Facebook và Twitter là hai trong số những trang mạng xã hội lớn nhất trên thế giới hiện nay. Tuy nhiên người Việt thường ưa chuộng Facebook còn dân phương Tây thiên về Twitter.

Vậy đâu là điểm khác biệt?

Giới hạn

Trên Twitter mỗi tweet chỉ có 280 ký tự (thời kỳ đầu là 140) và tối đa 4 hình. Trong khi đó mỗi bài viết trên Facebook (gọi là status hay post) có thể rất dài, với giới hạn là 63,206 ký tự. Ngoài ra Facebook cho thêm hai lựa chọn khác là note, cho bài viết dài, và album để đăng hình ảnh.

Mặt tiêu cực của Twitter là bị giới hạn chữ, phải cắt chữ, đôi khi không nói đủ ý, và khó tranh luận nghiêm túc. Tuy nhiên trên Twitter bạn có thể viết một chuỗi tweet, gọi là thread. Giới hạn ký tự rèn cách viết ngắn gọn súc tích hơn, và vì mỗi tweet đều bị giới hạn, thiết kế của Twitter nhìn thon gọn hơn Facebook.

Edit

Twitter không có tính năng edit (sửa chữa nội dung). Facebook cho phép edit—trong post, có thể dễ dàng edit, còn trong comments (bình luận) sau khi edit sẽ có mục edit history, cho thấy các phiên bản trước của comment.

Chia sẻ

Trên Facebook, khi A share (chia sẻ) bài từ trang của B, post hiện trên trang của A và các comments mới xuất hiện trên trang của A. Nói rõ hơn, khi cái gì đó được chia sẻ, nó tách sang trang của người share.

Trên Twitter có hai dạng khác nhau là retweet và subtweet. Retweet là chia sẻ không kèm bình luận—khi A retweet B, tweet của B xuất hiện trên trang của A nhưng mọi like và bình luận từ trang của A quay về trang của B (dù A cũng nhận được notification). Quote tweet là chia sẻ kèm bình luận (tức là một tweet mới, trong tweet có trích dẫn tweet đó)—khi A quote tweet B, các like và bình luận trên trang của A nằm trên trang của A, tương tự với tính năng share của Facebook.

Hiện nay dưới mỗi tweet có nút “retweets and comments”, khi click vào có hai cột “retweets with comments” và “retweets without comments”. Khi nhìn vào bạn có thể thấy những người khác nói gì về tweet của ai đó.

Xem thêm:   Cao tốc & thấp tốc?

Vì tính năng retweet, mọi thứ (like và bình luận) quay về tweet gốc, Twitter có tính lan truyền cao hơn, và tweet dễ dàng lan tỏa (go viral). Người dùng cũng dễ dàng biết cái gì đang gây sốt.

Bảo Huân

Khả năng kết nối

Trên Facebook người dùng add nhau vào friend list (danh sách kết bạn) và phải được chấp nhận—mối quan hệ là hai chiều. Trên Twitter mối quan hệ là một chiều—chỉ cần follow. Ðôi khi một số người có thể để tweet private (tương tự như post trên Facebook chỉ cho người trong friend list xem) và người follow mới phải được chấp nhận, nhưng vì cách sử dụng Twitter đa phần người dùng để public—nếu ẩn tweet, làm sao người mới thấy gì để quyết định follow.

Vì có thể dễ dàng follow bất cứ ai, khả năng kết nối của Twitter cao hơn nhiều.

Trên Facebook người dùng chủ yếu tiếp xúc với người quen, người trong friend list, trong khi Twitter mở hơn, và trên Twitter có thể dễ dàng tìm người có cùng sở thích và có cùng mối quan tâm hơn. Người dùng Twitter có thể tìm thấy góc của mình: như Book Twitter (người chuyên tweet về sách), Film Twitter, Jazz Twitter, v.v.

Trên Facebook, để tìm người có cùng mối quan tâm, phải vào Facebook group cụ thể, chẳng hạn như Subtle Asian Traits trước đây tôi từng nhắc đến (cho người trẻ gốc Á, lớn lên ở phương Tây) hoặc fan group cho nghệ sĩ nào đó. Trong những group như vậy, có hàng trăm hàng ngàn người cùng bàn tán về chủ đề nào đó, không ai biết ai là ai, khó trở thành bạn hơn.

Sức lan truyền

Còn có một điểm khác. Trên Facebook có sự phân biệt giữa post và comment. Trong khi đó Twitter không phân biệt—reply cũng tính là tweet. Khi nhìn trang nhà của Facebook, chủ yếu bạn thấy post của người trong friend list, còn trên Twitter, bạn có thể thấy người mình follow trả lời người khác. Với tính năng như vậy, người dùng Twitter có thể thấy người ta đang nói về cái gì, cái gì được nhiều người chú ý, có thể cùng tham gia khi ai đó cùng nói về chủ đề mình quan tâm…

Xem thêm:   Miệng Nhà Quan ngày 11 tháng 4 năm 2024

Vì những tính năng như vậy, Twitter cũng có sức lan truyền cao hơn hẳn Facebook.

Mặt tiêu cực là ai đó cũng có thể dễ dàng nhảy vào cuộc đối thoại của bạn với người khác—nếu bạn đang tranh cãi với một người, chỉ một thời gian ngắn là một loạt người khác với quan điểm tương tự từ trang người kia nhảy sang trang bạn.

Hashtag

Twitter có cái gọi là hashtag (bắt đầu với #), và link lại tất cả những tweet có cùng hashtag. Ngoài ra Twitter còn có “trends for you”, cho thấy những cụm từ hoặc hashtag đang có nhiều người viết, trên thế giới nói chung hoặc tính theo quốc gia—có thể dễ dàng biết tin tức, thấy chủ đề nào đang nóng, v.v. Ví dụ ở Anh trong tháng 6, những chủ đề nhiều người nhắc tới là Covid-19 (đặc biệt hashtag #Covidiots, ghép hai chữ Covid và idiot), #blacklivesmatter, tranh luận về chuyển giới (với hashtag #transwomenarewomen và tên J. K. Rowling), Dominic Cummings (chính trị gia phá luật lockdown), Brexit, #defundtheBBC, v.v.

Không phải không có lý do mà phong trào #MeToo xuất phát từ Twitter chứ không phải Facebook.

Tuy nhiên, mặt trái của Twitter là tạo ảo tưởng về mối quan tâm và quan điểm của mọi người nói chung, trong khi Twitter không phải là đời thực—chẳng hạn, Twitter có thể tạo cảm giác dân Anh nói chung đều theo phong trào trans (transgender, chuyển giới) và chống lại J. K. Rowling, nhưng thực tế không phải vậy. Nhiều người có thể không dùng Twitter, hoặc dùng nhưng không nói gì vì không muốn thể hiện quan điểm hoặc sợ bị mất việc.

Xem thêm:   Họa sĩ... "Vandal"

Xóa

Cả hai tất nhiên đều cho phép tự xóa post của mình. Tuy nhiên trên Facebook, bạn có thể xóa comment của người khác trên trang mình, còn trên Twitter thì không. Tuy nhiên bạn có thể ẩn reply hoặc block người kia hoặc bấm report.

Mặt tích cực là tweet của bạn không bị người khác xóa, trừ phi bạn phạm luật và bị Twitter xóa. Mặt tiêu cực là không thể kiểm soát replies của người khác, và Twitter dễ dàng dẫn tới tình trạng bullying trên mạng.

Block

Cả hai đều có tính năng block (chặn), nhưng có vài khác biệt. Khi block ai đó trên Facebook, bạn sẽ hoàn toàn không thấy người đó nữa, và người đó cũng sẽ hoàn toàn không thấy bạn nữa. Trên Twitter, người kia sẽ không thấy bạn nữa nhưng bạn có thể thấy nếu muốn—ví dụ bạn block A, một người bạn follow là B quote tweet A, tweet của A không hiện ra thẳng trên trang nhà của bạn nhưng nếu muốn bạn có thể mở ra xem.

Twitter còn có tính năng khác là mute—tweet của người đó bị ẩn như bị block, nhưng họ không biết và vẫn có thể thấy trang của bạn bình thường.

Ngoài ra Twitter cho phép người dùng mute cụm từ hoặc hashtag nếu chủ đề nào đó làm bạn phát ngấy.

Khả năng tìm kiếm

Trên Twitter, để tìm kiếm tweet cũ rất đơn giản, và dễ hơn nhiều so với Facebook.

Mặt trái là một người nổi tiếng dễ dàng bị phanh phui nếu trong quá khứ từng viết câu nào đó phân biệt chủng tộc hay phân biệt giới tính, vì người khác chỉ cần tích tắc có thể tìm thấy tweet cũ cả 7-8 năm trước.

Quảng cáo

Twitter gần như không có quảng cáo, còn Facebook lúc nào cũng ngập tràn quảng cáo.

Nói chung, mỗi trang mạng xã hội có thế mạnh và điểm yếu riêng, và bài viết trên cho thấy những khác biệt lớn giữa Twitter và Facebook.

DN