Đầu thập niên 70 tại Sàigòn, Nxb Sống Mới ra mắt Tuyển Tập 15 Tuổi Hồng với giới thiệu: “Để đáp ứng sự nẩy nở trí óc của tuổi hồng, để gây hứng thú trong việc đọc sách, để đào luyện cá tính thiếu niên và để tạo cho lứa tuổi măng non có tinh thần tháo vát, hào hiệp, yêu đời. Danh sách gồm:

15 Truyện phiêu lưu

15 Truyện trinh thám

15 Truyện nghỉ hè

15 Truyện biển

15 Truyện rừng

15 Truyện miền đồng cỏ

15 Truyện mạo hiểm

15 Truyện miền đồng tuyết

15 Truyện săn bắn

15 Truyện mùa xuân

Tuyển tập 15 không thể thiếu trong tủ sách giải trí của gia đình. Vì là những cánh hoa lạ hái từ bốn phương. Là món quà thích hợp cho phụ huynh có thể yên tâm trao tặng con em.”

Tôi ở trong số độc giả thiếu nhi say mê Tuyển tập 15. Chính những truyện ngắn thế giới, qua dịch thuật và phóng tác của Nguyễn Mạnh Tuân, đã giúp tôi lìa xa Tủ sách Tuổi Hoa quá nhẹ nhàng và không đủ mạnh. Đánh máy lại, để giới thiệu với bạn đọc Trẻ, và nhớ lại tuổi hoa niên của mình một thời. [Trần Vũ]

Nguyễn Mạnh Tuân phóng tác

Khoảng vịnh biển lởm chởm những đá ngầm nhấp nhô dưới làn nước xanh ngắt màu da trời chẳng có vẻ gì đặc biệt để thu hút du khách… Vậy mà cứ đầu Xuân, những tay săn cá, chẳng ai hẹn ai, đều kéo nhau tới đây.

Riêng tôi, không ghé được vào bờ cát trắng, dự vài cuộc thi bắn cá, vùng vẫy trọn ngày giữa khoảng trời nước mông mênh nơi đó, tôi chẳng thiết du ngoạn nơi nào khác.

Nhờ vậy, tôi mới có chuyện “Mùa Xuân đáy biển” thuật các bạn nghe.

Chúng tôi cả thảy bốn mươi người, toàn dân say mê thú săn cá, từ khắp nơi mò về… Mùa này dưới sâu nước còn lạnh nên ai nấy có áo cao su đen. Thêm vào đó là đồ nghề: đôi giày chân nhái, chiếc mặt nạ kiếng, ống thở, thắt lưng đổ chì và súng bắn cá… Ðây là cuộc thi chiếm giải vô địch hàng năm cho hạng tài tử: người đoạt giải là kẻ săn nhiều cá nhất, sau 5 tiếng đồng hồ lặn dưới biển sâu, có điều không riêng trọng lượng cá, mà còn phải gồm nhiều loại cá, mới được coi là xứng đáng thắng cuộc.

Cách đây vài năm, đã có lần tôi chiếm giải nhì.

Lần này, đang hồi sung sức, tôi hy vọng có thể khá hơn trước, không chừng… Ðoạt giải quán quân rồi, tôi ung dung nằm trên danh vọng đó… chẳng bao giờ dự thi nữa, chỉ thỉnh thoảng săn chơi là đủ… Viễn ảnh thực đẹp đẽ, thú vị với bất cứ tay săn cá nào, cỡ tuổi tôi.

Kể ra cuộc thi khá gay go, vì không được mang dưỡng khí, chỉ lặn vo như những tay mò ngọc trai quanh vùng biển nhiệt đới.

Tôi đã tập quen lối này, dễ dàng xuống tới ba chục thước sâu, nhịn thở hơn một phút, không hề hấn gì, nên khi nghe hiệu còi mở màn, tôi là một trong những người đầu tiên lao nhanh xuống biển.

Ðể đỡ vướng víu khuân vác cá săn được, chúng tôi đều có chiếc thùng nhựa thả nổi liền với mình, cột bằng sợi dây dài vào thắt lưng. Như vậy, tiện vô cùng: vừa đỡ mất cá, vừa giữ cho máu cá khỏi loang trong nước biển.

Khi mới tập săn, tôi không chú ý chuyện đó, nhưng vài tay lão luyện trong nghề nhìn tôi một cách độ lượng:

Xem thêm:   Trên lưng trời

– Chú phải liệu đó!… Máu cá loang nhanh lắm!… Mà giống cá mập đánh hơi cũng bén nhạy ghê gớm… Trong vòng nửa phút nó có thể tìm ra vết máu, và con cá… Nếu không thấy mồi, biết đâu nó chẳng nếm tạm một đùi chú… Phải không?

Vùng này ít nghe nói có cá nhà táng. Họa hoằn lắm vào những buổi thực đẹp trời, mới thấp thoáng vài chiếc vây tam giác tít mãi ngoài xa, nên chúng tôi có thể yên tâm lặn hụp…

Vả lại, cá mập loại nhỏ – chúng tôi quen gọi là chó biển, cỡ non hai thước – thiếu giống!… Chúng không dám đụng tới người, lại nhát như thỏ đế; nhiều lần tôi săn chúng hàng nửa buổi, mà không sao tới gần được.

Giống đáng ngại là loại cá mập trắng – cá nhám, như ngư phủ thường gọi – vừa lớn con vừa dữ dằn, lại ưa món thịt người. Tuy không thấy bóng dáng loại cá này ngoài vùng biển, hội săn cũng thuê hai chiếc thuyền đánh cá tuần hành phía xa xa để canh chừng.

Trời trong sáng nhưng nước biển đục lờ, thành thử ở dưới sâu trông không rõ bao nhiêu.

Ði săn cá, gặp làn nước như vậy thật cực: đôi lúc mình tới sát con mồi mà không hay!… Tới khi vụt một cái, cá thấy động, biến mất, mình mới đưa súng ra, bắn đám bọt tăm trắng xóa phía sau…

Nhưng với người quen nghề đôi chút như tôi, kết quả cũng không đến nỗi nào: khoảng gần trưa, tôi đem về một mớ, vừa cá heo, cá vẹt, cá chim, cá nụ, cá dé… So sánh với các đống cá của nhóm về trước, đống cá tôi khuân lên lại có phần nhỉnh hơn chút ít… Ðiều đó làm tôi phấn kích lắm.

Tính ra tôi có ba chục ký với mười bốn loại cá khác nhau. Cuộc thi còn kéo dài tới hai giờ chiều kia mà!

Phải cái quanh ghềnh đá, ngõ ngách nào cũng bị sục sạo, nên cá không sẵn như ban sáng, và còn toàn cá nhỏ, chẳng bõ bèn gì… Tôi lẳng lặng lặn ra xa, cách bờ tới hơn cây số, hy vọng được dăm con nặng ký chăng!

Trước đây, tôi nhớ có lần săn được cá song dài trên một thước, chỗ mỏm đá ngầm nơi cửa vịnh, mà… Chỗ đó hơi sâu, phải lặn ít ra hai chục thước, nhưng kiếm được con cá mười ký, thắng là cái chắc!

Tôi bơi thực nhẹ, úp mặt xuống nước, cố nhìn qua mặt kính… Nước biển loáng vàng, phất phơ vài thân rong… Sau mỏm đá ngầm, một đôi cá – có lẽ cá vẹt – thực là lớn, đang châu đầu vào nhau… Loại cá no mồi, thường ẩn bóng như vậy; bắn chúng lúc đó, thực dễ dàng… Chẳng lẽ trời dành cho tôi cái may mắn đặc biệt này sao?

Ðôi cá vẫn đứng yên… Chúng ngủ chăng?

Tôi phải hành động nhanh mới được!

Mỗi lần sắp xuống dưới sâu, tôi hít thực dài, nuốt mạnh, chẹn hơi trong ngực rồi bắt đầu lặn.

Ðể đôi cá khỏi thấy động, tôi bơi quanh mỏm đá nhẹ nhàng vin vào mấy khóm san hô ngũ sắc, đẹp như thứ ngọc quý dưới ánh mờ nhạt của làn nước âm u… Trời!… Ðôi cá ngon lành… Phải trên chục ký, chớ!

Cho chắc ăn, tôi bơi thêm chút nữa… hai tay đưa ra trước, tay trái giữ thăng bằng, tay phải chĩa khẩu súng có mũi tên sáng loáng… Trên lớp rong ngắn, màu nâu đỏ, đôi chân tôi hoạt động đều đặn, dễ dàng, êm ả như guồng máy thứ tốt, giúp tôi điều chỉnh đường bắn cho chính xác… Mũi súng nhích đi đôi chút, chĩa thẳng vào đích… Tôi ước lượng khi bấm cò, mũi tên sẽ xuyên ngang sọ cá, như vậy là tuyệt hảo rồi!

Xem thêm:   Chuyện nhân duyên

Nhưng đúng vào giây chót đó… tôi có cảm tưởng chuyện khác thường sắp xảy ra thì phải… Một thứ yên lặng ngột ngạt như cô đọng quanh tôi… rồi một vật gì to lớn ghê gớm đụng mạnh ngang sườn, bốc tôi lên cao, hết sức bất ngờ.

Giữa hai làn nước, người tôi lướt nhanh về trước tới độ lưng và sườn rát bỏng… Ruột gan trong người hình như dồn ép về một phía, làm mất thăng bằng… Mặt nạ của tôi văng biến, khẩu súng trên tay cũng bị ai giật một cách phũ phàng.

Sức ép nén trên người khiến tôi ngộp thở… Giá không quen lội nước, chắc tôi ngất lâu rồi. Có điều lạ: càng vùng vẫy, tôi càng có cảm giác toàn thân bị kẹp chặt giữa hai gọng kìm kỳ quái.

Một tia sáng hãi hùng chợt lóe trong trí: tôi đang nằm gọn trong chiếc miệng đầy nanh nhọn hoắt của con cá mập thì phải!

Tôi không rõ hình thù của con vật ra sao, nhưng chắc phải lớn lắm… Răng nó cắn vào ngực và lưng tôi, còn vai trái tôi lọt thỏm giữa miệng nó… Con cá lôi tôi vùn vụt, làn nước phía trước gần như rẽ làm đôi.

Tôi lạnh người đi vì sợ… Nhưng vẫn chưa thấy đau bao nhiêu, ngoài cảm giác tấm tức bị đè nặng trên ngực… Không hiểu sao, tôi chợt có ý nghĩ táo bạo là chọc thủng mắt con cá… Kể ra, trong hoàn cảnh tôi, cũng chẳng còn cách nào khác để hy vọng thoát thân.

Nhưng tay tôi vừa vòng ra sau, con cá chợt há miệng đôi chút… Ngực tôi như bổng… Tôi đạp mạnh chân, ưỡn người ra. Thân tôi thoát khỏi gọng kìm kinh khủng đó, nhưng một cánh tay lại lọt miệng cá…

Bấy giờ tôi mới thấy đau, đau ghê gớm, như có ai xé thịt… Tôi phóng mạnh hai chân, đạp liều… Nhờ cái đạp chí mạng ấy, tôi rút được tay ra, nhoai thực nhanh lên mặt nước… Tôi thở mạnh tưởng chừng vỡ phổi chắc…

Tuy thoát chết một lần, nhưng tôi biết thế nào con cá mập cũng theo mồi… Nó say vị máu người, loang trong nước biển mà!

Chỉ nửa phút sau, một chiếc vây lướt ngang chân tôi, rồi hai gối tôi chạm vào lớp da ráp như giấy nhám… Như vậy chưa đáng sợ: tôi biết giống cá mập khi táp mồi phải ngửa bụng lên kia!… Trong lúc cuống quýt, tôi dang rộng hai tay, ôm choàng lấy lưng con vật, rồi bám vào đó như người cưỡi ngựa… Ít ra, làm vậy, tôi cũng tránh được hàm nanh dữ dằn của nó giây lát…

Con cá lặn thực nhanh…

Nó lôi theo tôi xuống tận ngách đá, lượn một vòng, có vẻ như tìm chỗ thuận tiện để cọ mình vào hất bắn tôi đi… Làm như vậy, nó táp tôi dễ dàng như chơi, tôi biết vậy…

Còn chút sức lực nào, tôi nhún mạnh, dồn vào hai chân, đạp lên lưng con cá… Không lên nhanh, tôi chết ngộp trước khi bị cá nuốt…

Mặt nước loang máu đỏ… toàn máu của tôi.

Con cá vọt theo hồi nào, cách tôi khoảng non thước… Nó ngoắt nhanh, thân mình giống như khúc gỗ lớn, nổi lềnh bềnh, màu nâu đỏ… Tôi trông thấy đôi vây ngực mông mênh và cái đầu hình nón. Như vậy là đúng rồi, đúng giống cá mập trắng, thứ cá mập ăn thịt người, tôi vẫn ngán xưa nay!

Xem thêm:   Thời vàng son của xế hộp DS

Con vật quay lại phía tôi… Toàn thân tôi run bắn: giữa khoảng trời nước bao la này, tôi đơn độc một mình, không khí giới, trong giang sơn của nó… Thân phận tôi khác đâu một loại cá nhỏ, miếng mồi thường nhật nó quen nuốt xưa nay… Tôi cựa quậy, vùng vẫy… Nhưng rồi cũng đến nằm trong bụng nó mất thôi.

Con cá mập sửa soạn tấn công… Nó sẽ táp thực nhanh, tiện đôi người tôi không chừng… Cái chết như vậy thực đau đớn!

Tôi ngước nhìn trời xanh, cao, thăm thẳm, sao tôi thèm sống lạ lùng! Tôi nghĩ tới những người thân yêu nhất, rồi nhắm mắt lại… Ðúng vào lúc đó, tôi cảm thấy ai giựt mạnh thắt lưng… Rồi con cá đáng lý phóng vào tôi, lại quanh ra xa… chiếc vây hình tam giác trên lưng nghiêng đi… Thì ra nó vướng vào sợi dây ni-lông dài, cột chiếc thùng nhựa với thắt lưng tôi…

Tới giây chót, thay vì ngoạm người tôi, con vật quay ra táp chiếc thùng nhựa. Nó lôi tôi theo khoảng mươi thước rồi bắt đầu lặn…

– Chẳng lẽ chịu chết đuối sao?

Tất cả sinh lực của tôi dồn hết vào cánh tay trái, những ngón tay lóng ngóng cởi nút dây lưng một cách vụng về. Nhưng cuối cùng, vòng vây da đổ chì cũng tuột khỏi người tôi. Con cá biến đâu mất với chiếc thùng rỗng, còn thân hình đẫm máu, đau như có ai rứt từng miếng thịt của tôi, bềnh lên…

Bên tai đã bắt đầu ù, tôi thoáng nghe lao xao, rồi chiếc ngư thuyền mong đợi bao lâu nay ghé sát bên nách. Giá không có người lôi tôi lên, tôi đành chịu chết chìm, vì chân tay còn cục cựa gì được đâu!

Tiếng anh Tư – người bạn thân nhất của tôi – mới ấm áp làm sao:

– Cố đi… Mọi chuyện đã qua rồi… Cố đi, nghen!…

Tôi đồ chừng anh bảo tôi: cố mà sống! nên gắng mỉm cười… Thực ra ai nhìn vết thương của tôi cũng phát sợ: cả cánh tay và bàn tay phải của tôi nhiều chỗ thịt rách nát thấu xương; ngực, lưng, vai và sườn trái tôi như có ai lấy dao rạch… Ðấy là còn nhờ lần áo cao su cản lại phần nào hàng nanh sắc ghê gớm của con cá, bằng không chắc tôi chẳng tài nào sống được.

Mãi sau này, khi tôi lành mạnh hẳn rồi, anh Tư có lần chỉ vào vết sẹo dài trên ngực tôi lắc đầu:

– Bữa đó… mình thay áo cho bồ, đụng phải chỗ này… mảng thịt lật lên, trông rõ phổi và chỏm dạ dầy, mình phát sợ… về nhà nhịn cơm luôn.

Tôi chắc anh không nói đùa.

5 tháng sau, tôi trở lại vịnh biển… Nhiều người khuyên tôi bỏ thú săn cá nguy hiểm này đi; riêng tôi, tôi không muốn để nỗi sợ ngày trước ám ảnh, làm tê liệt niềm vui tuổi trẻ, nên tiếp tục dự các trại săn cá đầu Xuân. Có điều tôi khôn ngoan, thận trọng hơn: chẳng ai gặp cá mập hai lần mà còn thấy ánh mặt trời. Tôi biết vậy, nên dành những khoảng biển sâu, u ám cho các tay săn gan dạ, chưa từng được nếm mùi răng cá mập bập vào da thịt, như tôi trước đây.

(T.R.Fox)

Nguyễn Mạnh Tuân phóng tác,

Nxb Sống Mới, Sàigòn 1970

Trần Vũ đánh máy lại tháng 3-2022