẵn trăn lắm… Ta kiếm đôi trăn lớn rồi bắt khỉ đột sau, lo gì!

Cai Sạo giơ tay ba hoa:

– Gì chớ loại trăn, tôi biết… Trăn gió, trăn nước… tôi có săn qua… Hai thầy để tôi lo.

Hào và Ru chỉ cười.

NMT phóng tác

Trần Vũ đánh máy lại tháng 10-2024 từ tập 15 Truyện Săn Bắn của Nxb Sống Mới in tại Sàigòn trước 75.