Nguyễn Tú An phóng tác
Trời bình minh, bãi biển đẹp như tranh vẽ. Cát trắng lấp lánh trong nắng sớm. Nước trong vắt, xanh lơ, đôi chỗ loáng ánh hồng trở nên tím biếc như màu gấm.
Xa xa thấp thoáng dăm bảy cánh buồm sặc sỡ.
Trên ghềnh đá, hai đứa bé lom khom nạy những con sò bám trong kẹt rêu. Thằng Cát lớn hơn, chốc chốc lại khoe với em:
– Coi này, Ða!… Anh gần đầy giỏ rồi!
Còn Ða mới mười hai, người nó loắt choắt nhưng đỏ đắn, cứng cáp. Ðôi khi nó vẫn theo cha ra tận chỗ mò ngọc. Nhưng thường thì ông Tư Ðô đi biển với người cha già. Hai người ra tận Hòn Chim, Hòn Rồng để mò trai. Ông Tư lặn, cụ Sáu ngoài sáu mươi, ngồi trên thuyền đỡ đần các việc vặt, canh chừng cần trục.
Thường thường xế chiều hai người mới về.
Trong khoảng đó Cát với Ða nhặt sò hến hay ra bến đón tàu lạ. Phần lớn tàu buôn đổi chác hàng hóa hay mua ngọc. Ðôi khi cũng có tàu du khách ghé thăm đảo. Ðó là những ngày no ấm nhất, vì hai đứa có dịp kiếm tiền. Nhóm khách lạ giàu có ưa liệng tiền xuống biển để xem chúng lặn hụp.
Khi hai anh em rời ghềnh đá thì ngoài bến có chiếc tàu lớn treo cờ sặc sỡ đậu đó. Toán du khách sang trọng đứng dựa lan can, ngắm phong cảnh. Vài người ném tiền đồng cho trẻ mò. Cát quẳng áo cho em:
– Coi chừng giỏ sò… Anh lượm ít bạc cắc, nghe!
Nó đứng trên bờ vẫy tay, nhoẻn cười, ra hiệu cho ông khách mặc bộ áo lụa, có nắm tiền đồng trong tay. Trông Cát vạm vỡ, chắc nịch, bắp thịt tay chân thon dài. Còn nước da nâu màu đồng hun, rõ nước da con nhà chài lưới miền biển.
Ông khách ngắm Cát một lát rồi liệng xuống nước ba đồng tiền. Cát nhún chân, lao người xuống biển. Nó chìm trong làn nước xanh gần như không một tiếng động. Chưa đầy nửa phút, nó đã nhô lên mặt nước giơ cao ba đồng tiền cho khách xem. Ông khách vỗ tay khen, liệng tiếp nắm tiền ra chỗ sâu hơn. Nhưng sâu đến đâu Cát cũng mò được. Có lần tiền chưa kịp chìm tới đáy nước, chú bé đã đón lấy rồi.
Nhóm du khách gật gù:
– Chẳng trách dân vùng này nổi tiếng là thợ mò ngọc trai giỏi được! Mới tí tuổi đầu mà đã vậy!
oOo
Trong lúc đó, cha con ông Tư vất vả ngoài khơi. Ông Tư lặn gần trọn buổi sáng trên những khoảng đáy biển quen thuộc: chẳng thấy dấu vết con trai lớn nào, một đôi con có ngọc thì còn non tuổi, không bõ bèn gì.
Cụ Sáu lắc đầu:
– Con à! Không khéo phải tới khu Mỏ Ưng mới kiếm ra ngọc mất!
Ông Tư cũng nghĩ vậy:
– Khu đó nước sâu, ít người tới, chắc có trai lớn. Cha con ta liều một chuyến xem sao.
Con thuyền rẽ sóng về mỏm núi đá sừng sững, phía trên nhọn hoắt, cong vút như mỏ chim ưng. Trong hốc đá đáy biển có tiếng là lắm trai già năm, ngọc đẹp nhất vùng. Có điều vũng nông nhất cũng tới ngoài hai chục sải, không phải thợ giỏi, ít ai dám liều.
Cụ Sáu neo thuyền vào kẹt đá, sửa soạn thòng dây cho con xuống biển:
– Cẩn thận, con nhé! Nước lạnh lại có sóng ngầm đó, nương vào vách đá mà đi!
Cụ cũng dặn cho có lệ, chứ ông Tư đã thạo nghề từ lúc mới bằng thằng Cát kia! Tuy vậy mỗi lần đến Mỏ Ưng ông vẫn dè dặt… Nước lạnh buốt, vài đợt sóng ngầm như cuộn lấy chân ông, lôi vào cái khoảng hang động tối mò. Ðược cái ông ôm tảng đá nặng, nên chìm mau lắm.
Trong bóng lờ mờ của làn nước đáy biển, vật vờ trong đám rong quằn quại, vài đàn cá đủ màu lượn lờ quanh mấy gốc san hô… Dăm bảy con trai nằm rải rác, ông Tư toan lượm… Chợt ông thoáng thấy trong hốc núi phía tay mặt cả trăm con trai la liệt trên lớp cát xám màu bùn. Nhiều con già quá, chết từ lâu, phơi rõ viên ngọc sáng ngời… Thực là trời cho! Ông Tư vừa cúi xuống bỗng chân tay rời rã, mắt hoa lên, hai tai đau buốt… Dưới đáy nước băng giá, ông có cảm giác như hai mũi dùi từ đâu xoáy vào thái dương… Có lẽ ông đã mệt lại xuống sâu quá, nên màng tai bị nước ép vỡ… Không lên mau, ông ngất lịm đi mất!… Ông chỉ còn đủ sức giật sợi dây buộc ở cánh tay…
Trên thuyền, cụ Sáu thấy động vội quấn thừng vào cần trục. Vòng trục rít lên, dây rút ngắn, kéo theo ông Tư nhợt nhạt như người chết rồi…
Khi thuyền ghé bãi người thợ lặn còn mê man, nằm thiêm thiếp, máu rỉ ra từ trong lỗ tai…
oOo
Hai anh em Cát vừa khóc vừa lay gọi cha. Nước mắt Ða ràn rụa, con bé chưa thấy cha như vậy bao giờ. Nó nức nở:
– Liệu cha có chết không anh?
Cát lắc đầu cho em yên lòng, nhưng chính nó cũng thoáng có ý nghĩ ghê gớm đó.
– Không sao đâu… Cha nằm yên ít lâu là khỏi mà!
Cụ Sáu thở dài:
– Giá có tiền đem đi nhà thương thì mau lành, nhưng kiếm đâu ra!… Ðể chữa thuốc ta vậy!… May ra cũng không sao.
Ông Tư lúc tỉnh, lúc mê. Cơ thể sắt thép của ông còn chịu đựng được. Ông lờ đờ nhìn hai con ngồi xoa bóp cho mình, ghé tai Cát thì thào:
– Con nhớ nhé!… Trong hốc đá phía bên phải hòn Mũi Ưng… Cha thấy rõ đống ngọc trai… Ðừng cho ai biết, nghe… Chừng nào đủ sức con ráng tới đó…
Cát nắm lấy tay cha:
– Con nhớ… Bên phải hòn Mũi Ưng có hang ngọc. Con sẽ tới đó, cha đừng lo.
Ông Tư toan nói thêm nhưng lại thôi, ông hãy còn mệt quá. Ông chỉ đủ sức giơ tay trỏ ra phía sau nhà… Cát hiểu cha muốn dặn gì rồi… Nó gật đầu, đứng dậy, bước ra ngoài.
Phía sau nhà là căn lều của Tám Tàng. Chú ta rượu chè, cờ bạc…lúc nào cũng túng thiếu. Trước kia chú lặn khá lắm, bây giờ chú đâm lười, biết chỗ nào lắm ngọc mới mò tới. Nhưng chú có đi biển đâu mà biết nơi nào sẵn ngọc, chú đành rình mò kinh nghiệm các bạn chài.
Cát không bắt gặp chú nghe ngóng sau nhà, nhưng thấy chú bước nhanh ra phía rặng dừa, vội vã như đi trốn.
Giá Cát tới gần được, chắc nó đã nghe chú lẩm bẩm:
– Hừ, biết ngay mà!… Lão Tư khôn thực!… Phía bên phải hòn Mũi Ưng… Ta nhớ rồi!
Chú chẳng trốn đâu xa, chỉ quanh ra bãi biển, loanh quanh một chút rồi chui vào đống buồm cũ trong khoang thuyền của ông Tư. Chú nằm đó, đợi Cát đưa đến tận nơi có ngọc. Chú đã tính sẵn:
– Mình luống tuổi rồi, xuống sâu mệt sức lắm… Ðợi thằng bé nhặt ngọc xong, ta làm cả túi là tiện nhất! Có món vốn, đi nơi khác làm ăn, ai biết đâu!
Chú vuốt lưỡi dao găm thủ trong bụng:
– Có rắc rối thí cho nó một nhát là êm!
oOo
Anh em Cát đâu ngờ tới chuyện đó.
Cát lẳng lặng nai nịt: nó thắt chặt chiếc quần cụt, đeo bên sườn con dao sắc như nước của cha, quàng trước ngực chiếc túi da cá để đựng ngọc. Chờ cụ Sáu và ông Tư ngủ say, nó ra hiệu cho con Ða:
– Ði với anh nghe… Ta phải kiếm mươi con trai lớn để có tiền mang cha đi chữa…
Thấy nói đến chữa cho cha, Ða hí hửng lắm. Con bé yêu cha vô ngần. Giá phải nhảy vào lửa để cứu cha, nó cũng không từ nào!
Thuyền được gió vùn vụt rẽ sóng. Cát kéo buồm, Ða ngồi ghì chặt lấy bánh lái. Hòn Rùa, hòn Rồng rồi tới Mũi Ưng… Ngọn núi cao vút sừng sững trên mặt biển. Cát neo thuyền vào sườn núi bên phải… Ông Tư còn vứt đó mẩu dây cột thuyền làm dấu. Ða buộc sợi thừng dài vào cánh tay anh rồi thả cần trục. Chiếc chảo lớn có cột viên đá tảng chìm nhanh dưới làn nước xanh lam, mang theo chú bé đi mò ngọc.
Cát đã lặn sâu thế này nhiều lần. Nó giấu không cho ông Tư biết: nó chưa tới tuổi lặn sâu mà! Nhưng trong nghề nào cũng vậy, cũng có những ngoại lệ; Cát nhỏ tuổi mà cơ thể đã quen chịu đựng với áp lực dưới đáy nước. Có lẽ do nó vùng vẫy suốt ngày ngoài vụng biển, cũng nên!
Tuy vậy gặp sóng ngầm dưới hòn Mũi Ưng nó cũng thấy rợn… Nước lạnh toát… Ðàn cá hình thù kỳ dị lướt bên người hay chạm thân hình trơn nhẫy như mỡ vào vai, vào đùi khiến nó rùng mình… Dù sao cũng phải tìm ra nơi cha nó dặn. Chỉ có ngọc, thực nhiều ngọc mới làm cho cha nó mau lành… Bỗng sợi chão chùng lại, tảng đá đụng lớp cát đáy biển… Cát mò mẫm trong bóng mờ ảo của làn nước dưới sâu… Chợt mắt nó hoa lên: trong hốc đá ăn sâu vào núi như chiếc hang nhỏ, lấp lánh đám ngọc trai sáng ngời… Cát nhịn thở, nhặt lấy nhặt để, nhét vội vào túi da… Chuyến này chắc chắn cha nó thoát nạn!
Nhưng đúng vào lúc Cát toan đứng dậy, hai bàn tay ai từ phía sau đưa tới, chẹn ngang lấy cổ họng nó…
oOo
Ðó là Tám Tàng. Gã hàng xóm tham lam chờ cho Cát lặn được một lát rồi mới ra tay. Hắn đẩy Ða ngã sấp xuống khoang thuyền, cướp sợi thừng quấn vào người, nhào xuống nước. Hắn tới đáy biển đúng vào lúc thằng bé có đầy túi ngọc trước ngực… Cát đâu chịu mất của dễ dàng như vậy. Nó thu hai chân, uốn người như cá lượn, đạp cả hai chân vào kẻ địch, bơi lảng ra xa… Trong lúc bất ngờ, Tám Tàng bắn người vào đám san hô… Lưng hắn sướt một vạch dài, máu từ vết thương làm thành vết loang hồng lợt, tan trong làn sóng ngầm… Cát nhoai người lên thực nhanh… Giữa lúc đó một bóng đen thon dài từ phía xa lướt tới êm như ru. Cát thoáng thấy chiếc vây lưng cong như vành trăng. Thằng bé rùng mình, nắm chặt con dao trong tay: nó có nghe ông Tư nói chuyện về cá mập nhiều lần. Dưới biển sâu, gặp giống này chỉ có cách làm sao đâm trúng vào hàng lỗ nhỏ hai bên mang cá mới thoát chết… Nhưng con cá hình như không đếm xỉa tới Cát.
Nó là miếng mồi bé nhỏ quá chăng?… Cũng không phải vậy: con cá đánh hơi theo vết máu, nó mãi tìm khoảng lưng rướm máu của gã hàng xóm bất lương trước đã!
Cát thấy rõ con cá nghiêng mình, phơi chiếc bụng trắng màu sữa… Cái miệng hình bán nguyệt há to, hai lớp răng lởm chởm như dao nhọn trông rợn người…
Khoảng đáy biển xáo động như có cơn giông bão, bùn cát trộn lên đục ngầu, sóng ngầm từ phía dưới đẩy mạnh lên cao… Cát không trông thấy gì nữa…
Con Ða ôm lấy anh khóc nức nở. Tội nghiệp, con bé tưởng gã ăn cướp dìm chết anh nó dưới biển sâu mất rồi. Cát vuốt tóc em, trao cho nó túi ngọc trai:
– Chừng này chắc đủ tiền thuốc thang…
Con bé nhoẻn cười, nhặt một viên ngọc tròn bằng đầu ngón tay, giơ ngang mắt; trong ánh nắng chiều, hạt ngọc ánh lên vân ngũ sắc, đẹp lạ lùng. Nó xuýt xoa:
– Ðẹp quá anh ơi… Chắc dư dả để cha được nghỉ ngơi, khỏi phải vất vả.
Cát cũng mong vậy. Từ nay nó sẽ nối nghiệp cha. Nó đủ sức mò ngọc mà!
oOo
Thuyền quay mũi. Cát chỉ cho em coi năm bảy chiếc vây lưng cá mập nhọn như lưỡi hái đang vùn vụt rẽ sóng:
– Chắc đàn cá kéo nhau lại tranh mồi…
Nó rùng mình nghĩ tới thảm trạng đẫm máu dưới đáy biển, nhưng không dám nói ra, sợ con Ða lại khóc. Không phải thương hại Tám Tàng mà là lo cho nó sau này.
NTA phóng tác
Nxb Sống Mới, Sàigòn 1970
Trần Vũ đánh máy lại tháng 4-2023