Trước đây tôi đã giới thiệu Subtle Asian Traits, một Facebook group dành cho giới trẻ gốc Á, đặc biệt Ðông Á/Ðông Nam Á, sinh ra và lớn lên ở Mỹ, Anh, Canada, và Úc. Với gần một triệu rưỡi thành viên, Subtle Asian Traits đã trở thành một cộng đồng và nơi kết nối cho một thế hệ “không hẳn Ðông không hẳn Tây”, không được bên nào nhận.

Tuy nhiên, như mọi thứ khác, Subtle Asian Traits cũng có khía cạnh tiêu cực.

Trước khi nói về cái xấu của Subtle Asian Traits, tôi cần viết về identity politics. Identity politics (thường được dịch là chính trị bản sắc), theo tôi, là một trong những vấn đề lớn trong xã hội tự do dân chủ phương Tây. Identity politics không nhìn mỗi người như mỗi cá nhân, mà gắn mác và chia thành nhóm, dựa theo chủng tộc, sắc tộc, tôn giáo, giới tính, khuynh hướng tình dục v.v. rồi từ đó xếp thành người có privilege (đặc quyền) hay bị áp bức (oppressed).

Những người chuyên theo identity politics khó thấy được người khác như một cá nhân. Trong “Invisible Man”, tác giả Mỹ gốc Phi Ralph Ellison viết về người da đen, trong đó ý quan trọng nhất, nhấn đi nhấn lại trong tác phẩm, là những kẻ phân biệt chủng tộc không thấy cá nhân (individual) mà chỉ thấy màu da, và chỉ thấy định kiến của mình. Nhưng không chỉ người da trắng phân biệt chủng tộc mới như vậy, Ralph Ellison viết – cả những người da đen khác cũng chỉ thấy màu da, và nghĩ nếu là người da đen phải cùng suy nghĩ thế này, cùng hành xử thế kia. Mỗi người là một cá nhân, có tự do, và có quyền có quan điểm riêng. Ngày nay, tôi thấy không ít người tự nhận là chống phân biệt chủng tộc nhưng cũng phân biệt không kém, chỉ là phân biệt ngược lại dân da trắng, và không còn thấy cá nhân, hoàn toàn đi ngược lại với ý của Ralph Ellison.

Ðó là chủng tộc, chuyện sắc tộc, giới tính, khuynh hướng tình dục… cũng tương tự. Ở các nước phương Tây hiện nay, identity politics càng ngày càng phổ biến, và cis straight white male (đàn ông da trắng dị tính không chuyển giới) được xem là có privilege nhất, nên cũng bị xem là “tội đồ” lớn nhất, không được quyền lên tiếng vì “là đàn ông da trắng nên biết gì mà nói”, và phải mang trong mình bao nhiêu tội lỗi của dân da trắng từ nhiều kiếp trước từng dùng nô lệ, đô hộ nước khác, và phân biệt áp bức dân khác, dù bản thân không làm gì.

Nên chú ý, tôi hoàn toàn không nói dân da màu không bị phân biệt chủng tộc, phụ nữ không bị thiệt, dân đồng tính và chuyển giới không bị đối xử bất công… Những điều này có. Nhưng tôi là người ủng hộ bình đẳng và tự do cho tất cả mọi người. Cái tôi chống về identity politics là khuynh hướng xem identity quan trọng hơn mọi thứ khác và không còn thấy cá nhân mỗi người. Tôi chống phát xít và kẻ phân biệt chủng tộc, nhưng cũng chống người xem tất cả dân da trắng là kẻ thù; tôi chống kẻ coi thường và áp bức phụ nữ, nhưng cũng chống những người xem đàn ông là gốc rễ của mọi thứ xấu xa v.v.

Identity politics không phải là vấn đề của riêng group Subtle Asian Traits, nhưng có thể hiện ở đó, và đây là mặt trái của Subtle Asian Traits.

  1. Cultural appropriation

Cultural appropriation được dịch là chiếm dụng văn hóa. Cụm từ này để chỉ những trường hợp lấy cái gì đó từ văn hóa của dân khác, thường dùng khi dân da trắng lấy từ dân thiểu số, mà không tôn trọng văn hóa gốc, không quan tâm tới ý nghĩa và biểu tượng của nó. Ví dụ: đội mũ lông chim của người da đỏ đi Halloween, mặc áo kimono phá cách vào video ca nhạc, mang bindi mặc kệ ý nghĩa biểu tượng, nhái khăn trùm đầu của người Sikh đưa vào thời trang v.v.

Dần dần, nhiều người mở rộng ý nghĩa của cultural appropriation và chỉ trích mỗi khi dân da trắng lấy cái gì đó từ dân nước khác, ngay cả khi không có ý xúc phạm.

Một nữ sinh ở Mỹ mặc cheongsam đi dự prom cũng bị chỉ trích vì cultural appropriation1. Một cô bé làm tiệc theo phong cách Nhật và mặc kimono cũng bị gọi là cultural appropriation2. Người da trắng mặc kimono và chụp hình trước bức tranh “La Japonaise” của Monet ở bảo tàng cũng bị xem là cultural appropriation3. Như thể người nước nào cứ khư khư giới hạn mình trong văn hóa nước đấy, không được mượn từ nước khác.

Như đã viết trong bài trước, chuyện nữ sinh Mỹ mặc cheongsam bị chỉ trích rất nặng nề bởi cộng đồng Mỹ gốc Á, nhưng ở Trung Quốc lại không thành vấn đề. Chuyện cô bé làm tiệc theo chủ đề Nhật cũng tương tự, người Nhật ủng hộ, chỉ có người Mỹ gốc Á phản ứng gay gắt. Như có thể thấy trong Subtle Asian Traits, dân gốc Á có vẻ ám ảnh vấn đề chủng tộc hơn nhiều với người ở Châu Á và những người như tôi, đi khi không còn nhỏ.

  1. Race traitor

Race traitor là phản bội chủng tộc. Chẳng hạn, những kẻ phân biệt chủng tộc, theo chủ nghĩa da trắng thượng đẳng, dùng từ race traitor cho những người da trắng nhưng lại cặp kè với dân da màu.

Trong Subtle Asian Traits, theo tôi quan sát, từ race traitor được dùng cho phụ nữ Châu Á cặp với đàn ông không phải Châu Á, đặc biệt da trắng.

Không chỉ vậy, trong Subtle Asian Traits, chỉ trích ban nhạc BTS nói riêng, hay K-pop nói chung, cũng bị xem là bài ngoại, phản bội Châu Á, coi trọng nhạc và văn hóa phương Tây hơn Châu Á, quen với khái niệm nam tính (masculinity) của da trắng nên không quen với đàn ông Châu Á v.v. Những lập luận ngớ ngẩn này xuất hiện trong một bài viết trên Teen Vogue4, nhưng cũng đăng lại trên Subtle Asian Traits và nhận được khá nhiều người ủng hộ.

  1. Quan hệ nam trắng nữ Á

Ðây có lẽ là mặt xấu nhất của trang Subtle Asian Traits. Quan hệ nam trắng nữ Á (thường gọi tắt WMAF) thường đi với hai khái niệm: yellow feverwhite worship. Yellow fever, như đã viết trong bài trước, là khi đàn ông nước khác (đặc biệt da trắng) mê phụ nữ Châu Á vì stereotype ngoan hiền phục tùng. White worship là chiều ngược lại, khi phụ nữ Châu Á không muốn hẹn hò với đàn ông Châu Á mà chỉ đâm vào đàn ông da trắng, vì tin rằng dân da trắng gallant, tử tế hơn, tôn trọng phụ nữ hơn v.v.

Chuyện yellow feverwhite worship có tồn tại là không cần bàn. Tôi cũng không cần phân tích tại sao không phải mọi mối quan hệ da trắng nữ Á đều xuất phát từ yellow feverwhite worship. Cái đáng nói là trên Subtle Asian Traits, rất nhiều người có cái nhìn chung về mối quan hệ này, bảo hai yếu tố trên luôn luôn có – không nhiều thì ít, và đây là một mối quan hệ tự thân nó đã mất cân bằng, vì lý do lịch sử và lý do xã hội (dân da trắng có privilege, dân Châu Á thuộc thiểu số và bị đàn áp). Tôi để ý thấy, những câu gay gắt nhất thường đến từ đàn ông Mỹ gốc Châu Á.

Một mặt, tôi có thể hiểu được đàn ông Mỹ gốc Châu Á bị nhiều bất lợi, không được may mắn trong chuyện hò hẹn, chẳng mấy khi cặp được phụ nữ dân khác—chúng ta ít khi thấy một chàng Châu Á với một phụ nữ da trắng. Thế mà, trong mắt họ, không ít phụ nữ Châu Á lại chỉ muốn hẹn hò hoặc kết hôn với đàn ông da trắng. Tuy nhiên, nhiều người trở thành cay cú, và mỗi lần một phụ nữ trong Subtle Asian Traits nói mình có bạn trai hoặc chồng da trắng, lại có nhiều người chen vào nói “we know you’ve got a white boyfriend/husband”, hoặc nặng hơn, gọi là white worshipper hoặc race traitor.

Subtle Asian Traits, bởi vậy, có cái tốt là trở thành cộng đồng cho giới trẻ gốc Á, không bên nào nhận, nhưng ngược lại cũng có mặt xấu, và đôi khi làm người ta mệt mỏi—cùng là người Châu Á không có nghĩa là phải bị rập khuôn, mỗi người vẫn là một cá nhân, với suy nghĩ riêng và tự do riêng, và nhiều người có vẻ quên mất điều đó.

DN

(1) https://www.nytimes.com/2018/05/02/world/asia/chinese-prom-dress.html

(2) https://www.huffingtonpost.ca/2017/08/02/japanese-birthday-party_a_23061529/?guccounter=1&guce_referrer=aHR0cHM6Ly93d3cuZ29vZ2xlLmNvbS8&guce_referrer_sig=AQAAAGMPYvibkNeNLdbgHsc9EmDtXo_rFFQ_3uALis5yFQPYIXtqTiIhasrpN6iYk5aMcNiJNz-X7f6ykA-hp5baSHGi6WqrGltiBFZN0Bxg9CB7GkoT5QeubUHUgfWNhPAv4YHpCiWwLvEpHkGaeH5N3peKudbwDhZsYowzLNYpU4lC

(3) https://www.bbc.co.uk/news/blogs-trending-33450391

(4) https://www.teenvogue.com/story/bts-criticism-xenophobia-in-disguise