Thương hiệu quốc tế

Trước đây, các nước dân chủ phương Tây dường như cho rằng, khi tạo điều kiện cho Trung Quốc mở cửa và phát triển kinh tế, Trung Quốc sẽ dần dần học theo các giá trị phương Tây và trở nên tự do hơn. Thực tế hoàn toàn ngược lại: trong vài năm vừa qua, Trung Quốc càng ngày càng có quyền lực khắp nơi và tác động ngược lại, khiến các nước dân chủ phương Tây phải tự kiểm duyệt và đi theo các “giá trị” của mình. 

Phần đầu tiên trong loạt bài này là về các công ty quốc tế.

Bảo Huân

Năm 2019, nhiều trang web và tờ báo như Nextshark, SupChina, Business Insider… đưa ra danh sách hàng loạt các thương hiệu quốc tế đã lên tiếng xin lỗi Trung Quốc từ năm 2017.

Tháng 3/2017, hãng xe hơi Audi của Ðức xin lỗi vì có hình bản đồ “không chính xác” về Trung Quốc không bao gồm Ðài Loan, Nam Tây Tạng, và Aksai Chin của Tân Cương.

Tháng 1/2018, chuỗi khách sạn Marriott International xin lỗi vì liệt kê Hồng Kông, Ma Cao, Ðài Loan, và Tây Tạng là các quốc gia riêng biệt trong khảo sát. Marriott International bị nhà nước Trung Quốc chặn trang web và app điện thoại suốt một tuần, bị điều tra về luật quảng cáo và luật an ninh mạng. Trong thời gian đó, một tài khoản Twitter của Marriott cũng bấm like một tweet của Friends of Tibet, một tài khoản kêu gọi độc lập cho Tây Tạng. Marriott sau đó tuyên bố không ủng hộ “các nhóm ly khai phá hoại chủ quyền lãnh thổ Trung Quốc”, xin lỗi vì nhân viên bấm like tweet về Tây Tạng, và sa thải người quản lý mạng xã hội của công ty.

Không chỉ vậy, Marriott International đi xa hơn và đưa ra một kế hoạch chấn chỉnh 8 điều để tuân thủ chặt chẽ luật pháp Trung Quốc.

Cùng tháng, công ty thiết bị y tế Medtronic của Ireland và hãng quần áo Zara của Tây Ban Nha xin lỗi vì kể Ðài Loan là quốc gia riêng. Hãng Muji của Nhật bị phàn nàn và phải rút bản đồ khỏi catalogue vì không có đảo Senkaku.

Tháng 2/2018, hãng xe hơi nổi tiếng Mercedes-Benz của Ðức xin lỗi vì trích lời Dalai Lama trên Instagram.

Tháng 5/2018, hãng thời trang Gap của Mỹ xin lỗi vì bán áo thun có hình bản đồ Trung Quốc nhưng không bao gồm Ðài Loan.

Trong năm 2018, Trung Quốc yêu cầu 44 hãng hàng không quốc tế không nhắc tới Ðài Loan như lãnh thổ không thuộc Trung Quốc và đưa thời hạn tháng 7: tất cả 44 công ty đều thuận theo yêu cầu, bao gồm American Airlines, United Airlines, và Delta Airlines.

Tháng 1/2019, chuỗi thức ăn nhanh McDonald’s xin lỗi vì quảng cáo có 2 giây hình ảnh một thẻ sinh viên cho thấy Ðài Loan là quốc gia riêng. McDonald’s China viết trên Weibo ủng hộ chính sách one China.

Tháng 8/2019, hai hãng trà sữa Coco (chi nhánh Hồng Kông) và Yifang Taiwan Fruit Tea xin lỗi vì có nhân viên ủng hộ biểu tình Hồng Kông.

Cùng tháng, thương hiệu thời trang cao cấp Versace của Ý xin lỗi và rút lại áo thun vì có dòng chữ “Hong Kong – HONG KONG” chứ không phải “Hong Kong – CHINA”. Tương tự, Givenchy của Pháp tuyên bố ủng hộ chủ quyền lãnh thổ Trung Quốc sau “sai lầm” bán áo có chữ “Hong Kong” thay vì “Hong Kong, China” và chữ “Taiwan” sau “Taipei”.

Cũng tháng 8/2019, một số thương hiệu thời trang lớn quốc tế như Valentino của Ý và Calvin Klein của Mỹ; thương hiệu trang sức Swarovski của Áo; Coach, thương hiệu phụ kiện cao cấp của Mỹ; Fresh, thương hiệu mỹ phẩm của Mỹ; hãng đồ thể thao ASICS của Nhật…đồng loạt xin lỗi Trung Quốc vì để tên Hồng Kông và Ðài Loan là quốc gia riêng trên website. Trong tháng 10 cùng năm, hãng thời trang cao cấp Dior của Pháp cũng xin lỗi vì lý do tương tự.

Tháng 9/2019, tài liệu rò rỉ cho thấy TikTok kiểm duyệt tất cả những video có nhắc tới Thiên An Môn, độc lập cho Tây Tạng, hay Pháp Luân Công.

Tháng 10/2019, hãng trang sức Mỹ Tiffany & Co. xóa một tweet có hình người mẫu Sun Feifei dùng tay che một mắt vì nó tương tự động tác của nhiều nhà hoạt động của Hồng Kông sau khi một phụ nữ mù một mắt sau đụng độ với cảnh sát. Tiffany & Co. phải tuyên bố không có thông điệp chính trị.

Ðáng chú ý hơn là vụ ầm ĩ về NBA (National Basketball Association, tức Hiệp hội Bóng rổ Quốc gia Mỹ) khi Daryl Morey, tổng giám đốc của đội Houston Rockets, viết tweet ủng hộ biểu tình Hồng Kông vào ngày 4/10/2019. Tilman Fertitta, chủ sở hữu của Houston Rockets ngay lập tức lên tiếng nói Daryl Morey không đại diện cho đội bóng rổ, nhưng sau đó Hiệp hội bóng rổ Trung Quốc bảo ngừng hợp tác với NBA, một loạt công ty cắt đứt quan hệ với NBA, CCTV (China Central Television) và platform phát sóng trực tiếp Tencent Sports tuyên bố ngừng chiếu các trận đấu của Houston Rockets. Ngày 6/10, tức 2 ngày sau tweet của Daryl Morey, NBA đưa ra lời chính thức xin lỗi fan Trung Quốc và khẳng định tweet của Morey không đại diện cho Houston Rockets, hay NBA nói chung.

Ngày 8/10, gaming studio Blizzard của Mỹ (trụ sở California) tịch thu tiền thưởng một game thủ Hearthstone chuyên nghiệp và cấm chơi một năm vì ủng hộ phong trào biểu tình Hồng Kông.

Ngày 10/10, hãng đồ thể thao Nike rút một loạt quần áo in hình Houston Rockets khỏi vài chi nhánh ở Trung Quốc.

Sau vụ NBA đình đám, kênh thể thao ESPN của Mỹ dặn dò nhân viên tránh nhắc tới chính trị Hồng Kông.

Một loạt các vụ kể trên diễn ra khi biểu tình Hồng Kông đang ở đỉnh điểm. Gần đây cũng có vài trường hợp thương hiệu quốc tế chịu áp lực từ Trung Quốc. Chẳng hạn cuối năm 2020, Inditex, công ty mẹ của Zara, đưa lên trang web tuyên bố có chính sách không khoan nhượng với cưỡng bức lao động và nói mình không có quan hệ với bất kỳ nhà máy nào ở Tân Cương. Tháng 3/2021, tuyên bố đã bị rút xuống.

Tháng 7/2021, hãng Kodak của Mỹ bị phản ứng dữ dội từ Trung Quốc khi đưa lên Instagram hình ảnh chụp Tân Cương của nhiếp ảnh gia người Pháp Patrick Wack. Kodak phải rút hình đi và xin lỗi trên Instagram, khẳng định đó không phải là quan điểm của Kodak. Kodak ngoài ra cũng xin lỗi trên WeChat (mạng xã hội của Trung Quốc), hứa luôn tôn trọng chính phủ Trung Quốc và luật pháp Trung Quốc, và nói sẽ tự kiểm tra/ kiểm soát (“keep ourselves in check”) và sửa chữa bản thân (“correct ourselves”), và xem đây là ví dụ cần phải thận trọng.

Ðây là một loạt ví dụ các thương hiệu quốc tế phải cúi đầu xin lỗi Trung Quốc và tự kiểm duyệt bản thân. Trong bài sau, tôi sẽ viết về cách nhà nước Trung Quốc thao túng, ảnh hưởng, và khống chế Hollywood.

HDN

Nguồn:

https://www.businessinsider.com/western-companies-apologize-china-communist-party-list-2019-10?r=US&IR=T

https://www.washingtonexaminer.com/news/hollywood-corporations-apologize-to-china

https://www.bbc.co.uk/news/world-asia-china-44948599

https://www.taiwannews.com.tw/en/news/3636247

https://www.businessinsider.com/nba-china-feud-timeline-daryl-morey-tweet-hong-kong-protests-2019-10?r=US&IR=T

https://qz.com/1988896/under-pressure-in-china-zara-deleted-a-statement-about-xinjiang/

https://www.businessinsider.com/kodak-deletes-post-criticizing-chinese-uygher-oppression-2021-7?r=US&IR=T