Đang là mùa Xuân, mời bạn cùng đọc lại 15 Truyện Mùa Xuân do Nguyễn Mạnh Tuân phóng tác mà tôi đánh máy lại. Thuở xưa Nxb Sống Mới đã quảng cáo là truyện dành cho lứa tuổi từ 7 đến 77 tuổi. [Trần Vũ]

Nguyễn Mạnh Tuân phóng tác

Dòng sông đục lờ uốn quanh cánh đồng lầy rồi mất hút trong khoảng rừng rậm. Ít người héo lánh tới đây, vì thực ra chẳng có nguồn lợi gì của rừng, của núi gọi là quý báu để thu hút dân đi rừng. Trước kia có ít quế với trầm, nhưng từ ngày, đã lâu lắm, một nhóm trai tráng rủ nhau rời “buôn” đi kiếm mấy thứ lâm sản đó rồi mất tích luôn, thời chẳng người nào nghĩ tới chuyện mạo hiểm nữa.

Vậy mà bữa nay lại có thuyền độc mộc ngược dòng sông mới kỳ!… Người trên thuyền đâu đông đảo gì: vẻn vẹn hai người một già một trẻ.

Người lớn tuổi lúi húi với tấm bản đồ trải rộng trên đầu gối: ông ta hói trán, lại mang kiếng, thoáng trông cũng biết phi giáo sư cũng học giả chi đây… Gã trẻ tuổi là thổ dân, nhưng thứ thổ dân gần gũi nếp sống văn minh ít nhiều rồi, nên nói sõi tiếng Kinh như dân đồng bằng.

Gã quay lại phía sau:

– Ta lên đây được rồi, thầy!

Ông già gấp tấm bản đồ, toan đứng dậy, nhưng một cánh tay gân bắp giữ lại:

– Coi chừng, thuyền lật giờ… Mà té xuống đây là nguy… Thầy trông đàn cá kia chớ?… Cá Răng đó… răng con nào cũng sắc như dao bào, thấy động là xô lại cả ngàn… Nó rỉa thịt như chớp, mình chẳng chết cũng mang tật suốt đời. Ðợi con ghé vào gốc cây kia coi…

Gã đưa đẩy mái chèo, lách chiếc thuyền vào một ngách sông rồi dạt vào gốc khóm bần. Phải rẽ đám lau sậy bạt ngàn mới có lối đi; gã trai Thổ dẫn đường, khoác túi hành trang nặng trĩu sau lưng, vừa đi gã vừa lấy gậy đập xuống cỏ:

– Vùng này có tiếng lắm rắn độc, thầy à! Có con khô mộc giống in nhánh củi… giẫm phải là chết, không thuốc nào chữa được.

Ông Lâm, giáo sư Lâm, chỉ mỉm cười: ông đi rừng đã nhiều, nên đề phòng đâu đó rồi. Có thể khu rừng Chà-hom này nguy hiểm hơn đôi chút, nhưng nếu tìm ra được dấu vết mấy tháp cổ hoang tàn thì nguy hiểm nữa ông cũng chẳng ngại. Ông là nhà khảo cổ nổi tiếng gan dạ xưa nay mà!

Nhưng chuyến đi này trục trặc ngay từ phút đầu. Nói tới rừng Chà-hom, là không sao mướn được người đi theo: thổ dân sợ cánh rừng có cổ tích quen gọi là Tháp Ma, nên dù có trả bao nhiêu họ cũng từ chối đây đẩy. Gã trai Thổ này túng bấn lắm mới chịu nhận chèo thuyền cho ông Lâm. Liều mạng mà!

Xem thêm:   Đại Tá Hoàng Cơ Lân – Kỷ niệm về đời lính dù

Rồi bây giờ tới lượt lão Tù trưởng: lão lầm lì chẳng chịu nói năng gì, mặc dù đống quà tặng chất trước mặt cũng khá nhiều: nào dao, kéo, búa, cho tới vải màu, rồi gương, rượu mạnh… đủ thứ.

Ông Lâm nhắc gã trai Thổ:

– Chỉ cần lão vẽ đường, hay thuê cho một người là đủ… Mình tìm thấy, sẽ thưởng thêm nhiều nữa, không chừng.

Sau một hồi van vỉ tới gãy lưỡi, gã Thổ thông ngôn lại:

– Lão sợ lắm… Không phải lão sợ cho lão mà cho thầy trò mình. Tháp Ma cách đây không xa, nhưng người tới đó không ai trở về… Kể cả dân trong “buôn” nữa… Chắc phải có ma quái chi đó… Lão khuyên ta đừng tới làm gì… Tới để chết thì vô ích quá!… Thà ở chơi đây, rồi đi săn beo, săn cọp, thú hơn… Lão hỏi thầy có muốn cặp sừng bò tót không?… Lão dẫn đi… Mới có vài đàn từ bên kia núi lạc sang, dễ bắn lắm…

Ông Lâm lắc đầu:

– Bảo lão, để sau này hẵng hay… Thăm Tháp Ma đâu đấy, ta ở lại săn suốt mùa cũng được.

Câu chuyện mặc cả mãi rồi cũng xong:

– Lão bằng lòng cho một người dẫn thầy đi, nhưng chỉ dẫn tới gần nơi thôi… Còn muốn vào đó hay không mặc thầy… Mà vào là chết đấy, lão bảo cho hay… Dù sao mặc lòng, thầy phải thưởng trước cho lão lưỡi dao săn với khẩu súng kia đã… Lão yên trí thầy đi tới đó là không sao trở về được đâu… Thần coi tháp sẽ…

Ông Lâm gạt phắt:

– Ổ… Mặc lão nói gì thì nói… Trả lời là tôi vui lòng nhận hết, có điều ta phải khởi hành ngay mới kịp.

Chỉ vài giờ sau, hai thầy trò ông Lâm đi theo một gã Thượng trần trùng trục, tiến sâu vào cánh rừng.

Ðường đi mỗi lúc một khó khăn, phần vì cây cối rậm rạp, dây leo chằng chịt, phần vì chốc chốc lại có dòng suối chặn ngang đường, phải tìm chỗ có ghềnh đá để băng qua.

Ông Lâm cố gắng lắm mới theo kịp hai gã trai trẻ. Tới tuổi ông, được vậy là khá lắm rồi; ông rút khăn lau mồ hôi trán, nhìn đồng hồ:

– Hỏi gã xem… Sắp tới nơi chưa?… Nghe nói không xa bao nhiêu mà?… Coi chừng lạc đường…

Nhưng hỏi chán cũng vậy, gã Thượng chỉ ầm ừ trong miệng hay quơ tay chỉ về phía trước, hoặc liếc nhìn hai người với ánh mắt thực dữ dằn…

Gã Thổ thì thầm:

– Con không ưa gã dẫn đường… Không chừng gã tính chuyện hại mình chăng… Xưa kia, bộ lạc này đã có hồi săn người lạ, cắt lấy đầu đem sấy đó, thầy ạ!

Ông Lâm vỗ vai gã:

– Không lo!… Tôi biết gã oán mình làm gã phải dẫn đường đó… Gã sợ thần Tháp Ma đấy thôi, có gì đâu mà ngại.

Xem thêm:   Đại Tá Hoàng Cơ Lân - Y sĩ nhảy dù đối đầu với Việt Cộng

– Nếu vậy còn đỡ… Nhưng trời xế chiều rồi, biết vậy ta đem theo đèn bấm có hơn không!… Thầy bảo con để ở nhà, hoài huẫn quá!

Khoảng lặn mặt trời, ba người tới được chỗ rừng thưa, giáp với triền núi. Gã Thượng dẫn đường trỏ tay vào đám cây cao vút trước mặt, líu lo một hồi, rồi ngồi xuống phiến đá gần đó.

– Gã bảo thầy muốn chết thì cứ vào, coi!… Gã ngồi chờ ở đây. Tới lúc trăng lên, thầy không trở ra là gã bỏ về đó!

Ông Lâm không đợi phải giục, rảo bước lại phía gã Thượng vừa chỉ; ông không gọi, cũng không nói gì với người trai Thổ, nhưng gã hấp tấp theo sau: dù sao, đi với ông, gã còn yên tâm hơn ngồi bên gã Thượng lạ mặt.

Dưới ánh nắng mập mờ của buổi hoàng hôn giữa đám cây um tùm, ông Lâm chợt thấy một vệt trắng nổi bật trong đống rễ chằng chịt…

– Ngọn Tháp… Ðúng rồi, không sai được!

Thực ra, công trình kiến trúc xưa cũ đó chỉ còn lại vài khoảng vách tường sừng sững trên đống đá đổ ngổn ngang, hình dáng kỳ dị…

Người giáo sư già đứng ngây người, quan sát cảnh hoang tàn một cách trìu mến… Chợt ông quay lại với gã trai Thổ phía sau:

– Tuyệt!… Quả không ngờ!… Em coi đây, những nét điêu khắc trên đá, cho tới kiến trúc tổng quát ngôi tháp mà xem… Hoàn toàn Việt-Nam, có lẽ từ thời nhà Lý… Như vậy đúng rồi, khoảng đó, ta tràn sang Chiêm-Thành mà… Ai ngờ có ngôi tháp đẹp như vậy…

Ông quên lửng gã hiểu đầu cuối gì đâu, chỉ mong ông xem mau chóng rồi về cho yên thân, thế thôi.

– Lại gần coi!… Hình như có lối vào tháp đây này…

Gã trai trẻ rên lên:

– Thầy để con làm bó đuốc đã nào!… Trời tối mò rồi đó.

Ánh đuốc đỏ rực làm gã bớt sợ đôi chút, gã trao một bó cho ông Lâm:

– Thầy đi trước đi!… Coi chừng nghe!

Ông Lâm coi chừng gì đâu: ông mãi để hết tâm trí vào hình khắc trên vách đá:

– Ðền thờ… Mà thờ ai?… Không chừng ngôi cổ mộ… Có thể…

Lối vào trong tháp nhỏ hẹp, chỉ vừa một người đi. Ông Lâm ngả ngọn đuốc, khói cuộn như làn mây, tỏa tứ phía… Căn phòng ngay chân tháp khá rộng, bốn phía tường bắt đầu nứt nẻ… Trong cùng có bệ thờ…

Chợt gã Thổ kêu lên:

– Coi kìa… Thầy!

Vừa nói gã vừa trỏ vào mấy đống xương trắng rải rác trên nền đất… Hàng chục bộ xương người, không ít, bộ nào cũng sạch trơn, đôi chỗ vàng bóng, loại xương để lâu ngày, nhưng được chỗ khô ráo nên chưa mục nát…

Xem thêm:   Con gấu ngựa

Ông Lâm toan bước lại phía bàn thờ, gã trẻ tuổi nắm chặt cánh tay ông:

– Khoan… Thầy nghe mà xem…

Một thứ tiếng trầm trầm, đều đặn, kéo dài như tiếng ngáy không biết từ đâu vang lên… Dần dà, mỗi lúc nghe một rõ hơn, và trở thành ghê rợn như một lời đe dọa ma quái… Ông Lâm khoa bó đuốc, soi khắp nơi: không thấy gì lạ… Ông không sợ, nhưng gã trai trẻ đứng phía sau luôn miệng rên rỉ làm ông tự nhiên thấy sởn gai ốc…

– Không thể như vậy được… Phải có lý do gì đây…

Lý do đặc biệt đó, ông khám phá ra ngay khi giơ đuốc lên cao: cả vòm trần nhà như chiếc nón úp xuống, đều đen những ong, bám vào nhau thành chuỗi, chồng chất lên nhau, ba bốn lớp dày đặc…

– Trời!… Ong…toàn ong rừng… Cả trăm ngàn không ít!

Ðàn ong thấy động, bắt đầu vo ve cất cánh… Nhiều con ngộp khói rơi lả tả, một số quáng ánh lửa, bay vòng trên bó đuốc.

Ông Lâm lùi thực nhanh:

– Ra… Ra mau!… Chúng thức dậy hết thì nguy.

Chạy tới khoảng rừng thưa, cả hai mới dám dừng lại.

Gã trai trẻ thở phào, nhẹ nhõm:

– Thoát!… Liệu nó đuổi theo không thầy?

Ông Lâm cười:

– Ðâu có!… Nhưng ban ngày thì không biết chừng… Ðoạn vừa lau mồ hôi ông vừa thủng thẳng:

– Thực may mắn, ta vào trong tháp ban đêm… Ðúng lúc đàn ong ngủ say… Những người tới đây trước ta đi giữa ban ngày, thành thử họ bị ong đốt chết cả… Ghê thực!…

Gã Thổ nghĩ đến những bộ xương trắng hếu rải rác trong tháp, rùng mình:

– Ong rừng… Con nào cũng bằng ngón chân cái… Cả trăm ngàn con đốt, sao sống nổi!… Nghĩ mà khiếp.

Rồi nhớ tới lời viên Tù trưởng, gã cười, rụt cả cổ lại:

– Thầy coi… Lão ta nói cũng đúng chớ! Tháp có ma thực, nhưng là ma ong… làm chết người mau hơn ma rừng, phải không thầy!

Hơn tuần sau, lão Tù trưởng dẫn một toán trai tráng đi theo ông Lâm tới Tháp Ma chuyến nữa. Liên tiếp hai đêm, họ hun khói cho ong đi hết rồi mới dám vào.

Lão Tù trưởng kiếm được cơ man là mật, toàn thứ mật hảo hạng, thơm ngát mùi hương rừng, còn ông Lâm, tha hồ ghi chép, đào bới, tận tụy với công việc khảo cổ của mình.

Lúc rảnh rang, ngồi ăn khoai lùi chấm mật ong tươi, ông lại tủm tỉm cười với gã trai tráng dẫn đường bữa nào:

– Coi!… Không vào hang hùm, sao bắt được cọp. Ðêm đó ta không đến Tháp Ma, sao có mật ngon như vầy mà ăn, phải không, em!

NMT

Nguyễn Mạnh Tuân phóng tác, Nxb Sống Mới, Sàigòn 1970

Trần Vũ đánh máy lại tháng 4-2022