Hàn Quốc là quốc gia có internet nhanh nhất trên thế giới—tàu điện ngầm cũng có 5G wifi, và khoảng 90% dân số sử dụng smartphones. Tuy nhiên, ở một quốc gia có thể xem là thiên đường công nghệ, vài năm gần đây có một vấn nạn đáng chú ý: Molka—chữ tiếng Hàn để gọi spycam, camera quay lén.

Ðây là chủ đề của film tài liệu Stacey Dooley Investigates: Spycam Sex Criminals của BBC.

Thử tưởng tượng, ở Hàn Quốc bạn có thể bị quay lén ở bất kỳ đâu, nếu là phụ nữ—theo film tài liệu của Stacey Dooley, camera có thể bị cài trong khách sạn, trong phòng thay đồ, trong phòng tắm, ở nhà vệ sinh công cộng… phụ nữ đi ngoài đường có thể bị chụp hình hoặc quay lén dưới váy (upskirt)… Trong film tài liệu có một cảnh, Stacey Dooley được một người đi săn spycam (spycam hunter) thách thức tìm 30 cameras giấu khắp nơi trong phòng khách sạn, và chỉ tìm được khoảng một nửa. Với công nghệ tiên tiến, ở Hàn Quốc camera có thể bé tí với ống kính nhỏ như hạt đậu, không thấm nước, và có thể nhét vào bất kỳ đâu—có thể nhét vào hệ thống điều hòa, cài vào lọ nước rửa tay, thú nhồi bông, calculator, đồng hồ, chai coca, mắc áo, vòi hoa sen v.v… đủ mọi nơi không ai chú ý.

Ðáng chú ý hơn, nhiều loại camera thế này có wifi, nên nạn nhân có thể vào khách sạn, hoàn toàn không biết hình ảnh của mình đang phát trực tiếp online.

Nhưng không chỉ người lạ, phụ nữ Hàn Quốc đôi khi có thể trở thành nạn nhân Molka do chính đồng nghiệp hoặc sếp của mình, hoặc chính bạn trai hoặc chồng mình.

Stacey Dooley điều tra tội phạm tình dục mới của Hàn Quốc, molka, nơi mọi người bị quay lén những khoảnh khắc thân mật nhất của họ – nguồn BBC.UK  

Tại sao quay lén?

Cho film tài liệu, Stacey Dooley gặp và nói chuyện với nhiều nhóm khác nhau, bao gồm một số người đã bị bắt vì chụp và lưu giữ hình ảnh Molka, hoặc người phải gặp bác sĩ tâm lý vì nghiện chụp lén phụ nữ.

Molka có nhiều lý do, nhưng có thể tạm chia thành hai lý do chính.

Một là tình dục. Một số người thích chụp lén, quay lén phụ nữ từ dưới váy, hoặc đặt camera trong toilet công cộng, và thấy sướng khi xem những hình ảnh riêng tư trong khi người bị quay hoàn toàn không biết. Một luật sư có 30 thân chủ vì khép tội Molka cũng bảo, không có một type thủ phạm Molka, có thể là bất kỳ ai, và không nhất thiết là loại cô đơn khổ sở như người khác có thể nghĩ—thủ phạm Molka đôi khi có thể là chủ ngân hàng, thậm chí có thể là bác sĩ hay thẩm phán.

Hai là tiền. Film khiêu dâm (porn) bị cấm ở Hàn Quốc, nhưng nó không làm nhu cầu muốn coi porn mất đi—Molka có thể kiếm tiền như film khiêu dâm mà không cần trả tiền cho người “xuất hiện” trong video. Một trong những trang web đáng chú ý chia sẻ hình ảnh và video Molka là Soranet, và nhiều phụ nữ tìm cách tác động để đóng Soranet, nhưng sau khi nó đã bị đóng, hàng trăm trang tương tự lại mọc lên.

Ngoài ra, Molka cũng có thể trở thành công cụ đe dọa hoặc trả thù—đôi khi hai người cặp với nhau có thể quay lại vài khoảnh khắc riêng tư, hoặc đôi khi một người có thể đặt lén camera quay mình và bạn gái mình, rồi tới khi quan hệ đổ vỡ lại dùng những hình ảnh đó để đe dọa, hoặc muốn tung ra trên mạng để trả thù. Khái niệm này trong tiếng Anh gọi là revenge porn.

Stacey Dooley cũng cho thấy, một lý do sâu xa hơn là sự coi thường phụ nữ và không hiểu khái niệm về đồng thuận (consent). Ví dụ, Dooley phỏng vấn một người đàn ông, đã bắt đầu chụp lén phụ nữ từ 5 năm trước, từ khi Molka chưa được nhiều người biết tới ở Hàn Quốc, và đã bị tóm hai lần—chỉ riêng trong năm nay, đã chụp khoảng 8,000 bức hình. Nhưng người đàn ông này không thực sự cảm thấy mình làm gì sai, vì không hại trực tiếp đến ai, không tung lên mạng, không kiếm tiền từ nó, cũng không dùng để đe dọa hoặc hạ nhục những phụ nữ mình chụp, chỉ sưu tầm cho bản thân xem. Dooley phải nói, vâng đúng là không kiếm tiền từ nó và không cho ai khác xem, nhưng bản thân anh không có quyền chụp những hình ảnh đó ngay từ đầu—những phụ nữ trong hình chưa bao giờ được hỏi ý.

Các bác sĩ tâm lý tiếp xúc với người nghiện Molka cũng phải cho họ biết, thế nào là mối quan hệ lành mạnh, thế nào là đồng thuận v.v…

Đối phó

Ðể đối phó với Molka, chính phủ Hàn Quốc phải có những đội ngũ đi săn Molka—dùng công nghệ chống lại công nghệ, lấy máy móc để tìm spycam, chủ yếu trong toilet công cộng và love motels.

Ngoài ra còn có những đội ngũ lùng tìm Molka videos trên mạng, xóa nó, và truy về gốc, thu thập bằng chứng đưa cảnh sát.

Trong film tài liệu, Stacey Dooley cũng gặp viên cảnh sát đứng đầu cuộc điều tra và phá vỡ đường dây Molka lớn nhất của Hàn Quốc—1600 nạn nhân, 10 thành phố, 30 nhà trọ, và 42 phòng khác nhau.

Bảo Huân

Molka có dừng ở quay lén không?

Khi nghĩ tới quay lén, người ta thường nghĩ, ở mức độ nhẹ là upskirt, còn nặng là đặt camera quay cảnh quan hệ tình dục không cho người kia biết. Nhưng Molka không dừng ở đó. Nó đôi khi dẫn đến tấn công tình dục hoặc thậm chí cưỡng hiếp—như quay lại hình ảnh cưỡng hiếp một phụ nữ đang say khướt, không cho biết, hoặc sau đó dùng video làm vũ khí bịt miệng.

Film tài liệu trên có nhắc tới trường hợp một tên, hỏi trên mạng có ai muốn trả tiền nhà trọ để cùng tham gia cưỡng hiếp vợ hắn không.

Nhiều phụ nữ khi bị đe dọa, thà im lặng và chấp nhận để kẻ tấn công mình không lãnh hậu quả, thay vì để video hình ảnh mình bị tung ra cho mọi người xem.

Hậu quả

Khi hình ảnh riêng tư bị lộ ra ngoài, hậu quả thường là bị ảnh hưởng tâm lý, mất sự nghiệp, mất danh tiếng, cảm thấy nhục nhã… Tuy nhiên, có những trường hợp có thể có hậu quả extreme hơn nhiều.

Ví dụ, trong film tài liệu của Stacey Dooley có trường hợp một bác sĩ bị phát hiện đặt camera quay lén nhân viên trong phòng thay đồ của bệnh viện suốt một thời gian dài. Một trong những nạn nhân, một phụ nữ trẻ, dằn vặt day dứt một thời gian nhưng không vượt qua được, cuối cùng chọn cái chết bằng cách nhảy từ tầng 17.

Trừng phạt

Hàn Quốc là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới xếp Molka là vi phạm luật pháp (ở Anh, upskirting—chụp lén dưới váy, chỉ mới thành tội năm 2019). Tuy nhiên, phạt thế nào là đáng và hiệu quả?

Trong film của Stacey Dooley, vị luật sư có 30 thân chủ phạm tội Molka bảo, thông thường thủ phạm có khoảng 300-400 tấm hình, còn trường hợp nhiều nhất là 40,000 hình. 40,000 hình? Sau đó bị gì? Dooley hỏi, hy vọng bị án tù dài dài. Trả lời: án treo.

Theo vị luật sư này, ở Hàn Quốc khi bị bắt chụp/ quay hình lén, lần đầu tiên thường không bị tù, lần thứ hai phạt tiền, lần thứ ba án treo, tới lần thứ tư mới đi tù; còn những người chụp/ quay rồi phát tán và kiếm tiền từ đó, khoảng 80-90% bị bắt là đi tù.

Riêng vị bác sĩ gián tiếp gây cái chết của nhân viên, chỉ bị án 10 tháng tù.

Như thế có đủ không?

Nhưng phải làm gì để đối phó với Molka, khi công nghệ càng ngày càng phát triển, người ta không thể lục lọi mọi ngóc ngách để tìm spycam, và mỗi lần một trang web bị đánh sập lại có hàng chục trang khác mọc ra thay thế?

Tôi hoàn toàn không biết.

Phụ nữ Hàn Quốc biểu tình chống spycam trong phòng tắm công cộng – nguồn Colorado public Radio

DN