Năm 1971 tôi say mê tủ sách 15 Truyện Miền Đồng Cỏ, 15 Truyện Rừng, 15 Truyện Mạo Hiểm, 15 Truyện Phiêu Lưu, 15 Truyện Nghỉ Hè, 15 Truyện Biển, 15 Truyện Săn Bắn của Nxb Sống Mới ở Sàigòn. Đây là loại sách dành cho thiếu nhi, không quá phức tạp cũng không tình dục nhưng gay cấn và hồi hộp.

Tháng 3, đang là mùa Xuân, vậy mời bạn cùng đọc lại 15 Truyện Mùa Xuân do Nguyễn Mạnh Tuân phóng tác mà tôi đánh máy lại. Thuở xưa Nxb Sống Mới đã quảng cáo là truyện dành cho lứa tuổi từ 7 đến 77 tuổi. [Trần Vũ]

Nguyễn Mạnh Tuân phóng tác

Trời nắng như đốt… Luồng gió Nam mát rượi thường ngày vi vút trên cánh đồng rộng bữa nay biến đâu mất. Thảng đôi lúc không khí có rung động cũng chỉ tạo thành làn hơi hừng hực như phà hơi lửa vào mặt bộ hành.

Mà chẳng riêng bộ hành, người trên đoàn xe cam-nhông của gánh hát xiệc cũng không sung sướng gì hơn.

Lão Ðích, tay dạy thú gốc gác Mã Lai, theo dõi tay lái của người tài xế một cách thích thú: lão biết anh chàng buồn ngủ rũ ra rồi!… Chờ cho lúc xe hơi lạng sang một phía, lão kéo tay gã:

– Thôi, Rim, để qua lái giùm một quãng, nhắm mắt một lát cho tỉnh táo cái đã!

Ðêm qua, Rim lỉnh kỉnh tới sáng để tháo lều, đóng đồ, sáng nay lại khởi hành sớm, làm gì không thèm ngủ. Gã giao tay lái cho lão Ðích như người trút được gánh nặng, rồi dựa lưng vào thành ghế, ngáy như kéo gỗ.

Ðây là chiếc chót trong đoàn xe cả chục cái, bon bon trên đường… Phía sau xe có đôi cũi lớn, chứa hai cặp báo đen như mun, mua từ Mã Lai về. Bốn con vật đã thuần từ hơn năm nay, quen với hơi người, nằm im thít… Thỉnh thoảng một con vươn cổ, thè lưỡi liếm chậu nước trong vắt đặt ngay trước cũi, rồi lại nằm xuống, lim dim mắt… Ðôi khi lão Ðích tự hỏi:

– Chẳng biết chúng còn nhớ cánh rừng xanh âm u thuở nào chăng?

Ðiều lão biết rõ là với lão, chúng hiền từ như đàn mèo con… Dưới ngọn roi da dài thượt, khẽ quất trên không, chẳng con nào dám cưỡng lệnh lão: thôi thì đi thành hàng đôi, hàng một, rồi leo thang, nhảy vòng… thậm chí đến vật lộn với lão hay nhào qua vòng lửa bừng bừng, bao giờ đàn báo cũng ngoan ngoãn làm tròn phận sự giữa tiếng hò reo tán thưởng của khán giả.

Ðã từ lâu danh vọng lão gắn liền với đàn báo, nên chúng đâu, lão đó; từ miếng ăn, nước uống cho tới lớp rơm lót chuồng của chúng cũng chính tay lão chăm sóc… Có ai cười lão sao kỹ quá vậy?… Lão chỉ lắc đầu:

– Phải thế giống vật mới quấn mình chứ!

Ðiều đó lão có lý. Nhưng giành lái xe giữa buổi trưa nắng này, lão đã làm một việc nhẹ dạ: tiếng nổ đều đặn của động cơ, kéo dài hàng giờ, khiến lão buồn ngủ hồi nào… Tuy chưa ngủ say tới độ lạc tay lái, nhưng lão cũng chập chờn nửa tỉnh nửa mê, không nhận ra chỗ ngoặt có đường rầy băng ngang… Chừng lão ý thức được nguy hiểm thì chiếc đầu tàu hỏa đã sầm sầm phóng tới… Tai nạn xảy ra thật nhanh chóng, ghê rợn.

Xem thêm:   Hương sắc gia vị

Khi tỉnh lại, lão thấy mình co trong ruộng mạ ven đường… Chiếc xe nát ngướu… Rim còn đó nhưng chết hồi nào, có lẽ gã chết ngay trong giấc ngủ ngon.

Lão Ðích nhổm vội dậy:

– Ðàn báo!… Bốn con báo đen đâu rồi?

Như người loạn trí, lão chạy ngược chạy xuôi, sục sạo trong cánh đồng mía… Chẳng thấy dấu vết con nào!

Lão được an ủi đôi chút vì không có vết máu trong đôi cũi nát cạnh đường rầy: như vậy là không con nào chết!

Trong đêm vắng, lão thất thểu như bóng ma, luôn miệng gọi đàn thú rừng thân yêu… Giọng lão trầm trầm, đôi lúc nức lên như than thở, thương tiếc… Mà không thương sao được: lão cô đơn từ nhỏ, đàn báo được lão tưng tiu như lũ con yêu dấu từ bao lâu nay!

Cho tới khi trăng tà, lão gọi khan cả tiếng vẫn chẳng thấy tăm hơi lũ báo đâu… Thế là hết hy vọng!… May ra chúng thoát được vào rừng, nhưng cũng có thể chạy tứ tán đâu đó rồi chẳng sớm thì chầy, cũng bị người ta giết mất thôi!

Viễn ảnh đau buồn ấy ám ảnh lão tới mất ăn mất ngủ.

Thêm vào đó, ông Hiền, chủ gánh xiếc, hay tin đàn báo bị mất do sự bất cẩn của lão Ðích, quyết định sa thải lão ngay. Nhiều người can gián, vả thấy lão hiểu tâm tính thú rừng, ông Hiền miễn cưỡng thu nhận lại; nhưng từ tay dạy báo nổi tiếng, lão Ðích bị giáng xuống hàng bồi ngựa, lừa và quét dọn chuồng voi.

Thế cũng xong… Lão còn có chỗ kiếm ăn.

Khổ cho lão là mỗi khi nghe tiếng hoan hô của khán giả cổ võ cho gã Sang, tay dạy sư tử mới nổi ít lâu nay, lão lại nghĩ tới những ngày vinh quang thuở xưa, rồi đâm ra oán ghét mọi người.

Ðôi lúc những tràng pháo tay ngoài sân khấu khiến lão gần như phát khùng… Lão có cảm tưởng mang vết thương rướm máu trong lồng ngực.

– Phải làm sao cho thiên hạ biết tới mới được… Có thế ông Hiền mới tha thứ cho mình!

Lão nhất quyết vậy: trước kia, tài dạy báo của lão còn hơn gã Sang gấp bội… Sư tử là loại dễ dạy nhất mà!

Lão thở dài:

– Giá bây giờ có chuyện gì xảy ra nhỉ… Ðang diễn trò, rạp bốc cháy chẳng hạn… Thú rừng sổng chuồng: một mình lão dám nhảy ra đương đầu, đem lại trật tự… Hay con voi đầu đàn nổi điên, phá chuồng, toan quật chết người… Lão vừa vặn tới nơi cứu thoát nạn nhân… Ông Hiền khen ngợi rồi giao cho lão bốn con báo khác để trông nom…

Nhưng tha hồ lão mong ước, những chuyện ghê gớm bất ngờ đó chẳng bao giờ xảy ra.

Ðã vậy, lão phải tạo cơ hội tốt cho mình chớ sao!

– Khó gì đâu… Lão chỉ việc giả bộ quên đóng cửa chuồng hổ, sau khi gã Sang trình diễn… Gã dạy cả sư tử lẫn hổ nhưng thiên hạ sợ hổ hơn. Con hổ quay lại sân khấu giữa lúc hai tên hề đang pha trò… Lão sẽ đóng vai người hùng, vung roi cứu thoát hai chú hề… Rồi báo chí sẽ không ngớt lời ca tụng lão: “Con người gan dạ, có một quá khứ lừng danh trong nghề dạy thú, một mình với ngọn roi da, đương đầu với hổ ăn thịt người trong hàng rào sắt cứu thoát hai người chết tới nơi!”

Xem thêm:   Nhớ ôm thợ nhộm

Như vậy đủ quá rồi!

Nhưng nghĩ thì dễ, thực hành mới khó: lão nún nán mãi chưa dám ra tay. Cho tới bữa đó, lão quên tắm cho ngựa, bị tên nài sỉ nhục là đồ ăn hại!… Lão bực mình lắm, nhất định không chần chờ nữa.

Ðàn hổ vừa diễn trò xong… Trời sắp dông bão, nên đàn thú dữ thật khó điều khiển. Gã Sang, mồ hôi nhễ nhại, vừa kịp dồn hổ vào, lại phải chạy vội ra, cúi chào khán giả.

Lão Ðích tới bên chuồng hổ, bảo thằng Lưu giữ việc sập cửa chuồng:

– Ðể đó bác giúp một tay… Ra coi ba cháu đang được vỗ tay kìa!

Thằng Lưu là con ông Tám giữ vai hề… Thằng bé thương cha lắm, chẳng mấy khi nó quên đứng vỗ tay khuyến khích khi ba nó pha trò chọc cười khán giả.

Riêng phần nó, nó thích nghề dạy thú rừng hơn. Nó biết tài lão Ðích từ lúc lão dạy đàn báo kia. Ðôi lúc thằng bé tiếc ngẩn ngơ:

– Giá ông ta còn lũ báo, thế nào mình cũng được học nghề!… Hoài của!

Khi nó vừa rời chuồng hổ, lão Ðích nhẹ nhàng nhặt thanh củi đẩy một con ra… lão tính thả một con là đủ, ai dè đàn hổ đang cơn nóng bức bực bội ào ra một lượt tám con…

Hai chân lão Ðích muốn khuỵu xuống… Thế là chết!

Một con hổ – cùng lắm hai con – lão còn dám đương đầu, nhưng một đàn tám con dữ dằn như muốn phát điên, hỏi lão làm sao trị nổi!

Trong lúc đó lão Tám vẫn thản nhiên đóng vai người dạy sư tử chọc cười thiên hạ… Lão hoa tay đập thằng Mập khoác tấm da sư tử trên lưng, đang vụng về nhảy qua vòng lửa.

Có tiếng reo hò của lũ trẻ con, rồi tiếng cười như vỡ rạp…

Chợt lão Tám trông thấy đàn hổ… Ngọn roi trong tay lão rớt hồi nào không hay… Lão chạy vội lại hàng rào sắt, leo lên, tới lưng chừng rồi đứng ỳ ra đó. Thằng Mập còn trẻ, nhanh nhẹn hơn toan chạy, nhưng vướng tấm da sư tử, lúng túng không sao bước nổi… Nó đánh liều quay lại phía đàn hổ, lắc lư chòm bờm rồi gầm thét dữ dội…

Phía ngoài, khán giả tưởng đâu diễn trò: sư tử giả đấu với hổ thật, nên vỗ tay ran như pháo…

Riêng thằng Lưu thấy rõ nguy cơ của ba nó và thằng Mập: có thể đàn hổ quáng đèn còn chậm chạp đôi chút nhưng rồi đây thế nào cũng chồm tới vồ người… Mà chắc vồ ba nó trước… Thằng Mập dù sao cũng còn tấm da thú trên lưng che chở đôi chút…

Xem thêm:   Rèn chữ

Không kịp suy nghĩ, thằng bé quơ nhanh hai bó đuốc gã Sang gài trên hàng rào trong lúc trình diễn mới rồi; nó nhảy qua bục gỗ lọt vào sân khấu… Lúc này khán giả mới biết có chuyện ghê gớm sắp xảy ra, không ai ngờ thằng bé lại liều lĩnh như vậy.

– Ba đừng lo… Bám chắc lấy hàng rào, để mặc con.

Thằng Lưu vừa nói vừa tiến lại phía con hổ cái dữ tợn nhất đang sắp chồm lên vồ ba nó… Ngọn đuốc trong tay đứa bé chói lòa, khiến con vật khựng lại… gầm gừ… nhe hàng nanh nhọn, rồi quơ lớp vuốt sắc như dao ra trước… Một bó đuốc văng ra xa… Thằng Lưu không lùi nửa bước… Nó đăm đăm nhìn vào mắt con hổ…

Trước đây lão Ðích có lần bảo nó:

– Chẳng con vật nào dám nhìn thẳng vào mắt người ta đâu… Dù hổ báo cũng vậy… Con thử coi!

Lần này nó mới có dịp thực hành lời dạy đó.

Ngọn đuốc còn lại trong tay nó bập bùng như sắp tắt… Cái ấy mới nguy…không nhanh tay không khéo chết cả hai cha con mất.

Trước mặt, sau lưng nó đàn hổ đang chờ đợi… Con hổ cái mà thắng, cả đàn sẽ ào lên một lượt… Lúc đó chết là cái chắc, thằng Lưu biết rõ lắm.

Nó bình tĩnh đưa thẳng ngọn đuốc vào mõm con hổ, mùi lông cháy khét lẹt… Con vật hốt hoảng rạp mình xuống, lùi dần, lùi dần… Cả đàn hổ rút lui theo nó, y như lúc diễn trò vừa xong… Cánh cửa sắt được gã Sang, lúc ấy mới hay tin, sập lại thực nhanh.

Mọi người thở phào, bàng hoàng như qua cơn mơ dữ dội.

Ông Hiền xoa đầu thằng Lưu:

– Khá lắm!… Tình cờ bữa nay ta chứng kiến tận mắt hành động gan dạ của con… Không những vậy, biết con có khiếu dạy thú, ta sẵn sàng giao cho con một bầy đó: hổ báo, sư tử, con thích con nào?… Rồi ta để tùy con kiếm thầy, học nghề…

Thằng bé sung sướng tới nghẹn ngào… Ông Tám nhắc nó:

– Ông đã dạy… Cứ nói, con…

Ông chủ rạp xiếc mỉm cười:

– Hay con ưa rắn trăn… Trăn gió, trăn nước, có cả.

Thằng Lưu xưa nay vốn sợ rắn, nó nói thực nhanh:

– Ông cho con đàn báo đen… Con xin học nghề với ông Ðích.

Ông Hiền gật gù:

– Ðược… Thằng bé thế mà tinh!… Xưa nay ta biết lão Ðích là người có tài chớ! Nhưng nay lão có tuổi rồi, truyền nghề cho con là phải…

Rồi ông quay lại lão Ðích:

– Có vậy, lão mới chuộc được những lỗi lầm do lão gây ra, thấy không!

Lão Ðích có dám mong mỏi gì hơn đâu… Không có hành động can đảm của thằng Lưu, chắc lão ân hận suốt đời… Từ nay, lão sẽ là cái bóng trung thành bên ngôi sao sáng sắp rực rỡ trên vòm trời rạp xiếc… Ngôi sao của thằng Lưu và đàn báo đen, do lão dìu dắt.

Ðược vậy, lão cũng mãn nguyện trọn đời rồi.

NMT

Nguyễn Mạnh Tuân phóng tác, Nxb Sống Mới, Sàigòn 1970

Trần Vũ đánh máy lại tháng 3-2022