Phim Love Story chiếu ở rạp Rex năm 1972 làm say đắm bao thanh niên miền Nam. Chuyện Tình của Erich Segal với nữ tài tử Ali McGraw và Ryan O’Neal thủ vai chánh, đã mở đầu bằng mẩu thoại gây cấn:

“Cô gái tháo kính xuống rồi mới trả lời:

– Anh trông có vẻ ngốc và giàu.

– Cô nhầm rồi! – tôi bác lại – Sự thật là tôi thông minh và nghèo.

– Không đâu, tôi mới là thông minh và nghèo.

Nàng nhìn thẳng vào mắt tôi với đôi mắt nâu.

– Cô thông minh chỗ nào? – tôi vặn hỏi.

– Thông minh ở chỗ sẽ không nhận lời đi uống cà phê với anh.

– Nhưng tôi có mời cô đâu? Tôi kêu lên.

– Chính vì vậy mà anh mới ngốc!”

7 năm sau tại Hoa Kỳ, sau di tản nhà văn Võ Phiến hãy còn nhớ lại và viết: “Cuốn Love Story của Eric Segal chẳng hạn, ngay từ đầu cô với cậu đã đấu hót leo lẻo, và cứ thế tưng bừng cho đến giai đoạn chót của cuộc tình.” Rồi nhà văn than thở rằng người Mỹ không biết liếc mắt. Chúng ta bắt gặp lại cách viết tạp bút dí dỏm của tác giả Phù Thế, Ảo Ảnh… Có phải vì sinh quán nơi “đa tình con mắt Phú Yên” mà Võ Phiến hoài niệm quay quắt về một cách tiếp cận yêu đương của dân Việt? Hay dân Tây phương không biết liếc mắt đưa tình như Võ Phiến nghi ngờ? Câu trả lời dành cho bạn đọc tuần san Trẻ trong mục Thư tín.

[Trần Vũ]

VÕ PHIẾN

Bạn hiền,

Lần này bạn hơi táy máy đấy nhé. Cái cách thức người ta yêu đương nhau, bạn biết được bao nhiêu mà dám chê khen chứ hả? Lẽ ra tôi càng không nên xía vào đó, nhưng rốt cuộc vẫn bị bạn cám dỗ. Thôi thì liều vậy: Chúng ta rủ nhau cùng tấn công vào tình yêu kiểu Mỹ. Nếu hỏng, cả hai cùng hỏng.

Bạn có cảm tưởng ái tình Hoa Kỳ hơi ồn. Tôi cũng xiêu theo ý bạn. Người Mỹ cứ hễ khoái cô nào thì xông tới làm quen, rồi tán riết, vì thế mà đâm ồn. Ở ta ít ra trong giai đoạn đầu, tình yêu có những biểu lộ im lặng hơn. Hãy xem chàng Từ Hải, con người cao lớn nghênh ngang, ăn nói toàn đao to búa lớn như thế mà khi đến với Kiều thì:

“Thiếp danh đưa tới lầu hồng,

Hai bên cùng liếc hai lòng cùng ưa”

“Liếc” là một hình thức trong sinh hoạt ái tình Việt-Nam. Một hình thức quan trọng đa! Hoàng Ngọc Tuấn chuyên kể chuyện yêu đương; trong cuốn HỌC TRÒ là những chuyện yêu đương thời thơ dại. Trong đó chúng ta đọc thấy: “Lâu nay mỗi lần gặp nhau, anh chàng lúc nào cũng cố “biểu diễn” đôi mắt nhìn cô với vẻ chân tình thân mật” (1).

(1) HOÀNG NGỌC TUẤN – HỌC TRÒ. Vàng Son xuất bản năm 1973 (trg 84)

Thơ dại như học trò còn thế huống hồ một nghệ sĩ hào hoa. Cho nên khi Vũ Hoàng Chương yêu thì mắt người thật khiếp. Ngót bốn mươi năm sau, người con gái đã đón nhận tia mắt ấy còn xốn xang. “Lạ lùng ở chỗ anh nhìn tôi cho đến bây giờ tôi còn nhớ cặp mắt đó, đôi mắt sắc và đa tình! Và như soi bói…như làm sao” và “tuy đứng nói chuyện với anh Chu mà con mắt ảnh vẫn liếc ngang ghê gớm lắm!” (2).

(2) ÁNH NƯƠNG – NHỮNG NĂM BA MƯƠI của VŨ HOÀNG CHƯƠNG – Tạp chí Đuốc Tuệ số 6, trg 18.

Những liếc ngang ghê gớm ấy, có lẽ là cái chính họ Vũ đề cập trong một câu thơ mà tôi nhớ loáng thoáng:

“Cuối mắt đầu mi tình chứa chan”

Chúng ta vừa nói đến một đấng giang hồ hào kiệt, một cậu học trò, một nhà thi sĩ: Ðại khái lớn cũng như bé, văn cũng như võ, ở ta ai nấy đều biết “biểu diễn” đôi mắt. Những biểu diễn lặng lẽ mà chứa chan tình cảm ngây ngất tâm tình. Trò ấy, lạ thay, ít gặp ở xã hội Mỹ.

Thật vậy, ngoài đời bạn cũng như tôi cùng ít trông thấy người Mỹ liếc nhau. Tại chỗ công cộng, phần nhiều trông họ nghiêm chỉnh, thẳng thắn: Không nhìn ngang nhìn dọc, chỉ khi chào hỏi hay nói năng với ai mới ngó thẳng vào người ấy.

Xem thêm:   Hang gấu

Trong sách, cuốn “Love Story” của Eric Segal chẳng hạn, ngay từ đầu cô với cậu đã đấu hót leo lẻo, và cứ thế tưng bừng cho đến giai đoạn chót của cuộc tình. Còn như trong “Valley of the dolls” của Jacqueline Susanne, cặp nọ cặp kia cũng biểu diễn thật nhiều trò, trừ phi trò liếc mắt. Ngây thơ như cô Anne từ tỉnh lẻ lên Nữu Ước, cô ta cũng không buồn tỏ tình bằng mắt: Lúc chìu nhau là nói toạc bằng lời minh bạch. Chàng nghe ra, chụp lấy bàn tay, thế là xong.

Cảm tưởng này của chúng ta thật là chủ quan, căn cứ vào chút kiến thức hẹp hòi. Chúng ta mới vừa đến xứ này một thời gian ngắn, quen biết chẳng được mấy, chưa có điều kiện đi sâu vào cuộc sống, còn đối với sách vở, ôi chẳng qua là mới lướt qua mấy cuốn thời danh! Rất có thể khắp đây đó ngoài tầm nghe thấy, đọc thấy của bạn và tôi, đang có một khối người Mỹ “thầm lặng” vẫn liếc nhau đều đều. Có thể chăng?

Có vậy, chúng ta hố nặng. Nhưng nếu phải chờ thì cho đến bao giờ mới được xem là người có hiểu biết xứng đáng, có thẩm quyền để phát biểu về vấn đề chém liếc của Mỹ? Ðành nói đại, nói bừa lên thứ cảm tưởng sơ khởi về những điều mà một cái nhìn bộp chộp của người ngoài cuộc dễ bắt gặp nhất tại Mỹ. Chẳng hạn về vấn đề hiếp dâm.

Ở đâu cũng có chuyện ấy, nhưng ở Mỹ nó là chuyện trầm trọng: Báo chí, truyền thanh, truyền hình loan báo nhiều về nó; xã hội không ngớt kêu gọi và tổ chức đề phòng nó; con số thống kê có những tiết lộ đáng ngại về nó. Người Mỹ phái nam cưỡng bức người Mỹ phái nữ quá lắm: có những kẻ hành động như chuyên nghiệp, một mình lập đôi ba chục thành tích. Ở đây, lắm lúc tưởng chừng người nam bị một sức thu hút quá mạnh về phía người nữ, mạnh mẽ và gấp rút đến nỗi không kịp có một thu xếp phải chăng.

Sức thu hút ấy, chúng ta không thấy một dấu hiệu nào. Ác thế!

Ngoài đường phố, ở công viên, trong sở, trong xưởng, chúng ta hiếm khi bắt gặp những người đàn ông Mỹ hoặc liếc gái, hoặc trố mắt nhìn gái một cách thèm muốn. Hiếm đến nỗi tưởng chừng ông Carter phải là một tay quán quân đa tình

Bạn hãy nhớ lại những buổi chiều chúng ta ngồi ở Kim Sơn, ở quán Cái Chùa, ở những bàn nhậu bên lề đường Tự Do, vừa nhâm nhi vừa… rửa mắt.

Chúng ta quấy nhiều, nhảm nhiều chứ. Và những khi hoặc bát phố Lê Lợi hoặc có dịp lượn vào chợ, chen vô rạp hát, vào những nơi có lắm bóng hồng, bấy giờ ngay đến những đấng trượng phu tuổi tác, mấy ai tránh khỏi mắt la mày lém, thì thầm khúc khích với nhau?

So với những hoạt động nghịch ngợm ấy của chúng ta, người Mỹ xem có vẻ tỉnh bơ bên cạnh đàn bà con gái. Như không buồn để ý đến. Cho đến khi, thoắt cái, thuyền quyên bị đè ra ứ hự. Và báo chí tha hồ loan báo, và xã hội lo ngại, và thống kê tha hồ ghi nhận v.v…

Tóm lại, giữa nam nữ, khi yêu nhau, ta liếc mắt đưa tình thì Mỹ mở lời tán tỉnh; khi thèm muốn ta nhìn ngó trầm trồ thì Mỹ hành động.

Ta liếc, họ nói; ta nhìn, họ làm: Như thế chỉ có nghĩa là họ tiến nhanh, vội vàng đi trước chúng ta một bước, bước ấy rồi chúng ta cũng không bỏ qua? Không phải thế, ở đây không hẳn là chuyện kẻ nhanh người chậm. Cái khác nhau thiết tưởng có chỗ còn quan trọng hơn thế nhiều.

Tôi nhớ có lần chúng ta đã bàn với nhau về chuyện người Việt Nam thường cãi cọ, chửi bới om sòm mà ít đánh đấm; trong khi ở Mỹ ít xảy ra cảnh chửi mắng huyên náo ngoài đường, mà chỉ thường có các vụ thanh toán nhau thật gọn, mà tỷ số tội ác lại cao (3). Chuyện cưỡng hiếp cũng thế chăng?

Xem thêm:   2 người thợ săn

(3) VÕ PHIẾN – BẠO ĐỘNG – Tạp chí Hồn Việt năm 1977

Ở một xã hội mà người người không phải tôn trọng phép lịch sự quá đáng, mà cuộc sống thường nhựt khá xuề xòa cởi mở, ở nơi mà ai nấy thỉnh thoảng có dịp khẩu dâm và nhãn dâm thỏa thuê thì cảnh báo động về tình dục có cơ tránh bớt chăng?

Bỏ tội ác xã hội chúng ta hãy trở về với ái tình. Vừa rồi tôi bảo ánh mắt liếc nhau là một “biểu lộ” im lặng của tình yêu trong “giai đoạn đầu” ở xứ ta. Xin bạn hãy đọc một cách thật rộng lượng, vì tất cả chỉ dùng rất đại khái.

Trong bài “Tình già”, khi cặp nhân ngãi của ông Phan Khôi đã sống một mối tình đến gần trắng trọn mái đầu mà gặp nhau con mắt vẫn còn “có đuôi” đấy. Dẫu sao, thường thường thời kỳ bất thành văn cũng xảy ra trước thời kỳ thành văn của ái tình. Nếu đem ví tình yêu như một giòng nước, thì ở ta trước khi phơi bày công khai ra ánh sáng thành con suối, giòng nước ấy đã chảy ngầm làm rạo rực cả lòng đất. Tôi chủ trương cái rạo rực ấy là đáng giá, và lấy làm tiếc khi người Mỹ rút ngắn giòng tình.

Mặt khác, xét ra cái liếc không hẳn chỉ để “biểu lộ” tình yêu, chỉ là một phương cách tỏ tình; nó cũng là một cách sống ái tình đấy bạn ạ.

Này, bạn thử nhớ lại những lúc bạn liếc và bắt gặp khóe mắt kín đáo của người yêu xem: Dám bủn rủn cả người lắm. Liếc như vậy đâu phải chỉ là phát ra một tín hiệu để liên lạc nhau, để thông báo tình yêu. Nó chính thị là tình yêu, là một phương diện của yêu đương đấy. Khi liếc nhau chúng ta không nhằm thông báo cái gì cả, mà chúng ta chính đang hưởng một khoái thích đê mê. Liếc nhau cũng như vuốt ve nhau, hôn hít nhau: Vuốt, hôn bằng thị giác.

Kim Trọng với Thúy Kiều, chính sau khi đã đang đêm vượt tường tìm đến nhau, mang quà cho nhau xơi, đàn địch cho nhau nghe, khi mà chuyện âu yếm đã ngả sang lả lơi, tình ý đã không còn gì để thông báo cho nhau nữa, chính khi ấy ánh mắt chém liếc mới mạnh dạn hoành hành dữ dội đa:

“Hương hoa càng tỏ thức hồng,

Ðầu mày cuối mắt càng nồng tấm yêu”

Những trao đổi “đầu mày cuối mắt” ấy, nó gây cảm xúc say sưa, mê mẩn, nó làm cho đôi bên đứng ngồi không yên, khiến cho cả cặp chới với suýt ngã xuống tội lỗi.

Nói về cường độ cảm xúc, tôi không dám chắc giữa liếc với vuốt ve hôn hít, bên nào đem đến những cảm xúc mạnh hơn đấy nhé. Một người đàn bà đã nhớ mãi cái liếc ngang đến bốn mươi năm, nếu trời cho bà còn sức khỏe, không có gì ngăn cản bà tiếp tục nhớ nó thêm mười năm, mười lăm năm nữa. Liệu mấy ai nhớ một cái hôn đến nửa thế kỷ?

Chuyện ái tình đem ba hoa tại Mỹ quốc thật lấy làm ngượng. Thiết tưởng trên thế gian không còn nơi nào hơn nơi này, ái tình tìm được mảnh đất tự do lý tưởng để tung hoành, phát triển đến tận cùng khả năng. Ðây là đất lành của di dân tứ xứ, cũng là đất lành của ái tình. Ai nấy tha hồ tìm hiểu, khảo sát, thí nghiệm, nghiên cứu đến nơi đến chốn, không gặp phải một cấm kỵ nào. Sách báo, phim ảnh, giáo dục cũng chiếu cố ái tình thật kỹ. Chúng ta đến đây tưởng không còn gì để nói thêm vào đề tài này nữa.

Thế nhưng đến nay chẳng bao lâu lại táy máy muốn nêu lên câu chuyện cái liếc. Thiếu cái ấy là cả một thiệt thòi đấy, người bạn Hoa Kỳ ạ.

Người Hoa Kỳ sống ở một xứ sở cực kỳ văn minh, có nền kỹ thuật cực kỳ tiến bộ. Chúng ta đề nghị: Sau khi đạt đến chỗ tột đỉnh văn minh tiến bộ, nắm trong tay đủ mọi kết quả nghiên cứu, thống kê tinh vi chính xác, sau khi chinh phục vũ trụ càn khôn xong, bây giờ người Mỹ nam và nữ hãy dành thì giờ ngồi mà tập luyện một bộ môn hạnh phúc: Liếc nhau.

Xem thêm:   Truyện tranh Hoa Kỳ về Chiến tranh Việt Nam

Bấy lâu loanh quanh trong nước với nhau chẳng để ý làm chi, nay có dịp sống lăn lộn giữa xã hội Mỹ bỗng chốc thấy mình không giống ai. Bèn tự hỏi: “Tại sao vậy? Tại sao chúng ta lại chuyên lối yêu ngầm?”.

Không biết bạn thế nào, riêng phần tôi thì cái ý tưởng xuất hiện đầu tiên trong trí là một ý tưởng thật khốn kiếp: Tôi đoán có lẽ vì Mỹ tự do còn ta bị “lễ giáo” ức chế chăng? (Ngầm ý cho rằng ta không bằng người).

Quen đời phóng túng tự do, người Mỹ có gì mạnh dạn nói ra ngay, không hay e ấp ngại ngùng, nửa úp nửa mở. Còn ở xã hội ta ngày trước, tình yêu nam nữ không được phô bày lộ liễu; dẫu là vợ chồng đi nữa cũng không có thói âu yếm nắm tay nắm chân nhau trước mắt mọi người, trai gái dù quan hệ thân thuộc thế nào cũng không được tiếp xúc gần gũi, cũng thụ thụ bất thân, v.v… Trong hoàn cảnh ấy nói oang oang không tiện, đành chờn vờn chém liếc vậy. Riết rồi thành thói quen, trau dồi mãi thành nghệ thuật. Dần dần liếc không còn chỉ vì nhu cầu kín đáo, mà lại thành một khoái thích. Chẳng hạn, trong trường hợp Từ Hải: Bây giờ Kiều đã dãi dầu ở lầu xanh, muốn gì chả được, hà tất liếc nhau? Vậy mà lòng ưa thì mắt cứ liếc.

(Bạn đừng lấy làm lạ khi tôi cứ nhất định xem Từ Hải như một đồng bào ta: Nguồn gốc ông ta thế nào mặc, Từ đã là một nhân vật trong văn chương Việt-Nam thì lời ăn tiếng nói, cử chỉ, tác phong của ông ta thuộc về văn hóa Việt-Nam).

Bạn nghiệm giùm tôi coi quả thật có tội bất công đối với dân tộc không? Tôi bảo ở ta thiếu tự do? Nhưng ở Âu Mỹ có phải từ hồi nào tới giờ quan hệ nam nữ cũng được như ngày nay đâu? Ở Âu châu, thời Trung cổ, phận gái cũng e ấp lắm, phòng the cũng bị khóa kỹ lắm chứ (không những phụ nữ chỉ bị khóa cửa phòng mà còn bị khóa cả lối…của riêng của mình nữa cơ). Và lớp người Mỹ tiên phong thoát đến xứ này chắc chắn cũng chưa vội bỏ nếp sống cũ từ Âu Châu đâu. Bấy giờ lối liếc mắt đưa tình có thịnh hành trong giới các đấng thám hiểm khai quốc chăng? Tôi biết tìm hỏi vị sử gia uyên bác nào đây? Ngành sử học nào chuyên trị về cái liếc nhỉ?

Thế rồi nếu bảo tự do giết chết cái liếc, vậy liệu chừng hiến pháp ban hành được bao lâu thì người Mỹ bớt liếc? Tuyên ngôn nhân quyền ra đời được mấy chục năm thì người Pháp bắt đầu thôi liếc nhau? Có chuyện như vậy xảy ra chăng?

Tóm lại, đem cái liếc liên hệ với một chế độ xã hội rồi nếu thành định tắc như thế gây ra rắc rối. Lắm khi là rắc rối nguy hiểm nữa. Nếu có ai chịu khó tìm đến những bộ lạc, những dân tộc trong đó nam nữ sống với nhau khá buông tuồng mà ánh mắt vẫn chém liếc nhau loạn cả lên thì có phải khổ thân tôi không?

Vì thế rốt cuộc tôi đề nghị với bạn: Trong khi chờ đợi sự giải đáp, hãy tạm chọn một tin tưởng dễ dãi: Ðặc tính dân tộc. Tin rằng ánh mắt long lanh chan chứa nó là của Trời cho ta.

Vâng, tôi hiểu sự dè dặt của bạn, tôi không bảo trời cho ta là cho cả. Người Mỹ chắc chắn cũng có liếc chứ! Ai dám bảo họ không liếc chút ít? Kẻ ít người nhiều, thế cũng đủ làm nên dân tộc tính khác nhau rồi đấy.

VP

Trần Vũ đánh máy lại tháng 10-2019 từ bản in trong Tuyển tập Thơ Văn 90 Tác Giả Việt Nam Hải Ngoại 1975-1981, Nxb Văn Hữu 1982, từ trang 409 đến 416.

(*) Ảnh minh họa: tài tử Jane Birkin và Alain Delon với các người mẫu quảng cáo mascara.