Trang An Ninh Thế Giới ngày 30 tháng 8-2010 đăng bài thiếu tướng Nguyễn Dũng Chi, nguyên tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 251, trung đoàn 174, sư đoàn 316, Người nhận Thiếu tá Marcel Bigeard đầu hàng trong chiến thắng Điện Biên Phủ. Ký giả Khánh Linh ghi:

“Nguyễn Dũng Chi đứng giữa lưng chừng đồi A1 dốc về phía trung tâm Điện Biên Phủ, mang một cảm xúc khó tả, vì mới chỉ cách đây vài giờ, ông và đồng đội đã phải đối mặt với cái chết. Bỗng đại đội trưởng Lâm Viết Hữu chạy ngược lên:

– Báo cáo ban chỉ huy, có quan tư Tây đầu hàng muốn gặp.

Ông không ngần ngại, dõng dạc bảo:

– Cho nó lên.

Và trước mặt chàng trai Nguyễn Dũng Chi lúc đó mới chỉ 27 tuổi, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 251, là một tên quan Tây cao lớn, mang quân hàm thiếu  tá, đầu đội mũ bêrê màu xanh lục, ngực đeo Bắc đẩu bội tinh đồng, đánh gót nghiêm chỉnh theo nghi lễ nhà binh, chào và nói:

– Tôi, thiếu tá Bigeard, chỉ huy tiểu đoàn 1, Bán Lữ đoàn Lê dương số 13, xin thuộc quyền ngài. Quân số tôi chỉ còn 150 người. Xin đợi lệnh ngài.

Trong hồi ký của mình, Nguyễn Dũng Chi đã viết: “Hãnh diện biết chừng nào khi lần đầu tiên trong đời binh nghiệp, một tiểu đoàn trưởng Việt Nam tay chắp sau lưng ngắm nghía tên quan tư nổi tiếng của quân đội Pháp, viên chỉ huy cơ động của De Castries đang chào và đợi lệnh theo đúng lễ nghi lục quân Pháp. […] Viên quan tư Pháp đầu hàng Nguyễn Dũng Chi lúc đó cũng còn rất trẻ, khoảng 30 tuổi, sau này trở thành đại tướng Marcel Bigeard, thứ trưởng Bộ Quốc phòng Pháp.“(*)

Đồi A1 là đồi Éliane 2 phía Pháp, khi thất thủ do đại đội 3 của đại úy Jean Pouget thuộc Tiểu đoàn 1 Nhảy dù Thuộc địa (1er BPC) trấn giữ, không phải Tiểu đoàn 1 Bán Lữ đoàn 13 Lê dương (I/13 DBLE) của thiếu tá de Brinon đang cố thủ Claudine. Trong hồi ký Chúng tôi đã chiến đấu tại Điện Biên Phủ (Nous Étions À Dien Bien Phu,  Nxb Presses de la Cité, 1964) Pouget kể lại phút cuối cùng: Đích thân ra tuyến đầu, dùng carbine M-1 bắn trả cho đến khi bị Việt Minh quăng lựu đạn nổ tung trong giao thông hào. B thương, bị thúc lưỡi lê xuống đồi, không có trình diễn đầu hàng hay cờ trắng. Cũng không cấp chỉ huy Việt Minh nào thẩm cung.  

Thiếu tá Marcel Bigeard mà Nguyễn Dũng Chi “hãnh diện nhận đầu hàng” thuộc binh chủng Nhảy dù Thuộc địa (Parachutistes Coloniaux) đội bérét đỏ chứ không thuộc Lê Dương Nhảy dù (Légionnaire Parachutiste) đội bérét lục. Bộ binh Lê dương thì đội nón képi trắng hình ống mà không đội bérét mềm. Bigeard đặt cách trung tá tại mặt trận ngày 16 tháng 4-1954, nắm quyền chỉ huy Phản kích Nhảy dù (chỉ huy toàn bộ các tiểu đoàn Dù), bộ chỉ huy đặt tại khu trung tâm Mường Thanh cạnh bộ chỉ huy của tướng de Castries, chứ không trên đồi A1. Bigeard không còn mang cấp bậc thiếu tá và đã cương quyết không ra xếp hàng cho đạo diễn Sô-Viết Roman Karmen quay hình, bằng câu từ chối lừng danh: “Plutôt crever (Thà chết)”. Một quân nhân như vậy, không quỵ lụy xin thuộc quyền ngài”. Chi tiết khác, tổng thống Pháp Giscard d’Estaing trao huân chương Bắc đẩu Bội tinh (Grand-croix de la Légion d’honneur) cho Bigeard tháng 9-1974 trên sân Invalides, vào thời điểm tháng 5-1954 Bigeard chưa có huân chương này; cũng không sĩ quan Nhảy Dù nào nhảy xuống mặt trận với huân chương và dây biểu dương. Khi về hưu Bigeard là trung tướng (général de corps d’armée) không phải đại tướng (général d’armée). Đa phần “anh hùng Điện Biên” Nguyễn Dũng Chi đã tự hư cấu huyền thoại của chính mình, ông không biết đơn vị nào giữ đồi A1, ai chỉ huy và chưa từng gặp Bigeard.

Võ Nguyên Giáp là tướng lãnh hiếm của Quân đội Nhân dân trích dẫn Clausewitz. Không trong bản Việt ngữ của hồi ký Chiến đấu trong vòng vây, nhưng trong bản Pháp văn của hồi ký này: Mémoires, tome 1, La Résistance Encerclée, Editions Anako, 2003. Ở trang 105, đại tướng cho biết ông đem theo bản dịch Clausewitz của Denise Naville khi rời Hà Nội lên Việt-Bắc kháng chiến đầu năm 1947. Ông khẳng định đã suy nghiệm Clausewitz. Các trích đoạn dẫn chứng Clausewitz của đại tướng đều trích từ bản dịch của Denise Naville. Tuy nhiên bản dịch của Denise Naville do nhà Minuit ấn hành, cho mãi đến năm 1955 mới xuất bản. Võ Nguyên Giáp không thể có quyển sách này trong tay năm 1947. Vì sao phải như vậy? Vì đại tướng không thật sự tự tin vào thiên tài của mình nên cần tựa vào Clausewitz? Hay vì cần Clausewitz để biện minh cho các quyết định của mình thay vì thú nhận đến từ Vi Quốc Thanh? Từ cấp thấp đến cấp cao, phía Việt Minh không hiểu Điện Biên Phủ tự thân là một chiến thắng vinh quang, không cần phóng đại thêm. [Trần Vũ]

 (*) An Ninh Thế Giới:

http://antgct.cand.com.vn/Nhan-vat/Nguoi-nhan-Thieu-ta-Marcel-Bigeard-dau-hang-trong-chien-thang-Dien-Bien-Phu-312745/

ĐỒNG CHÍ VI QUỐC THANH TRONG VIỆN TRỢ VIỆT NAM ĐẤU TRANH CHỐNG PHÁP

Vu Hoá Thầm

bản dịch của DƯƠNG DANH DY

Xem thêm:   Hang gấu

Quyết chiến Điện Biên Phủ (thượng) […]

Ngày 24, hội nghị tiến hành trong hội trường lều tre của Bộ Tổng Tham mưu quân đội Việt Nam. Võ Nguyên Giáp nói mấy câu mở đầu, sau đó mời Vi Quốc Thanh lên phát biểu. Vi Quốc Thanh mỉm cười, gật đầu đứng dậy bước lên bục phát biểu với giọng nói chắc nịch rõ ràng: “Thưa các đồng chí ! Tại hội nghị này kế hoạch tác chiến mùa đông được Trung ương Đảng Lao động phê chuẩn, Võ Tổng tư lệnh tuyên bố và hai lần phát biểu của đồng chí đều rất tốt, nói rất toàn diện, tôi hoàn toàn tán thành”.

Tiếp đó, đồng chí nêu lên ngắn gọn chủ đề của bài phát biểu lần này: “Trung ương Đảng Lao động quyết định đặt hướng chính của tác chiến mùa đông này ở vùng Tây Bắc, tiêu diệt địch ở Lai Châu, giải phóng hoàn toàn Tây Bắc, quyết sách này rất đúng đắn”.

Khi phiên dịch tiếng Việt dịch đoạn này, đồng chí liếc nhìn quanh hội trường. Hội trường rất yên lặng. Đồng chí biết mọi người đang chờ nghe đồng chí nói tiếp. Đồng chí không có bài viết sẵn, cũng không có đề cương, nội dung muốn nói hoàn toàn nằm trong đầu đồng chí. Đây là thói quen được rèn luyện từ bao nhiêu năm. Vi Quốc Thanh nói tiếp: “Vùng Tây Bắc tuy núi cao vực sâu, đất đai cằn cỗi, dân cư thưa thớt, nhưng đó là một căn cứ chiến lược quan trọng. Giải phóng hoàn toàn Tây Bắc, thì có thể nối liền với liên khu Việt Bắc lưng dựa vào Trung Quốc, nam tiếp giáp Lào, có lợi cho mở chiến trường Thượng Lào, tiến xuống Trung Lào, Hạ Lào cho đến Cao Miên và Nam Bộ Việt Nam, có thể đập tan mộng tưởng của Navarre âm mưu củng cố hậu phương chiến lược của ông ta, tiến tới tập trung binh lực quyết chiến với chúng ta ở Bắc Bộ. Nếu Mỹ nhúng chân thêm vào Đông Dương, tiến hành can thiệp quân sự thì chúng ta có khu vực xoay sở khá rộng lớn để đọ sức với chúng. Có thể nói, giải phóng hoàn toàn Tây Bắc là một bước then chốt quan hệ đến phát triển của toàn bộ cuộc chiến từ nay về sau là một bước then chốt đánh bại bọn xâm lược Pháp, đập tan âm mưu can thiệp của đế quốc Mỹ”.

Nói đến đây, đồng chí chuyển đầu đề câu chuyện: “Nghe nói có những đồng chí còn có tư tưởng này nọ đối với việc lên vùng biên cương xa xôi Tây Bắc, Thượng Lào tác chiến, nhấn mạnh khó khăn này nọ. Cho rằng nên đặt lực lượng chủ yếu vào tấn công cứ điểm boong ke của địch ở châu thổ sông Hồng (công sự bê tông cốt thép địch xây xung quanh châu thổ sông Hồng), đánh chiếm vùng châu thổ sông Hồng, mới thực hiện được tổng phản công, giành thắng lợi chiến tranh chống Pháp. Ý muốn của các đồng chí đó rõ ràng là rất tốt. Các đồng chí đó muốn đi đường thẳng, sớm giành thắng lợi kháng chiến. Nhưng con đường này e khó đi lọt. Đây là chỗ mạnh nhất của quân Pháp ở Đông Dương, không chỉ có số lớn bộ đội tinh nhuệ, mà còn giao thông thuận tiện, có lợi cho bộ đội cơ giới hoá của địch vận động. Điều kiện trang bị kỹ thuật hiện nay của Quân đội Nhân dân rất bất lợi cho tiến hành tác chiến công kích quy mô tương đối lớn. Chúng ta đã có bài học kinh nghiệm về mặt này. Tránh chỗ mạnh đánh chỗ yếu, tránh chỗ thực, đánh chỗ hư là một nguyên tắc quan trọng của các nhà quân sự các thời đại trước.

Rất nhiều địa phương Tây Bắc, Thượng, Trung Lào, cho đến Cao Miên và Nam Bộ, Trung Bộ Việt Nam, đều là những vùng phòng ngự của địch mỏng yếu, chúng ta chĩa mũi nhọn tấn công vào những địa phương trên, biến hậu phương chiến lược của địch thành chiến trường mới thì có thể điều động địch, phân tán lực lượng cơ động của địch, không ngừng tiêu diệt và tiêu hao địch, từ đó thay đổi hơn nữa tình thế chiến lược của địch, tạo điều kiện cuối cùng tấn công đánh lấy đồng bằng sông Hồng. Thưa các đồng chí đó là con đường quanh co khúc khuỷu, nhưng nó là con đường tất yếu để đi đến thắng lợi cuối cùng”.

Tiếp đó, Vi Quốc Thanh nói đến kinh nghiệm của cách mạng Trung Quốc: “Cách mạng Trung Quốc đã đi con đường quanh co khúc khuỷu như thế. Căn cứ địa Tỉnh Cương Sơn và căn cứ địa Trung ương lấy Thụy Kim làm trung tâm do Mao chủ tịch lãnh đạo mở ra đều ở vùng núi xa xôi, nghèo nàn giáp giới mấy tỉnh. Năm 1935, Hồng quân trải qua cuộc Trường chinh hai vạn năm nghìn dặm đến Thiểm Bắc thành lập khu Thiểm Cam Ninh lấy Diên An làm trung tâm. Nơi đây là cao nguyên hoàng thổ, đất đai cằn cỗi, nhân dân nghèo khó, nhưng Mao chủ tịch, Trung ương đảng ở Diên An 13 năm liền, ở đây lãnh đạo toàn bộ cuộc chiến tranh chống Nhật và chiến tranh giải phóng thời kỳ đầu, về sau chỉ cần thời gian hơn một năm đã đánh bại Tưởng Giới Thạch, giành thắng lợi trong cả nước. Đó là con đường thành công nông thôn bao vây thành thị, cuối cùng đánh lấy thành thị”.

Xem thêm:   Trên lưng trời

Vi Quốc Thanh tiếp tục nói: “Kháng chiến của Việt Nam cũng đi con đường như thế. Theo bố trí tác chiến mùa Đông năm nay của Trung ương Đảng Lao động VN, quyết định vạch ra chính là thể hiện cụ thể con đường này, giải phóng Tây Bắc trước, rồi tiến quân sang Thượng Lào và từng bước tiến xuống Trung – Hạ Lào, cho đến Cao Miên và Nam Bộ, ở đấy làm cho chúng đảo điên nghiêng ngả, làm cho Navarre một ngày cũng không được yên, không thể không phân tán binh lực cơ động của y, như vậy sẽ xuất hiện rất nhiều cơ hội tiêu diệt địch, có thể từng bước làm suy yếu địch, làm cho mình mạnh lên cải thiện trang bị kỹ thuật của Quân đội Nhân dân, nâng cao tố chất quân chính của bộ đội. Đến lúc đó, có thể chắc chắn tiêu diệt địch ở đồng bằng sông Hồng, giành thắng lợi hoàn toàn của cuộc kháng chiến”.

Cuối cùng, Vi Quốc Thanh nói: “Thưa các đồng chí! Được sự ủng hộ đế quốc Mỹ, Navarre đang từng bước thực thi, ông ta được Mỹ viện trợ nhiều hơn, tăng cường trên trăm tiểu đoàn quân nguỵ, tổ chức hơn 80 tiểu đoàn bộ đội cơ động, đang tiến hành càn quét qui mô lớn tại các vùng chiếm đóng ở Nam bộ, Trung bộ và Bắc bộ và chuẩn bị tiến vào vùng giải phóng. Mấy ngày gần đây, Navarre lại cho lính nhảy dù xuống Điện Biên Phủ, khí thế hung hăng. Nhưng y mừng quá sớm. Sắp tới đây cuộc tấn công chúng ta bắt đầu thì sẽ đánh cho hắn không kịp trở tay, rối loạn lung tung, hết phương ứng phó. Nếu Navarre kiên quyết giữ Điện Biên Phủ, tất nhiên cũng không thoát khỏi số phận bị tiêu diệt. Mà điều đó phải dựa vào người chỉ huy các cấp chỉ huy tài tình, dựa vào cán bộ chiến sĩ bộ đội anh dũng thiện chiến. Chúng tôi tin tưởng các đồng chí dũng cảm gánh vác nhiệm vụ nặng nề này. Chúng tôi xin chúc các đồng chí thắng lợi dễ dàng, mã đáo thành công”.

Phát biểu của Vi Quốc Thanh thỉnh thoảng nổi lên từng tràng vỗ tay nhiệt liệt. Ý kiến sâu sắc, phân tích thấu đáo đó của Vi Quốc Thanh không thể không làm cho các đồng chí có tư tưởng này nọ chân thành cảm phục. Buổi nói chuyện của đồng chí Vi Quốc Thanh có tác dụng tích cực thống nhất tư tưởng cán bộ cao cấp quân đội Việt Nam. Sau khi kết thúc hội nghị quân sự, Vi Quốc Thanh được biết quân Pháp tiếp tục tăng viện cho Điện Biên Phủ, gấp rút xây công sự, mở sân bay, tích trữ vật tư, đồng thời tăng 6 tiểu đoàn cho Thượng Lào, đánh chiếm các nơi Mường Khè, Mường Khay, v.v.. xây dựng phòng tuyến sông Mã  để tiếp ứng cho quân đóng giữ Điện Biên Phủ.

Dấu hiệu bọn địch cố giữ Điện Biên Phủ là rất rõ ràng. Sau khi Vi Quốc Thanh và Võ Nguyên Giáp bàn tính, quyết định điều chỉnh kế hoạch tác chiến tiến lên Tây Bắc. Chia toàn bộ cuộc tác chiến Tây Bắc làm hai bước: đánh Lai Châu trước, đánh Điện Biên Phủ sau. Đồng thời quyết định điều thêm bộ binh, trọng pháo, cao xạ pháo, công binh v.v.. dự trù vật tư tác chiến để bảo đảm nhu cầu tấn công Điện Biên Phủ. Vi Quốc Thanh điện báo kế hoạch điều chỉnh cho Quân uỷ Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc. Quân uỷ Trung ương lập tức trả lời tán thành và đồng ý giải quyết vấn đề cung cấp vật tư cần thiết cho tấn công Điện Biên Phủ.

Ngày 6/12, Bộ Chính trị Trung ương Đảng Lao động VN triệu tập hội nghị, thảo luận quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ, phê phán kế hoạch tác chiến nói trên của Tổng Quân uỷ và quyết định thành lập Đảng uỷ và Bộ chỉ huy tiền phương Điện Biên Phủ do Võ Nguyên Giáp làm Bí thư và Tổng chỉ huy. Sau khi kết thúc hội nghị, bộ đội chủ lực QĐNDVN lần lượt tiến vào vùng tác chiến đã định. Trên đường hành quân lên Tây Bắc, đại đoàn 316 được biết bọn địch ở Lai Châu ngày 7/12 rút về Điện Biên Phủ, lập tức tuân theo mệnh lệnh của Bộ chỉ huy tiền tuyến truy kích bọn địch, lần lượt tiêu diệt tổng cộng 24 đại đội. Tàn quân địch chạy về Điện Biên Phủ toàn bộ vùng Lai Châu được giải phóng. Tiếp đó, Bộ chỉ huy tiền phương QĐNDVN ra lệnh cho các đại đoàn 316, 308 tiến xuống phía Nam bao vây Điện Biên Phủ.

Trung đoàn 66 đại đoàn 304 tiến xuống phía Tây dọc quốc lộ 8 và trung đoàn 101 đại đoàn 325 thiếu một tiểu đoàn được đưa xuống Hạ Lào tiến xuống phía tây dọc quốc lộ 12, ngày 21, 22 tháng 12 lần lượt tấn công cứ điểm của địch ở Trung Lào, trong mấy ngày ngắn ngủi, tiêu diệt hơn 3 tiểu đoàn cơ động Âu – Phi, tất cả hơn 2200 tên. Quân địch ở Trung Lào khiếp đảm kinh hoàng, bỏ trận địa lũ lượt tháo chạy. Bộ đội Việt Nam rất nhanh tiến đến quốc lộ 13 và sông Mêkông. Lúc này bọn địch ở Thà Khẹt, tỉnh lỵ của Khăm Muộn bỏ chạy về phía nam. Quân đội nhân dân lập tức giải phóng Thà Khẹt và phần lớn vùng Trung Lào, buộc quân Pháp nhanh chóng điều động binh lực tăng viện cho Trung Lào, xây dựng tập đoàn cứ điểm ở Xơ Nua và chiếm lại Thà Khẹt. Sau đó quân đội nhân dân chuyển sang củng cố vùng mới giải phóng và làm đường xuống phía nam, đồng thời thừa cơ xuất binh diệt địch.

Xem thêm:   2 người thợ săn

Ngày 20/1/1954, quân Pháp dùng binh lực của sáu binh đoàn cơ động mở cuộc tấn công lớn vào Phú Yên của Liên khu 5 Trung Bộ VN, hòng thực hiện mục đích của chúng chiếm toàn bộ Nam Trung Bộ. Liên khu 5 điều động số ít binh lực ứng phó với quân địch chính diện, tập trung 2 trung đoàn chủ lực, theo bố trí sẵn của Bộ Tổng Tham mưu, ngày 24/1 mở cuộc tấn công vào quân địch ở bắc Tây Nguyên. Trận đấu thắng lợi, sau khi tấn công phá liền ba cứ điểm, nhanh chóng mở rộng chiến quả. Bọn địch đóng giữ lũ lượt bỏ chạy. Ngày 5/2, quân đội nhân dân giải phóng thị xã Kontum, tiêu diệt toàn bộ quân địch ở bắc Tây Nguyên. Sau đó tiếp tục tiến xuống phía nam tiến sát quốc lộ 19, và tập kích thị xã Pleiku. Đến đây quân đội nhân dân đã giải phóng 16.000 km2 đất và 200.000 dân. Quân Pháp không thể không ngừng tấn công Phú Yên, cấp tốc điều động binh lực tăng cường lực lượng phòng ngự cho thị xã Pleiku và các cứ điểm ở nam Tây Nguyên để ngăn chặn quân đội nhân dân tiếp tục tiến xuống phía Nam.

Tiểu đoàn tiền trạm của trung đoàn 101 được lệnh tiến xuống Hạ Lào, cuối tháng 1/1954 tấn công Attopeu tỉnh lỵ của Mường May, một tiểu đoàn đóng giữ ở đây bị tiêu diệt hoàn toàn. Quân địch đóng giữ các nơi ở Hạ Lào chỉ có viên chỉ huy là người Pháp, còn lại đều là nguỵ quân Lào, sức chiến đấu rất yếu. Quân đội nhân dân thừa thắng tiến lên, nhanh chóng giải phóng toàn tỉnh Mường May và phần lớn tỉnh Saravan (chiếm khoảng 2/3 tổng diện tích Hạ Lào) và hơn 200.000 dân làm cho nơi đây nối liền với vùng bắc Tây Nguyên Liên khu 5 mới giải phóng, hình thành tình thế chiến lược vô cùng có lợi.

Ban đầu khi nghiên cứu bố trí tác chiến mùa đông, Đoàn cố vấn từng nêu ra đưa một trung đoàn binh lực xuống Hạ Lào. Phía Việt Nam sợ nơi đó thiếu lương thực, bộ đội khó sống, chỉ đưa 1 tiểu đoàn, không ngờ 1 tiểu đoàn này lại giành được thành tích chiến đấu như vậy, thương vong lại rất ít, cung cấp lương thực cũng hoàn toàn không có vấn đề gì. Điều đó làm cho Võ Nguyên Giáp tăng thêm lòng tin ra lệnh điều động thêm đoàn bộ trung đoàn 101 và 1 tiểu đoàn khác đang hoạt động ở Trung Lào xuống Hạ Lào, để tăng cường sự lãnh đạo thống nhất đối với lực lượng vũ trang Hạ Lào, giúp chính phủ kháng chiến Lào xây dựng chính quyền, củng cố vùng mới giải phóng và tiếp tục phát triển xuống phía Nam.

Vi Quốc Thanh tán thành chủ trương này. Sau khi trung đoàn 101 đến Hạ Lào, tiếp tục tiến quân xuống phía nam, giải phóng vùng đồng bằng Cao Miên bao gồm VeunSai và SiemBang, nối liền vùng này với vùng mới giải phóng Hạ Lào. Trong thời gian này, một bộ phận chủ lực QĐNDVN ở địch hậu đồng bằng Bắc Bộ, Trung – Nam Bộ phối hợp với bộ đội địa phương dân quân; du kích tích cực bắt đầu chống càn quét, và chủ động đánh địch, nhổ các cứ điểm của địch, phá đường giao thông và cơ sở quân sự, đạt được thắng lợi không nhỏ.

Tấn công mùa đông của QĐNDVN đạt được thắng lợi rất lớn: vùng Tây Bắc trừ ốc đảo Điện Biên Phủ đã hoàn toàn được giải phóng với binh lực có hạn, trong một thời gian rất ngắn, đã giải phóng một vùng rộng lớn bắc Tây nguyên, Trung, Hạ Lào và đồng bằng Cao Miên có ý nghĩa chiến lược quan trọng, tiêu diệt được rất nhiều quân địch, thu được số lớn vật tư quân sự, cơ bản thực hiện được kế hoạch khai thông tuyến giao thông chiến lược Nam- Bắc Đông Dương, kiểm soát đông tây đường số 6, 7, 8, 9, 12, 19 của VN thông sang Trung, Hạ Lào và Campuchia đến quốc lộ 6. Tuyến giao thông của quân Pháp hầu như bị cắt đứt toàn bộ. Điều đó làm rối loạn hoàn toàn bố trí chiến lược của Navarre, buộc ông ta không ngừng phân tán binh lực cơ động, ứng phó bị động, mệt bở hơi tai, làm cho kế hoạch quân sự của ông ta giải quyết vấn đề Đông Dương nam trước bắc sau trở thành bong bóng. Điều đó đã tạo điều kiện hết sức thuận lợi về chiến lược cho quân đội nhân dân giành thắng lợi chiến dịch Điện Biên Phủ.

(còn tiếp)

 Vu Hoá Thầm

(đăng trong Thượng tướng phong vân lục
Đại Bách Khoa toàn thư xuất bản năm 2000 )

Tổng thống Giscard d’Estaing trao Bắc đẩu bội tinh cho trung tướng Marcel Bigeard tháng 9-1974 trên sân điện Invalides nơi an nghỉ của Nã Phá Luân.

Bộ chỉ huy Tiểu đoàn 3 Biệt Cách Nhảy dù Thuộc địa (3e BCCP): Hàng đầu bìa phải là đại úy tiểu đoàn trưởng Paul Cazeau chết trong trại tù Cộng sản. Bìa trái là đại úy Nguyễn Văn Vỹ sẽ là chỉ huy trưởng Quân trường Quang Trung rồi Tổng cục trưởng Tổng cục Quân huấn, rồi Tổng trưởng Quốc phòng giai đoạn 1966-1969. Sau 75 tướng Vỹ bị tập trung cải tạo. Đồng đội cũ, Marcel Bigeard, là đại đội trưởng tiền nhiệm, khi trở thành thứ trưởng quốc phòng sẽ can thiệp cho tướng Vỹ sang Pháp trị bệnh. Tướng Vỹ mất tại quân y viện Begin năm 1981. 

Trung tá Marcel Bigeard trên đại lộ Champs Elysées 1957. Binh chủng Nhảy dù Thuộc địa đội bérét đỏ khác với Nhảy dù Lê dương đội bérét xanh lục.

Bộ chỉ huy Nhảy Dù trong khu vực Claudine không trên đồi Éliane 2 (là đồi A1).