Influencer là gì?

Có thể tạm hiểu là người có sức ảnh hưởng—người tạo xu hướng và tác động đến cộng đồng. Ví dụ sao Hàn Quốc mặc gì, nhuộm tóc gì, tô son gì, dùng điện thoại gì… là fan ùn ùn làm theo. Influencer có thể là sao, là diễn viên, ca sĩ, người mẫu…  influencer cũng có thể là người không thuộc showbiz nhưng có lượng followers lớn trên Youtube hoặc mạng xã hội như Instagram.

Chẳng hạn ở Mỹ, gia đình Kim Kardashian, đặc biệt Kylie Jenner, là influencer (199 triệu người follow). Ở Việt Nam, người mẫu Ngọc Trinh có 5.3 triệu người follow trên Instagram, các hot girl/ influencer như Phí Quỳnh Anh hay Châu Bùi cũng có 2.5 và 2.8 triệu followers. Người gốc Việt, có lẽ influencer thành công và nổi tiếng nhất là chuyên viên trang điểm và Youtuber Mỹ gốc Việt Michelle Phan, có 8.87 triệu subscribers.

Các hãng thời trang, mỹ phẩm… từ nhiều năm nay không còn chỉ quảng cáo cách thông thường như qua báo chí, TV, billboards… mà, với sự phát triển của mạng xã hội, còn trả tiền cho influencers trên Instagram hay Youtube để quảng bá và tiếp thị quần áo và sản phẩm.

Chuyện đó chẳng có gì lạ.

Nhưng có vài trường hợp lạ trong giới influencers.

Các cô nàng này có gì lạ? Thoạt nhìn chẳng khác mấy các influencer khác, nhưng các nàng này đều là người ảo. Là CGI, do máy tính tạo ra. Là một hình ảnh 3D tinh vi. Không phải người thật.

Ðáng chú ý là, nếu Shudu Gram chỉ có khoảng 209,000 và Imma có 307,000 người follow trên Instagram, Miquela có khoảng 2.8 triệu followers—ngang với Châu Bùi ở Việt Nam.

Cô người ảo Shudu Gram (https://www.instagram.com/shudu.gram/)  

Tại sao dùng influencer ảo?

Những cô nàng như Imma hay Shudu bắt đầu là dự án nghệ thuật, rồi từ đó có fan và trở thành influencer. Thế giới lâu nay đã có robot, đã có búp bê tình dục, đã có ca sĩ ảo Hatsune Miku vốn là hoạt hình với giọng hát làm bằng phần mềm Vocaloid, thậm chí ở Nhật còn có người kết hôn với hình ảnh 3 chiều (hologram) của Hatsune Miku, nên influencer ảo xét ra cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên. So với người thật, các nàng còn lắm cái lợi—chẳng già, chẳng chết, chẳng tăng cân hay xuống sắc, chẳng đột ngột giải phẫu thẩm mỹ làm méo mó mặt mũi, lại càng không bao giờ lăng nhăng hay dính scandal. Hoàn toàn trong tầm kiểm soát. Không cãi lộn, không mâu thuẫn, không đòi hỏi.

Câu hỏi đặt ra là các nàng này có sức ảnh hưởng không? Fullscreen khảo sát 500 người trong độ tuổi 13-34 để xem người follow các influencer ảo có mua hàng vì họ không—55% có mua gì đó, 55% tham dự sự kiện, 53% bấm follow một thương hiệu, và 52% nghiên cứu tìm hiểu sản phẩm của thương hiệu được quảng bá.

Người thì ảo, nhưng tiền thì thật—Miquela đã quảng cáo cho một loạt thương hiệu lớn như Prada, Samsung, Ugg, Balenciaga, Calvin Klein (đứng chung với siêu mẫu Bella Hadid)… và hiện nay có trị giá khoảng 100 triệu bảng Anh. Theo ước tính của OnBuy, riêng năm nay Miquela thu được khoảng 11.7 triệu đô.

Phía sau Miquela là Sara DeCou và Trevor McFedries—cả hai đang sống ở Los Angeles, Sara trong một căn hộ giá khoảng 1 triệu bảng Anh còn Trevor sở hữu một căn nhà bungalow kiểu Tây Ban Nha giá khoảng 975,000 bảng Anh.

Cô người ảo Imma (https://www.instagram.com/imma.gram/)

Vấn đề đạo đức

Như bài viết của Dailymail có nói, thành công của Miquela khiến người ta đặt ra câu hỏi về vấn đề đạo đức. Phân tích dữ liệu cho thấy hơn một nửa số người theo dõi Instagram của Miquela nằm trong độ tuổi 18-24, và cũng có nhiều số khác dưới tuổi 17. Có đúng không khi quảng cáo sản phẩm cho độ tuổi teen dễ bị ảnh hưởng, bằng cách sử dụng một influencer hoàn toàn không phải người thật? Miquela hay những influencer ảo khác như Imma hay Shudu cũng quá hoàn hảo—không mụn nhọt, không bị da nám hay sần sùi, không mỡ thừa, không bị cellulite trên đùi… trở thành hình mẫu cho cái đẹp hoàn hảo không thể đạt được và càng làm tăng anxiety (lo âu/ rối loạn lo âu) cho giới trẻ và trẻ vị thành niên.

Ngoài ra còn là vấn đề đạo đức khi cạnh tranh với người thật—một cô nàng mới mở Instagram đã phải tranh đua với hàng triệu các cô khác để hút followers, lại còn phải tranh với influencer ảo.

Riêng trường hợp Shudu còn gây tranh cãi chí chóe trên mạng 2 năm trước vì là người mẫu ảo da đen nhưng người tạo ra lại là một đàn ông da trắng—một phe bảo đó là một kiểu lợi dụng phụ nữ da đen mà không phải trả tiền cho người mẫu thật, phe kia cãi lại, đó là lập luận phi lý, Shudu là một dự án nghệ thuật, một công trình đồ họa, chẳng liên quan đến chuyện thuê người mẫu thật.

Cô người ảo Miquela hay Lil Miquela (https://www.instagram.com/lilmiquela/)

Influencer ảo mùa Covid

Người ta có thể tranh cãi về cạnh tranh và vấn đề đạo đức của influencer ảo, nhưng mọi thứ thay đổi năm 2020 khi cả thế giới cuốn vào đại dịch.

Giữa mùa dịch, khi chuyện tiếp xúc giữa người với người không còn là điều hiển nhiên, khi mọi thứ bị hạn chế hoặc trì hoãn, các influencer bằng xương bằng thịt phải bó gối ngồi nhà, không thể thoải mái du lịch hay dự sự kiện, các influencer ảo được dịp qua mặt và hưởng lợi, có thể bay nhảy khắp nơi. Influencer ảo ít tốt kém, hoàn toàn trong tầm kiểm soát, không phải lo dính Covid, và có thể xuất hiện nhiều nơi cùng lúc. Và tất nhiên chẳng cần giãn cách xã hội hay mang mặt nạ.

Trong tháng 7 vừa qua, Miquela cho ra video ca nhạc đầu tiên khi lễ hội ca nhạc Lollapalooza năm nay bị đẩy lên mạng. Hiện nay một influencer ảo khác, Seraphine (@seradotwav trên Instagram) đang xuất hiện ở Thượng Hải quảng bá âm nhạc của mình.

Theo một bài viết của virtualhumans.org vào tháng 6 năm 2020, trong vòng 18 tháng đã có thêm 51 influencer ảo xuất hiện trên mạng xã hội, và hiện nay có 95 influencer ảo tồn tại với trên 1000 người theo dõi.

Ðó là mùa dịch. Chuyện gì sẽ xảy ra khi dịch qua? Liệu trong tương lai influencer ảo có dần dần lấn át người thật không?

DN

Nguồn:

https://edition.cnn.com/2018/12/28/health/rise-of-digisexuals-intl/index.html

https://www.dailymail.co.uk/news/article-7345299/Computer-avatar-Miquela-Sousa-models-Prada-worth-100million.html

https://www.bloomberg.com/news/features/2020-10-29/lil-miquela-lol-s-seraphine-virtual-influencers-make-more-real-money-than-ever 

https://www.boredpanda.com/3d-black-model-shudu-cameron-james-wilson/?utm_source=google&utm_medium=organic&utm_campaign=organic

https://eu.usatoday.com/story/life/2019/10/16/cgi-influencers-blur-line-between-reality-and-fantasy-instagram-advertising/3790471002/

https://www.virtualhumans.org/article/welcoming-17-newfound-virtual-influencers-to-virtualhumans-org