Kỳ 1

Mai Kim Ngọc dịch

Andrew Lâm Quang Dũng là con trai của Trung tướng Lâm Quang Thi, từng là Tư lệnh binh chủng Pháo binh VNCH rồi Chỉ huy trưởng trường Võ bị Quốc gia trước khi làm Tư lệnh phó Quân đoàn I. Chính trong thời gian này Andrew Lâm theo học trường Yersin tại Đà Lạt và những năm tùng sự trên cao nguyên của phụ thân đã khảm vào ký ức anh nhiều hình ảnh.

Đêm 29 tháng 4-75, tướng Thi đem gia đình xuống khu trục hạm HQ-1 Trần Hưng Đạo để vĩnh viễn rời quê hương. Cậu bé Lâm Quang Dũng lên 11 tuổi lớn lên trên đất Mỹ, lấy thêm tên Andrew và theo học Berkeley. Thời sinh viên Andrew Lâm đã viết báo cho Pacific News và vào năm 1993 nhận giải thưởng phóng viên trẻ xuất sắc nhất (The Outstanding Young Journalist Award của Society of Professional Journalists). Andrew Lâm bỏ học y khoa và quay sang viết văn, cùng lúc làm phóng viên. Hiện anh làm chủ bút New America Media.

Andrew Lâm Quang Dũng  

Đã xuất bản:

Perfume Dreams: Reflections on the Vietnamese Diaspora, Heyday Books 2005

East Eats West: Writing in Two Hemispheres, Heyday Books 2010

Birds of Paradise Lost, Red Hen Press 2013

Slingshot in Zyzzyva, Winter 1998 

Letter to a young refugee from another, 1999 

Andrew Lâm viết nhiều cho các báo nổi tiếng The New York Times, The San Francisco Chronicle, The International Herald Tribune, The Chicago Tribune, Los Angeles Times và đã nhận các giải thưởng Media Alliance Meritorious Award, World Affairs Council Excellence in International Journalism, American Journalist Association National Award.

Gỗ Mun và Hồn Ma Bóng Quế, do Mai Kim Ngọc dịch từ nguyên tác Dark Wood and Shadows trong tập Perfume Dreams, là một tự truyện với khí hậu âm u. Cách cấu tạo nhân vật cho đến đối thoại đều rất tinh tế. Giữa những chuyến phi cơ đi về, xuất hiện một linh hồn bé nhỏ… Đặc điểm khác, là mặt phía bên trong một gia đình cấp tướng VNCH.

Andrew Lâm đoạt giải Pen Open Book Award vào năm 2006 cho tập sách này. Đánh máy lại vì rất ít bạn đọc tiếng Việt biết đến. [Trần Vũ]

Trung Tướng Lâm Quang Thi

Sau chuyến bay giông tố chở chúng tôi từ Sàigòn thăm thân nhân đau nặng trở về, chiếc Cessna nặng nề đáp xuống phi đạo bùn lầy của sân bay Cam Ly. Bên ngoài, màn mưa nhẹ trên nền trời màu xám khói đón chúng tôi trở lại vùng cao nguyên của sương mù vạn niên và rừng thông vi vút. Phi cơ nhẹ nhàng tiến về phía đài kiểm soát, nước bùn tung tóe văng lên đôi cánh sắt trắng. Phi cơ chậm lại, gầm lên dữ dội như con vật bị thương, rồi dừng hẳn trong cơn rung chấn động toàn thân con tàu.

Hạ cánh an toàn, Măng thở phào ngả người ra sau ghế. Bàn tay lẹ làng bật khóa chiếc ví da sấu, Măng lấy ra phong bao đựng tiền trao cho người phi công. Tôi nhìn ra kính trước phi cơ, thấy bóng dáng quen thuộc của chú Lâu và chú Hiển bên chiếc Plymouth của gia đình đỗ gần hai xe tải nhà binh han rỉ. Ô đen cầm tay, hai chú gia nhân vội vã chạy tới trong khi cánh quạt phi cơ quay nốt vòng cuối cùng rồi dừng lại.

Cánh cửa chiếc Cessna mở tung. Gió lạnh ùa vào mang theo mùi đất bùn và mùi nhựa thông. Tôi nghe tiếng thác Cam Ly vọng lại từ sau mấy ngọn đồi xanh. Chú Lâu tới trước. Bàn tay nhợt nhạt xám ngắt vì lạnh, chú giương ô che khung cửa phi cơ đã mở. Rồi đôi môi tái thâm run rẩy, chú ú ớ thưa với Măng những gì không ai hiểu nổi. Măng vừa bước xuống phi cơ vừa hỏi, hoảng sợ vì thái độ của chú:

“Chuyện gì vậy chú? Ở nhà vẫn thường chứ?”

“Bẩm Bà, dạ bẩm Bà…” chú lí nhí, miệng chú phả ra làn hơi thở đã đong thành hơi nước. “Bẩm Bà cô ấy mặc chiếc duýp đỏ. Con thề chính mắt con trông thấy”.

Chú Hiển khẽ lắc đầu khi bước ngang mặt chú Lâu, kịp thời đỡ anh Tuấn tôi từ phía sau Măng đang nhảy đại xuống đất, một chân đã đạp ngay vũng bùn. Bây giờ thì viên phi công đã chất xong đống hành lý của chúng tôi vào thùng xe hơi và đang rảo bước lại phía gian hàng PX. Măng hỏi:

Xem thêm:   2 người thợ săn

“Ai mặc duýp đỏ?” Giọng Măng bực bội, tựa hồ như sau một chuyến bay nhồi xóc lại phải xử thêm chuyện tầm xàm này. Thật ra chú Lâu vốn hơi man mát, thường khi hay nói lẩn thẩn một mình. Nhưng thái độ chú hôm nay quá bất thường làm mọi người phải thắc mắc.

“Ba tôi vẫn mạnh chứ chú?” chị Ngọc hỏi. Chị ngồi trên khung cửa máy bay, ngần ngại chưa muốn nhảy xuống sợ hỏng chiếc áo dài màu hồng chị rất thích mà Măng đã tự tay may cho chị.

“Suỵt” Măng đặt tay lên chị. Rồi đôi mắt sắc của Măng quay sang chú Lâu:

“Nào chú nói đi. Cô nào mặc duýp đỏ? Lại con bồ mới của Ông nhà chú phải không? Con nào nào?”

Chú Lâu co dúm người dưới cái nhìn của bà chủ. Chiếc ô chú đang cầm lảo đảo trong tay.

“Bẩm bà không, không phải vậy. Không phải cô bồ nào của ông… Cô ấy là…” Chú ngập ngừng, mắt chú lấm lét.

“Con nào, chú phải nói ngay”. Măng ra lệnh. Bây giờ thì Măng đã nổi nóng, giọng Măng cao hẳn lên một bậc. Vuốt mấy sợi tóc trên trán, Măng nhìn thẳng mặt chú, đợi chú trả lời. Vạt áo dài của Măng phần phật trong gió như cánh con bươm bướm trong cơn kinh hoàng…

“Dạ là cô… chính là cô nhà, bẩm Bà” chú nói, mếu máo như muốn khóc. Chị Ngọc và tôi nhìn nhau, không hiểu chú muốn nói gì, ngày nào mà chú chả thấy chị từ khi gia đình tôi dọn lên Ðà Lạt. Hai đứa chúng tôi bắt đầu cười ngặt nghẽo, trong khi anh tôi từ bên trong chiếc Plymouth giục giã mọi người lên xe. Chú Hiển bây giờ đã mang ô quay lại đón chị tôi và tôi. Hai chị em chúng tôi bèn bày trò chơi, giả vờ làm nông dân bị lạc trong cơn lụt sông Cửu Long và đang chờ người đến cứu.

“Bẩm Bà, Bà đừng bận tâm”, chú Hiển nói, chiếc ô đen của chú che mất bầu trời. “Thằng Lâu cứ cái tật nói bóng nói gió, Bà hơi đâu mà nghe…”

Măng như không lưu tâm đến lời chú Hiển, gạn hỏi chú Lâu cho bằng được. “Cô nhà… con gái tôi… chú muốn nói con Ngọc?” Giọng nay bình tĩnh hơn, Măng chỉ tay về phía chị tôi đang ngồi trên thềm cửa máy bay, đôi bàn chân dép đong đưa trên mặt nước bùn.

“Không, bẩm Bà không phải cô Ngọc”, chú Lâu lắc đầu quầy quậy. “Con muốn nói cô kia cơ, cái cô đã mất rồi ấy…”

Ðang đùa nghịch, chị Ngọc và tôi sững lại. Chân chị đang đu đưa ngoài cửa máy bay bỗng co lại trong vòng ôm che chở của đôi cánh tay mặc áo len của chị. Tôi muốn kêu mà không ra tiếng, người tôi ớn lạnh, tôi ngồi sát lại chị. Chú Lâu không còn làm tôi tức cười nữa. Tất cả nhà im lặng, và tôi lại nghe thấy tiếng thác đổ rì rào xa xa nơi mấy xóm nhà tranh và mấy rặng đồi. Măng hơi lảo đảo bước tới một bước nhỏ, mặt bà xám ngắt như bầu trời nặng mây trên đầu.

“Nói láo!” Măng lớn tiếng. “Chú nói láo”. Chú Lâu không cãi nhưng vẫn lắc đầu.

Một giây sau, mắt xa vắng nhìn sườn đồi rậm cây trước mặt. Măng khẽ lẩm nhẩm một mình. “Con gái vắn số của Măng…” Rồi bất thần Măng hốt hoảng. “Chiếc váy đỏ, trời ơi! Tôi đốt mã chiếc váy ấy cho con tôi năm ngoái”.

Măng vụt quay sang chú Hiển, nắm lấy cánh tay chú. “Chú Hiển, hôm nay là mùng mấy?”

“Bẩm Bà, mười tám tháng tám” vừa trả lời Măng chú Hiển bế chúng tôi ra khỏi máy bay.

“Khốn khổ khốn nạn!” Măng khẽ than. Mái tóc đen uốn thành lọn cong của Măng phủ dầy những hạt mưa bụi lấm tấm. “Tôi quên khuấy đi mất ngày giỗ con Ngà. Tôi quá bận săn sóc mấy người em họ đau… Chú Lâu, chú thấy… chú thấy em nó về bao giờ?”

Xem thêm:   Lối đi trong vườn

“Bẩm Bà bốn hôm trước”, chú Lâu nói.

“Vị chi là hôm mười bốn, một ngày sau ngày giỗ con bé”. Măng khẽ nói, giọng như không còn ngạc nhiên nữa. Măng lặng lẽ khóc dưới mưa.

Vào trong xe, chúng tôi yên lặng. Chú Lâu thần thái như chưa hoàn hồn, ngồi trước với chú Hiển, giữa hai chú là hai khẩu M-16. Măng ngồi băng sau, anh tôi và tôi bên phải, chị tôi bên trái. Mưa nặng hạt hơn, lộp bộp trên nóc xe. Chiếc Plymouth đổ xuống con dốc thoai thoải, đằng sau chúng tôi phi trường quân sự với những trại lính bằng gỗ chìm dần trong mưa.

“Chú Lâu”, Măng ra lệnh, “chú kể đầu đuôi cho tôi nghe… Mà chú phải kể hết, dù một chi tiết nhỏ cũng không được quên”.

“Bẩm Bà vâng”. Giọng chú lạc đi trong khi chú quay lại băng sau thưa chuyện với Măng. Bán diện xương xẩu của chú với cái cổ dài làm tôi nhớ đến con gà trống ngộ nghĩnh chị Ngọc và tôi có lần nuôi. Một người tài xế của ba tôi đã chận chết nó mùa hè năm trước – Măng cho là anh ta chủ tâm, vì con gà gáy quá to lại gáy quá sớm đã phá giấc ngủ mọi người trong doanh trại, tôi tớ cũng như lính tráng. Chú Lâu hắng giọng, lưỡng quyền chú rung rung. Chú thường làm như vậy. Khi giặt giũ quần áo cho chúng tôi, chú hay hát cải lương, món tiêu khiển chú ham thích nhất. Khi trình diễn môn hát này, chú có thể thao thao bất tuyệt. Bộ điệu chú làm tôi tức cười, nhưng bàn tay Măng đặt lên tay tôi làm tôi tức thì yên lặng.

Giọng trầm xuống, nghiêm túc chú bắt đầu. “Sự việc là như thế này… Bẩm Bà, Bà còn nhớ tuần trước nữa, khi Bà và các cô cậu sửa soạn lên Sàigòn, Bà dặn Hiển và con canh nhà, lo mà bảo vệ ông Tướng cho chu toàn. Bẩm Bà, hai anh em con đã làm y lời Bà dạy. Chúng con thay phiên ngủ trong phòng học cuối hành lang. Chúng con đặt ghế bố ngay dưới bàn thờ cô Ngà, gần bên lò sưởi.

“Các cô các cậu hay dùng phấn viết bảng, nên chi chỗ nào cũng đầy bụi phấn – từ bàn học cho đến sách vở hay tủ sách nền nhà, chỗ nào cũng phấn là phấn. Tất nhiên là ngay hôm đầu vào ngủ trong đó, con đã lau chùi sạch sẽ từng li từng tí. Vậy mà tối hôm sau đến phiên thằng Hiển ngủ, nó lại than là sàn đầy bụi phấn. Ghế bố cũng vậy.

“Thật ra con biết không ai dám vào viết phấn lên bảng, đám con nít nhà con nếu không có phép Bà đâu dám đặt chân lên nhà trên. Vậy thì bụi phấn ở đâu ra?

“Nhưng phấn là phấn, nhiệm vụ là nhiệm vụ, nên ngay sáng hôm sau con vác giẻ lau với chổi lông gà trở lại phòng học lau chùi sạch sẽ. Ðêm hôm đó, chính cái đêm lạnh cắt da cắt thịt đó, chuyện lạ, rất lạ, đã xảy ra. Bẩm Bà, bây giờ nghĩ lại con còn chết khiếp… Bẩm Bà, sự việc nó là nó như thế này…” Kể tới đây chú tặc lưỡi. Tiếng mưa trên nóc xe như bắt nhịp theo, chú kể:

“Tối hôm ấy sương mù dày như cháo đặc. Còn gió thì ở đâu mà nhiều thế, rít miết trên ngọn thông. Bỏ mẹ con sắp nhỏ ở lại nhà dưới, con xách khẩu M-16 lên phòng học ngủ. Khi con ra khỏi cửa, mẹ sắp nhỏ như có linh tính, can con. “Anh ơi, anh đừng có đi, anh đừng có đi”.

Chú bắt chước cái giọng vừa chua vừa xẵng của thím Lâu. Chú bắt chước thật giống làm mọi người, kể cả Măng, đều phải tức cười. Chú nói tiếp “Con vợ con nó bảo ‘ông Tướng đâu có ở nhà cho anh bảo vệ, anh hãy bảo vệ lấy thân anh, ở nhà với vợ, đi làm gì anh ơi. Nhà trên có ma nào mà lên. Ở đây với em đi’

Xem thêm:   Con gấu ngựa

“Bẩm Bà, ai mà thèm nghe con đàn bà nôm na mách qué. Phiên con gác là con đi gác. Con băng qua sương mù, mặc gió buốt, lên tam cấp, qua nhà bếp, qua phòng khách vắng, leo lên cái cầu thang gác cót két, đẩy cái cánh cửa rít bản lề, vào thẳng phòng học. Quả như rằng, ghế bố lại đầy bụi phấn nhưng con chỉ lấy tay phủi sạch, tắt đèn rồi ôm súng ngả lưng xuống trùm mền ngủ. Bên ngoài gió vẫn hú nhưng chẳng sao, lính mà, bẩm Bà.

“Thế là xong, mọi chuyện xem ra bình thường và con ngủ thiếp đi ngon lành. Rồi bất thần, có cái gì – không biết là cái gì – đánh thức con dậy. Tựa hồ như ai đó nói thầm vào tai con, và con khấn Trời khấn Phật là tai con lầm, chẳng qua chỉ là tiếng gió. Con không rõ lúc ấy là mấy giờ, chỉ biết trời còn khuya lắm và bên ngoài cửa sổ tối thui, ngoại trừ ngọn đèn vàng sau lùm cây bên khu trại lính. Ðợi lát lâu không thấy gì khác, con toan ngủ lại thì… có cái gì lạnh ghê gớm kéo cổ chân con. Tựa hồ như một bàn tay con nít, nhưng lạnh buốt như nước đá. Con như tê dại. Con chỉ còn biết nghểnh đầu ra khỏi chăn, ráng mắt ra nhìn.

“Trời Phật ơi, chính lúc ấy con thấy cô nhà, bẩm Bà. Cô bé hiện ra trong một vùng ánh sáng lờ mờ, kỳ dị. Cô khoảng sáu bảy tuổi, nhìn kỹ mới nhận ra chiếc duýp đỏ cô mặc. Con sợ mất hồn mất vía, bẩm Bà tha lỗi cho con, miệng con há hốc, nước dãi chảy ròng hai bên mép. Cô bé cứ đứng như vậy ở cuối ghế bố mà khóc, tay cổ nắm chân con… Tóc cổ dài mềm mại như tơ, da cổ trắng như ngà.

Con biết ngay là cô nhà, là cô con gái bà đã mất. Cô hiện ra mảnh dẻ xinh đẹp như con búp bê. Nhưng con sợ đến nỗi không nhúc nhích nổi. Miệng con há hốc, máu con đông lại, và con nghĩ chắc lúc ấy tóc con dựng đứng trên đầu. Con nằm bất động như một khúc gỗ, trân trân nhìn cô khóc. Cô khóc mải miết, không biết bao lâu, sau cùng cô nín và ngẩng lên nhìn con”. Kể đến đây, giọng chú Lâu như trầm xuống, như thì thầm. Tôi nghe bàn tay Măng bóp chặt lấy tay tôi.

“Cô nói, ‘Chú Lâu ơi, em lạnh quááá… Mọi người quên em rồi… Chú Lâu ơi, Măng quên em rồi. Chú làm ơn thắp cho em cây nhang, cho nhà em ấm một chút. Chú nhớ nghe chú, em lạnh quááá…’

“Bẩm Bà, nói xong cô buông chân con ra. Rồi quay mình, cô chập chờn bay về phía lò sưởi nơi bàn thờ gỗ mun của cô. Như một đám mây lạnh mùa đông, cô biến đi mất. Bẩm Bà, con ráng thu hồn thu vía, bình tĩnh, hy vọng cô không trở lại nhát con đến chết. Sau cùng cục cựa được, con đứng dậy bật nút đèn. Thu hết can đảm, con bước lại bàn thờ rút ba cây nhang ra thắp. Con khấn cô. ‘Cô Ngà ơi, tôi thắp nhang cho cô rồi. Tôi van cô đừng nhát tôi nữa, tôi yếu bóng vía không kham nổi đâu. Tôi thờ Phật, còn vợ và ba con nhỏ phải nuôi. Van cô đừng cướp hồn tôi. Sáng ra tôi xin đem đồ cúng cô. Cô Ngà ơi, tôi van cô’. Khấn xong, con vái cô ba vái, và cắm nhang vào bát nhang nhỏ trước bàn thờ. Bẩm Bà, thật ra thì vợ con cũng có lý, mà ông Tướng cũng không có nhà… Dông dài, con muốn thưa là không có ai  ở nhà nên con cũng tự tiện xuống lại nhà dưới với má con bầy trẻ…”

(còn tiếp 1 kỳ)

Mai Kim Ngọc dịch từ bản Anh văn “Dark Wood and Shadows” trong tập Perfume Dreams

Trần Vũ đánh máy lại tháng 5-2022 từ bản in trên tạp chí Văn Học số 117 & 118 Xuân Bính Tý phát hành tháng 1-1996, trang 47-57.